Văn bản Tôi và chúng ta
Phòng Giám đốc.
TÔI VÀ CHÚNG TA
(Trích cảnh ba)
Phòng Giám đốc.
Việt đứng sau bàn làm việc, ngồi trước anh là Lê Sơn, Nguyễn Chính, Thanh, ông Quých, Dũng, bà Bộng, anh công nhân râu quai nón, các Trưởng phòng và Quản đốc các phân xưởng.
HOÀNG VIỆT – Sau một năm tìm hiểu và củng cố lại xí nghiệp, hôm nay mùng 1 tháng 2 năm 1980, chúng tôi sẽ trình bày với các đồng chí kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm ăn mới của xí nghiệp. Người trực tiếp soạn thảo phương án là kĩ sư Lê Sơn. Đồng chí Sơn trình bày đi !
LÊ SƠN (ngần ngại ) – Tôi ư ?... Nhưng tôi tưởng... đây chỉ là đề án tôi trình bày riêng với anh, bởi trên thực tế sẽ... không thực hiện được...
HOÀNG VIỆT – Chúng ta sẽ thực hiện. Trước tiên anh hãy cho biết : Nếu tận dụng hết khả năng lao động của xí nghiệp, nếu chúng ta chạy lo được đủ vật tự nguyên liệu thì mức sản xuất của xí nghiệp có thể tăng được mấy lần so với kế hoạch hiện nay ? Kìa sao anh không nói?
LÊ SƠN - Anh Việt... Anh hiểu cho : đến cả Cô-péc-ních(1) cũng có lúc không dám công bố những ý kiến của mình nữa là tôi. (Mọi người ồn ào. Tiếng ông Quých : Cậu ấy nhát !) Nhưng thôi được, anh đã muốn thì tôi nói ! Tôi đã tính toán kĩ, thực ra mức sản xuất của xí nghiệp ta có thể tăng hơn hiện nay... gấp năm lần.
HOÀNG VIỆT – Còn nếu mở rộng mặt hàng về nguồn tiêu thụ, trang bị thêm những loại máy mới, xí nghiệp ta cần có bao nhiêu công nhân nữa ?
LÊ SƠN – Rất nhiều, khoảng từ ba tới năm trăm công nhân nữa...
HOÀNG VIỆT – Sao lâu nay ta chỉ giới hạn trong con số trên dưới hai trăm công nhân, đồng chí Trưởng phòng tổ chức lao động ?
TRƯỞNG PHÒNG TỔ CHỨC LAO ĐỘNG – Chỉ tiêu biên chế trên cho chúng ta chỉ có thế. Một số lượng biên chế và quỹ lương vừa mức với kế hoạch sản xuất của xí nghiệp.
HOÀNG VIỆT – Cái kế hoạch sản xuất ấy ở đâu ra, anh Chính ?
NGUYỄN CHÍNH – Ở cấp trên ạ.
HOÀNG VIỆT – Nhưng cấp trên dựa vào đâu mà ra cái kế hoạch đó ?
NGUYỄN CHÍNH – Có lẽ... dựa vào kế hoạch ở cấp trên cao hơn, dĩ nhiên !
HOÀNG VIỆT – Cấp trên cao hơn lại dựa vào cấp trên cao hơn nữa, nghĩa là các kế hoạch được để ra một cách ngược đời. Đáng lẽ phải do từ cơ sở đưa lên, dựa trên khả năng cơ sở và yêu cầu của thị trường... Các đồng chí, từ chúng ta sẽ chủ động đặt ra kế hoạch của chính chúng ta.
NGUYỄN CHÍNH – Điều này trên không cấm. Trên đã cho phép bên cạnh kế hoạch chính thức ta có thể làm thêm kế hoạch hai, kế hoạch ba... Chỉ tại anh không cho phép làm đó thôi.
HOÀNG VIỆT – Tôi không cho. Một xí nghiệp làm ăn chính quy chỉ cần một kế hoạch. Xí nghiệp chúng ta chỉ có một kế hoạch, nhưng là kế hoạch do chúng ta định ra. Kế hoạch sản xuất sẽ không còn ở mức hiện nay. Trước mắt, kế hoạch sẽ tăng lên ít nhất là gấp năm lần.
TRƯỞNG PHÒNG TỔ CHỨC LAO ĐỘNG – Lấy đâu ra người làm hả đồng chí?
