Văn bản Khúc tráng ca nhà giàn (Xuân Ba)
Con tàu xé sóng lách màn đêm vào khu vực Ba Kè. Đồng hồ chỉ 4 giờ sáng. Đại tá Chấn khoát một vòng tay về phía mông lung đen ngòm nói rằng nếu ban ngày sẽ thấy sắc nước đại dương không thẫm đen mà là màu nước hến
Khúc tráng ca nhà giàn
Xuân Ba
Con tàu xé sóng lách màn đêm vào khu vực Ba Kè. Đồng hồ chỉ 4 giờ sáng. Đại tá Chấn khoát một vòng tay về phía mông lung đen ngòm nói rằng nếu ban ngày sẽ thấy sắc nước đại dương không thẫm đen mà là màu nước hến. Dần dà chút nữa sẽ chuyển sang màu lam. Những sắc độ mà đại tá Chấn vừa nói ấy là chỉ dấu của độ sâu thềm lục địa. Độ thẫm đậm xanh đen là khoảng sâu hun hút từ ngàn thước nước trở lên. Sắc lờ đờ nước hến kia cỡ vài chục mét. Còn sắc lam bằng mắt thường có thể thấy những rặng san hô trĩu trịt với nhiều sắc độ bắt mắt. Những bãi san hô mênh mông ít cũng là chục cây số vuông, nhiều thì hàng chục, cá biệt có tới cỡ trăm ki-lô-mét vuông và không đầu thì cuối hoặc ở giữa thể nào cũng nhô lên, tuỳ theo món thuỷ triều một khoảng đá san hô cỡ vài chục mét mà bây giờ ta vẫn quen gọi là đảo chìm.
Thi sĩ Trần Đăng Khoa thực và ảo khi viết về hiện trạng ấy bằng những câu rất gợi: “Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh/ Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng/ Tổ quốc ơi! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng
tôi nhìn xuống.”("). Đảo chìm chỉ là phần nhỏ nhoi của tảng băng san hô khổng lồ. Những nước phát triển như Nhật Bản chẳng hạn vớ được những dạng đảo chìm như thế quá bằng vớ được kim cương. Một hệ thống dài cọc hàng chục, hàng trăm mét sẽ xuyên sâu xuống lớp san hô. Rồi giằng rịt với hệ thống đài cọc ấy là liên kết những loại vật liệu hiện đại chịu mặn lẫn chịu nhiệt, chịu được cả động đất. Đó chính là hệ thống móng để đỡ những thành phố nổi, những sân bay trên biển thênh thang như cỡ Kan-sai (Kansai) ở Nhật. Xung quanh những thành phố, những sân bay trên biển ấy chỉ là biển suông thôi chứ chưa nói quanh những đảo chìm, những bãi san hô của Trường Sa có vô vàn chỉ dấu của dầu khí thì còn quý giá, còn đắc địa đến dường nào! Viết đến đây trong tôi lại ập về cảm giác kính phục trước tầm biệt nhỡn của tướng Giáp Văn Cương. Nếu không mưu trí chủ động trong việc giữ đảo giữ biển thì thời điểm cam go nhạy cảm 21 năm trước rất nhiều đảo chìm của Việt Nam sẽ rơi vào tay của những thế lực thù địch. Vậy nên bao năm nay, trên hàng chục đảo chìm ấy, đội hình của lính thuỷ quân vùng IV đã lần lượt thay phiên nhau mà trấn giữ. [...] Cái nơi mà những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI này, những người lính đảo chài chãi ngày đêm từng giữ gìn nâng niu “Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng” ấy! Không chỉ có mồ hôi và sức trẻ hoà cùng biển mặn. Còn là máu! Máu của nhiều lính thuỷ Việt đã tưới xuống những rặng san hô Ba Kè này.
