Văn bản Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)
Lược dẫn: Trịnh Sâm mê Đặng Thị Huệ, bỏ con trưởng (Trịnh Tông), lập con thứ (Trịnh Cán), gây nên sự lục đục trong phủ chúa.
HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ
(Ngô gia văn phái)
Hồi thứ hai
Lập Điện đô, bảy quan nhận di chúc
Giết Huy quạn, ba quân phò Trịnh vương
Lược dẫn : Trịnh Sâm mê Đặng Thị Huệ, bỏ con trưởng (Trịnh Tông), lập con thứ (Trịnh Cán), gây nên sự lục đục trong phủ chúa. Quận Huy Hoàng Đình Bảo, một vị đại quan của Trịnh Sâm đứng về phe Đặng Thị Huệ phò Trịnh Cán. Nhân lúc Chúa Trịnh Sâm lâm bệnh nặng sắp qua đời. Quận Huy và phe cánh Đặng Thị Huệ vội vàng đưa Trịnh Cán chính thức kế vị ngôi chúa, tuy Cán còn rất nhỏ tuổi. Trịnh Tông và đám binh lính vốn căm ghét Quận Huy và Đặng Thị Huệ bàn mưu nổi loạn. Kiêu binh tấn công phủ chúa. Quận Huy đơn độc cưỡi voi ra trận. Cuộc chiến không cân sức. Kiêu binh hung hãn giết chết anh em Quận Huy và giành chiến thắng một cách dễ dàng.
[…]
Anh em Quận Huy chết rồi, quân lính vui mừng reo hò như sấm. Họ kéo nhau vào nhà Tả Xuyên phò Thế tử Tông lên phủ đường. Họ kiệu thế tử lên vai, rồi đứng xúm chung quanh, gào lên vui sướng:
- Xin ngồi cao thêm nữa để thiên hạ đều được thấy mặt rồng cho thỏa lòng vui của mọi người!
Trong lúc gấp vội không kỉ sập, họ vẫn phải dùng tạm chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc làm ghế, đặt thế tử ngồi lên, rồi tám người kề vai vào khiêng. Chốc chốc họ lại nâng bổng chiếc mâm lên trên đàu mà đội; đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại nâng lên đầu. Cứ thế lên lên xuống xuống ye như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật. Mỗi lần thế tử được nhô lên cao, quân lính lại vỗ tay reo hò vang lên một chặp. Những kẻ buôn bán ở các phố phừng, chợ búa đều tranh nhau kéo đến xem chúa, sân phủ đông như họp chợ.
Quận Châu phải đem ngọn cờ đuôi báo phất ở giữa sân, rồi khua chiêng thu quân, mãi đến hơn một trống canh mới yên.
Mấy hôm trước, ngày nào trời cũng u ám. Hôm ấy tự dưng bầu trời lại trong sáng, mọi người đều cho đó là cái điềm thái bình, thánh chúa. Kẻ qua người lại trên đường đều hí hửng nói: “Chúa ta lập rồi!”. Thế là họ truyền miệng nhau mà vui mừng, kinh kì hôm ấy vì thế phải nghỉ phiên chợ.
Quân lính đặt chiếc sập ngự ở ngoài phủ đường, các quan đều dìu thế tử lên ngôi chúa. Cuộc lễ mừng xong rồi, các quan mới đem đạo sắc của nhà vua và tờ chỉ của thánh mẫu dụ ba quân về việc phò lập chúa, tới dán ở cửa các. Những tờ ấy đều là tạm thời thảo ra, nhưng được gọi là mệnh lệnh định sẵn.
Hôm ấy, việc biến xảy ra, Thị Huệ khiếp sợ vô cùng, phải thay đổi quần áo, nấp ở hậu cung. Các gia thần của vị chúa nhỏ cũng đều chạy trốn hết cả. Riêng Quận Diễm bế chúa lánh ở một nơi khác, từ sáng đến tối không được miếng gì vào mồm, chúa gào khóc nheo nhéo. Quận Diễm phải dọa: “Không được khóc to, kẻo quân lính nghe tiếng, chúng nó kéo đến đánh chết!”. Chúa nhỏ sợ hãi, mới không khóc nữa.
