Văn bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Phần tác giả) — Không quảng cáo

Soạn văn 11 tất cả các bài, Ngữ văn 11 , tổng hợp văn mẫu hay nhất


Văn bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Phần tác giả)

I - CUỘC ĐỜI Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh tại quê mẹ – làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Phần tác giả)

Nguyễn Đình Chiểu

I - CUỘC ĐỜI

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai,

sinh tại quê mẹ – làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Ông xuất thân trong gia đình nhà nho, cha là Nguyễn Đình Huy, người Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên – Huế), vào Gia Định làm thư lại tại dinh Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Ở đây, ông lấy bà Trương Thị Thiệt làm vợ thứ, sinh ra Nguyễn Đình Chiểu. Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Năm 1846, ông ra Huế học, chuẩn bị thi tiếp tại quê cha, nhưng lúc sắp vào trường thi thì nhận được tin mẹ mất, phải bỏ thi trở về Nam chịu tang (1849). Dọc đường về, Nguyễn Đình Chiểu bị đau mắt nặng rồi bị mù. Không khuất phục trước số phận oan nghiệt, Nguyễn Đình Chiểu về Gia Định mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, và tiếng thơ Đồ Chiểu cũng bắt đầu vang khắp miền Lục tỉnh.

Khi giặc Pháp đánh vào Gia Định (1859), người trí thức yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã đứng vững trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu tính kế đánh giặc và sáng tác những vần thơ cháy bỏng căm hờn, sôi sục ý chí chiến đấu. Nam Kì mất, ông ở lại Ba Tri (Bến Tre). Thực dân Pháp tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, nhưng ông khảng khái khước từ tất cả, giữ trọn tấm lòng thuỷ chung son sắt với nước với dân cho đến hơi thở cuối cùng.

II - SỰ NGHIỆP THƠ VĂN

1. Những tác phẩm chính

Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhà thơ đầu tiên ở Nam Kì sáng tác

chủ yếu bằng chữ Nôm. Cuộc đời sáng tác của ông chia làm hai giai đoạn, trước

và sau khi thực dân Pháp xâm lược. Ở giai đoạn đầu, ông viết hai truyện thơ dài:

Truyện Lục Vân Tiên và Dương Từ – Hà Mậu, đều nhằm mục đích truyền bá đạo lí làm người. Đến giai đoạn sau, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là lá cờ đầu của văn thơ yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX với những tác phẩm xuất sắc về cả nội dung tư tưởng, tình cảm và nghệ thuật như Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Thơ điếu Trương Định, Thơ điếu Phan Tòng, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, Ngư Tiều y thuật vấn đáp (còn gọi là Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca, một truyện thơ dài).

Bằng ngòi bút, Nguyễn Đình Chiểu đã suốt đời chiến đấu không mệt mỏi cho đạo đức, chính nghĩa, cho độc lập tự do của dân tộc:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khắm,

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

(Dương Từ- Hà Mậu)

2. Nội dung thơ văn

– Lí tưởng đạo đức, nhân nghĩa : Nguyễn Đình Chiểu viết Truyện Lục Vân Tiên nhằm mục đích truyền dạy những bài học về đạo làm người chân chính. Đạo lí làm người của Nguyễn Đình Chiểu mang tinh thần nhân nghĩa của đạo Nho, nhưng lại rất đậm đà tính nhân dân và truyền thống dân tộc. Những mẫu người lí tưởng trong tác phẩm là những con người sống nhân hậu, thuỷ chung, biết giữ gìn nhân cách thẳng ngay, cao cả, dám đấu tranh và có đủ sức mạnh để chiến thắng những thế lực bạo tàn, cứu nhân độ thế : “Tôi xin ra sức anh hào – Cứu người cho khỏi lao đao buổi này”.

