Yêu cầu và phương pháp thuyết minh
Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ, người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh như: nêu định nghĩa, mô tả sự vật, sự việc, nêu ví dụ, liệt kê, so sánh đối chiếu phân tích, phân loại, dùng số liệu... Nói vừa phải, tránh đại ngôn...
1. Yêu c ầu
Muốn nói thì phải hiểu điều mình định nói. Không thể vu vơ.
Muốn làm tốt bài văn thuyết minh cũng vậy, nghĩa là người viết, người nói phải nghiên cứu, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm chắc bản chất đặc trưng, mối tương quan của nó, để có thể trình bày một cách sáng tỏ, đầy sức thuyết phục; tránh lan man, vô nghĩa, ngụy biện.
Ví dụ, các bản thuyết minh về các loại thuốc hiện nay, nói "bốc lên ” như một linh đan, một thần dược, người nghe cảm thấy ngờ vực về sự "một tấc đến giời!".
2. Phương pháp thuyết minh
Để bài văn thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ, người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh như: nêu định nghĩa, mô tả sự vật, sự việc, nêu ví dụ, liệt kê, so sánh đối chiếu phân tích, phân loại, dùng số liệu... Nói vừa phải, tránh đại ngôn.
Ví dụ
a, Cách giữ những quyển sách quý
Muốn giữ những quyển sách quý được bền lâu, xin bạn làm theo cách sau đây:
- Đừng dùng ngón tay thấm nước miếng khi lật, giở trang sách.
- Khi các trang sách bị dính bẩn, bạn nên lấy xà phòng xát nhẹ lên rồi nhỏ vài giọt nước mà chà cho sạch, sau đó đem phơi khô trước khi cất vào tủ.
- Tủ và ngăn đựng sách lúc nào cũng phải giữ cho khô và sạch. Nên gói một cục vôi sống để ở một góc hay dưới đáy tủ.
b, Cách làm sạch gầu trên tóc
Gầu là thứ "bụi" nhỏ ở da đầu, làm cho ta ngứa ngáy khó chịu. Muốn chữa, hãy làm theo cách này, trước tiên phải gội đầu thật sạch; cần sạch vì gầu làm nghẹt chân tóc. Sau đó, lấy một cái chén, đập trứng lấy lòng đỏ, pha thêm hai muỗng rượu cô nhắc và một chung nước trà đậm, đánh cho trứng tan đều ra. Lấy hỗn hợp chất này xức lên tóc, vò đầu thật kĩ, tiếp theo gội lại bằng xà phòng thơm với nước âm ấm. Nếu thấy chưa được sạch, hãy lấy nước pha thêm một muỗng dấm. Gội độ 5, 6 lần như vậy trong tuần, gầu sẽ sạch ngay!
c, Trái thơm (quả dứa)
- Ngoài những cách dùng thông thường, ta có thể lấy trái thơm vắt nước, hoà với lòng đỏ trứng gà, có tác dụng trị bệnh đau bao tử.
- Lựa trái thơm chín, gọt vỏ, lấy một chút phèn chua giã nát, rắc lên trái thơm, rồi lấy bẹ chuối bó lại đem nướng chín, vắt lấy nước uống, trị dược bệnh sỏi thận.
- Cũng trái thơm chín, gọt vỏ xắt thành miếng nhỏ, đem xếp vào tô, rắc đường cát hoặc đường phèn, đem phơi sương, ăn cả cái lẫn nước, trị bệnh ho lâu năm.
(Trích cuốn Mẹo vặt gia đinh của Nguyễn Quân)
d, Cây kè
Cánh đồng xứ Thanh, đúng như người ta nói, rộng mỏi cánh cò bay. Chúng tôi đã đi gần hai ngày mà vẫn chưa hết những cánh đồng bằng phẳng, thính thoảng nổi lên một cái gò đất bên trên cỏ mọc lúp xúp và những thân cây kè vươn cao tận trời xanh. Cây kè cho loài người bao nhiêu lá thì trên thân có bấy nhiêu đốt, như thế thân cây càng cao.
Tôi vừa đi vừa ngắm không chán những cây kè lâu năm, thân to cao vút và cả những cây kè còn non, thấp lè tè, mà những tấm lá rộng lớn đã bọc kín gốc cây.
Một vài nơi trên cánh đồng, người ta đang trẩy lá kè. Rừng kè xào xạc. Những người chặt lá nói chuyện từ ngọn cây này sang ngọn cây khác. Trên một cái gò kề bên, việc chặt lá vừa xong, những cây kè bây giờ trông kệch cỡm và xấu xí, cả rừng cây giống như một hàng những chiếc chổi lông gà cắm ngược. Chính những "chiếc lông gà" ấy tạo nên một nét đặc biệt cho cánh đồng xứ Thanh không giống bất kì một vùng nào khác. Rồi đây những tàu lá kè sẽ được phơi khô, trở nên trắng nõn, sẽ đem làm nón, làm mũ làm áo tơi, lợp phên cửa, lợp mái nhà,... Những mái nhà lợp bằng lá kè có thể bền hơn lợp ngói, được hàng chục năm"...