Khu vực Ba Kè không cồn, không nhô lên những mỏm để tạo nên thứ đảo chìm nhưng đã tạo ra một độ sâu vừa phải cho phép dựng những chòi canh lênh khênh trên đó mà bây giờ ta quen gọi là nhà giàn. Bao nhiêu nhà giàn, tôi có con số nhưng chả biên ra đây mà chỉ biết rằng từ vị trí nọ đến vị trí kia trên khoảng biển bao la của thềm lục địa, các vị trí nhà giàn xây lưng lại với nhau, vây bọc nhau, đủ sức tạo thành thế trận để giữ cho chủ quyền đất nước những khoảng san hô quý giá mà tiềm ẩn quanh đó là những mỏ dầu, túi khí. Không xa nhà giàn phía trong kia là lênh khênh những giàn khoan của những Bạch Hổ, những Đại Hùng,
Biển đã tờ mờ. Tôi cứ dõi mãi cặp mắt đã nhập nhèm vào cái đốm sáng chiếu ra từ chỗ lênh khênh kia. Khoảng biển giữa con tàu chúng tôi tới cái chòi tít mù kia sáng nay tự dưng sóng dồi lắc một cách dữ dằn. Bây giờ là xi măng cốt sắt, là sàn tường bê tông nhưng hơn mươi, mười lăm năm trước, những căn chòi canh biển ấy kém kiên cố và xây cất không được hiện đại như bây giờ.
Thử tưởng tượng một tiểu đội loanh quanh trên cái sàn diện tích hơn 50 mét vuông quanh năm suốt tháng ngó lên là trời, trông ngang là nước. Định kì tiếp tế, có thời điểm tàu ra sóng lớn xuồng không cặp vào chòi được. Bên tàu ngó sang bên chòi mà rưng rưng nước mắt. Liệu tình cảnh ấy lần này có lặp lại không?
Danh sách vào chòi đã được xướng lên qua loa phát thanh. Không thấy tên tôi.
Đúng hơn là không có một nhà báo nào được vào nhà giàn cả! Chủ nhiệm Chính trị đại tá Chấn xua như xua tà những anh mè nheo) đòi vào nhà giàn rằng sóng lớn quá rất nguy hiểm!
“Tại sao anh đi được?”. Đại tá Chấn thoăn thoắt mặc áo phao, đang cáu nhưng phì cười “các nhà báo khác, chúng tôi khác...”. Cái khác ấy là con xuống thả xuống hệt như chiếc lá dềnh lên trụt xuống khủng khiếp, khác hẳn những lần chúng tôi cập xuống vào đảo. Dường như biển không chấp nhận thứ để đua cùng sóng lớn là chiếc xuồng bé tẻo teo này.
Bộ phận công tác trên tàu hội ý hay đợi để bớt sóng hẵng vào? Nhưng số đông gay gắt rằng theo kinh nghiệm cơ mầu này sóng còn duềnh cả ngày chứ chả thể bớt, vậy nên chỉ có hai tình huống: một là không vào nhà giàn nữa, số quà tặng cùng chỉ thị thì sau này chuyển và truyền đạt cho anh em cũng được; hai là phải khéo léo mưu trí mà vào! Phương án hai được nhanh chóng thông qua.
Biển vẫn làm trò tung hứng chiếc xuống như một thứ đồ chơi mỏng manh. Trầy trật mãi mới có một người nhảy xuống được vào lòng xuống. Rồi một người, một người nữa. Kia rồi, Đại tá Chấn bằng cú nhảy khéo léo nhưng đã đổ ập được vào lòng xuồng...
Bây giờ tôi mới thấy quyết định của chỉ huy con tàu không cho cánh báo chí tham gia là sáng suốt. Chỉ sơ sảy một tẹo là lăn tòm xuống biển gây phiền hà cho anh em không biết ngần nào mà kể. Con xuống có ca nô dẫn có lúc tưởng như mất hút trong núi sóng nhưng tài tình một chốc lại hiện ra. Một tình huống nữa là xuồng cập vào được chân nhà giàn, đoạn trần ai nữa là làm sao leo lên? Nhưng bằng kinh nghiệm, tốp chiến sĩ hải quân trầy trật hồi lâu rồi cũng líu ríu đỡ nhau leo lên được. Khoảng non trưa, may mắn sóng có bớt nên toàn bộ số hàng quà tặng đất liền chuyển cho nhà giàn Ba Kè đã được chuyển sang trót lọt!
