Thuyết minh thuật lại một sự kiện: Một hoạt động trải nghiệm sáng tạo lớp 6
Mở bài: Giới thiệu chung về buổi trải nghiệm của trường: làm bánh trôi. Thân bài: - Giới thiệu về cách làm bánh trôi.
Dàn ý chi tiết
Mở bài: Giới thiệu chung về buổi trải nghiệm của trường: làm bánh trôi.
Thân bài:
- Giới thiệu về cách làm bánh trôi.
- Cảm xúc, ấn tượng của các bạn học sinh như thế nào?
Kết bài: Nêu cảm nhận về buổi hoạt động trải nghiệm và rút ra bài học.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Để giúp học sinh tìm hiểu cũng như có hiểu biết sâu sắc hơn về những món ăn truyền thống của dân tộc Việt, nhà trường đã tổ chức cho chúng tôi một buổi trải nghiệm về ngôi làng nhỏ ở phía noại ô để làm bánh trôi nước.
Chúng tôi đã được các cô trong làng giới thiệu chi tiết về các cách để làm bánh trôi nước. Trước hết là phải chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh. Bao gồm bột gạo nếp: 500g, dừa nạo, đường phèn, vừng tắng, muối.
Tiếp đến là cách làm bánh. Đầu tiên là bước nhào bột bánh trôi. Chúng tôi phải tiến hành trộn bột tẻ với bột nếp theo tỉ lệ 1:4, tức là cứ một phần gạo tẻ trộn với bốn phần gạo nếp (tùy từng khẩu phần ăn mà bạn sử dụng khối lượng nhiều hay ít). Cho nước và ít muối vào hỗn hợp bột, trộn đều đến khi nào bột dẻo thành khối, mềm, không bị rơi vụn ra, không bị dính tay khi trộn. Cuối cùng, bọc bột lại rồi ủ trong thời gian ba mươi phút.
Sau đó là bước làm nhân bánh. Các bạn học sinh phải cắt đường phèn thành những viên nhỏ sao cho vừa với bánh. Rang vừng trắng đến khi hạt vừng có mùi thơm thì tắt bếp, không nên rang vừng quá cháy.
Tiếp đó là tiến hành nặn bánh. Từng bạn lấy từng phần bột bánh đã ủ rồi xoa thành những hình tròn. Dùng ngón tay ấn vào giữa viên bột rồi đặt vào giữa nhân đường. Sau đó, ve viên bột lại thật kín để bao lấy hết phần đường. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi hết bột và nhân. Xếp bánh trôi đã nặn ra đĩa.
Các cô còn dặn kĩ từng bạn là không nên luộc bánh lâu quá dễ làm bánh nát. Dùng muôi có lỗ vớt bánh ra đĩa, rải đều để các viên bánh không bị đè lên nhau. Rắc vừa, dừa nạo sợi lên trên bánh rồi thưởng thức.
Qua chuyến đi đó, tôi và các bạn rất vui vì đã có thêm nhiều trải nghiêm, có thêm kiến thức về một trong những món ăn truyền thống của Việt Nam.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, mọi người lại làm bánh trôi, bánh chay. Đây là một phong tục cổ truyền rất quen thuộc với mọi người dân Việt Nam.
Nguyên liệu để nấu bánh rất thông dụng, quen thuộc. Trước tiên, chúng ta phải có gạo nếp ngon. Có thể trộn thêm gạo tẻ nhưng gạo nếp vẫn phải chiếm đa số. Có gạo làm vỏ bánh, cần có thêm đường làm nhân để tạo vị ngọt cho bánh. Nhân bánh truyền thống là bằng mật có vị thơm đậm đà. Ngày nay, nhiều gia đình dùng đường phèn có vị thơm mát. Để làm nhân bánh chay, chúng ta cần đậu xanh xay nhuyễn. Ngoài ra, cần một ít vừng, cùi dừa để rắc lên hai loại bánh.
