Văn bản Khám phá kì quan thế giới: thác I-goa-zu (theo Đỗ Doãn Hoàng)
Thác nước khổng lồ I-goa-du nằm ở vùng biên giới giữa hai quốc gia Nam Mỹ là Bra-xin (Brazil) và Ác-hen-ti-na (Argentina)
KHÁM PHÁ KÌ QUAN THẾ GIỚI: THÁC I-GOA-DU
Thác nước khổng lồ I-goa-du nằm ở vùng biên giới giữa hai quốc gia Nam Mỹ là Bra-xin (Brazil) và Ác-hen-ti-na (Argentina). Thác có lưu lượng dòng chảy trung bình hằng năm lớn nhất thế giới, với khoảng 275 đến 300 ngọn thác (tuỳ vào từng mùa nước) trắng nhức mắt, dài từ 64 đến 85 mét, thả mơ màng và bạo liệt như những mái tóc trắng buông toả từ đỉnh trời.
Do sự đứt gãy kì vĩ của hiện tượng núi lửa phun trào từ thượng cổ, mảng kiến tạo lục địa được nâng cao rồi trồi sụt với độ dốc lớn, trong một giây, lượng nước từ đỉnh thác ụp xuống phần lãnh thổ biên thuỳ hai quốc gia ở chân thác I-goa-du lên tới 450 000 mét khối.
Xứ sở của nhũng "kì quan tạo ra bởi Đức Chúa Trời"
Từ năm 1541, tức là hơn 400 năm qua, người Bồ Đào Nha, khi xâm chiếm thuộc địa Nam Mỹ, đã chính thức biết đến và ca tụng sự vĩ đại mang tính kỉ lục thế giới của thiên đường tự nhiên thác I-goa-du này. Sách vở, báo chí viết rõ, từ năm 1876, trong một cuốn sách nổi tiếng, tác giả An-drơ Rê-bu-ca (Andre Reboucas) đã mô tà thác “đẹp tuyệt vời", là "kì quan tạo ra bởi Đức Chủa Trời".
Từ Việt Nam, chúng tôi đến bang biên giới Pa-ra-na (Parana) của nước bạn Bra-xin sau hành trình 23 giờ bay trên bầu trời, đấy là chưa cộng thêm một giờ bay nội địa từ thành phố hoa lệ và cuồng nhiệt Xao Pao-lô (Sao Paulo). Ông cụ ngoài 70 tuổi vừa lái xe tắc xi (taxi) chở khách vừa vỗ vô lăng, hát vang một bài dân ca do chính ông phóng tác bằng tiếng Bồ Đào Nha. [ ... ]
Quanh thác nước nhiều ngọn, nhiều nhánh I-goa-du, họ tổ chức “thuỷ, lục, không quân" phục vụ du khách đủ cả. Bạn có thể đi bộ xuyên rừng, thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm văn hoa hoà nhập với thiên nhiên theo phong cách Pa-ra-goay (Paraguay), hoặc theo văn hoa của người Bra-xin rồi Ác-hen-ti-na.
Đi thăm các vườn chim, khu quần tụ muông thú ở phía Bra-xin. Đạp xe xuyên các lối mòn của hai quốc gia. Hoặc, bay trên trực thăng, ngắm hồ thuỷ điện I-tai-pu (Itaipu) là tài sản chung của hai quốc gia Pa-ra-goay và Bra-xin, nơi từng nhiều thập niên là hồ thuỷ điện lớn nhất thế giới, trước khi đập Tam Hiệp của Trung Quốc ra đời. Hoặc chơi trò dủ lượn, tung mình, nhảy ra khỏi máy bay trực thăng, bung dù, rồi thung thăng bay trên bầu trời như chim đại bàng, ngắm thác nước, rừng nguyên sinh từ trên chín tầng mây.
Trải nghiệm thiên nhiên trên bộ, trên không, rồi chúng tôi lại được đưa đi chơi trò dưới nước. Đi thuyền xuyên qua các ngọn thác cao, lao thăng vào phía “Họng quý" - trung tâm của thác I-goa-du vài trăm nhánh với lưu lượng nước lớn nhất thế giới. Quả là một trải nghiệm ... sửng sốt và khá kinh hoàng!