HOÀNG VIỆT – Vâng, công việc sắp tới của đồng chí sẽ vất vả đấy. Ngay trong tháng tới xí nghiệp chúng ta sẽ phải tuyển dụng khá đông cộng nhân nữa.
NGUYỄN CHÍNH – Đồng chí Việt ạ, chỉ tiêu trên cho ta năm nay chỉ còn 15 biên chế nữa.
HOÀNG VIỆT – Tôi không cần chỉ tiêu ấy. Xí nghiệp ta sẽ sử dụng thợ hợp đồng.
BÀ TRƯỞNG PHÒNG TÀI VỤ - Nhưng đồng chí Giám đốc ạ, chúng ta không có quỹ lương cho thợ hợp đồng.
HOÀNG VIỆT – Chúng tôi sẽ bàn với chị việc ấy, quỹ nào thì quỹ, sẽ phải có lương cho thợ. Trước mắt chúng ta sẽ dừng việc xây nhà khách, sẽ có tiền trả đủ hai tháng lương. Sau này sẽ truy hoàn. (quay sang Dũng) Đồng chí Dũng!
DŨNG – Có !
HOÀNG VIỆT – Tổ sửa chữa các cậu đã cùng anh Sơn thống kê tất cả vật tư thiết bị để tu sửa các máy móc hỏng rồi chứ ?
DŨNG – Rồi. Thống kê đây ạ.
HOÀNG VIỆT - Giám đốc giao cho đồng chí chịu trách nhiệm kiếm đủ các vật tư thiết bị ấy bằng bất cứ cách nào, ở bất cứ đầu, băng séc, bằng tiền mặt, sao không thi hành ?
DŨNG – Báo cáo.., nhưng tài vụ... không chịu chia
HOÀNG VIỆT – Đã có chữ kí của tôi rồi kia mà ?
DŨNG – Tài vụ vẫn không chịu.
HOÀNG VIỆT – Đồng chí Trưởng phòng tài vụ, lệnh của tôi phải được thi hành : cấp tiền cho tổ sửa chữa.
BÀ TRƯỞNG PHÒNG TÀI VỤ – Thưa đồng chí, nhưng…
HOÀNG VIỆT – Tôi chịu trách nhiệm.
BÀ TRƯỞNG PHÒNG TÀI VỤ – Nhưng đây là nguyên tắc không thể... Tôi phải làm đúng những quy định.
HOÀNG VIỆT – Nếu không thi hành, sẽ có người khác làm thay chị. (chỉ một cô gái ) Cô Loan kế toán – Trưởng phòng tài vụ, hãy chuẩn bị cho công nhân lĩnh lương mới từ tháng tới.
LOAN – Sao ạ ? Lương mới ?
HOÀNG VIỆT – Lương khoán theo sản phẩm. Chúng tôi đã định lại giá khoán, mở rộng lương khoán và biết chắc chắn rằng : nếu trả lương khoán, năng suất của mỗi công nhân sẽ tăng gấp năm, sẽ không ai phải lo bện thừng gia công kiếm thêm nữa. Mức sản phẩm của xí nghiệp sẽ tăng ít nhất gấp năm, đương nhiên lương của công nhân viên xí nghiệp ta sẽ phải tăng ít ra là bốn lần.
(Mọi người xôn xao.)
NGUYỄN CHÍNH – Đồng chí Giám đốc, sản xuất tăng gấp năm mới chỉ là trên dự tính. Chúng ta chưa làm được, đã vội lĩnh lương cao sao ?
HOÀNG VIỆT - Với số lương tối thiểu ấy người công nhân mới có thể sống mà không chết đói, không làm bậy. Muốn tăng sản xuất, phải đầu tư. Khâu cần đầu tư trước tiên là con người. Đến cái máy cũng phải có đủ nhiên liệu nó mới làm việc được. (với mọi người) Và phải làm ra trò ! Cái dở lâu chúng ta là : người chăm và kẻ lười được đối xử như nhau, người tài năng và kẻ dốt nát đều hưởng chung một mức quyền lợi, thậm chí có những kẻ không làm gì cả, chỉ ngồi phán thôi, lại được vì nể hơn những người đã vất vả cống hiến. Xã hội chủ nghĩa gì mà lại lạ thế ? Không, từ nay ai càng làm được nhiều sản phẩm sẽ phải được hưởng lương càng cao, ai làm tôi sẽ bị phạt bằng tiền, đó sẽ là nguyên tắc của xí nghiệp chúng ta !
