Bài 10. Thủy quyển. Nước trên lục địa SGK Địa lí 10 Cánh Diều
1. Nêu khái niệm thủy quyển. 2. Phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông. 3. Phân biệt các loại hồ theo nguồn gốc hình thành. 4. Trình bày đặc điểm chủ yếu của nước băng tuyết và nước ngầm trên Trái Đất. 5. Nêu các giải pháp chủ yếu để bảo vệ nguồn nước ngọt. Theo em, giải pháp nào quan trọng nhất? ...
? trang 38
Trả lời câu hỏi trang 38 SGK Địa lí 10
Đọc thông tin, hãy nêu khái niệm thủy quyển.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục 1 (Khái niệm thủy quyển).
Lời giải chi tiết:
Khái niệm: Thuỷ quyển là toàn bộ nước trên Trái Đất ở các trạng thái khác nhau (lỏng, rắn, hơi), bao gồm nước trong các biển, đại dương, trên các lục địa và trong khí quyển, trong đó có khoảng 3% là nước ngọt còn lại là nước mặn.
? trang 39
Trả lời câu hỏi 1 trang 39 SGK Địa lí 10
Quan sát hình 10.1, hãy phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông .
Hình 10.1. Sơ đồ các nhân tố ảnh hưởng đến chế độ nước sông
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục 2 (Các nhân tố ảnh hưởng đến chế độ nước sông) và quan sát hình 10.1.
Giải chi tiết:
Các nhân tố ảnh hưởng tới chế độ nước sông:
- Chế độ mưa: quy định chế độ dòng chảy của sông.
Ví dụ: Sông có nguồn cấp nước chủ yếu là nước mưa thì mùa lũ trùng với mùa khô, mùa cạn trùng với mùa khô.
- Băng tuyết tan: Làm tăng lưu lượng dòng chảy vào mùa xuân khi băng tuyết tan nhanh.
- Hồ, đầm: Điều tiết chế độ dòng chảy của sông.
- Địa hình: Độ dốc càng lớn, thời gian tập trung nước và thoát nước trên sông càng nhanh.
- Đặc điểm đất, đá và thực vật: Các khu vực đất, đá dễ thấm nước, vỏ phong hóa dày, có nhiều thực vật che phủ thường có nguồn nước phong phú, dòng chảy điều hòa.
- Con người: Điều tiết chế độ dòng chảy sông thông qua việc xây dựng các hồ chứa thủy điện, các công trình thủy lợi, trồng và bảo vệ rừng,...
Trả lời câu hỏi 2 trang 39 SGK Địa lí 10
Dựa vào bảng 10.1, hãy phân biệt các loại hồ theo nguồn gốc hình thành.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin trong mục “Hồ và phân loại hồ theo nguồn gốc hình thành” và quan sát hình 10.1.
Giải chi tiết:
Phân biệt các loại hồ theo nguồn gốc hình thành:
* Hồ tự nhiên (4 loại):
- Hồ móng ngựa: Do quá trình uốn khúc và đổi dòng của các sông ở vùng đồng bằng (VD: Hồ Tây, Hà Nội).
- Hồ kiến tạo: Hình thành ở những vùng trũng trên các đứt gãy kiến tạo (VD: Các hồ ở khu vực Đông Phi).
- Hồ băng hà: Do quá trình xâm thực của bằng hà lục địa, phổ biến ở các nước vùng vĩ độ cao (VD: Vùng Hồ Lớn ở lục địa Bắc Mỹ).
- Hồ miệng núi lửa: Hình thành từ các miệng núi lửa đã ngừng hoạt động (VD: Hồ To-ba trên đảo Su-ma-tra, In-đô-nê-xi-a).
* Hồ nhân tạo: Do con người tạo ra (VD: Hồ thủy điện Hòa Bình trên sông Đà).
? trang 40
Trả lời câu hỏi trang 40 SGK Địa lí 10
Đọc thông tin và quan sát hình 10.2, hãy trình bày đặc điểm chủ yếu của nước băng tuyết và nước ngầm trên Trái Đất.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục 5 (Nước băng tuyết) và quan sát hình 10.2.
Lời giải chi tiết:
Đặc điểm chủ yếu của nước băng tuyết và nước ngầm trên Trái Đất:
- Nước băng tuyết:
+ Trạng thái: rắn.
