Văn bản Hình tượng con người chinh phục thế giới trong “ông già và biển cả”
Ơ-ni-xơ-tơ Hê-minh-uây (Emest Hemingway) là nhà văn xuất sắc của nền văn học hiện đại Mỹ, được Giải thưởng Nô-ben’ năm 1954.
Hình tượng con người chinh phục thế giới trong “ông già và biển cả”
Lê Lưu Oanh
Ơ-ni-xơ-tơ Hê-minh-uây (Emest Hemingway) là nhà văn xuất sắc của nền văn học hiện đại Mỹ, được Giải thưởng Nô-ben’ năm 1954. Tác phẩm Ông già và biển cả (1952) kể về cuộc hành trình săn đuổi và chinh phục con cá kiếm khổng lồ của một ông già trên biển cả, nhưng cuối cùng, con cá khổng lồ ấy lại bị đàn cá mập tấn công, rỉa thịt đến mức chỉ còn bộ xương. Thiên truyện là một ẩn dụ về hình ảnh con người theo đuổi những khát khao lớn lao, dù cuối cùng thất bại nhưng vẫn bất khuất không chùn bước. Thiên truyện thể hiện rõ nét sức thuyết phục lớn lao của tư tưởng và văn tài của Hê-minh-uây đối với Giải thưởng Nô-ben.
[...]
Hình tượng ông lão đánh cá trong tác phẩm tượng trưng cho người chinh phục thiên nhiên. Để chiến thắng được sức mạnh khổng lồ của thiên nhiên, ông lão phải vận dụng hết kinh nghiệm, trí thông minh, lòng dũng cảm của một ngư dân sống cả đòi trên biển. Cuộc chiến của ông lão với con cá khổng lồ là cuộc chiến gay go và ngoan cường, khẳng định sức mạnh cả tinh thần và thể chất của con người.
Ngày thứ ba, con cá bắt đầu mệt mỏi và dần khuất phục ông lão. Ông lão đã quá già, lại cộng thêm quá mệt mỏi vì suốt hai ngày đêm bị con cá kéo chạy dọc ngang trên biển, chỉ ăn một chút cá sống, uống nước cầm hoi, ông gần như kiệt sức: “mồ hôi ướt đẫm người, lão mệt thấu xương”; “hoa mắt suốt cả tiếng đồng hồ”; “mồ hôi xát muối vào mắt lão; hai lần lão cảm thấy chóng mặt và choáng váng”; “chưa bao giờ mình mệt như thế này”; “lão lại thấy xây xẩm mặt mày”; “lão cảm thấy choáng váng, đau đón và không nhìn rõ”; “lão cảm thấy mình sắp ngất đi”;... Ông mệt mỏi và suy sụp đến nỗi: “lòng kiêu hãnh” cũng đã “mất từ lâu”.
Nhưng ông lão vẫn kiên cường không bỏ cuộc. Bởi lẽ, cuộc đấu với con cá được ông lão coi là một cuộc đấu thực sự không chỉ vì mưu sinh mà còn vì danh dự của một con người sinh sống lâu trên mặt biển. Ông lão luôn tự động viên mình: “mày khoẻ, mày luôn khoẻ”; “đầu ơi, hãy tỉnh táo, mình sẽ cố thêm lần nữa”; “hãy đứng vững, đôi chân kia”; “tỉnh táo vì tao, đầu à, bọn mày chưa bao giờ bại trận”;... Với những kinh nghiệm và trí thông minh của người đánh cá lão luyện, ông đã dồn hết sức để bắt con cá: “thả dài dây câu, kéo dây, thu dây về” để con cá, dù có sức mạnh ghê gớm nhưng không thể tuột ra khỏi bàn tay dày dặn kinh nghiệm của ông lão. [...]
Để nói về ý chí và sức chịu đựng của ông lão, ý nghĩ ấn tượng nhất của ông lão là: “Hãy giữ đầu óc tỉnh táo và biết cách chịu đựng như một con người. Hay như một con cá”. Điều đó có nghĩa là sự chịu đựng của con người luôn thể hiện trong trạng thái lặng lẽ, âm thầm, cô đơn, không thể chia sẻ, chỉ có mình mang hết mọi gánh nặng cuộc sống trên thế gian này. Một ý nghĩ mang tính triết lí
[...]
Ông lão đã chiến thắng bắt được con cá kiếm khổng lồ. Đối với ngư dân, bắt được cá, mà cá càng to thì niềm vinh dụ, lòng kiêu hãnh càng lớn. Con cá là vận may của ông lão sau hơn tám mươi ngày ròng rã lênh đênh trên biển. Bên cạnh việc đánh bắt cá như một phương tiện mưu sinh, bắt được nhiều cá và cá lớn là minh chứng cho những kinh nghiệm nghề nghiệp, vận may trên biển, là thành quả của ý chí và lòng quả cảm của con người. Đó là sự chiến thắng thật vinh quang của con người lao động đầy lòng mưu trí và dũng cảm.[…]
Ông già Xan-ti-a-gô (Santiago) là biểu tượng hùng vĩ của con người chinh phục biển cả, một mình đơn độc bắt cá và chống trả lũ cá mập khát máu. Suy rộng ra, đó cũng là biểu tượng của con người trên đường chinh phục thế giới, thực hiện khát vọng, ước mơ của mình một cách ngoan cường. Nhưng mặt khác, đó vẫn là con người bình thường, yếu đuối, đơn độc, rất đỗi con người.
(In trong Phân tích bình giảng tác phẩm văn học 12, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2013, tr. 179 – 183)