Cách làm bánh khá đơn giản. Đầu tiên là ngâm gạo khoảng 6 đến 8 tiếng sau đó vo gạo. Vo xong, đổ gạo ra xay nước. Chú ý là không được xay khô vì như thế sẽ làm vụn gạo và các hạt sau khi xay sẽ to nhỏ không đều nhau. Xay xong đổ tất cả bột vào túi vải, buộc chặt, lấy tay nén từ từ, nhẹ nhàng để vắt nước ra. Tránh ấn mạnh tay sẽ làm bung túi vải. Nén hết nước, ta sẽ có một thứ bột dẻo để làm vỏ bánh.
Tiếp theo sẽ là bước nặn bánh. Bánh trôi được nặn tròn, to vừa phải. Cho một viên đường vào trong, nặn bột bao kín để khi luộc, đường không chảy ra. Nhân bánh chay là đậu xanh được đãi sạch vỏ, đồ chín, xay nhuyễn. Bánh và nhân phải theo một tỉ lệ hợp lí. Không nên để bánh hay nhân quá to hoặc quá nhỏ sẽ làm mất ngon khi ăn.
Tinh tế nhất là luộc bánh. Đun sôi nước rồi mới thả bánh vào. Đợi đến lúc bánh nổi lên trên mặt nước, nhẹ nhàng vớt lấy rồi thả ngay vào nước sạch và lạnh. Nếu để nóng quá lâu bánh sẽ bị chảy, không dẻo và ngon.
Thưởng thức bánh trôi, bánh chay là cả một nghệ thuật. Bánh trôi được bày vào đĩa, rắc lên trên một lớp vừng mỏng và một chút sợi cùi dừa. Bánh chay được bày trong bát. Đun nước đường pha với bột sắn rồi chan ngập mặt bánh. Ở trên rắc một ít hạt đậu xanh chín xay vỡ đôi đã đãi sạch vỏ. Màu trong của bánh, của nước dùng hài hòa với màu vàng tươi của hạt đậu xanh trông thật đẹp mắt. Đây đều là hai loại bánh ăn nguội. Bánh trôi cho vào miệng, ngậm lại rồi cắn sẽ cảm nhận được vị ngậy của gạo, vị ngọt của đường. Còn bánh chay, dùng thìa xúc miếng bánh, cắn nhẹ sẽ thấy vị ngọt mát, thơm dẻo. Với cả hai loại bánh, nếu thích, có thể cho thêm chút tinh dầu hoa bưởi.
Bây giờ, người ta không tự làm bánh nhiều như trước mà phần lớn đều đi mua khi cần. Nhưng phải tự tay mình nấu rồi thưởng thức mới cảm nhận hết cái ngon của bánh. Bánh trôi, bánh chay sẽ mãi là hai món ăn truyền thống đặc sắc của người Việt Nam.
Bài tham khảo
Trải nghiệm trong cuộc sống sẽ đem đến cho mỗi chúng ta nhiều điều ý nghĩa. Trải nghiệm khiến em nhớ đó chính là lần đầu tiên được làm bánh trôi.
Ngày 03/03 âm lịch, nhà trường tổ chức lễ hội tết Hàn thực cho tất cả học sinh được tham gia nặn bánh trôi bánh chay. Tất cả học sinh được ngồi dưới sân trường giữa tiết trời mùa xuân mát mẻ, ai ai cũng háo hức, phấn khởi. Các thầy cô mặc áo dài rất đẹp, các anh chị hướng dẫn viên ngồi hướng dẫn chúng em cách nặn bánh. Đầu tiên phải nhào bột thật mịn, thật chắc. Sau đó tiến hành cắt nhân bánh, nhân bánh là những viên đường nâu ngọt lịm. Tiếp đó lấy một mẩu bột và nặn thành hình tròn dẹt, đặt viên đường vào giữa và nặn thành viên tròn nhỏ xinh. Sau khi đã nặn được những viên bánh trôi, ta thả chúng vào nồi nước sôi, khi chúng nổi lên trên mặt nước nghĩa là đã chín. Xếp những viên bánh trôi ra đĩa, rắc thêm hạt vừng, dừa sợi để trang trí vừa thơm ngon vừa đẹp mắt. Lần đầu tiên em được trải nghiệm làm một món bánh truyền thống, em thấy vừa vui vừa hạnh phúc.
Đây quả là một trải nghiệm đáng nhớ, khiến em thêm yêu ẩm thực quê hương mình và thêm trân trọng nét đẹp truyền thống của đất nước nhiều hơn.