+ Bao phủ gần 11% diện tích các lục địa với thể tích hơn 24 triệu km 3 .
+ Nguồn gốc hình thành: do tuyết rơi trong điều kiện nhiệt độ thấp, được tích tụ, nén chặt trong thời gian dài.
+ Vai trò: cung cấp nguồn nước cho sông khi nước băng tan và tạo thành các dạng địa hình băng hà ở vùng khí hậu lạnh.
- Nước ngầm:
+ Tồn tại trong các tầng đất, đá thấm nước của vỏ Trái Đất.
+ Nguồn gốc: chủ yếu do nước trên mặt thấm xuống.
+ Mực nước ngầm luôn thay đổi do phụ thuộc nhiều nhân tố: nguồn cung cấp, đặc điểm địa hình; khả năng thấm nước của đất, đá; mức độ bốc hơi; lớp phủ thực vật và con người.
+ Vai trò: cung cấp nước cho các hệ thống sông trên Trái Đất, là kho nước ngọt có trữ lượng lớn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của con người.
? trang 41
Trả lời câu hỏi trang 41 SGK Địa lí 10
Đọc thông tin, hãy nêu các giải pháp chủ yếu để bảo vệ nguồn nước ngọt. Theo em, giải pháp nào quan trọng nhất?
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục “Các giải pháp bảo vệ nước ngọt”.
Lời giải chi tiết:
- Các giải pháp chủ yếu để bảo vệ nguồn nước ngọt:
+ Giữ sạch nguồn nước;
+ Sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;
+ Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
+ Trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn.
- Giải pháp quan trọng nhất là: Nâng cao ý thức trách nghiệm của người dân trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước.
Luyện tập
Giải bài luyện tập trang 41 SGK Địa lí 10
Dựa vào bảng 10.2, hãy lựa chọn và trình bày về chế độ nước của một trong các con sông dưới đây.
Phương pháp giải:
- Chọn 1 trong 3 con sông trong bảng 10.2 để trình bày.
- Trình bày về chế độ nước của con sông đó theo các tiêu chí: Tổng lưu lượng dòng chảy năm (Cộng tổng lưu lượng dòng chảy tháng), những tháng mùa lũ và những tháng mùa cạn.
- Chú ý: Để biết tháng nào là tháng mùa lũ, mùa cạn, lấy tổng lưu lượng dòng chảy năm chia 12 => kết quả.
+ Tháng nào có lưu lượng dòng chảy > kết quả: mùa lũ.
+ Tháng nào có lưu lượng dòng chảy < kết quả: mùa cạn.
Lời giải chi tiết:
* Hà Nội (trên sông Hồng)
- Tổng lưu lượng dòng chảy năm là 31 588 mm.
- Các tháng mùa lũ: tháng 6 - 10.
- Các tháng mùa cạn: tháng 11 - 5.
* Yên Thương (trên sông Cả)
- Tổng lưu lượng dòng chảy năm là 6 186 mm.
- Các tháng mùa lũ: tháng 7 - 11.
- Các tháng mùa cạn: tháng 12 - 6.
* Tà Lài (trên sông Đồng Nai)
- Tổng lưu lượng dòng chảy năm là 4 267 mm.
- Các tháng mùa lũ: tháng 7 - 10.
- Các tháng mùa cạn: tháng 11 - 6.
Vận dụng
Giải bài vận dụng trang 41 SGK Địa lí 10
Vì sao phải bảo vệ nguồn nước ngọt? Ở địa phương em đã có các biện pháp nào để bảo vệ nguồn nước?
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học và liên hệ thực tế.
Lời giải chi tiết:
- Phải bảo vệ nguồn nước ngọt vì nước ngọt có vai trò rất quan trọng trong đời sống và sản xuất của con người và nước ngọt có hạn:
+ Đối với đời sống: Nước ngọt được con người sử dụng trong sinh hoạt (ăn uống, tắm giặt, rửa chén bát,...).
+ Đối với sản xuất:
Nước tưới cho cây trồng;
Làm mát các thiết bị, máy móc trong công nghiệp,...
- Biện pháp bảo vệ nguồn nước ở địa phương em:
+ Giữ sạch nguồn nước, không xả nước thải chưa qua xử lí ra sông, hồ;
+ Sử dụng tiết kiệm nước;
+ Tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong sử dụng và bảo vệ nguồn nước…