Viết bài văn phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa lớp 7 — Không quảng cáo

Tổng hợp 50 bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong m


Viết bài văn phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa lớp 7

1. Mở đoạn: - Chủ đề của truyện xoay quanh những đứa trẻ và sự khác biệt giữa những đứa trẻ lớn lên trong gia đình giàu có và những đứa trẻ nghèo khổ tận cùng của xã hội.

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

- Chủ đề của truyện xoay quanh những đứa trẻ và sự khác biệt giữa những đứa trẻ lớn lên trong gia đình giàu có và những đứa trẻ nghèo khổ tận cùng của xã hội.

2. Thân đoạn:

- Sơn là một đứa trẻ được yêu thương: từ mẹ và từ chị

=> Bởi vì nhận được sự yêu thương nên Sơn cũng biết trao đi yêu thương.

- Sơn là một cậu bé hòa đồng, thân thiện

+ Sơn và chị mặc dù nhà có khá giả hơn nhưng vẫn thân mật chơi đùa với mấy đứa trẻ con ở dãy nhà lá, chứ không kiêu kì, và khinh khỉnh như các em họ của Sơn.

+ Sơn còn chủ động chơi với chúng: Sơn thấy chị gọi Hiên không lại thì tự bước đến gần.

- Sơn là một cậu bé biết thương người

+ Thấy thương khi nhắc đến em Duyên

+ Đem cho Hiên cái áo bông cũ

+ Trong lòng thấy ấm áp, vui vui khi được cho người khác chiếc áo ấm

Mặc dù sau đó lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy vội ra chợ tìm Hiên, ra cánh đồng

=> Tâm lí chung của trẻ nhỏ, không phải biểu hiện của việc thay đổi.

- “Gió lạnh đầu mùa” là một câu chuyện nhẹ nhàng, nhưng lại chan chứa tình yêu thương.

- Nhân vật Sơn đã thể hiện được những giá trị nhân văn cao đẹp mà tác giả muốn gửi gắm.

3. Kết đoạn:

- Nêu đánh giá khái quát về nhân vật Sơn.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Trong truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam, nhà văn đã kỳ công xây dựng nhân vật Sơn với những đặc điểm chân thực và sâu sắc.

Sơn, một đứa trẻ sống trong gia đình khá giả, được miêu tả qua những hành động hồn nhiên và tinh tế. Mở đầu truyện, Sơn tỉnh dậy với cử chỉ độc đáo, thể hiện sự nhạy bén và quan tâm đến người thân. Cậu không chỉ tự bảo vệ bản thân mà còn chăm sóc cho em gái và thể hiện sự ấm áp trong gia đình.

Nét đẹp tinh tế của ngôn từ khi mô tả cảnh trời lạnh gió vi vu, cây cỏ rung động, thêm vào đó là hình ảnh gia đình mặc áo rét, tạo nên bức tranh sinh động về không khí gia đình vào buổi sáng gió lạnh.

Khác biệt với các em họ kiêu ngạo, Sơn luôn thân thiện và chia sẻ với bọn trẻ nghèo xóm trợ. Cảm xúc chân thành và tình cảm đặc biệt hiện rõ khi Sơn quan tâm đến Hiên, cô bé hàng xóm đang sống trong hoàn cảnh khó khăn. Hành động đẹp lòng khi Sơn tặng chiếc áo bông cũ cho Hiên, thể hiện lòng nhân ái và tình yêu thương sâu sắc.

Thạch Lam đã thông qua nhân vật Sơn để truyền đạt thông điệp về tình yêu thương và lòng nhân ái, làm cho tác phẩm trở nên ấm áp và cuốn hút độc giả.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Thạch Lam, một nhà văn nổi tiếng, để lại dấu ấn trong văn hóa Việt Nam với tác phẩm Gió lạnh đầu mùa. Trong câu chuyện, nhân vật Sơn nổi bật với những đặc điểm tinh tế và chân thực.

Sơn tỉnh dậy trong bức tranh mùa đông của thị trấn nhỏ. Mọi người trong gia đình đều đã mặc áo rét. Khung cảnh ấm áp những ngày đầu đông được Thạch Lam mô tả một cách dí dỏm và sinh động. Sơn không chỉ là một đứa trẻ hồn nhiên, mà còn là người anh chăm sóc cho em gái và thể hiện sự ấm áp trong gia đình.

