Văn bản Một thể thơ đọc đáo của người Việt (Dương Lâm An) — Không quảng cáo

Soạn văn 9 kết nối tri thức, Soạn văn lớp 9 hay nhất


Văn bản Một thể thơ đọc đáo của người Việt (Dương Lâm An)

Thể thơ song thất lục bát là một sáng tạo văn học độc đáo của người Việt.

MỘT THỂ THƠ ĐỌC ĐÁO CỦA NGƯỜI VIỆT (DƯƠNG LÂM AN)

Thể thơ song thất lục bát là một sáng tạo văn học độc đáo của người Việt.

Những tác phẩm đầu tiên sáng tác bằng thể thơ song thất lục bát là Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (chưa rõ tác giả, có thể được sáng tác trong thế kỉ XV) và Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn (Bài văn làm hộ tám giáp thưởng cho cô đào được giải, do Lê Đức Mao sáng tác trước khi đỗ Tiến sĩ năm 1505). Một điều thú vị là tác phẩm Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn cũng là một trong những trước tác văn học viết đầu tiên có những đoạn viết bằng thể thơ lục bát. Hiện chưa đủ căn cứ để xác định chính xác thời điểm ra đời của tác phẩm đầu tiên viết bằng thể thơ lục bát và song thất lục bát. Dẫu vậy, có thể khẳng định rằng hai thể thơ này đều được người Việt sáng tạo trong thời gian khoảng thế kỉ XV – XVI, xuất hiện trước sau không lâu.

Thể thơ song thất lục bát và thể thơ lục bát tương đồng ở quy luật dùng thanh điệu và cách gieo vần ở cặp câu lục bát. Không xét đến các trường hợp lục bát biến thể, về cơ bản, thanh điệu được cố định ở câu lục (các vị trí tiếng thứ 2, 4 và 6) là bằng trắc – bằng, còn thanh điệu ở câu bát (các vị trí tiếng thứ 2, 4, 6 và 8) là bằng — trắc bằng – bằng; vần chân được gieo ở cả hai câu, còn vần lưng được gieo ở tiếng thứ 6 (có khi ở tiếng thứ 4) của câu bát. Sự khác biệt giữa hai thể thơ này căn bản nằm ở cặp câu song thất. Về thanh điệu, cặp câu song thất chú trọng quy chuẩn thanh điệu của các tiếng ở vị trí lẻ trong câu thơ (tiếng thứ 5 và 7 ở câu thất thứ nhất lần lượt là bằng – trắc; tiếng thứ 3, 5 và 7 ở câu thất thứ hai lần lượt là bằng – trắc – bằng). Về vần, mỗi câu thất đều có cả vần chân và vần lưng. Do vậy mà cứ 28 chữ (tiếng), tương đương với một nhóm bốn câu thơ, thì thể song thất lục bát có bảy tiếng gieo vần, trong khi thơ lục bát chỉ có sáu. Chẳng hạn, tác phẩm Chinh phụ ngâm (bản diễn Nôm) mở đầu bằng những câu thơ sau:

Thủa trời đất nổi cơn gió bụi,

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.

Xanh kia thăm thẳm từng trên ,

Nào ai gây dựng cho nên nỗi này ?

Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt ,

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây .

Chín lần gươm báu trao tay ,

Nữa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh ...

Những câu thơ dài và ngắn đan xen, cùng mật độ vần lớn (trung bình mỗi bốn tiếng có một vần) không một thể thơ nào ra đời trước đó có thể sánh bằng, khiến những câu thơ song thất lục bát luôn phối hợp hài hòa với nhau, tạo nên âm hưởng du dương, giàu nhạc tính.

Giàu nhạc tỉnh là một điểm mạnh được thơ song thất lục bát phát huy ở một thể loại trữ tình trong văn học Việt Nam: ngâm khúc. Những khúc ngâm như bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm được cho là của Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748), Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798), Ai tư vấn của Lê Ngọc Hân (1770 – 1799), Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ (sống khoảng thế kỉ XIX), bản diễn Nôm Tì bà hành của Phan Huy Thực (1778 – 1844), bản diễn Nôm Chức cẩm hồi văn của Ngô Thế Vinh (1802 – 1856), Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (1815 – 1866)... đã khẳng định một giai đoạn cực thịnh của ngâm khúc cũng như thể song thất lục bát trong khoảng thế kỉ XVIII – XIX. Mặc dù ngâm khúc trong văn học Việt Nam được sáng tác bằng nhiều thể thơ khác nhau, nhưng thể thơ song thất lục bát vẫn tạo cho ngâm khúc một dấu ấn riêng, biểu hiện những tâm trạng, cảm xúc trữ tình bi thương, kết tinh những giá trị nhân văn và hiện thực sâu sắc. Chẳng hạn, những câu thơ cuối tác phẩm Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân khiến người đọc xúc cảm, suy ngẫm về số phận của một con người cũng như những biến thiên của thời cuộc:

