Viết đoạn văn về hiện tượng tiêu cực trong thi cử
Viết đoạn văn về hiện tượng tiêu cực trong thi cử hay nhất
Dàn ý
1. Mở đoạn
- Giới thiệu vấn đề: hiện tượng tiêu cực trong thi cử
2. Thân đoạn
a. Giải thích vấn đề
- Tiêu cực trong thi cử là những hành vi gian lận, không trung thực, không có tính công bằng trong thi cử
b. Thực trạng/Dẫn chứng
- Thí sinh mang những tài liệu không được cho phép vào phòng thi: "phao" in nhỏ...
- Sử dụng những thiết bị điện tử để thực hiện hành vi gian lận: điện thoại, tai nghe không dây...
- Tài liệu quay cóp, những chiếc "phao" vứt đầy thùng rác, sân trường
...
c. Nguyên nhân
- Chủ quan: do ý thức học kém, lười học ở một số bộ phận học sinh vẫn muốn được điểm cao mà không muốn học
- Khách quan: đề thi dài và khó, áp lực thành tích từ thầy cô, cha mẹ...
d. Hậu quả
- Tạo thói quen xấu, ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh
- Khiến học sinh ảo tưởng về học lực của mình
- Học sinh không có kiến thức, không hiểu bài
e. Giải pháp
- Bản thân mỗi học sinh cần ý thức học tập chăm chỉ hơn
- Trung thực, nghiêm túc tuân thủ nội quy thi cử
- Gia đình cần quan tâm các em, không tạo áp lực học hành
- Thầy cô và nhà trường động viên, không áp lực thành tích lên các em
- Cần xử lý nghiêm khắc các trường hợp gian lận thi cử
3. Kết đoạn
- Khẳng định lại vấn đề
- Liên hệ bản thân
Bài mẫu 1
Tiêu cực trong thi cử là những hành vi gian lận, không trung thực, không có tính công bằng trong thi cử. Thí sinh mang những tài liệu không được cho phép vào phòng thi sau đó vứt t ài liệu quay cóp, những chiếc "phao" đầy thùng rác, tràn lan trên sân trường. Thậm chí có học sinh sử dụng những thiết bị điện tử để thực hiện hành vi gian lận: điện thoại, tai nghe không dây... Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nguyên nhân chủ quan là do ý thức học kém, lười học ở một số bộ phận học sinh vẫn muốn được điểm cao mà không muốn học, còn nguyên nhân khách quan là do đề thi dài và khó, áp lực thành tích từ thầy cô, cha mẹ... Điều này đã để lại hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến tận tương lai sau này của các học sinh. Tiêu cực trong thi cử sẽ tạo thói quen xấu, học sinh không có kiến thức, ảo tưởng về học lực và thành tích của chính mình. Để khắc phục tình trạng này, bản thân mỗi học sinh cần ý thức học tập chăm chỉ hơn, trung thực, nghiêm túc tuân thủ nội quy thi cử. Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm, không tạo áp lực học hành, thầy cô và nhà trường động viên, không áp lực thành tích và có biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp gian lận thi cử. Như vậy, tiêu cực trong thi cử là một hành vi xấu cần đẩy lùi để nâng cao chất lượng đào tạo, học tập của học sinh.
Bài mẫu 2
Hiện tượng tiêu cực trong thi cử luôn là vấn đề đáng quan ngại của xã hội trong mọi thời đại. Tiêu cực trong thi cử là cách gọi chung cho những hành động gian lận, bao che, gian dối trong thi cử. Biểu hiện của hiện tượng tiêu cực trong thi cử vô cùng đa dạng và phức tạp, không chỉ có ở học sinh mà còn xuất hiện ở thầy cô, nhà trường, thậm chí là cán bộ của các phòng, sở giáo dục. Với học sinh thì đó là hành động gian lận, quay cóp, nhắc bài trong quá trình làm bài kiểm tra, bài thi. Với thầy cô, nhà trường, cán bộ thì đó là hành động tiết lộ đề, tiết lộ đáp án, nhắc bài cho học sinh, nâng/hạ điểm không có căn cứ, bao che cho các hành động tiêu cực của học sinh… Hiện tượng tiêu cực trong thi cử ngày càng biến tướng, nghiêm trọng nhất là trong kì thi THPT quốc gia năm học 2016-2017 và năm học 2017-2018, Sở Giáo dục các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La,… đã bị điều tra và phát hiện, xử lí hàng trăm trường hợp nâng điểm một cách trắng trợn, cao nhất có thí sinh được nâng đến 9 điểm/một môn. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là ở đâu? Theo tôi, nguyên nhân chính là xuất phát từ lòng tham, từ cách suy nghĩ tiêu cực, lạm dụng chức quyền của cán bộ, từ thói lười biếng, không có mục đích học tập đúng đắn của học sinh. Và hậu quả của tình trạng, hiện tượng này là vô cùng nghiêm trọng, đặc biệt ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhân lực của đất nước, tạo ra xôn xao, nghi ngờ trong dư luận. Để đẩy lùi hiện tượng trên, bên cạnh việc học sinh phải tự rèn luyện đức tính trung thực của chính bản thân mình, thì Bộ Giáo dục, các nhà chức trách cũng cần nghiêm túc theo dõi sát sao, đề cao tính công bằng khi tổ chức bất kì một kì thi, kì sát hạch nào.
Nguồn: Sưu tầm