Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về tư tưởng “ở hiền gặp lành” được thể hiện trong bài thơ “Chuyện cổ nước mình”
Tải vềBài thơ "Chuyện cổ nước mình" của Lâm Thị Mỹ Dạ đã khắc họa sâu sắc những tư tưởng của nhân dân ta được thể hiện đậm nét trong những câu chuyện cổ.
Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về tư tưởng “ở hiền gặp lành” được thể hiện trong bài thơ “Chuyện cổ nước mình”
Bài làm
Bài thơ "Chuyện cổ nước mình" của Lâm Thị Mỹ Dạ đã khắc họa sâu sắc những tư tưởng của nhân dân ta được thể hiện đậm nét trong những câu chuyện cổ. Tình thương người bao la mênh mông và triết lí về niềm tin "ở hiền gặp lành" là ý nghĩa sâu xa, là sự tuyệt vời của truyện cổ nước mình khiến cho nhà thơ phải "yêu" và quý trọng:
"Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật tiên độ trì".
"Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo" là triết lý, là niềm tin của nhân dân ta gửi gắm trong truyện cổ. Câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ gợi nhớ trong lòng ta bao truyện cổ, bao hình ảnh, bao nhân vật. Anh trai cày hiền lành được Phật trao cho câu thần chú: "Khắc nhập! Khắc xuất" mà lấy được vợ đẹp con nhà giàu (Truyện "Cây tre trăm đốt”). Người em cần cù, trung hậu được con chim phượng hoàng đền đáp "ăn một quả trà cục vàng" mà trở nên giàu có hạnh phúc; trái lại người anh tham lam mà chết chìm xuống đáy biển (Truyện "Cây khế". Thạch Sanh được Tiên "độ trì" mà trở nên võ nghệ cao cường, có lắm phép thần thông biến hóa, đã giết chết Trăn tinh, bắn chết Đại Bàng, có đàn thần để lui giặc, được làm phò mã, rồi được làm vua; trái lại Lý Thông gian tham, độc ác, quỷ quyệt bị sét đánh rồi hóa thành bọ hung... Đúng như Lâm Thị Mỹ Dạ đã viết:
"Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật tiên độ trì".