Những chi tiết nhỏ như chiếc áo bông cánh xanh của em Duyên lại trở thành nguồn cảm hứng cho những cảm xúc của Sơn. Những đoạn miêu tả về gia đình, mẹ, và chiếc áo bông đã tạo nên bức tranh cuộc sống giản dị và đầy tình cảm.

Đặc biệt, Sơn không chỉ là đứa trẻ giàu tình cảm, mà còn là người thân thiện với những đứa trẻ nghèo trong xóm. Hành động tặng áo bông cũ cho Hiên, cô bé hàng xóm đang đứng “co ro” trong gió lạnh, là biểu hiện rõ nét của lòng nhân ái và tình yêu thương.

Thạch Lam thông qua nhân vật Sơn đã truyền đạt thông điệp về tình yêu thương và sự đồng cảm, làm cho câu chuyện trở nên ấm áp và đáng yêu.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Thạch Lam, một tên tuổi trong văn học lãng mạn, tác phẩm nổi bật Gió lạnh đầu mùa với nhân vật chính là cậu bé Sơn.

Mùa đông ập đến bất ngờ, nhưng gia đình Sơn đã sẵn sàng. Sơn, mặc áo dạ đỏ và áo vệ sinh, là nguồn yêu thương trong gia đình khá giả. Sơn không chỉ giàu về vật chất mà còn phản ánh tình cảm sâu sắc, không kiêu ngạo. Thậm chí, lòng nhân ái của cậu được thể hiện qua việc chia sẻ áo bông cũ cho Hiên, cô bé hàng xóm nghèo.

Thạch Lam tinh tế khi khắc họa những tình cảm nhỏ nhất của Sơn. Sự nhớ đến em Duyên, cảm xúc trước người vú già và mẹ, cũng như lòng thân thiện với bọn trẻ nghèo trong xóm, tất cả làm nổi bật nhân vật Sơn là một đứa trẻ nhạy cảm và giàu lòng yêu thương.

Điểm độc đáo nằm ở hành động cao cả của Sơn đối với bé Hiên, cho thấy tầm quan trọng của việc chia sẻ và lòng nhân ái. Thông qua Sơn, Thạch Lam muốn truyền đạt bài học về tình yêu thương và sẻ chia trong cuộc sống.

Bài tham khảo Mẫu 1

Trong truyện "Gió lạnh đầu mùa" người đọc sẽ rất ấn tượng với nhân vật Sơn. Chính cậu bé thân thiện, tốt bụng, giàu tình cảm và ấm áp này đã khiến tác phẩm trở nên cuốn hút hơn.

Sáng sớm ngủ dậy khi gió lạnh đầu mùa đã thổi về, trời trắng đục, gió vi vu, khóm lan trong chậu “rung động và hình như sắt lại vì rét“. Sơn cũng thấy lạnh, em kéo chăn lên đầu rồi cất tiếng gọi mẹ. Một chén nước nóng mẹ đưa cho em “ấp vào mặt, vào má cho ấm“, một chiếc áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại phủ cái áo vải thâm, em mặc vào, đứng trên giường quay đi quay lại bốn lần để mẹ ngắm… Những chi tiết ấy cho biết Sơn còn bé nhỏ, ngây thơ, em rất được mẹ yêu. Không một tiếng khóc, một lời vòi vĩnh, Sơn đã cùng chị Lan đi chơi vì em biết lũ bạn con nhà nghèo xóm láng “đang đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo“. Gặp các bạn, khi chúng nó đến ngắm cái áo đẹp của Sơn, em cũng hồn nhiên ngây thơ như bất cứ đứa trẻ con nào, Sơn cũng “ưỡn ngực“ khoe áo mới: “Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một chiếc áo nhiều tiền hơn nữa kia“. Đúng là tâm lí đáng yêu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới“.