Đến đêm, thánh mẫu sai người đi tìm Thị Huệ cùng chúa nhỏ về cung, cho thay quần áo và ăn uống. Chúa nhỏ vì quá sợ hãi, không ăn uống gì được, bệnh càng thêm nguy kịch.
Chúa mới (Trịnh Tông) bèn treo giải hễ người nào chữa khỏi bệnh cho chúa nhỏ thì thưởng một trăm lạng vàng và phong cho tước hầu. Nhưng rốt cuộc không có ai nhận chữa.
Hôm sau, chúa mới ra lệnh cho quan tham tụng Tứ Xuyên hầu thay cháu nhỏ làm một tờ khải xin tự lui xuống làm vương đệ. Tờ khải làm xong, chúa mới giao xuống cho các đình thần bàn bạc. Các quan xin giáng phong chúa nhỏ làm Cung quốc công. Được ít lâu sau thì Cung quốc công qua đời.
Lại nói, bọn quân lính tuy đã chết anh em Quận Huy, nhưng cơn giận vẫn chưa hả. Phò lập thế tử Tông lên ngôi chúa xong xuôi, họ lại kéo đến quỳ ở trước mặt chúa xin phá tất cả dinh cơ của Quận Huy.
Chúa ưng lời ngay. Ba quận liền reo lớn:
- Quan cứ lệnh, lính cứ truyền, mau đi phá hủy dịnh thự Quận Huy anh em ơi!
Chỉ trong chốc lát, nhà cửa của Quận Huy bị phá tan tành, một mảnh ngói cũng không còn. Rồi bọn quân lính càng thừa thế hoành hành. Phàm các quan văn võ, hễ ai thuộc bè đảng Thị Huệ và Quận Huy, cùng những người dự vào việc tố giác vụ án năm Canh Tý, những viên quan hầu mọi ngày có tính nghiệt ngã mà quân lính vẫn ghét, lúc ấy cũng đều bị phá nhà hàng loạt và bị lùng bắt đem giết chết.
Luôn trong mấy ngày, họ làm náo động cả kinh thành. Tông phải hạ chỉ ngăn cấm mà họ vẫn không thôi.
Sau, chúa phải sai người dò xét trong kinh kì, lén đến chỗ tụ họp, rồi bắt phứa lấy một thường dân ở gần đó đem chém để ra oai. Từ đó về sau việc phá phách nhà cửa mới tạm dừng, nhưng việc lùng bắt người để giết thì vẫn chưa dứt…
Hồi thứ mười bốn
Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận
Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài
Lược dẫn: Kiêu binh ỷ vào công phò lập Trịnh Tông, ngày càng lộng hành, gây ra cảnh loạn lạc, chúa mới Trịnh Tông chẳng khác nào con rối trong tay chúng. Nguyễn Huệ bấy giờ ở trong Nam phải kéo quân ra Bắc để dẹp loạn kiêu binh, đưa Lê Chiêu Thống lên ngôi vua. Khi Nguyễn Huệ quay vào Nam, Trịnh Bồng lại nhảy ra chiếm ngôi chúa, mâu thuẫn giữa Vua Lê – Chúa Trịnh tái diễn gay gắt. Nguyễn Hữu Chinh được Nguyễn Huệ sai ra Bắc diệt Trịnh Bồng. Vua Lê dựa vào thế lực của Nguyễn Hữu Chinh đốt sạch cơ ngơi của Chúa Trịnh. Nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh ngày càng lộng quyền, Nguyễn Huệ lại phải sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chinh. Lê Chiêu Thống biết tin, vô cùng hoảng sợ, chạy sang cầu cứu nhà Thanh. Vua Thanh nhân cơ hội ấy cất quân sang xâm chiếm nước ta.
Trước tình hình đó, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi vua (niên hiệu Quang Trung) tại Phú Xuân. Vua Quang Trung gặp mưu sĩ Nguyễn Thiếp để trù định về sách lược đánh giặc; tuyển thêm quân ở Nghệ An và mở tiệc khao quân, hẹn với tướng sĩ sẽ mừng chiến thắng và đón Tết Kỷ Hợi ở Thăng Long, sau đó đích thân cầm quân thần tốc tiếc ra Bắc đánh đuổi quân Thanh.
[…]
Vua Quang Trung bèn sai mở tiệc khao quân, chia quân sĩ ra làm năm đạo, hôm đó là ngày 30 tháng Chạp. Rồi nhà vua bảo kín với các tướng rằng:
- Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã. Đến tối 30 Tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, đừng cho là ta nói khoác!
