Về nhân vật người đàn bà trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Vẻ đẹp của người đàn bà hấp dẫn người đọc chính là tình yêu con vô bờ bến, là những triết lí cuộc đời giản dị nhưng sâu sắc: “phải sống cho con chứ không phải sống cho mình”.
Vẻ đẹp của cuộc sống, của mỗi con người cần phải được nhìn nhận và đánh giá trong mọi mối quan hệ phức tạp, đa chiều. Và cái đẹp, cái mà mỗi chúng ta đều mong muốn hướng tới để hoàn thiện nhân cách của chính mình đôi khi tiềm ẩn trong cái vẻ xù xì, gai góc mà không phải ai và lúc nào cũng có thể nhận ra được. Đó chính là vấn đề có ý nghĩa cơ bản được toát lên từ Chiếc thuyền ngoài xa - một tác phẩm tiêu biểu cho sáng tác của Nguyễn Minh Châu trong thời kì đổi mới. Vẻ đẹp của tác phẩm được toát lên từ nhiều yếu tố trong đó có nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc biệt là nhân vật người đàn bà một nhân vật để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.
Chiếc thuyền ngoài xa được khai thác từ những tình huống mang ý nghĩa nghịch lí: một cảnh biển vào buổi sáng như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ nhưng ẩn trong đó lại là hình ảnh một gia đình thuyền chài đầy bi kịch; một người phụ nữ xấu xí, thô kệch bị chồng đánh đập, hắt hủi nhưng vẫn quyết gắn bó cả cuộc đời với kẻ vũ phu mà không một chút phàn nàn. Câu chuyện không nhiều nhân vật: một anh trưởng phòng, một họa sĩ - Phùng đã từng là chiến sĩ; một vị quan tòa cũng đã từng vào sinh ra tử đối diện với cái chết; một người chồng vũ phu, độc ác; một đứa bé còi cọc thương mẹ bằng một thứ tình yêu rất ngây thơ, trong sáng những cũng không ít đắng cay - thằng Phác... Mỗi nhân vật được hiện lên bằng những nét bút vẽ chân dung và tính cách khác nhau nhưng mỗi người là một sô phận đang trôi trên dòng đời còn bao nỗi lo toan, nhọc nhằn. Trong số đó, nhân vật người đàn bà có lẽ là nhân vật để lại nhiều dư vị xót xa, cay đắng, cảm phục trong lòng người đọc.
Tác giả chỉ gọi nhân vật là người đàn bà một cách phiếm định. Có lẽ đây cũng là một dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Tuy không có tên tuổi cụ thể, người vô danh như biết bao người vô danh trên tất ca tập trung và thể hiện đầy đủ nhất. Cách gọi tên nhân vật như thế vừa cụ thể nhưng lại vừa khái quát, vừa phiếm định nhưng lại vừa xác định.
Đó là một người đàn bà trạc ngoài 40 tuổi, cao lớn với những đường nét thô kệch mặt rỗ, “khuôn mặt mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ”. Những chi tiết miêu tả ngoại hình đầy ấn tượng ấy đã dựng lên trước mắt người đọc một người đàn bà với một cuộc đời đầy nhọc nhằn, lam lũ, nhẫn nhục như tất cả những người đàn bà ở vùng biển - nơi mà con người ta luôn phải đối diện với hiểm nguy, cuộc sống luôn phải đặt trong vòng vây của sự đói khát, bấp bênh.
Cách miêu tả ngoại hình kết hợp với chi tiết: đưa tay lên có ý định gài hay sửa lại tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân”, và tiếng quát của người đàn ông: “Cứ ngồi nguyên đấy, động đậy tao giết cả mày đi bây giờ”, như dự báo cho người đọc về một tính cách, một số phận đầy bất hạnh. Để rồi giữa khung cảnh đẹp như mơ vào một buổi sáng khi mà Phùng, người họa sĩ cho rằng, không còn nơi nào có thể đẹp hơn ấy, người đàn bà bị người đàn ông “dùng cái thắt lưng quật tới tấp”. Nhưng bà thầm lặng chịu đau đớn “với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy". Mà đâu phải cảnh đánh đập đó diễn ra trong khoảnh khắc, đó là cơm bữa “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Ấy thế mà khi được Đẩu - vị chánh án huyện, khuyên nên bỏ người chồng vũ phu ấy, người đàn bà ấy “chắp tay vái lia lịa”, cầu xin “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Mà nguyên do lí giải điều đó lại vỏ cùng bất ngờ: “Đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có một người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng đi làm ăn nuôi nấng một sáp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa”.