Sơn là một em bé rất giàu tình cảm. Anh em như thể chân tay… Sơn đối với em đầy tình thương. Ngủ dậy thấy lạnh, Sơn “kéo chăn lên đắp cho em“ đang ngủ. Khi mẹ giơ cái áo bông cánh cũ của em Duyên – đã chết năm lên bốn tuổi – “Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá“. Những cử chỉ ấy, những cảm xúc ấy cho thấy Sơn có một tâm hồn rất đẹp, rất trong sáng, còn bé nhỏ đã biết quan tâm săn sóc đến mọi người xung quanh. Em rất yêu mẹ, vâng lời mẹ, lễ phép với vú già, biết tôn trọng chị. Sơn là một đứa bé được mẹ chăm sóc và dạy bảo nên em rất ngoan. Sơn là một em bé sống với bạn bè rất có tình người.

Trong lúc mấy đứa em họ của Sơn thì “kiêu kì và khinh khỉnh“ với các bạn, trái lại Sơn và chị Lan rất chan hòa với chúng. Vì thế mới thấy chị em Sơn đến, chúng nó “lộ vẻ vui mừng“. Gặp bạn, buổi sớm trong gió lạnh đầu mùa, cái nhìn của Sơn đối với bạn nhỏ, những thằng Cúc, thằng Xuân, con Tí, con Túc,… là cái nhìn yêu thương, cảm thông với cảnh nghèo của bạn. Trời lạnh mà chúng nó vẫn “ăn mặc không khác ngày thường, vần những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ“, và “môi chúng nó tím lại…“, chỗ áo quần rách “da thịt thâm đi“. Mỗi lần làn gió lạnh thổi qua, các bạn nhỏ của Sơn “lại run lên“ và “hai hàm răng đập vào nhau“. Biết quan tâm tới đồng loại, biết san sẻ, cảm thông với bạn bè chỉ có ở những trái tim nhân ái, những tấm lòng nhân hậu. Sơn đã chơi, đã sống với bạn bằng trái tim nhân ái, bằng tấm lòng nhân hậu như thế!

Tình thương và sự quan tâm của Sơn đối với bạn còn được thể hiện bằng những cử chỉ, hành động cụ thể. Thấy cái Hiên, đứa con gái bên hàng xóm, bạn chơi với Lan và Duyên “co ro đứng bên cột quán“, chỉ mặc có “manh áo rách tả tơi hở cả lưng và tay“, chị Lan gọi, “nó cũng không đến… Nghe cái Hiên “bịu xịu“ nói với chị Lan là “hết áo rồi, chỉ còn cái áo này“, bấy giờ Sơn mới chợt nhớ ra “mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề mò cua bắt ốc thì lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa“. Sơn đã “động lòng thương“ bạn và một “ý nghĩ tốt thoảng qua“… Sơn đã nói thầm với chị Lan về lấy chiếc áo bông cũ của em Duyên đem cho cái Hiên mặc khi gió lạnh đầu mùa đã thổi về. Sơn thấy lòng mình “ấm áp vui vui“ khi đứng lặng yên chờ chị Lan chạy về lấy áo. Sao không “ấm áp vui vui“ được vì một miếng khi đói bằng một gói khi no. Đâu phải là một sự bố thí ban ơn! Đó là một nghĩa cử san sẻ tình thương đồng loại “lá lành đùm lá rách“.Tấm lòng của Sơn đối với bạn nhỏ rất chân thành. Tình cảm nhường cơm sẻ áo cho bạn rất mãnh liệt! Mặc dù đó là chiếc áo bông của em Duyên, kỉ vật thiêng liêng của mẹ, mặc dù sau đó mẹ cái Hiên đã đem áo đến trả cho mẹ Sơn, nhưng nhờ thế mà mẹ em đã biết cảnh ngộ mẹ cái Hiên, cho mẹ cái Hiên vay năm hào đem về mua áo cho con.

Sơn và chị Lan đã “cúi đầu lặng im“ nhận lỗi. Mẹ đã ôm hai em vào lòng, âu yếm nhẹ trách: “dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?“. Hai chị em Lan và Sơn đã được dạy bảo, được sống trong lòng mẹ, được mẹ yêu thương nên Sơn và chị mới biết thương bạn, mới biết “thương người như thể thương thân vậy.

Sơn là một trong những gương mặt tuổi thơ trong truyện Thạch Lam rất đáng yêu, đáng mến. Thạch Lam đôn hậu, tinh tế nên văn ông mới đậm đà và cho ta nhiều nhã thú. Trong gió lạnh đầu mùa mà lòng Sơn ấm áp biết bao!