(Mọi người hoan hô rầm rộ.)
BÀ TRƯỞNG PHÒNG TÀI VỤ Nhưng thứa đồng chí Giám đốc, các nguyên tắc ấy dựa trên văn bản nào vậy ?
HOÀNG VIỆT – Văn bản do tôi và các đồng chí thảo ra.
BÀ TRƯỞNG PHÒNG TÀI VỤ – Thật ra chưa hề có các nguyên tắc như thế, chưa hề có.
HOÀNG VIỆT – Thì bây giờ chúng ta sẽ đặt ra, có sao đậu ! Miễn là nó giúp chúng ta làm thêm được nhiều sản phẩm. Tất cả phải tạo mọi thuận lợi cho người trực tiếp sản xuất. Số cán bộ nhân viên gián tiếp phải giảm tới mức tối thiểu. Các đồng chí Quản đốc phân xưởng có mặt ở đây, ví dụ như đồng chí Trương, xin phép cho tôi được hỏi : Từ trước đến nay, đồng chí làm công việc gì ở phân xưởng nhỉ ?
TRƯƠNG – À… thì... tôi... tôi làm Quản đốc ạ.
HOÀNG VIỆT – Cụ thể công việc của Quản đốc là gì ?
TRƯƠNG – Dạ, là... là... trông coi, quản lí, đốc thúc các tổ thợ, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, báo cáo lên Giám đốc rồi thì....
HOÀNG VIỆT (ngắt lời Trương) – Những việc đó các tổ trưởng phải tự lo lấy. Các tổ trưởng sẽ trực tiếp làm việc với các trưởng ngành và Ban giám đốc, không cần phải qua một người trung gian là Quản đốc làm gì cho mất thì giờ. Tóm lại chúng tôi xét thấy rằng : Ở xí nghiệp ta, chức Quản đốc phân xưởng là thừa, từ nay xí nghiệp sẽ không có chức Quản đốc nữa.
TRƯƠNG (lắp bắp) – Sao ! Sao ạ... ? Không... không có Quản đốc phân xưởng ?
HOÀNG VIỆT – Vâng, các đồng chí sẽ được bố trí làm các chức trách và nhiệm vụ khác.
TRƯƠNG - Tôi không hiểu... Nếu như chúng tôi có khuyết điểm gì đồng chí có thể khiển trách, kỉ luật, đằng này... xưa nay phân xưởng vẫn phải có Quản đốc. Không phải tôi ham địa vị, nhưng bãi bỏ cả một chức vụ quan trọng như chức Quản đốc phân xưởng thì thật là...
HOÀNG. VIỆT – Không có chức vụ nào quan trọng cả. Chỉ có hiệu quả công việc là quan trọng. Xưa nay có Quản đốc, từ nay sẽ không có nữa, bởi chức vụ ấy, trong cách làm việc mới của xí nghiệp ta, là không cần thiết. Các đồng chí hãy chấp hành. Thế thôi. Các đồng chí giải tán.
(Ông Quých, bà Bộng hồ hởi đến bên Việt)
ÔNG QUÝCH – Mọi việc chưa biết rồi sẽ ra sao, nhưng ngay bây giờ anh cho phép... tôi được bắt tay anh. Bà Bộng, bà ủng hộ Giám đốc không ? BÀ BỘNG – Tôi chả hiểu lắm, nhưng ai làm cho anh chị em công nhân có công ăn việc làm, mọi người quấn túm lấy nhau, đóng góp được nhiều cho Nhà nước, bát cơm của công nhân có thêm thịt, thêm cá là tôi mừng, là tôi ủng hộ. Thôi xin phép anh... (đi ra) Tôi nói có được không ông Quých ?
ÔNG QUÝCH – Được quá chứ lị !
(Mọi người tản đi, chỉ còn Việt, Chính, Lê Sơn và Thanh.)
NGUYỄN CHÍNH - Anh Việt, tôi hi vọng tất cả những điều anh vừa nói, anh sẽ nghĩ lại.
HOÀNG VIỆT – Tôi đã suy nghĩ rất kĩ.
NGUYỄN CHÍNH – Tôi ngỡ như mình đang ngủ mê.
HOÀNG VIỆT – Thì anh hãy thức dậy.
NGUYỄN CHÍNH – E rằng người đang ngủ mê lại là anh đấy, làm đảo lộn hàng loạt lề thói, vi phạm hàng loạt nguyên tắc. Đồng chí sẽ giải thích thế nào với cấp trên ?
