Thuyết minh về một sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc (chiếu cói Việt Nam) — Không quảng cáo

Thuyết minh về một nét văn hóa


Thuyết minh về một sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc (chiếu cói Việt Nam)

Cái chiếu là một vật dụng giản dị nhưng chứa đựng ý nghĩa lớn lao.

Nga Sơn là vùng đất nằm sát biển, cách thành phố Thanh Hoá 40km về hướng Ðông Bắc. Với 8 xã nằm dọc bờ biển là một vùng triều mầu mỡ, ngoài trồng sú vẹt, mảnh đất này chỉ trồng được một loại cây duy nhất là cói, dệt nên chiếu Nga Sơn - niềm kiêu hãnh của vùng quê này.

Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông

Nhiều người có thể chưa từng đến Nga Sơn, dù chỉ một lần, nhưng từ rất lâu cụ Tố Hữu đã đưa đến cho nhiều người nét đặc trưng rất riêng của Nga Sơn: Đó là nghề làm chiếu. Nga Sơn có 8 làng nằm dọc bờ biển có nghề dệt chiếu truyền thống lâu đời.

Từ xa xưa, chiếu Nga Sơn, Kim Sơn đã được vua chúa Thăng Long biết đến. Trong các cung vua, phủ chúa, trong các bậc danh gia vọng tộc có chiếu Nga Sơn là thêm một bằng chứng thuyết phục cho sự giàu sang, sành điệu của bậc trưởng giả kinh thành. Cái đẹp quyến rũ của chiếu Nga Sơn ấy là sự óng chuốt, mềm mại. Không ở đâu hơn Nga Sơn có sợi cói nhỏ, dài và mềm mại đến thế. Nga Sơn có thể tạo nên nhiều chủng loại chiếu. Tính vượt trội ấy khó có nơi nào bì kịp. Vậy là sản phẩm đặc hiệu làm từ những bàn tay chuyên cần, khéo léo của người dân Nga Sơn được đến với mọi miền. Ngày nay thương hiệu “chiếu Nga Sơn” đã cập bến cảng nhiều quốc gia ưa chuộng chiếu cói. Nhưng cói ngày nay không chỉ tạo ra đặc chủng chiếu. Từ cói Nga Sơn đã tạo nên nhiều sản phẩm hấp dẫn khác: chiếu du lịch hai gấp, ba gấp, bốn gấp tiện lợi, giỏ đựng hoa quả, làn, bình hộp có nắp, đệm... kiểu dáng thanh thoát, trẻ trung. Trong số bạn hàng, Nhật Bản tỏ ra sốt sắng với sản phẩm cói. Từ nhiều năm trước doanh nghiệp Nhật đã đến Nga Sơn, liên hệ chặt chẽ với trên 50 doanh nghiệp cói xuất khẩu của 8 xã ven biển. Giờ đây chiếu cói Nga Sơn đã có hành lang thương mại rộng rãi đến với nhiều quốc gia.

Dệt chiếu bằng đôi tay thủ công, hiển nhiên là truyền thống của nghề này. Đây cũng là dịp để người thợ thủ công Nga Sơn thể hiện hết tài hoa trên từng tấm cói. Nhưng khi cói đã vượt ra khỏi thị trường tỉnh Thanh Hóa để đến với mọi miền, và để vươn xa hơn nữa, thì thủ công e khó đáp ứng kịp. Hơn nữa, đó cũng là một nghề nặng nhọc. Gần đây hai người thợ Nga Liên, một trong 8 làng nghề truyền thống đã mày mò, sáng chế ra chiếc máy dệt chiếu đầu tiên. Chiếu dệt mát đẹp, sợi cói đều tăm tắp, lại nhẹ nhàng hơn nhiều và nhanh. Thay vì 3 giờ người dệt thủ công mới dệt được một chiếu, thì chỉ mất 45 phút, máy cho ra một chiếu. Người ta tính, chiếc máy có thể dệt 12-15 chiếu mỗi ngày. Trong ý định, hai anh sẽ phối hợp với một số xưởng cơ khí trong huyện cho ra lò thêm vài chục chiếc phục vụ làng nghề.

Trước khi theo những chuyến tàu đưa chiếu đi chu du đây đó, hãy ra chợ làng nghề huyện để ngắm chiếu. Trên trời, dưới chiếu. Màu chiếu biêng biếc, vàng mơ áng lên sắc đỏ của những chiếc chiếu hoa, chiếu cưới, chiếu lễ hội sân đình.. Muôn màu chiếu tạo nên vẻ đẹp cho một làng nghề không trộn lẫn với bất cứ làng nghề nào khác.

Nguồn: Sưu tầm


Cùng chủ đề:

Thuyết minh về một nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam (Tết Nguyên Tiêu )
Thuyết minh về một nét đẹp văn hóa truyền thống ở Việt Nam ( Hội Chùa Hương )
Thuyết minh về một nhà văn đã được tìm hiểu trong chương trình Ngữ văn 8
Thuyết minh về một nhà văn địa phương
Thuyết minh về một sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc ( bánh xèo )
Thuyết minh về một sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc (chiếu cói Việt Nam)
Thuyết minh về một sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc (nón lá làng chuông)
Thuyết minh về một sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc (tranh Đông Hồ)
Thuyết minh về một số loài vật nhỏ bé đáng yêu
Thuyết minh về một số thể loại văn học
Thuyết minh về một số trái cây có hương vị thơm ngon trong vườn quê