Bài tham khảo Mẫu 2

Nhắc đến Thạch Lam, nhiều người yêu văn, say văn nhớ ngay đến những truyện mà không có cốt truyện nhưng lại rất đặc sắc của nhà văn. Nếu ở Hai đứa trẻ là cảm giác êm ả, đìu hiu của một phố huyện với ba bức tranh: phố huyện lúc hoàng hôn, phố huyện trong đêm và phố huyện về khuya thì trong Gió lạnh đầu mùa là cảm giác thi vị của những cơn gió heo may lúc giao mùa. Hình ảnh nhân vật Sơn trong truyện này hiện lên với những phẩm chất tốt đẹp đã xua đi được cái lạnh của những cơn gió vi vu.

Thiên truyện mở đầu với khung cảnh gió đông rét mướt trong sự ngạc nhiên của cậu bé Sơn. Lúc này Sơn "còn ngồi thu tay vào trong bọc." Chỉ đọc vài dòng đầu truyện, em thấy Sơn rất nhạy cảm với cái lạnh của đất trời, thương em và ngoan ngoãn. Khi rời khỏi giường, em cẩn thận "kéo chăn lên đắp cho em, rồi co ro đứng dậy sang phản bên này, ngồi xếp bằng bên khay nước". Em bồi hồi nhớ lại mùa đông năm xưa rồi chạnh lòng nhớ đến Duyên, đứa em gái nhỏ đã mất khi nhìn "bộ quần áo thoảng ra hơi mốc của vải gấp lâu trong hòm".

Một đức tính đáng yêu nữa của Sơn là cậu rất hồn nhiên, yêu đời, không kiêu kỳ, khinh khỉnh, biết quý trọng tình bạn. Bởi thế, chỉ nhìn thấy chị em Sơn từ đằng xa là lũ trẻ cùng xóm đã "lộ vẻ vui mừng". Tuỳ nhiên, lũ trẻ vẫn giữ khoảng cách với chị em Sơn. "Chúng, vẫn đứng xa, không dám vồ vập" khi nghĩ đến thân phận nghèo nàn của mình. Nhưng chị em Sơn vẫn chơi thân mật, vui vẻ với chúng. Điều đó, đã giúp lũ trẻ xóa bớt mặc cảm.

Đặc biệt, trong tâm hồn nhạy cảm của cậu bé Sơn còn chất chứa tấm lòng thương người mà không phải ai trong lứa tuổi của Sơn cũng dễ có được. Sơn chú ý đến cách ăn mặc của các bạn. Lẽ ra, trước cái lạnh lẽo của gió đông, lũ trẻ phải được mặc ấm. Thế mà lũ trẻ "ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ". Sơn xót xa trong lòng khi nhìn thấy "môi chúng tím lại và qua những chỗ áo rách da thịt thâm đi, mỗi cơn gió đến, chúng nó lại run lên, hai hàm răng đập vào nhau". Thật ra, bản thân những cơn gió mùa đông rét mướt không có tội. Gió đông là đặc trưng của mùa đông ở bất kỳ nơi nào trên quả địa cầu này. Cái nghèo cũng không có tội. Có tội, có lỗi chăng là do xã hội cũ lúc ấy gây ra cho lũ trẻ cũng như nhiều người khác. Và tấm lòng nhân đạo của Sơn, cũng như của Lan bỗng hóa thành hành động thương người thiết thực. Trông thấy Hiên, bạn của Lan và Duyên "co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay", hai chị em Sơn đã động lòng quyết định cho Hiên cái áo bông cũ. Hành động cho áo không phải là hành động của kẻ ban ơn, bố thí. Trong thời gian chờ đợi chị Lan về nhà lấy áo, Sơn đứng lặng yên, dù ngoài trời gió lạnh từng cơn nhưng trong lòng Sơn vẫn ấm áp. Phải chăng, tấm lòng "thương người như thể thương thân" đã sưởi ấm tâm hồn bé nhỏ của Sơn? Và việc làm tốt đẹp, đầy ý nghĩa cửa Sơn đã có những tác động tích cực đến người lớn. Mẹ của Sơn và mẹ của Hiên có cách ứng xử rất khéo léo, tế nhị, không làm ảnh hưởng đến tính hồn nhiên và hành động cao quý của bọn trẻ.