HOÀNG VIỆT – Như vừa giải thích với các đồng chí vậy.
NGUYỄN CHÍNH – Đồng chí bất chấp các quy định nghiêm ngặt của cả một hệ thống các cơ quan tài chính, ngân hàng, lao động, vật tư..
HOÀNG VIỆT – Những quy định từ lâu đã thành bất hợp lí, phục vụ cho một cơ chế quản lí đã cũ kĩ, lạc hậu.
NGUYỄN CHÍNH – Đã cũ kĩ lạc hậu. Không đâu ! Cái cơ chế mà đồng chí mạt sát ấy tồn tại bền vững mấy chục năm nay. Nhờ nó mà chúng ta có hôm nay, có chủ nghĩa xã hội như ngày hôm nay, hạt gạo đồng chí ăn, cái áo đồng chí mặc và cả chính con người đồng chí nữa đã được rèn luyện và trưởng thành trong cơ chế ấy. Đừng vội vã phủ nhận chỗ, có cái hôm qua đúng, hôm nay nó là vật cản. Phải tìm cách phá bỏ, mong anh thông cảm và hiểu cho tôi.
HOÀNG VIỆT – Sự vật không đứng yên, cuộc sống không đứng yên một chỗ, có cái hôm qua đúng, hôm nay nó là vật cản. Phải tìm cách phá bỏ, mong anh thông cảm và hiểu cho tôi.
NGUYỄN CHÍNH – Tất cả những việc đồng chí định tiến hành, không có trong nghị quyết Đảng uỷ xí nghiệp. Đảng uỷ chưa quyết định, đồng chí Việt ạ
HOÀNG VIỆT – Có. Nghị quyết Đảng uỷ là đẩy mạnh sản xuất và ổn định đời sống công nhân. Còn biện pháp thực hiện thế nào là trách nhiệm của Giám đốc.
NGUYỄN CHÍNH – Nhưng... đồng chí Việt... Chúng tôi không có quyền gì sao ? Tôi là...
HOÀNG VIỆT - Đồng chí là Phó giám đốc, tức là chức vụ giúp việc cho Giám đốc. Nếu không đồng ý với chức vụ ấy, đồng chí có thể xin từ chức...
NGUYỄN CHÍNH (bậm môi ) – Được rồi... đồng chí quá tự tin đấy ! Được, để rồi xem... (ra nhanh)
LÊ SƠN (đến bên Việt ) – Anh vội vã quá ! Anh đã đánh giá thấp đồng chí Phó giám đốc của chúng ta ! Con người ấy đã từng đánh đổ bốn đời Giám đốc. Hắn thuộc loại người nếu bắt tay mình, mình phải xem lại tay có còn đủ năm ngón không ? So với hắn ta, anh chỉ là cừu non. Từ nay Chính sẽ không can ngăn anh nữa đâu, hắn sẽ để mặc anh dấn sâu vào các sự việc rồi hắn mới ra tay. Hắn sẽ có chỗ có nơi để làm việc đó... Anh không sợ à ?
HOÀNG VIỆT – Thế còn cậu, cậu có sợ không ?
LÊ SƠN – Tôi à ? Cũng run đấy. Tôi nhát. Nếu người ta doạ thiêu tôi trên giàn lửa thì tôi cũng đành phải nói là trái đất không quay. Anh nhất quyết kéo tôi vào cuộc à ?
HOÀNG VIỆT – Tôi chỉ dọn bãi để cậu sút bóng, để cái đầu của cậu được có chỗ dùng. Ít ra trong đời cũng phải có lần làm được một cái gì thật chứ !
LÊ SƠN – Chỉ e khi làm giả thì được huân chương, còn làm thật thì lại... no đòn !
HOÀNG VIỆT – Da tôi dày lắm, cậu yên trí !
LÊ SƠN – Anh thật là... Thôi được, hứa với anh : Tôi không bỏ chạy đâu ! Chỉ tuần sau là quy trình sản xuất mới sẽ được triển khai. Ông Đông Ki-sốt !
Khổ thân tôi, tôi lại giống kị mã Xan-chô, rất yêu và không thể thiếu được Đông Ki-sốt. Này, nhưng dứt khoát các cối xay gió nó sẽ cho chúng ta ăn đòn nhừ tử đấy! (Anh đi khuất).