Bài 14. Một số hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp - SGK Địa lí 12 Cánh diều — Không quảng cáo

Soạn Địa 12, giải bài tập Địa Lí 12 Cánh diều Chương 3. Địa lí các ngành kinh tế - SGK Địa lí 12 Cánh


Bài 14. Một số hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp - SGK Địa lí 12 Cánh diều

Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích hình thức khu công nghiệp ở nước ta

? mục I

Câu hỏi mục I trang 74 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích hình thức khu công nghiệp ở nước ta

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 74 – 75.

Lời giải chi tiết:

- Là khu vực có ranh giới địa lí xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.

- Ở nước ta, khu công nghiệp được hình thành gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. - Vai trò: thu hút được vốn đầu tư lớn ở trong và ngoài nước, đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao trị giá xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy liên kết ngành và vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy thương mại và đầu tư,...

- Tính đến hết năm 2021, cả nước có 397 khu công nghiệp đã được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong số đó có 292 khu đã đi vào hoạt động. Số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp là gần 4,1 triệu người.

- Các khu công nghiệp tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An và Bắc Ninh).

- Các khu công nghiệp ở nước ta đang chuyển đổi và xây dựng theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; vận hành và quản lí theo mô hình doanh nghiệp số và chính phủ số.

? mục II

Câu hỏi mục II trang 75 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích hình thức khu công nghệ cao ở nước ta.

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 74 – 75.

Lời giải chi tiết:

- Là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

- Khu công nghệ cao được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có ranh giới

xác định.

- Có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của khoa học – công nghệ và nền kinh tế nước ta, góp phần xây dựng năng lực nghiên cứu, phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao; tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút nhân lực công nghệ cao ở trong và ngoài nước, góp phần xây dựng các ngành công nghiệp công nghệ cao, làm động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá.

- Tính đến năm 2021, cả nước có 4 khu công nghệ cao. Ngoài ra, Chính phủ đang quy hoạch các khu công nghệ cao ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Đồng Nai, Bình Dương....

? mục III

Câu hỏi mục III trang 75 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Dựa vào thông tin và hình 13.3, hãy phân tích hình thức trung tâm công nghiệp ở nước ta.

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 75.

Lời giải chi tiết:

- Là nơi tập trung hoạt động công nghiệp gắn với đô thị lớn và vừa. Mỗi trung tâm công nghiệp thường có một hoặc một số ngành chuyên môn hoá, là hạt nhân phát triển vùng và địa phương.

- Các trung tâm công nghiệp ở nước ta ngày càng phát triển và rất đa dạng, được phân loại dựa vào vai trò của nó trong phân công lao động theo lãnh thổ, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp, tính chất chuyên môn hoá,...

- Căn cứ vào giá trị sản xuất công nghiệp, có thể chia các trung tâm công nghiệp thành các trung tâm rất lớn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng); các trung tâm lớn (Phổ Yên, Từ Sơn, Biên Hoà,...); các trung tâm trung bình (Bắc Giang, Dung Quất, Cần Thơ,...) và các trung tâm nhỏ (chiếm đa số, phân bố rộng khắp cả nước).

Luyện tập

Câu hỏi Luyện tập trang 75 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Lập sơ đồ hệ thống hoá các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp ở nước ta theo gợi ý: tên hình thức, vai trò, tình hình hoạt động.

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12, trang 73 – 75.

Lời giải chi tiết:

Vận dụng

Câu hỏi Vận dụng trang 75 SGK Địa lí 12, Cánh diều

Thu thập tài liệu, viết báo cáo ngắn về một hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp có ở thành phố, thị xã, huyện nơi em sinh sống.

Phương pháp giải:

Phân tích thông tin SGK Địa lí 12 và liên hệ thực tiễn.

Lời giải chi tiết:

VD: Trung tâm công nghiệp ở Thái Nguyên

Trước năm 2014, TP. Thái Nguyên luôn là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) và là trung tâm công nghiệp (TTCN) của tỉnh, chiếm khoảng 50-60% GTSXCN. Sau năm 2014, sự xuất hiện của các dự án đầu tư nước ngoài tại TX. Phổ Yên, làm cho GTSXCN của địa phương này tăng lên nhanh chóng, chiếm tới 91,3% toàn tỉnh.

Khu vực kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong sản xuất công nghiệp của TTCN TP Thái Nguyên, năm 2018 GTSXCN đạt 13.666,3 tỉ đồng, chiếm 52,5% toàn tỉnh. TTCN TP Thái Nguyên là nơi tập trung 2.060 cơ sở sản xuất (16,7% toàn tỉnh) và 447 doanh nghiệp công nghiệp (58,2% toàn tỉnh). Hoạt động sản xuất công nghiệp thu hút 3.710 lao động trong cơ sở sản xuất công nghiệp, 94.323 lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp.

Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của TTCN TP. Thái Nguyên bao gồm: thép cán các loại, thiếc thỏi, quần áo, chè chế biến, giấy bìa. Sản lượng các sản phẩm này có xu hướng tăng lên nhờ mở rộng sản xuất và tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Hiện nay, sự chuyển dịch trung tâm công nghiệp Thái Nguyên từ Thành phố Thái Nguyên sang thị xã Phổ Yên diễn ra khá nhanh.

Nhìn chung, TTCN có đóng góp lớn vào trong GTSXCN toàn tỉnh, cơ cấu ngành đa dạng dựa trên thế mạnh của tỉnh; thúc đẩy phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đầu tư vốn, ứng dụng công nghệ hiện đại; thu hút được nhiều vốn đầu tư trong và ngoài nước, là cơ sở để tiến hành hoạt động sản xuất có quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao; giải quyết vấn đề việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh, tạo thu nhập, ổn định chất lượng cuộc sống cho người lao động.


Cùng chủ đề:

Bài 9. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Bài 10. Vấn đề phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Bài 11. Một số hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Bài 12. Thực hành: Vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích về tình hình phát triển và sự chuyển dịch cơ cấu của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Bài 13. Vấn đề phát triển công nghiệp - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Bài 14. Một số hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Bài 15. Thực hành: Vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích tình hình phát triển các ngành công nghiệp ở nước ta - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Bài 16. Giao thông vận tải và bưu chính viễn thông - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Bài 17. Thương mại và dịch vụ - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Bài 18. Thực hành: Tìm hiểu thực tế về một số hoạt động và sản phẩm dịch vụ của địa phương - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Bài 19. Khai thác thế mạnh ở trung du và miền núi Bắc bộ - SGK Địa lí 12 Cánh diều