Bài 6. Ngoại lực và tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất SGK Địa lí 10 Cánh Diều — Không quảng cáo

Soạn Địa 10, giải bài tập Địa Lí 10 Cánh Diều Chương 2: Thạch quyển


Bài 6. Ngoại lực và tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất SGK Địa lí 10 Cánh Diều

1. Khái niệm và nguyên nhân chủ yếu của ngoại lực. 2. Tác động của quá trình phong hóa đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất. 3. Tác động của quá trình bóc mòn đối với sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất. 4. Trong bốn quá trình phong hóa, bóc mòn, vận chuyển, bồi tụ các quá trình nào trực tiếp làm thay đổi địa hình bề mặt Trái Đất?

? trang 22

Trả lời câu hỏi trang 22 SGK Địa lí 10

Đọc thông tin, hãy trình bày khái niệm và nguyên nhân chủ yếu của ngoại lực.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục “Khái niệm và nguyên nhân ngoại lực”.

Lời giải chi tiết:

- Khái niệm: Ngoại lực là lực sinh ra trên bề mặt Trái Đất.

- Nguyên nhân chủ yếu của ngoại lực là năng lượng bức xạ Mặt Trời.

? trang 24

Trả lời câu hỏi trang 24 SGK Địa lí 10

Đọc thông tin và quan sát hình 6.1, 6.2, hãy trình bày tác động của quá trình phong hóa đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất.

Phương pháp giải:

- Đọc thông tin mục “Quá trình phong hóa” và quan sát hình 6.1, 6.2.

- Tác động của quá trình phong hóa đến sự hình thành địa hình Trái Đất thể hiện qua 3 loại phong hóa:

+ Phong hóa lí học.

+ Phong hóa hóa học.

+ Phong hóa sinh học.

Lời giải chi tiết:

Tác động của quá trình phong hóa đến sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất:

- Phong hóa lí học:

+ Phá hủy, làm các đá, khoáng vật bị vỡ với kích thước khác nhau nhưng không làm thay đổi thành phần và tính chất.

+ Thường xảy ra mạnh ở những nơi nhiệt độ có sự dao động lớn theo ngày - đêm (Ví dụ: Sa mạc) và ở những khu vực bề mặt nước bị đóng băng (Ví dụ: Bắc cực).

- Phong hóa hóa học:

+ Phá hủy, làm biến đổi thành phần, tính chất của đá và khoáng vật do tác động của nước, nhiệt độ, các chất hòa tan trong nước và sinh vật.

+ Diễn ra mạnh trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Ví dụ: các hang động đá vôi ở Việt Nam (Động Phong Nha - Kẻ Bảng,...).

- Phong hóa sinh học:

+ Phá hủy đá và khoáng vật dưới tác động của sinh vật làm các đá biến đổi về cả mặt lí học và hóa học.

+ Ví dụ: Sự phát triển của rễ cây làm đá nứt vỡ, các chất hữu cơ từ hoạt động sống của sinh vật có thể làm các đá bị biến đổi về thành phần, tính chất.

? trang 25

Trả lời câu hỏi 1 trang 25 SGK Địa lí 10

Đọc thông tin và quan sát các hình từ 6.3 đến 6.6, hãy trình bày tác động của quá trình bóc mòn đối với sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục “Quá trình bóc mòn” và quan sát hình 6.3, 6.6.

Giải chi tiết:

Tác động của quá trình bóc mòn đối với sự hình thành địa hình bề mặt Trái Đất:

- Quá trình bóc mòn do dòng nước (xâm thực): tạo thành các dạng địa hình khác nhau như khe rãnh, mương xói, thung lũng sông,…

- Quá trình bóc mòn do gió (thổi mòn hay khoét mòn): tạo thành các dạng địa hình khác nhau như nấm đá, rãnh thổi mòn, hoang mạc đá,…

- Quá trình bóc mòn do sóng biển (mài mòn): tạo thành các vách biển, hàm ếch, nền mài mòn,…

- Quá trình bóc mòn do băng hà (nạo mòn): tạo thành dạng địa hình chủ yếu là máng băng, phi-o, đá lưng cừu,…

Trả lời câu hỏi 2 trang 25 SGK Địa lí 10

Đọc thông tin, hãy trình bày tác động của quá trình vận chuyển và bồi tụ đối với sự hình thành bề mặt Trái Đất.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục “Quá trình vận chuyển bồi tụ” trang 25 SGK.