Ván bài sinh tử ở huyệt đạo thác I-goa-du
Sau khi đi bộ dọc các cánh rừng, với nhiều điểm chiêm ngưỡng thác I-goa-du được xây dựng công phu, tiện nghi ở dọc đường, chúng tôi được đưa lên thang máy dựng đứng, bấm nút lên đỉnh cao ngắm toàn cảnh thác. Dọc đường, các loài chim to lớn bay rợp trời, cầy hương, kì đà, nhiều loài hoang dã quý hiếm nhớn nhơ chơi. Chúng tôi ngắm thác, từ Bra-xin sang Ác-hen-ti-na. Tuy nhiên, việc xông vào trung tâm "Họng quỷ” luôn là một thách thức được lan truyền, số người dám tham gia khám phá việc mạo hiểm này không nhiều.
Nai nịt gọn gàng, lên xe điện đi dọc lối mòn, xuyên qua các khu bảo tồn xanh um, ngây ngất trước hệ sinh thái rừng nhiệt đới Bra-xin, chúng tôi được đưa đến một đường ray lớn. Tất cả leo lên cái lồng sắt, rồi nó từ từ trượt theo ray, chìm dần từ mỏm núi cao xuống sát mép nước sông I-goa-du cuộn xiết.
Dòng nước biên thuỳ lạnh ngắt, cây xanh trùm phủ từ dốc cao xuống sát mép nước. Chiếc tàu nhỏ, sơn trắng, có ghế ngồi và dây bảo hiểm, phao cứu sinh. Dù được cảnh báo trước là không nên mang gì và chỉ mặc quần áo kiểu đi tắm biển, tuy nhiên, các lữ khách mê mải với thiên nhiên vẫn cố gắng mang theo máy ảnh và điện thoại, với hi vọng ghi lại được những hình ảnh để đời.
Điều hết sức bất ngờ là người ta có thể làm tour dữ dội và có phần mạo hiểm cũng như đáng nhớ suốt đời đến vậy. Tàu chao đảo, nước xoáy làm tất cả xoay vòng, rồi lòng thuyền bị nước té ngập quá mắt cá chân người.
Tiếng nước gầm thét ào ào như có muôn vàn con quỷ gào thét. Có lẽ, ngoài việc giống về hình dáng, cái kì quan huyệt địa / huyệt thuỷ “Họng quỷ” ấy đang phát ra âm thanh cuồng nộ đến mức “chết danh” thành tên gọi. Cuối cùng, sau khi lùi, lấy đà, vào cua, trong hoàng hôn vàng lênh láng như rót mật, tất cả chúng tôi bất ngờ lao thăng vào các con thác. Nước từ trời cao đổ xuống như ai đó hắt chậu nước lớn vào cái lá tre trôi trên sông, mà chúng tôi chỉ là lũ kiến bò trên lá mục.
Tất cả nín thở, lên gồng, vài trăm ngọn thác thi nhau gào thét. Toàn thân lạnh buốt, ướt như chuột lột. Biển nước cuồn cuộn, rót thẳng vào cơ thể bạn. Sức nước quả là vô biên, nếu tàu không biết tự cân bằng như con lật đật, nếu không kịp thời thoát ra ngay lập tức thì chắc chắn tất cả sẽ bị lật úp.
“Họng quỷ” được tạo thành khi một nửa con sông ghềnh thác với lưu lượng nước 450 000 mét khối mỗi giây đổ ụp từ đỉnh xuống chân khối đứt gãy do núi lửa hoạt động khi xưa. Theo tiếng Bồ Đào Nha, ngôn ngữ quốc gia của Bra-xin hiện nay, thì tên địa danh Ga-gan-ta đô Đi-a-bô (Garganta do Diabo) này chiết tự ra nghĩa là “Cổ họng của con quỷ”.
Con quỷ “há mồm” như ngậm nước, như phun nước, với đường kính cổ họng của nó đã được đo đạc và công bố trong hồ sơ kì quan thiên nhiên thế giới: cao 82 mét, rộng 150 mét, dài 700 mét. Cái cổ họng khổng lồ và vô cùng gợi cảm, gợi hình này là điểm đến không thể thiếu của tất cả du khách tới I-goa-du.
Lao vào “Họng quỷ” trở về, phát cuồng lên trước vẻ đẹp của thiên nhiên hoang dã và sức mạnh kinh thiên của mẹ Trái Đất ở khu vực này, ai nấy trong chúng tôi đều ướt lút thút, lạnh căm căm. Cuộc đời không chỉ là dấu cộng của những hơi thở suốt dọc dài kiếp sống, mà quan trọng hơn, nó còn là những giây phút mà thiên nhiên lộng lẫy và con người tử tế đã khiến bạn phải nín thở rưng rưng. Một đoạn đời khiến mình nín thở thật tuyệt vời!