Tổng hợp các cách mở bài, kết bài cho tác phẩm Thầy bói xem voi
Thầy bói xem voi là một truyện ngụ ngôn có nội dung giáo dục rất thâm thúy ẩn chứa dưới hình thức nghệ thuật hài hước thú vị
Mở bài
Mở bài mẫu 1
Thầy bói xem voi là một truyện ngụ ngôn có nội dung giáo dục rất thâm thúy ẩn chứa dưới hình thức nghệ thuật hài hước thú vị. Truyện ngụ ngôn là truyện không chỉ có nghĩa đen mà còn hàm chứa nghĩa bóng. Nghĩa bóng là ý nghĩa sâu kín gửi gắm trong truyện, thường là những bài học nhân sinh bổ ích cho con người trong cuộc sống.
Mở bài mẫu 2
Mỗi truyện ngụ ngôn luôn hàm chứa những bài học sâu sắc mà ông cha muốn gửi gắm lại cho thế hệ sau. Nếu như truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng khuyên chúng ta không được huênh hoang, kiêu ngạo phải luôn trau dồi kiến thức bản thân thì truyện Thầy bói xem voi lại đem đến cho người đọc những bài học bổ ích khác: khi xem xét sự vật hiện tượng cần có cái nhìn toàn diện, tránh cách đánh giá vấn đề phiến diện, một chiều.
Mở bài mẫu 3
Trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, có rất nhiều câu truyện ngụ ngôn chứa đựng những bài học sâu sắc mà ông cha ta gửi gắm cho thế hệ về sau. Nếu như câu truyện ngụ ngôn "Ếch ngồi đáy giếng" đã cho ta bài học không nên kiêu ngạo, huênh hoang tự đắc mà phải luôn học hỏi và rèn luyện bản thân. Thì ở truyện "Thầy bói xem voi" lại nhắc nhở chúng ta về cách nhìn nhận các hiện tượng sự vật cần phải có cái nhìn toàn diện, tránh cái nhìn phiến diện, một chiều.
Mở bài mẫu 4
Truyện ngụ ngôn là truyện kể dân gian bằng văn xuôi hay bằng thơ, mượn chuyện về loài vật, đồ vật, cây cỏ… làm ẩn dụ, hoặc chính chuyện con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện đời, chuyện người, nhằm nêu lên bài học luân lý. “ Thầy bói xem voi” là một trong những câu chuyện ngụ ngôn hài hước, phản ánh một cách chân thực mà thực tế trong xã hội hiện nay đang diễn ra thông qua những đánh giá khách quan của những ông thầy bói.
Mở bài mẫu 5
Truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” không chỉ mang ý nghĩa giải trí mà con mang lại những bài học về cuộc sống vô cùng sâu sắc. Cụ thể là câu truyện đã khuyên răn con người ta khi nhìn nhận, đánh giá về một sự vật, hiện tượng, sự việc cần có cái nhìn đa chiều, toàn diện, không nên chỉ nhìn một chiều, phiến diện khiến cho những đánh giá chưa thực sự đúng đắn, trọn vẹn.
Kết bài
Kết bài mẫu 1
Câu chuyện ngụ ngôn của người xưa đã giúp người đọc rút ra những bài học bổ ích trong cuộc sống. Khi xem xét một sự vật (hoặc sự việc) cần kết hợp nhận thức của các giác quan (tai nghe, mắt thấy...). Nhưng nếu không có điều kiện xem xét bằng đầy đủ các giác quan thì phải xem xét một cách toàn diện, không lấy cái bộ phận, đơn lẻ thay cho cái toàn thể. Đặc biệt, không nên chủ quan trong việc xem xét, đánh giá sự vật, sự việc mà cần phải biết lắng nghe ý kiến của người khác, vừa nghe vừa kết hợp với phân tích, đánh giá, tổng hợp của riêng mình.
Kết bài mẫu 2
Từ câu chuyện cười thầy bói xem voi mà nhân dân ta có câu tục ngữ: Thầy bói nói mò. Truyện cười này nhằm chế giễu bọn thầy bói mắt đã mù mà còn giở trò bịp bợm, kiếm ăn bằng trò mê tín dị đoan. Truyện Thầy bói xem voi còn mang tính ngụ ngôn sâu sắc. Nhân dân nêu lên bài học về cách nhìn và cách đánh giá sự vật, hiện tượng, không được chủ quan, phiến diện, phải có quan điểm toàn diện. Trong học tập và cuộc sống hàng ngày, bài học ấy rất cần thiết đối với mỗi người.
Kết bài mẫu 3
Qua cách tạo dựng tình huống huống đặc sắc, truyện Thầy bói xem voi trước hết đã đem lại tiếng cười vui vẻ cho người đọc. Nhưng đằng sau tiếng cười ấy, chúng ta còn tự rút ra bài học cho riêng mình về cách xem xét các sự việc, hiện tượng trong cuộc sống. Phải luôn có cái nhìn đa diện, nhiều chiều khi nhìn nhận bất cứ vấn đề gì, tránh cái nhìn một chiều dẫn đến đánh giá sai vấn đề.
Kết bài mẫu 4
Qua câu chuyện này cũng là bài học cho mọi người khi xem xét đánh giá một sự vật sự việc không nên chủ quan chỉ xem xét một khía cạnh mà phải xem xét một cách toàn diện, xem xét những mặt bản chất của sự vật, sự vật để từ đó có những lời nhận xét đúng đắn. Truyện ngụ ngôn thầy bói xem voi đã để lại cho người đọc những tiếng cười đặc sắc bởi tình tiết của câu chuyện rất hấp dẫn, qua câu chuyện này người đọc còn học được nhiều bài học trong cuộc sống thực tiễn.
Kết bài mẫu 5
Thông qua cách “xem voi” và “phán voi” của ông thầy bói, chúng ta có thể thấy được không phải ngẫu nhiên mà “Thầy bói xem voi”- tên của truyện ngắn này - cũng là một thành ngữ được sử dụng rộng rãi trong dân gian cả thời xưa cũng như thời nay hàm ý chỉ sự đoán mò phiến diện, chỉ thấy bộ phận mà không thấy toàn cục.