Giải chi tiết:

Tác động của quá trình vận chuyển và bồi tụ đối với sự hình thành bề mặt Trái Đất:

- Vận chuyển:

+ Tiếp nối quá trình bóc mòn, làm vật liệu di chuyển theo các nhân tố ngoại lực.

+ Có vai trò cung cấp nguồn vật liệu cho quá trình bồi tụ.

- Bồi tụ:

+ Sự kết thúc của quá trình vận chuyển, làm tích tụ vật liệu tạo nên các dạng địa hình.

+ Ví dụ: bãi bồi và đồng bằng châu thổ (do dòng chảy thường xuyên); thạch nhũ (do kết tủa hóa học trong hang động); đụn cát (do gió),...

Luyện tập

Giải bài luyện tập trang 25 SGK Địa lí 10

Trong bốn quá trình phong hóa, bóc mòn, vận chuyển, bồi tụ các quá trình nào trực tiếp làm thay đổi địa hình bề mặt Trái Đất?

Phương pháp giải:

D ựa vào kiến thức đã học về bốn quá trình phong hóa, bóc mòn, vận chuyển, bồi tụ => xác định quá trình trực tiếp làm thay đổi địa hình bề mặt Trái Đất.

Lời giải chi tiết:

Quá trình trực tiếp làm thay đổi địa hình bề mặt Trái Đất: bóc mòn và bồi tụ.

Vận dụng

Giải bài vận dụng trang 25 SGK Địa lí 10

Tại sao quá trình bóc mòn và bồi tụ do dòng nước ở nước ta phát triển mạnh? Các quá trình này tác động đến địa hình nước ta như thế nào?

Phương pháp giải:

Liên hệ kiến thức đã học và liên hệ thực tế.

Lời giải chi tiết:

- Quá trình bóc mòn và bồi tụ do dòng nước ở nước ta phát triển mạnh do: nước ta là một đất nước nhiều đồi núi và có hệ thống sông ngòi dày đặc.

- Tác động của của các quá trình bóc mòn và bồi tụ đến địa hình nước ta:

+ Bóc mòn: tạo thành các khe rãnh, mương xói, thung lũng sông, các vách biển..

+ Bồi tụ: tạo thành bãi bồi, đồng bằng châu thổ, cồn cát, thạch nhũ, bãi biển...


Cùng chủ đề:

Bài 1. Môn Địa lí với định hướng nghề nghiệp cho học sinh SGK Địa lí 10 Cánh Diều
Bài 2. Sử dụng bản đồ SGK Địa lí 10 Cánh Diều
Bài 3. Trái Đất. Thuyết kiến tạo mảng SGK Địa lí 10 Cánh Diều
Bài 4. Hệ quả địa lí các chuyển động chính của Trái Đất SGK Địa lí 10 Cánh Diều
Bài 5. Thạch quyển. Nội lực và tác động của nội lực đến địa hình bề mặt Trái Đất SGK Địa lí 10 Cánh Diều
Bài 6. Ngoại lực và tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất SGK Địa lí 10 Cánh Diều
Bài 7. Khí quyển, nhiệt độ không khí SGK Địa lí 10 Cánh Diều
Bài 8. Khí áp, gió và mưa SGK Địa lí 10 Cánh Diều
Bài 9. Đọc bản đồ: Các đới khí hậu trên Trái Đất. Phân tích biểu đồ một số kiểu khí hậu SGK Địa lí 10 Cánh Diều
Bài 10. Thủy quyển. Nước trên lục địa SGK Địa lí 10 Cánh Diều
Bài 11. Nước biển và đại dương SGK Địa lí 10 Cánh Diều