Trong khi hai chị em Sơn đi tìm Hiên đề đòi lại áo vì sợ mẹ mắng, thì mẹ của Hiên đã mang áo trả lại cho mẹ của Sơn. Hai chị em Sơn ngạc nhiên đến mức "đứng sững ra khi thấy mẹ con Hiên đang ngồi ở cái ghế con, trên đất trước mặt mẹ, tay cầm chiếc áo

bông củ". Thái độ sợ sệt, "cúi đầu lặng im, nép vào lưng chị" càng chứng tỏ tính cách rất trẻ con của Sơn. Không đợi Sơn hay mẹ của cậu nói câu nào, mẹ của Hiên, một bà mẹ nghèo khổ nhưng giàu lòng tự trọng đã lên tiếng trước "tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông, tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ". Vì lòng thương con, lòng thương người có cảnh ngộ không may, mẹ của Sơn sẵn lòng giúp đỡ mẹ của Hiên trong cử chỉ ấm áp, chân thành mà vẫn giữ được kỷ vật thiêng liêng của gia đình: "Đây, tôi cho bác mượn năm hào cầm về nhà may áo cho con". Cũng có thể, mẹ của Sơn muốn cho mẹ của Hiên món tiền ấy nhưng e ngại sẽ làm xúc phạm đến lòng tự trọng của người nghèo nên mới nói nhẹ nhàng là cho "mượn”. Người mẹ hiền từ ấy còn "âu yếm ôm con vào lòng" và trách yêu: "Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư". Chính cái tình người của bà đã nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng của Sơn ngày thêm tốt đẹp.

Tóm lại, Sơn là cậu bé nhạy cảm, ngoan ngoãn, hồn nhiên, yêu đời, chan hòa và giàu ân tình với bạn bè. Chính những phẩm chất quý báu này đã phát huy đức tính hiếu thảo của Sơn, vì một người con hiếu hạnh luôn có những hành động làm thơm lây đến cha mẹ. Hành động này tạo nên hạnh phúc về mặt tinh thần cho cha mẹ mà dù có bao nhiêu bạc vàng vẫn không thể mua được. Em rất quý trọng, cảm phục nhân vật Sơn ở những phẩm chất và hành động ấy. Sơn là một tấm gương sáng để em nhìn vào đó soi xét, chỉnh sửa bản thân mình. Tuy gấp trang sách nhỏ lại rồi nhưng hình ảnh của nhân vật Sơn vẫn luôn hiện lên trong tâm hồn trong sáng, thơ ngây của em.

Bài tham khảo Mẫu 3

Tôi thường bị ám ảnh bởi hình ảnh của những ngọn núi đồ sộ, khổng lồ sau vài thế kỉ bỗng chốc trở thành những mỏm đồi thấp chẳng khác miền trung du thậm chí là đồng bằng: chúng đã bị mưa gió, bão lũ,... mài mòn theo thời gian. Và tôi nghĩ đến một điều gì lớn lao, thời gian không làm chúng tan biến mà ngược lại, theo năm tháng, chúng được nhân lên gấp bội sức mạnh. Những tấm lòng nhân ái như tấm lòng bé Sơn trong truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam là một điều như thế trong vũ trụ này.

Ai đã qua những năm tháng ấu thơ, đều biết đến sự hồn nhiên con trẻ, có khi buồn cười nhưng rất đáng yêu. Tôi thấy lại ở Sơn những giây phút đùa nghịch, hay khoe, hay giận... của chính mình ngày nào. Tôi muốn sống ngược thời gian, mới chỉ cách đây có mấy năm thôi, nhưng tôi không ngờ là mình đã quên đi nhanh đến thế!

Vì thế tôi yêu Sơn. Em đã sống dậy trong tôi cảm tưởng trong sáng về thuở còn hồn nhiên vô tư ấy. Nghe trong hồn những reo vui theo khúc nhạc lòng của cậu bé hãnh diện khoe áo với bạn bè! Nhưng nếu chỉ có vậy thôi thì tôi đã quên Sơn nhanh lắm. Giống như khi tôi đã quên đi những năm tháng ấu thơ của mình. Tôi còn nghe thấy ở Sơn những nhịp đập con tim đầy xúc cảm rất đáng trân trọng. Chúng làm lòng tôi trở nên sâu lắng vì bắt gặp ở em bao nét đẹp của tình người.

