Văn bản Kéo co
Tuỳ thuộc vào số lượng người tham gia để chia đội, mỗi đượt thi đấu có hai đội. Số lượng người chơi trong mỗi đội thường khoảng 5 – 10 người trở lên.
Kéo co
a. Người chơi
Tuỳ thuộc vào số lượng người tham gia để chia đội, mỗi đượt thi đấu có hai đội. Số lượng người chơi trong mỗi đội thường khoảng 5 – 10 người trở lên. Các đội chơi thường chọn người rất kĩ lưỡng (cao, to, khỏe mạnh, dẻo dai,…) vì điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả của cuộc chơi.
Trò này có khi chỉ có hai đội chơi với nhau, có khi mang tính thi đấu, nhiều đội tham gia,... Những đội chơi mang tính thi đấu thường chọn những người cao to, có kĩ thuật kinh nghiệm thi đấu.
Khi trò chơi mang tính thi đấu thì sẽ có ban tổ chức. Ban tổ chức sẽ cử một làm trọng tài, một người đánh trống để tăng thêm không khí cuộc chơi, ngoài ra còn có các cổ động viên
Trước khi thi đấu, các đội tham gia thường sẽ được hướng dẫn về cách thức thi đấu những kĩ thuật để giành phần thắng. Mỗi đội thường đại diện cho một khu vực cụ thể, họ có thể mặc đồng phục để thêm phần phấn chấn và có trách nhiệm hơn khi thi đấu.
− Chơi cân sức: Hai đội có số người bằng nhau hoặc toàn là nam (kéo co nam) hoặc toàn là nữ (kéo co nữ), có khi xen kẽ giữa nam và nữ. Con nít chơi với con nít, người lớn chơi với người lớn. Trong trường hợp nếu có hai đội chơi, một đội có nhiều người khoẻ hơn; thì đội ấy phải đổi người qua lại để tạo sự công bằng giữa hai đội.
– Chơi không cân sức (còn được gọi là kéo chấp): Hai đội chơi chấp nhau, số lượng người trong hai đội không bằng nhau; một người mạnh, hai người yếu hay người lớn kéo với con nít; hoặc đội có những người cao, to, khoẻ chấp đội bên kia thêm người chơi.
b. Chuẩn bị
Một sợi dây dài (tuỳ số người tham dự), to, dẻo và chắc để không bị đứt trong khi kéo như: dây luột, dây thừng, hay khúc tre (được xử lí tốt, không làm hại tay người kéo)... Giữa dây buộc một miếng vải đỏ hay một vật bất kì làm dấu (gọi là tâm điểm) để xác định đội thắng.
Giữa hai đội vẽ hai đường mức dài cách nhau khoảng 1 m, có phủ lớp vôi bột lên (để xác định dấu chân xem đội nào bị thua). Đặt sợi dây dài nằm trên hai mức, cắt hai đường mức theo dạng dấu cộng và cho tâm điểm năm giữa hai mức.
c. Cách chơi
Mỗi đội tự đặt tên cho mình và cử một người bốc thăm thi đấu.
Hai đội cùng bước vào vị trí thi đấu và cầm dây lên. Thông thường, trong mỗi đội, người chơi không đứng cùng một phía với nhau, mà chia ra hai phía đối mặt nhau (để tạo thêm lực vững chắc khi kéo). Quy tắc thường áp dụng cho mỗi đội chơi: Khi các đội bước vào vị trí kéo, người đứng sau sẽ móc chân mình vào chân người đứng trước, hai chân dang rộng để giữ thăng bằng và làm trụ cho vững chắc; mỗi người trong đội đứng so le, chia đều người đứng đối diện nhau để lực kéo vững thế hơn và không bị dồn về một phía (dễ bị thua). Hai đội trong tư thế sẵn sàng và chờ hiệu lệnh từ trọng tài. Khi trọng tài nói: “Bắt đầu”, hai đội ra sức kéo để di chuyển tâm điểm về phía đội mình. Những người bên ngoài sẽ vỗ tay cổ vũ cho cả hai đội: “Cố lên”.
d. Quy định trò chơi
- Hai đội chơi: Tâm điểm về phía đội nào, đội đó chiến thắng.
- Nhiều đội chơi: Các đội còn lại thi đấu tương tự. Các đội thắng sẽ đấu tiếp với nhau để giải Nhất, Nhì, Ba
Ngày nay, trong quá trình hai đội thi đấu còn có thêm tiếng còi báo hiệu bắt đầu kéo, tiếng trống làm không khí sôi động, phấn khởi, tạo tinh thần thi đấu cho các đội.
Ngoài ra còn có dạng kéo co bằng tàu dừa hay bằng một cái cây dài chắc chắn,... Người chơi không những chơi kéo co trên cạn mà khi tắm sông (nếu cùng nhau tắm đông người) họ có thể rủ nhau chơi kéo co dưới nước, người này ôm eo người kia, chia thành hai đội và kéo qua kéo lại.