Sau đó nhà vua truyền lệnh: Các viên tướng ở trung quân thuộc về doanh vua sai phái là Đại tư mã Sở; Nội hầu Lân đốc suất tiền quân làm tiên phong; Hám hổ hầu đốc suất hậu quân làm đốc chiến; Đại đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết đốc suất tả quân, trong đó gồm có thuỷ quân, vượt biển vào sông Lục Đầu; rồi Tuyết vẫn kinh lí vùng Hải Dương để tiếp ứng với mặt đông; còn Lộc thì đi gấp lên các hạt Lạng Sơn, Phượng Nhãn, Yên Thế để chặn đường về của quân Thanh; Đại đô đốc Bảo, Đô đốc Long đốc suất hữu quân, trong đó gồm quân voi và quân kị mã; Long xuyên qua huyện Chương Đức, theo đường đến thẳng làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì để đánh ngang vào đồn quân Điền Châu; Bảo thì thống đốc quân voi ngựa dò đường Sơn Minh ra làng Đại Áng, huyện Thanh Trì để tiếp ứng cho cánh hữu.
Cả năm đạo quân đều lạy vâng mệnh lệnh, đúng ngày, gióng trống lên đường
ra Bắc.
Khi quân ra đến sông Gián, nghĩa binh trấn thủ ở đó tan vỡ chạy trước. Lúc đến sông Thanh Quyết, toán quân Thanh đi do thám từ đằng xa trông thấy bóng cũng chạy nốt. Vua Quang Trung liền thúc quân đuổi theo, tới huyện Phú Xuyên thì bắt sống được hết, không để tên nào trốn thoát. Bởi vậy, không hề có ai chạy về báo tin, nên những đạo quân Thanh đóng ở Hà Hồi và Ngọc Hồi? đều không biết gì cả.
Nửa đêm ngày mồng 3 tháng Giêng, năm Kỷ Dậu (1789), Vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, lặng lẽ vây kín làng ấy, rồi bắc loa truyền gọi, tiếng quân lính luân phiên nhau dạ ran để hưởng ứng, nghe như có hơn vài vạn người. Trong đồn lúc ấy mới biết, ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng, lương thực khí giới đều bị quân Nam lấy hết.
Vua Quang Trung lại truyền lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Đoạn kén hạng lính khoẻ mạnh, cứ mười người khênh một bức, lưng giắt dao ngắn; hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn thành trận chữ “nhất”; Vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra, chẳng trúng người nào cả. Nhân có gió bắc, quân Thanh bèn dùng ống phun khói lửa ra, khói toả mù trời, cách gang tấc không thấy gì, hòng làm cho quân Nam rối loạn. Không ngờ trong chốc lát trời bỗng trở gió nam, thành ra quân Thanh lại tự làm hại mình.
Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo của hai bên đã chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai nấy cầm dao ngắn chém bừa; những người cầm binh khí theo sau cũng nhất tề xông tới mà đánh. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Tên Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. [...] Quân Thanh đại bại.
Trước đó, Vua Quang Trung đã sai một toán quân theo bờ đê Yên Duyên kéo lên, mở cờ gióng trống để làm nghi binh ở phía đông. Đến lúc ấy, quân Thanh chạy về trông thấy, càng thêm hoảng sợ, bèn tìm lối tắt theo đường Vịnh Kiều mà trốn. Chợt lại thấy quân voi từ Đại Áng tới, quân Thanh đều hết hồn hết vía, vội trốn xuống đầm mực, làng Quỳnh Đô (thuộc Thanh Trì, Hà Nội), quân Tây Sơn lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người.
Giữa trưa hôm ấy, Vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành (có sách chép khi Quang Trung vào Thăng Long, chiếc chiến bào màu đỏ đã bị nhuộm đen vì khói thuốc súng).
Nguyên trước đó, Đô đốc Long đốc suất hữu quân đã đem binh đến đóng ở làng Nhân Mục huyện Thanh Trì. Lúc Vua Quang Trung đang đánh với quân Thanh ở Ngọc Hồi, thì sáng hôm ấy Long đã đánh tên Thái thú Điền Châu ở trại Khương Thượng' thuộc huyện Quảng Đức. Quân Thanh tan vỡ bỏ chạy, Long liền tiến trước vào thành.