Chúng ta từng lạnh lùng ngó lơ những bàn tay chìa ra tấm vé số hay những tờ báo mới nguyên để chào mời. Còn Sơn? Em đã nhận thấy cảnh khổ của Hiên. Và dù rất thích chiếc áo mới - em vừa hãnh diện khoe nó với bạn bè. Dù biết có thể bị mẹ trách phạt - chẳng có người mẹ nào không phiền lòng khi con cái tự ý đem cho người khác vật gì - nhất là trong tình cảnh cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Nhưng bỏ qua tất cả những điều đó, Sơn đã sẵn lòng tặng Hiên chiếc áo, giúp đỡ chia sẻ với bạn, không hề toan tính. Có phải chỉ vì biết nghe trái tim mách bảo, mà Sơn đã không dửng dưng trước những mảnh đời cơ cực? Hành động của Sơn là hành vi nhân ái hoàn toàn tự nguyện, không chờ bé Hiên nhờ vả, không đợi mọi người xung quanh động viên - điều này đâu dễ có ở mỗi con người?

Có thể nói, không phải tiền tài hay quyền lực, mà chính lòng yêu thương nhau mới giúp con người có được những hành động cao cả. Một chú bé như Sơn đáng quý hơn hẳn nhiều người lớn mà lãnh đạm phủi tay trước đồng loại bần cùng.

Hạnh phúc không chỉ có từ sự thụ hưởng vật chất. Hạnh phúc thường ngày, trong tầm tay mỗi người, nhiều khi chỉ là chút “vui vui” trong lòng như Sơn đã cảm nhận được, lúc trao cho cô bạn nhỏ nhà nghèo chiếc áo bông. Gió ơi, sao lạnh vậy? Nhưng Sơn ơi, có phải chính tấm lòng nhân hậu của em đã ấp ủ cả không gian đang bị cơn gió lạnh đầu mùa làm cho tê tái? Hẳn là Hiên ấm lắm, ấm cả ngoài lẫn trong lòng! Giá như bao trẻ em trên thế giới này đều là Sơn?... Tôi lại thấy lòng day dứt quá! Sơn ơi, em đã khiến tôi phải tự nhìn lại mình. Liệu mình có thể sống nhân ái được như Sơn không, biết quan tâm đến những con người bất hạnh dưới đáy xã hội như thế? Em đúng là đứa bé, nhưng lại có một thái độ sống không bé nhỏ chút nào.

Tôi nhớ lại mình đã có lần cười thích thú khi thấy một em nhỏ bán báo bị xua đuổi vì ghé nhìn vào lớp mình đang học. Tôi xấu hổ khi thấy mình đã quá ích kỉ, nhỏ nhen và hẹp hòi như vậy. Nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam đã mang đến cho tôi một bài học lớn, một bài học ấm áp về tình người.


Cùng chủ đề:

Viết bài văn phân tích nhân vật Mạnh trong văn bản Củ khoai nướng lớp 7
Viết bài văn phân tích nhân vật Mên trong Bầy chim chìa vôi lớp 7
Viết bài văn phân tích nhân vật Mon trong Bầy chim chìa vôi lớp 7
Viết bài văn phân tích nhân vật Nét Len trong Cuộc chạm trán trên đại dương lớp 7
Viết bài văn phân tích nhân vật Quải trong đoạn trích Giận Ông Giời lớp 7
Viết bài văn phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa lớp 7
Viết bài văn phân tích nhân vật Sọ Dừa trong truyện Sọ Dừa lớp 7
Viết bài văn phân tích nhân vật Thần Đồng trong Đường vào trung tâm vũ trụ lớp 7
Viết bài văn phân tích nhân vật Thạch Sanh trong truyện Thạch Sanh lớp 7
Viết bài văn phân tích nhân vật Võ Tòng trong Người đàn ông cô độc giữa rừng lớp 7
Viết bài văn phân tích nhân vật cậu ấm trong đoạn trích Một cuộc đua của nhà văn Quế Hương lớp 7