Tôi đang nói đến cái nhà giàn không mấy kiên cố những năm xa chứ không phải loại nhà giàn thế hệ mới bây giờ có thể chịu được bão cấp 12, trên cả cấp 12! Những cơn bão năm 1990, 1996, 1999, và sau chót là năm 2000 đã lần lượt thụi và thốc những cú ác liệt vào nhà giàn. Đại tá Chấn kể lại Sở Chỉ huy Quân chủng ở Hải Phòng có lúc lặng hẳn đi khi anh em một số nhà giàn điện về là chòi khó mà trụ được nếu cứ đà bão không thay đổi sức gió như thế này. Không thay đổi tức là đang cấp 11, 12. Trời ơi, thiên nhiên đang cuồng nộ mà sức người thì có hạn. Tàu đặc chủng lẫn máy bay trực thăng nào mà vượt hàng trăm cây số để cứu anh em trong lúc trời biển cùng hiệp đồng tạo trận cuồng phong? “Vĩnh biệt các thủ trưởng. Vĩnh biệt đất liền...”. Đó là những bức điện cuối cùng mà Sở Chỉ huy Quân chủng nhận được...
Mười bốn cán bộ chiến sĩ nhà giàn đã hi sinh trong một số trận bão. Nhà đổ, liệt sĩ Thượng uý Nguyễn Hữu Quảng, Chủ nhiệm Chính trị nhà giàn 1: 3 Phúc Tần đã niệm có những câu đại loại như thế. Một vòng hoa và đồ lễ đạm bạc được từ từ thả xuống biển. Tôi để ý thấy vòng hoa không xoáy chồm lên cuốn ra xa mà dập dềnh
theo tàu hồi lâu. […]
Đất có tuần nhân có vận ( nữa là biển cả mênh mông... Những căn nhà giàn, những cái chòi canh chủ quyền ấy không thể kém an toàn và tạm bợ được. Có một buổi sóng lặng, tôi ngồi với thiếu tướng Nguyễn Nam, Chính uỷ Bộ Tư lệnh Công binh, thành viên Đoàn công tác. Có nhiều người từng tấm tắc lẫn phàn nàn rằng công binh là một nghề bí hiểm và lãng mạn?! [...] Chuyện với tướng Nam thú vị bởi cứ chấp chới giữa lằn ranh cái nói được và không nói được như thế...
Từ năm 1946, cụ thể là ngày 25-3, Bác Hồ đã kí Sắc lệnh thành lập Giao thông Công chính Cục, gọi là Cục Công binh. Tôi cố mường tượng ra trong các cuộc kháng chiến, ngành công binh với hàng trăm công trình phục vụ cho quốc phòng lẫn dân sinh, những công trình A, B, C,... này khác giăng suốt từ Bắc đến Nam. Công việc chỉ đơn thuần là đào với đắp, tinh những là thứ thổ mộc, ấy vậy mà bí hiểm lẫn lãng mạn sao? Có lẽ sẽ hằn rất lâu trong tâm trí những người đã từng được một lần may mắn đặt chân đến những khu nhà xây trên phần nổi của những đảo chìm của quần đảo Trường Sa. Có lẽ vì nó ấn tượng? Vị trí những nơi quần cư cho những người lính giữ đảo chìm có lẽ hiện nay là đời thứ ba, thứ tư gì đó. Thời kì đầu tiên chỉ là những cái cọc bê tông (có nơi dùng cọc gỗ) cắm xuống nền san hô, trên bắc hoặc thưng ván hoặc bạt.
“Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời Đến một cái gai cũng không sống được”. Thơ của Trần Đăng Khoa như một thứ lí lịch trích ngang hệ thống lẫn lịch sử nhà cửa của đảo chìm Trường Sa. Bây giờ qua một số đảo chìm, có đảo vẫn để nguyên cái nhà gỗ hoặc bê tông lều bạt ấy dáng chừng lưu lại làm kỉ niệm; có đảo đã dỡ phá chỉ còn sót lại mấy cái cọc lênh khênh, có đảo thì phá trụi để lấy nền cho thế hệ nhà thứ ba bây giờ. Thế hệ thứ hai đã có sự can dự của công binh, chủ yếu là công binh của hải quân đảm trách. Đó là những công trình nói là lô cốt cũng được vì nó bít bùng bê tông chỉ hở ra những khung cửa na ná như lỗ châu mai). Trong đó chia ra những ô bê tông dùng cho việc sinh hoạt lẫn phòng thủ.
tạm gọi là một tổ hợp kiến trúc nói chung cũng bắt mắt giữa dân sinh lẫn quốc phòng.
Từ xa ngó như cái nhà, không, một biệt thự màu trắng ba, bốn tầng đột ngột nhô giữa đại dương. Đặt chân lên đảo có cửa giả, có các phòng làm việc sinh hoạt hội họp. Có những ô cửa trổ ra các hướng hình như tiện cho cả việc bố phòng lẫn phong thuỷ. Tôi biết ngó bắt mắt là thế nhưng gì thì gì cũng phải chịu được bão gió cấp cao nhất lại cả động đất nữa. Rồi bên dưới tầng san hô kia, móng tất nhiên rồi nhưng cũng có thể là bể chứa nước ngọt hay công sự phục vụ cho việc phòng thủ này khác. Nhiều tiện ích lẫn phải kiên cố như thế nên cần có sự can dự kha khá của ngành công binh quốc gia vào việc thiết kế xây cất những nhà giàn thế hệ thứ ba ở các đảo chìm Trường Sa.
Không biết mai kia có thế hệ nhà thứ tư, thứ năm nữa không thì chịu!
Câu chuyện của chúng tôi trở lại với cái nhà giàn. Tôi chỉ biết láng máng rằng cái nhà giàn hiện nay là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kết cấu khung thép của giàn khoan dầu khí với hệ thống móng cọc thép chịu được bão gió cấp 12 hoặc hơn. Tôi cũng láng máng thêm, phải là một kết cấu thế nào đó của nhiều nhà giàn mà máy bay trực thăng có thể đậu được để tiện cho việc tiếp tế phòng mỗi khi biển động.
Ngạc nhiên khi được biết, cái nhà giàn chót vùng biển đất Mũi Cà Mau cũng do quân của tướng Nam đây thiết kế thi công.
Độc đáo là hệ thống nhà giàn ấy được mọc lên, được trụ vững trên nền đất yếu mà trong nghề xây cất, quân xây dựng kị nhất bởi phải xử lí nền móng, rất nhiêu khê! Tôi ngó xuống làn nước thăm thẳm kia để rùng mình, không biết anh em công binh làm cách nào mà thương lượng được với Hà Bá hay vua Thuỷ Tề để cắm được hệ thống dài cọc vững vàng kiên cố như thế? [...]
Từ “Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời” đến nhà ba tầng (xin nói lại là một tổ hợp kiến trúc giữa dân sinh và phòng thủ). Từ cái chòi canh biển chênh vênh từng gây tổn thất cho người lính canh đảo đến nhà giàn vững chãi kiên cố hiện nay, quân của tướng Nam đã góp phần làm nên cái neo vững chãi bền chặt của chủ quyền biển đảo ở Trường Sa.
Mà nếu tôi không lầm, có lẽ họ sẽ là ông tổ của những hậu duệ) mai kia sẽ cắm hệ thống đài cọc hiện đại – bà đỡ cho nền móng những thành phố, sân bay trên biển của nước Việt Nam mới.
(In trong Tuyển tập phóng sự: Những cự li thương mến, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2013)