Thuyết minh về một sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc (bánh cuốn Thanh Trì) — Không quảng cáo

Soạn văn 8 tất cả các bài, Ngữ văn 8 , tổng hợp văn mẫu hay nhất


Thuyết minh về một sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc (bánh cuốn Thanh Trì)

thật khó mà quên món bánh cuốn Thanh Trì ăn với đậu rán sốt, một món quà đặc biệt của Hà Nội.

Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu về món bánh cuốn: thật khó mà quên món bánh cuốn Thanh Trì ăn với đậu rán sốt, một món quà đặc biệt của Hà Nội.

2. Thân bài

a. Chuẩn bị

-     Gạo phải lựa mua loại gạo tẻ ngon, ngâm chừng vài ba tiếng rồi vo sạch.

-     Sau đó, gạo được xay thành bột nước.

-     Pha một chén nước chấm: pha một chút nước sôi và đường vào nước mắm.

-    Để làm nổi hẳn vị của nước chấm lên, người hàng bánh thường gia thêm vào chai nước giấm một hai con cà cuống băm nhỏ.

-     Ai muốn ăn nước mắm không giấm, nhưng vắt chanh tuỳ ý. Ớt, lấy cay lắm hay cay vừa, cứ việc theo sở thích của từng người.

b. Cách làm

-     Khi tráng bột bánh trên phên cũng phải thật tinh khéo, lá bánh càng mỏng càng ngon.

-    Sau mỗi lớp bánh tráng nóng hổi vừa ngả xuống, người phụ việc lại nhanh tay rắc một lớp lá hành đã phi thơm bóng mỡ.

-     Mỗi lá bánh mỏng mịn, vàng ngà điểm xuyết màu xanh vàng của lá hành chưng đã tạo nên nét hấp dẫn, độc đáo riêng .

-     Vì thế, bát nước chấm kèm theo món bánh này không cần cầu kỳ: nước mắm ngon, chế thêm chút nước đun sôi để nguội, chút nước chanh và đường, ớt vừa miệng; bánh được chấm ngập đẫm, đem lại vị thơm mát của đủ vị.

-     Bánh cuốn nóng nhân thịt chấm nước mắm pha tinh chất cà cuống.

-     Bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng hành mỡ thoa vào mướt mặt mà nếm thì thanh nhẹ, mát rượi đi.

c. Trình bày và thưởng thức

-     Bánh thơm dìu dịu, êm êm.

-     Bánh cuốn không chỉ ngon và trông dẹp mắt, để thưởng thức trọn vẹn ngon của bánh cần có nước chấm.

-     Nước chấm khéo pha với các loại nước mắm ngon, dấm nếp, thêm vài lát ớt tươi giọt cà cuống và hành phi.

-     Bánh có thể ăn kèm với chả quế, ruốc thịt, ruốc tôm hấp nóng trong một nồi nước.

-     Mỗi đĩa bánh cuốn Thanh Trì với mươi lá mỏng là đủ một bữa điểm tâm thanh cảnh mà ngon lành.

3. Kết bài

-    Hình ảnh những cô hàng bên thúng bánh cuốn đã trở thành hình ảnh thân quen với những người dân sinh sống tại Hà Nội.

-     Chỉ là món quà quê dân dã nhưng bánh cuốn Thanh Trì đã thổi hồn cho âm thực Hà Nội, tinh tế mà thanh cao.

Bài mẫu

Nhắc tới món ngon Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì luôn để lại dấu ấn trong ký ức của những người đã từng sống ở mảnh đất Hà thành. Đây là món quà bình dị mà thanh tao với hương vị thật đặc biệt khiến người đã từng thưởng thức chẳng thể nào quên.

Thanh Trì vốn là một huyện ngoại thành Hà Nội, nay thuộc quận Hoàng Mai. Món bánh cuốn là đặc sản của mảnh đất Thanh Trì và đã đi vào thơ ca lưu truyền cùng năm tháng:

“Thanh Trì có bánh cuốn ngon,

Có gò Ngũ nhạc, có con sông Hồng

Thanh Trì cảnh đẹp, người đông

Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh”.

Người dân Thanh Trì đã kỳ công giữ gìn món ăn truyền thống qua bao thế hệ. Gạo được chọn làm bánh cuốn thường là gạo khang dân bởi không nát cũng không quá dẻo. Gạo được ngâm nước từ 2g – 3g rồi mang đi xay nhuyễn.