(Những ngày lưu lạc - Nguyễn Minh Châu)
Nhận xét:
Ở Phú Thọ gọi là cây cọ, trồng trên đồi. Ở Thanh Hoá gọi là cây kè, được trồng trên những gò đất nổi lên giữa đồng lúa mênh mông bát ngát mỏi cánh cò bay. Cây kè non lúp xúp lá; cây kè lâu năm, thân cao vút để lại nhiều đốt. Khi cây kè trẩy hết lá trông "kệch cỡm, xấu xí" tựa như những chiếc lông gà cắm ngược.
Công dụng của lá kè rất to lớn: làm nón, làm mũ, làm áo tơi, lợp phên cửa, lợp mái nhà rất bền.
Đó là những hiểu biết, nhũng tri thức về cây kè xứ Thanh mà tác giả đã thuyết minh cho ta rõ.
e, Cái quạt giấy
Cái quạt giấy, quạt nan, quạt lá cọ, quạt mo, đã cho thấy đầu óc sáng tạo, nếp sống giản dị của dân tộc ta.
Trước đây, kinh tế còn nhiều thiếu thốn, khó khăn, hầu như người nào, gia đình nào cũng có hai ba chiếc quạt giấy, quạt nan. Cái quạt thủ công vừa rẻ, vừa tiện lợi. Lúc nóng cần phe phẩy thì xoè ra, dùng xong thì xếp lại. Quạt giấy dùng lâu đã sờn, đã rách thì ta mua quạt khác hoặc dùng quạt nan, quạt mo.
Chiếc quạt giấy đã đi suốt hành trình nhiều thế kỉ. Bước sang thiên kỉ mới, quạt máy đẹp, tốt và rẻ, điện đã về tận mọi xóm làng quê, nhưng ta vẫn thấy cái quạt giấy, quạt lụa, quạt nhựa, đủ màu sắc dáng hình. Các điểm du lịch, các hội chợ, cái quạt giấy đã trở thành món hàng lưu niệm được nhiều du khách ưa chuộng. Khách sạn Métropole giữa thủ đô Hà Nội, năm nào cũng đặt mua hàng vạn quạt giấy xinh xinh. Bà đồng cốt ở hội Phủ Giày, ở lễ hội Đền Sòng vẫn dùng cái quạt giấy rõ to rõ dài... lúc múa hát.
Trước đây, ở nước ta có nhiều làng nghề nổi tiếng làm quạt như làng Vác ở Thanh Oai, làng Chàng Sơn ở Quốc Oai,... thuộc xứ Đoài, Sơn Tây, Hà Nội. Tục ngữ còn lưu truyền: “Nón Chuông, quạt Vác, mành mành Võ Lăng". Nhiều hộ làm quạt giấy ở làng Vác, ở làng Chàng Sơn cho đến nay vẫn không hết việc, vẫn sinh sống và làm giàu bằng nghề truyền thống của ông cha.
Nan quạt vẫn bằng tre, trúc thanh mảnh, nuột nà, vẫn bằng giấy và lụa, vẫn có đủ 17 hay 18 nan, nhưng màu sắc và hoạ tiết (là hoa, là ong bướm, là Tố Nữ, là phong cảnh, v.v....) đã nâng tầm vóc chiếc quạt giấy thành một vật phẩm lưu niệm của khách du lịch, nhất là các ông Tây, bà đầm. Cái mắt quạt bằng kim loại màu làm cho quạt thêm xinh thêm đẹp.
Triển lãm Festival nghề truyền thống Việt Nam tại Huế 2009, nhiều người đã ngạc nhiên và trầm trồ về chiếc quạt giấy khổng lổ với chiều cao 4,5 mét, chiều rộng 9 mét, được trang trí tuyệt đẹp. Tác giả chiếc quạt ấy là nghệ nhân Dương Văn Mơ, ngoài 70 tuổi, người làng nghề Chàng Sơn.
Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi đã có 8 bài thơ liên hoàn vịnh cái quạt. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có 2 bài thơ hóm hỉnh nói về cái quạt giấy: "Mười bảy hay là mười tám đây? - Cho ta yêu dấu chẳng rời tay... “
Cái quạt giấy bình dị và thân thuộc thật đáng yêu. Nó là hồn quê đất Việt.