Như vậy, nhà văn đã có dụng ý tạo nên ấn tượng cho người đọc về hình ảnh người đàn bà bằng thủ pháp đối lập giữa ngoại hình và nội tâm, giữa một số phận bất hạnh và tấm lòng nhân hậu, bao dung, thương con hơn tất cả mọi thứ trên đời. Vì thương con, người đàn bà ấy đã phải chấp nhận tất cả: sự đánh đập, sự đói khát, sự nhục nhã... Và cũng xuất phát từ tình thương con, người đàn bà ấy cho rằng: “Phải sống cho con chứ không phải sống cho mình”. Triết lí ấy giản dị mà sâu sắc. Nó được đúc kết, được rút ra từ chính cuộc đời nhọc nhằn, bất hạnh của một người mẹ mà tình thương con, nỗi đau, ngay cả đến sự thấu hiểu lẽ đời cũng không bao giờ để lộ ra ngoài. Đó là một sự cam chịu nhẫn nhục, nhưng cũng thật đáng để chia sẻ, cảm thông. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân, hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hi sinh.
Lời giải bày thật tình, giản dị nhưng sâu xa ấy ở tòa án huyện chính là câu chuyện về sự thật cuộc đời mà những người như Phùng, như Đẩu, chỉ giây phút ấy mới thực sự hiểu được nguyên do của những điều tưởng như vô lí. Người đàn bà ấy đã giải quyết bi kịch đời mình một cách thật ngắn gọn, sâu sắc. Trong đau khổ triền miên, người đàn bà ấy vẫn chắt lọc được niềm vui cuộc sống: “Vui nhất là khi nhìn thấy đàn con chúng tôi được ăn no”. "Ông trời sinh ra đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn”. Chính những lời giãi bày từ gan ruột người đàn bà ấy đã thức tỉnh trong Phùng một chân lí: không thể giản đơn, dễ dãi trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của đời sống. Anh đã phát hiện ra bên trong người đàn bà thô kệch ấy là một trái tim nhân hậu, một vẻ đẹp tâm hồn mà không phải ai cũng có thể nhận ra được. Vẻ đẹp ấy đối lập hoàn toàn với bức tranh cảnh biển vào buổi sáng, nhưng đó cũng là vẻ đẹp, mà không phải ai và lúc nào cũng khám phá cho hết được.
Vẻ đẹp của người đàn bà hấp dẫn người đọc chính là tình yêu con vô bờ bến, là những triết lí cuộc đời giản dị nhưng sâu sắc: “phải sống cho con chứ không phải sống cho mình”. Chính sự giải hóa những bi kịch cuộc đời mình một cách rõ ràng, dứt khoát ấy đã khiến câu chuyện và vị thế của các nhân vật thay đổi. Từ một người với tư cách là thẩm phán huyện, một người làm chứng, Phùng và Đẩu đã nhanh chóng trở thành người được nghe, được hiểu những lẽ đời mà trước đây, các anh chỉ nhìn thấy bằng cái nhìn một chiều, dễ dãi. Từ một người với tư cách là bị can, người đàn bà đã nhanh chóng trở thành quan tòa, một quan tòa công minh, luôn coi tình thương con và sự hi sinh là nguyên tắc sống của cuộc đời mình.
Khép những trang sách kể về cuộc đời một người đàn bà vô danh trên vùng biển, nhưng dư âm của câu chuyện vẫn cứ day dứt, ám ảnh người đọc. Làm thế nào để số phận những người đàn bà như trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa thoát khỏi tình trạng bi kịch trên? Có phải trong thời đại nào con người ta cũng cần phải có sự thương yêu, lòng thông cảm, phải có niềm tin vào cuộc đời? Đó cũng là những thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến cho mỗi người đọc trước cuộc sống hôm nay.