Nếu bạn được xem một người thợ tráng bánh cuốn Thanh Trì sẽ có cảm giác công việc đó trở thành nghệ thuật. Bột gạo sau khi xay xong, được hòa với lượng nước vừa đủ, người tráng bánh múc lượng bột theo “ngữ tay” đã định, thoa đều lên miếng vải trắng tinh, bọc miệng nồi nước sôi bốc hơi nghi ngút.

Khi bánh chín, họ dùng một chiếc đũa tre luồn nhẹ phía dưới, nhấc lớp bánh mỏng tang ra khay, thoa một lớp mỡ hành rồi thoăn thoắt xếp bánh thành từng lớp vào thúng.

Có một điều khá đặc biệt khiến bánh cuốn Thanh Trì khác với các loại bánh cuốn ở nơi khác, đó là bánh thường không có nhân. Chỉ là bánh mỏng tang tráng qua mỡ hành, người ăn có thể ăn kèm thêm với đậu phụ, chả Ước Lễ, kèm thêm chút rau thơm là đủ.

Một trong những điều tạo nên hương vị khó quên của món bánh cuốn Thanh Trì là nước chấm. Người bán thường pha nước chấm từ nước mắm ngon, giấm nếp, thêm vài lát ớt tươi, rải thêm chút hành khô phi vàng, đặc biệt hơn nữa thêm giọt tinh dầu cà cuống thì quả là “tuyệt đỉnh”.

Cách thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì cũng thật bình dị. Người bán thường đội thúng bánh trên đầu, hoặc chở sau xe đạp, đi dạo bán trên phố Hà Nội.

Người muốn mua chỉ cần gọi lại, người bán sẽ hạ thúng bánh xuống, cẩn thận tách từng lớp bánh cuốn mỏng tang sao cho không bị rách nát. Xếp bánh gọn gàng trên chiếc đĩa con, chỉ một nhát kéo, người bán cắt bánh thật nhanh gọn.

Tất cả được bày trên chiếc mẹt con lót lá chuối đẹp như một bức tranh. Từng lớp bánh cuốn trắng nõn, mềm mại, điểm những cọng hành lá vàng, nâu được phi mỡ trông thật bắt mắt. Nước chấm sóng sánh vàng nhạt điểm vài lát ớt đỏ tươi, rau thơm kinh giới xanh nõn, đậu rán giòn, chả Ước Lễ vàng ruộm…

Người ăn cứ thế nhẩn nha chấm từng miếng bánh cuốn mỏng tang vào thứ nước chấm vị thanh nhẹ, thơm mùi tinh dầu cà cuống, ăn kèm các thức khác, thi thoảng ngắt cọng rau thơm nhấm nháp…. Tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị vừa thanh tao lại vừa bình dị.

Không chỉ bán rong, các bà các chị bán bánh cuốn Thanh Trì thường chọn một chỗ ngồi cố định trên một góc phố, nép dưới mái hiên nào đó. Những người yêu thích món ăn này thường có những địa điểm “ruột” để tới thưởng thức mỗi khi “lên cơn thèm”. Bánh cuốn Thanh Trì là thức quà chỉ có vào buổi sáng. Cứ quãng quá trưa là các bà, các chị đã xếp gọn thúng hàng để trở về nhà chuẩn bị cho một mẻ bánh mới.

Tới Hà Nội, ngồi thưởng thức đĩa bánh cuốn Thanh Trì ngay trên hè phố trong khung cảnh yên bình khi TP vừa thức giấc, mỗi người sẽ cảm nhận được sự đặc biệt của thức quà bình dị nơi đây…

Vy Oanh


Cùng chủ đề:

Soạn văn Từ tượng hình, từ tượng thanh (chi tiết)
Tắt Đèn - Ngô Tất Tố
Thế nào là văn thuyết minh?
Thông tin về ngày trái đất năm 2000
Thuyết minh về một căn bệnh gây nguy hại đến tính mạng con người
Thuyết minh về một sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc (bánh cuốn Thanh Trì)
Thuyết minh về một thể loại văn học
Tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn 1930 - 1945, Ngữ văn 8
Tìm hiểu chung về văn bản thuyết minh
Tóm tắt tiểu thuyết Đôn Ki - Hô - Tê của Xéc - Văn - Téc
Tóm tắt truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O. Henri