Lại nói Tôn Sĩ Nghị và Vua Lê ở thành Thăng Long, tuyệt nhiên không nghe tin cấp báo gì cả. Cho nên trong ngày Tết mọi người chỉ chăm chú vào việc yến tiệc vui mừng, không hề lo chỉ đến việc bất trắc”. Nào hay cuộc vui chưa tàn, cơ trời đã đổi. Ngày mồng 4 bỗng thấy quân ở đồn Ngọc Hồi chạy về cáo cấp. Thật là: “Tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”. Bọn ấy lại nói:
- Quan quân ở đồn Hà Hồi đều bị quân Tây Sơn đánh úp bắt hết cả. Ở đây cách đồn Ngọc Hồi không xa, sớm chiều thế nào cũng bị đánh tới.
Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt sợ hãi, lập tức sai lãnh binh Quảng Tây là Thang Hùng Nghiệp dẫn viên hàng tướng Tây Sơn là Phan Khải Đức đem nghĩa binh tới cứu; lại sai hai mươi lính kị mã ở dưới trướng của mình cùng đi với Nghiệp, và dặn họ rằng:
– Trong khoảng chốc lát, phải tiếp tục báo tin về ngay.
Ý của Nghị chỉ lo có một mặt đó, không ngờ lại có mặt khác ập tới. Canh tư đêm ấy, chợt nghe ở phía tây bắc thành, tiếng súng nổ đùng đùng không ngớt. Nghị vội sai người cưỡi ngựa ra xem, thì nghe báo tin đồn quân Điền Châu tan vỡ, quân Tây Sơn đã vào cửa ô, (...) khói lửa bốc lên đầy trời rồi.
Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy. Quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi xuống nước, đến nỗi nước sông Nhĩ Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa.
Vua Lê ở trong điện, nghe tin có việc biến ấy, vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa Thái hậu ra ngoài. Cả bọn chạy đến bến sông thì thấy cầu phao đã đứt, thuyền bè cũng không, bèn gấp rút chạy đến Nghi Tàm, thình lình gặp được một chiếc thuyền đánh cá, bèn cướp lấy rồi chèo sang bờ Bắc. Trưa ngày mồng 6, Vua Lê và những người tuỳ tòng chạy đến núi Tam Tằng, nghe nói Tôn Sĩ Nghị đã đi khỏi đó. Bấy giờ quân Thanh chạy về nước, trên đường đông nghịt như chợ, đêm ngày đi gấp, không dám nghỉ ngơi. Vua đưa Thái hậu cùng đi với họ đến đồn Hoà Lạc, thì gặp một người thổ hào. Hồi trước Vua Lê chạy ra ngoài, người ấy đã được biết mặt; lúc đó thấy vua, người ấy bất giác rơi lệ, nhân tiện mời vua vào trại trong núi tạm nghỉ. Bấy giờ, Vua Lê và mấy người tuỳ tòng luôn mấy ngày không ăn, ai nấy đều đã mệt lử. Người thổ hào kia liền giết gà làm cơm thết đãi. Vua sai bung một mâm lên mời Thái hậu, còn mình thì cùng ăn với bọn Quýnh, Hiến ở mâm dưới. Ăn xong, chợt nghe quân Tây Sơn đã đuổi đến nơi, vua cuống quýt bảo người thổ hào rằng:
– Muôn đội hậu tình, không có gì để báo đáp, chỉ có trời cao đất dày chứng giám tấc lòng thành của ông mà ban phúc cho thôi. Bây giờ quân giặc gần tới, trước mắt đây còn có con đường sống nào để có thể chạy gấp lên cửa ải, xin tính kế ngay cho.
Người thổ hào vội vã sai con đưa đường, theo lối tắt trong núi mà đi. Trời nhá nhem tối thì nhà vua đến cửa ải, theo kịp chỗ nghỉ của Tôn Sĩ Nghị. Một lát, các viên quan khác cũng lục tục kéo theo đến, cùng nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt. Tôn Sĩ Nghị cũng lấy làm xấu hổ.
Phần tiếp theo: Vua Lê Chiêu Thống cùng hoàng hậu, một số cận thần theo đám tàn quân chạy sang Trung Quốc nương náu nhà Thanh, rồi một thời gian sau ông ta mất ở bên đó.