Cảnh nào cũng ngùi ngùi cảnh ấy,

Tiệc vui mừng còn thấy chi đâu!

Phút giây bãi bể nương dâu,

Cuộc đời là thế, biết hầu nài sao?

Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng,

Nỗi đoạn trường còn sống, còn đau.

Mấy lời tâm sự trước sau,

Đôi vầng nhật nguyệt trên đầu chứng cho.

Ngoài ngâm khúc, song thất lục bát còn được dùng trong nhiều thể loại văn học khác (ca trù, văn tế, thơ,...), với những tác phẩm nổi tiếng như Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao, Tứ thời khúc vịnh của Hoàng Sĩ Khải (sống khoảng thế kỉ XVI), Văn tế thập loại chủng sinh của Nguyễn Du (1765 – 1820), Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), bản dịch Hải ngoại huyết thư ) của Lê Đại (1875 – 1952)... Dù ở thể loại nào, thơ song thất lục bát vẫn luôn thể hiện được khả năng truyền cảm mạnh mẽ mà sâu lắng. Để bày tỏ nỗi xót xa khi hay tin người bạn thân thiết không còn nữa, Nguyễn Khuyến đã viết những câu thơ song thất lục bát thật thấm thía trong bài thơ Khóc Dương Khuê

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.

Đầu thế kỉ XX, các nhà thơ danh tiếng như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải,... có nhiều sáng tác theo thể song thất lục bát. Một số nhà thơ hiện đại như Lưu Trọng Lư, Nguyễn Binh, Bích Khê, Hồ Dzếnh, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu,... vẫn tiếp tục sử dụng song thất lục bát khi sáng tác, bởi vẻ đẹp, sức truyền cảm đặc biệt của thể thơ này. Tất nhiên, thay cho tâm trạng buồn thương thường trực trong quá khứ, những tác phẩm hiện đại viết theo thể song thất lục bát đã mang hơi thở của thời đại mới, truyền tải những tâm trạng, xúc cảm mới mẻ. Như với tác phẩm Ba mươi năm đời ta có Đảng, Tố Hữu đã mang một sức sống tươi trẻ của nước Việt Nam mới gửi gắm vào trong những câu thơ song thất lục bát:

Màu áo mới nâu non nắng chói

Mái trường tươi roi rói ngói son

Đã nghe nước chảy lên non

Đã nghe đất chuyển thành con sông dài…

Ngày này, thể thơ cổ điển này không còn thịnh hành, nhưng với mỗi người Việt Nam, những câu thơ song thất lục bát vẫn luôn đem lại ấn tượng về những tình cảm thân thương. Đó thực sự là một thể thơ đặc sắc mà người Việt đã sáng tạo nên để có thể gửi gắm vào trong đó tâm hồn sâu lắng của mình.


Cùng chủ đề:

Văn bản Dế chọi (Bồ Tùng Linh)
Văn bản Kim - Kiều gặp gỡ (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Văn bản Lơ Xít (trích, Cooc - Nây)
Văn bản Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga
Văn bản Một kiểu phát biểu luận đề độc đáo của Xuân Diệu ở bài thơ "Vội vàng" (Phan Huy Dũng)
Văn bản Một thể thơ đọc đáo của người Việt (Dương Lâm An)
Văn bản Mưa xuân (Nguyễn Bính)
Văn bản Ngày xưa (Vũ Cao)
Văn bản Nỗi niềm chinh phụ (trích Chinh phụ ngâm)
Văn bản Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời (trích, Nguyễn Thị Ngọc Hải)
Văn bản Rô - Mê - Ô và Giu - Li - Ét (trích, Uy - Li - Am Sếch - Xpia)