Văn bản Cách suy luận (Ren - Sâm Rít) — Không quảng cáo

Soạn văn 9 chân trời sáng tạo, Soạn văn lớp 9 hay nhất


Văn bản Cách suy luận (Ren-sâm Rít)

[Tác giả giới thiệu phương pháp trứ danh của thám tử Hôm là tư duy phân tích đi đôi với kiến thức sâu rộng về khám nghiệm hiện trường. Phương pháp ấy gồm bốn bước.]

CÁCH SUY LUẬN

- Ren-sâm Rít -

[Tác giả giới thiệu phương pháp trứ danh của thám tử Hôm là tư duy phân tích đi đôi với kiến thức sâu rộng về khám nghiệm hiện trường. Phương pháp ấy gồm bốn bước.]

1. Luyện cho mình thành một nhà quan sát bậc thầy về tiểu tiết. Khi đối diện với một điều bí ẩn, tiểu tiết là những chi tiết nhỏ mà từ đó thường có thể suy ra những kết luận quan trọng. Ví dụ, trong Dấu bộ tứ, Oát-sân đã thách thức khẳng định của Hôm rằng “một người bình thường khó có thể có một vật dụng hằng ngày nào mà không để lại dấu vết về đặc điểm cá nhân của anh ta trên nó” bằng cách đưa cho Hôm một chiếc đồng hồ mà gần đây mới trở thành tài sản của Oát-sân. Để thử thách khả năng suy luận của Hôm, Oát-sân yêu cầu ông miêu tả “đặc điểm của người chủ cũ quá cố”. Hôm bắt đầu bằng việc kiểm tra chiếc đồng hồ kĩ lưỡng và đưa ra một số nhận định sau:

· Chiếc đồng hồ bằng vàng và là một vật đắt tiền.

· Ít nhất nó đã năm mươi năm tuổi.

· Có hai chữ cái H.W được khắc ở mặt sau.

· Có bốn hàng chữ số khắc bên trong vỏ đồng hồ, một cách đánh dấu thường thấy của các tiệm cầm đồ đương thời.

· Chiếc đồng hồ đầy vết trầy xước và vết lõm.

· Có những vết xước rất sâu quanh lỗ khoá dùng để lên dây đồng hồ.

2. Đưa ra một số giả thiết về nguyên nhân dẫn tới các chi tiết bạn đã quan sát được. Ví dụ, hai chữ H.W có thể có nghĩa là chiếc đồng hồ từng thuộc về một người bà con của bác sĩ Oát-sân, hoặc thuộc về một người ngoài có họ cũng tình cờ bắt đầu bằng W. Các vết xước và vết lõm có thể được lí giải là do người chủ cũ bất cẩn thường để chung nó với chìa khoá và tiền xu, hoặc mang nó ra chiến trường, hoặc để cho động vật nhai nó. Các vết xước quanh lỗ khoá chỉ ra sự kém kết hợp giữa cử động tay và mắt trong khi lên dây đồng hồ, có thể do một bệnh nào đó về não, do chủ nhân bị mù, hoặc say xỉn, hoặc có thói quen lên dây đồng hồ trên xe khi đang đi trên đường xóc.

3. Loại trừ những nguyên nhân ít khả năng xảy ra nhất. Cố gắng đừng đoán - theo lời khuyên của Hôm, “đó là một thói quen cực kì tai hại đối với ngành suy luận logic", - mà thay vì thế hãy dùng lưỡi dao của Ót-khem (Occam), một phương pháp đã chứng minh rằng những cách giải thích đơn giản nhất thường là chính xác nhất. Bằng cách đó, chúng ta có thể loại bỏ các giả thiết rằng người chủ cũ của chiếc đồng hồ không có họ hàng với bác sĩ Oát-sân, mang chiếc đồng hồ ra chiến trường, hoặc bị mù. Phương pháp này không bảo đảm là luôn luôn cho ra những kết quả chính xác - ngay cả Hôm cũng phải thừa nhận rằng các suy đoán của ông chỉ dựa trên “sự tương quan giữa các giả thiết” - nhưng với một chút may mắn và trực giác, bạn sẽ thấy những suy đoán may mắn của mình hầu hết là chính xác. Sau đây là những gì nhà thám tử đại tài suy ra được từ các quan sát của mình, dù có thể những người bình thường sẽ cảm thấy họ không thể sánh được với khả năng đặc biệt của ông:

· Từ tình trạng cũ kĩ của chiếc đồng hồ, ông suy đoán rằng bất cứ ai “đối xử với một chiếc đồng hồ 50 ghi-nê (guineas) theo cách tài tử như vậy hẳn phải là một người bất cẩn. Cũng không khó để suy ra rằng người được thừa hưởng một món đồ có giá trị lớn như vậy sẽ khá là sung túc trong những mặt khác”.

· Hai chữ khắc H.W nhiều khả năng liên quan đến họ của Oát-sân. Hôm lí luận rằng, từ việc chiếc đồng hồ đã năm mươi năm tuổi, có thể nó thuộc về cha của Oát-sân, và vì những món trang sức tuỳ thân thường được truyền lại cho người con cả, nên nó đã được để lại cho anh trai của Oát-sân.

· Dấu hiệu của tiệm cầm đồ cho thấy chủ nhân của nó thường bị túng thiếu, và sau khi đem cầm chiếc đồng hồ nhiều lần, một “cú phất lên chốc lát" đã cho phép anh ta lấy lại được nó ít nhất là ba lần.

· Các vết xước quanh lỗ khoá rõ ràng là vết chìa khoá để lại khi bị tra trượt vào lỗ. “Có người đàn ông tỉnh táo nào lại có thể gây ra những vết xước như vậy?" Hôm khẳng định.

4. Tổng hợp các suy luận của bạn thành một câu chuyện có thể giải thích cho mọi chi tiết. Từ tất cả những suy luận trên, Hôm dệt nên một bản miêu tả như sau: Anh trai của Oát-sân “là một người có những thói quen cẩu thả - rất cẩu thả và bất cẩn. Anh ta được thừa hưởng món gia sản lớn, nhưng đã bỏ phí các cơ hội của mình, sống một thời gian trong nghèo túng với những đợt phất lên ngắn ngủi, và cuối cùng, sa vào bia rượu, anh ta qua đời". Oát-sân sau đó đã phải kinh ngạc thừa nhận rằng các phân tích của Hôm “chính xác tuyệt đối tới từng chi tiết". Liệu Hôm có may mắn không? Ở một số phương diện thì có - nhưng những phương pháp tư duy phân tích được áp dụng hiệu quả đã giúp ông đi tới sự thật.


Cùng chủ đề:

Soạn văn 9 tập 2 Chân trời sáng tạo hay nhất, ngữ văn 9 tập 2 ctst
Văn bản Bài phát biểu của Tổng thư kí liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (An - Tô - Ni - Ô Gu - Tê - Rét)
Văn bản Bản sắc dân tộc: Cái gốc của mọi công dân toàn cầu (Nam Lê - Như Ý)
Văn bản Bếp lửa (Bằng Việt) 9 ctst
Văn bản Bức thư tưởng tượng (Lý Lan)
Văn bản Cách suy luận (Ren - Sâm Rít)
Văn bản Cái bóng trên tường (Nguyễn Đình Thi)
Văn bản Cái roi tre (Nguyễn Vĩnh Tiến)
Văn bản Chiếc mũ miện dát đá be - Rô (A - Thơ Cô - Nan Đoi - Lơ)
Văn bản Chuyện người con gái Nam Xương CTST 9
Văn bản Cột cờ Thủ Ngữ - Di tích cổ bên sông Sài Gòn (theo Ngô Nam)