– Lòng yêu nước, thương dân : Khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp nổ ra, từ trên đỉnh cao của tư tưởng, tình cảm thời đại là lòng yêu nước thương dân, Nguyễn Đình Chiểu đã sáng tác những tác phẩm đáp ứng xuất sắc yêu cầu của cuộc chiến đấu giữ nước buổi ấy. Thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu ghi lại chân thực một thời đau thương của đất nước, khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí cứu nước của nhân dân ta, đồng thời nhiệt liệt biểu dương những anh hùng nghĩa sĩ đã chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc. Ông tố cáo tội ác giặc xâm lăng gây bao thảm hoạ cho nhân dân (Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh), ông lên án những kẻ sẵn sàng đổi hình tóc râu để chịu chữ đầu Tây. Ông ngợi ca những sĩ phu yêu nước như Trương Định, Phan Tòng vẫn nặng lòng với hai chữ trung quân nhưng vì đại nghĩa của dân tộc, đã dám chống lại chiếu chỉ nhà vua, phất cao cờ nghĩa, cùng nhân dân chiến đấu đến hơi thở cuối cùng: “Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền; theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại” (Văn tế Trương Định). Dưới ngọn cờ đó là đông đảo những người nông dân nghèo khổ, suốt đời cui cút làm ăn, bởi mến nghĩa làm quân chiêu mộ, đánh giặc với ý chí : “Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh... Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen...” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Ngay cả trong thất bại, dân tộc này vẫn không bao giờ chịu khom lưng, uốn gối trước kẻ thù. Kì Nhân Sư, người thầy thuốc giỏi trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp, dẫu không thể làm gì để cứu vãn tình thế đất nước, vẫn biểu thị tấm lòng kiên trung bất khuất bằng cách tự xông đôi mắt mình cho mù chứ không chịu phụng sự quân giặc, để lại cho đòi bài học nhân sinh cao cả: “Dù đui mà giữ đạo nhà – Còn hơn có mắt ông cha không thờ”.

3. Nghệ thuật thơ văn

Về nghệ thuật, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu có nhiều đóng góp quan trọng, nhất là văn chương trữ tình đạo đức. Vẻ đẹp của thơ văn ông không phát lộ rực rỡ ở bề ngoài mà tiềm ẩn trong tầng sâu của cảm xúc, suy ngẫm. Bút pháp trữ tình xuất phát từ cõi tâm trong sáng, nhiệt thành, đầy tình yêu thương con người của nhà thơ, bao giờ cũng nồng đậm hơi thở cuộc sống, tự nó đã tạo nên sức rung động mãnh liệt sâu xa. Đặc biệt, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu còn rất đậm đà sắc thái Nam Bộ. Mỗi người dân Nam Bộ đều có thể bắt gặp mình ở các nhân vật của ông, từ lời ăn tiếng nói mộc mạc, bình dị đến tâm hồn nồng nhiệt, chất phác, cách cư xử khoáng đạt, hồn nhiên... Lối thơ thiên về kể trong các truyện của ông cũng mang màu sắc diễn xướng rất phổ biến trong văn học dân gian Nam Bộ. Đó là những yếu tố cơ bản tạo nên giá trị thẩm mĩ đặc sắc của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Truyện Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,... xứng đáng là những tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam cuối thời trung đại.

Đã hơn một thế kỉ trôi qua, tiếng thơ Đồ Chiểu vẫn ngân vang giữa cuộc đời. Tên tuổi nhà thơ mù xứ Đồng Nai vẫn rực sáng bầu trời văn nghệ dân tộc bởi nhân cách cao đẹp và những cống hiến lớn lao của ông cho văn học nước nhà.


Cùng chủ đề:

Văn bản Tôi yêu em
Văn bản Tràng giang
Văn bản Tương tư
Văn bản Từ ấy
Văn bản Vào phủ chúa Trịnh
Văn bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Phần tác giả)
Văn bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Phần tác phẩm)
Văn bản Về luân lý xã hội ở nước ta
Văn bản Vi hành
Văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng đài
Văn bản Vịnh khoa thi hương