Bài 19: Đi hội chùa Hương trang 89 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống — Không quảng cáo

Tiếng Việt lớp 4, giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 kết nối tri thức, tập đọc lớp 4 Tuần 29: Quê hương trong tôi


Bài 19: Đi hội chùa Hương trang 89 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống

Giới thiệu một lễ hội mùa xuân mà em biết. Cảnh vật thiên nhiên ở Chùa Hương thay đổi như thế nào khi mùa xuân về. Những hình ảnh nào cho thấy người đi hội rất đông vui và thân thiện. Theo em, ở khổ thơ cuối, tác giả muốn nói điều gì.

Khởi động

Giới thiệu một lễ hội mùa xuân mà em biết.

Phương pháp giải:

Em giới thiệu một lễ hội mùa xuân mà em biết.

Gợi ý:

- Đó là lễ hội gì?

- Diễn ra vào thời gian nào, ở đâu?

- Trong lễ hội có các hoạt động nào?

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

Vào mùa xuân ở miền Bắc có rất nhiều lễ hội nhưng lễ hội em thích nhất là lễ hội chùa Hương.

Lễ hội chùa Hương là một lễ hội ngày Tết lớn ở Việt Nam được tổ chức mỗi năm và thu hút rất nhiều Phật tử từ Nam ra Bắc đến tham quan và hành hương. Lễ hội được diễn ra tại khu danh thắng chùa Hương (hay còn gọi là Hương Sơn) thuộc Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thủ đô Hà Nội và kéo dài từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Du khách đến với chùa Hương không chỉ được thỏa mãn tín ngưỡng tâm linh mà còn được đắm mình vào khoảng trời non nước, ngồi thuyền ngắm cảnh và tận hưởng không khí trong lành. Phần lễ của lễ hội chùa Hương thể hiện niềm tin về tín ngưỡng tôn giáo chung ở Việt Nam bao gồm cả Phật tử và những du khách mang tín ngưỡng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Phần hội có rất nhiều trò chơi, hoạt động văn hóa đặc sắc cũng được diễn ra tại nơi đây như chèo thuyền, hát chèo, leo núi, hát chầu văn,...ngày hội du thuyền còn mang lại một nét đẹp độc đáo của lễ hội chùa Hương bởi gợi nhớ đến cội nguồn cho người đi hội.

Du xuân Chùa Hương đầu năm để cầu bình an, sức khỏe cho một năm mới đầy may mắn và tài lộc.

Bài đọc

ĐI HỘI CHÙA HƯƠNG

Nườm nượp người, xe đi

Mùa xuân về trẩy hội.

Rừng mơ thay áo mới

Xúng xính hoa đón mời.

Nơi núi cũ xa vời

Bỗng thành nơi gặp gỡ.

Một câu chào cởi mở

Hoá ra người cùng quê.

Động Chùa Tiên, Chùa Hương

Đá còn vang tiếng nhạc.

Động chùa núi Hinh Bồng

Gió còn ngân khúc hát.

Bước mỗi bước say mê

Như giữa trang cổ tích.

Đất nước mình thanh lịch

Nên núi rừng cũng thơ.

Dù không ai đợi chờ

Cũng thấy lòng bổi hổi.

Lẫn trong làn sương khói

Một mùi thơm cứ vương.

Ôi phải đâu lễ Phật

Người mới đi Chùa Hương.

Người đi thăm đất nước

Người về trong yêu thương.

(Theo Chu Huy )

Từ ngữ

- Chùa Hương : thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

- Nườm nượp : đông, kéo dài như vô tận.

- Xúng xính : vẻ hớn hở trong bộ quần áo mới, dài và rộng.

- Bổi hổi : xao xuyến trong lòng.

Phương pháp giải:

Lời giải chi tiết:

Câu 1

1. Cảnh vật thiên nhiên ở Chùa Hương thay đổi như thế nào khi mùa xuân về?

Phương pháp giải:

Em đọc ba câu thơ sau của khổ thơ thứ nhất của bài thơ để tìm câu trả lời.

“Mùa xuân về trẩy hội.

Rừng mơ thay áo mới

Xúng xính hoa đón mời.”

Lời giải chi tiết:

Cảnh vật thiên nhiên ở Chùa Hương thay đổi khi mùa xuân về: Rừng mơ thay áo mới, xúng xính hoa đón mời.

Câu 2

2. Những hình ảnh nào cho thấy người đi hội rất đông vui và thân thiện?

Phương pháp giải:

Em đọc dòng thơ đầu tiên của khổ thơ thứ 1 và cả khổ thơ thứ 2 để tìm câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

Những hình ảnh cho thấy người đi hội rất đông vui và thân thiện: Nườm nượp người, xe đi; Nơi núi cũ xa vời bỗng thành nơi gặp gỡ. Một câu chào cởi mở, hoá ra người cùng quê.

Câu 3

3. Niềm tự hào về quê hương, đất nước được thể hiện qua những câu thơ nào?

Phương pháp giải:

Em đọc khổ thơ thứ tư và khổ thơ cuối của bài đọc để tìm câu trả lời.

“Bước mỗi bước say mê

Như giữa trang cổ tích.

Đất nước mình thanh lịch

Nên núi rừng cũng thơ.

Ôi phải đâu lễ Phật

Người mới đi Chùa Hương.

Người đi thăm đất nước

Người về trong yêu thương.”

Lời giải chi tiết:

Niềm tự hào về quê hương, đất nước được thể hiện qua những câu thơ:

- Đất nước mình thanh lịch

Nên núi rừng cũng thơ.

- Ôi phải đâu lễ Phật

Người mới đi Chùa Hương.

Người đi thăm đất nước

Người về trong yêu thương.

Câu 4

4. Theo em, ở khổ thơ cuối, tác giả muốn nói điều gì?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ khổ thơ cuối, suy nghĩ về nội dung khổ thơ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Theo em, ở khổ thơ cuối tác giả muốn nói người Việt đi chùa không chỉ để đi lễ Phật, cầu may,….. mà còn là để đi thăm đất nước, thể hiện tình yêu với đất nước.

* Học thuộc lòng 4 khổ thơ đầu.

Nội dung

Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và con người ở hội Chùa Hương. Qua đó, tác giả thể hiện tình cảm yêu mến, tự hào đối với vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam.

Phương pháp giải:

Lời giải chi tiết:


Cùng chủ đề:

Bài 19: Dấu ngoặc kép trang 90 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 19: Luyện tập về biện pháp nhân hóa trang 87 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 19: Quan sát cây cối trang 91 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 19: Thanh âm của núi trang 85 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 19: Viết đoạn văn tưởng tượng trang 88 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 19: Đi hội chùa Hương trang 89 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Bầu trời mùa thu trang 89 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Chiều ngoại ô trang 93 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Luyện viết đoạn văn miêu tả cây cối trang 95 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Trả bài viết đoạn văn tưởng tượng trang 91 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Đọc mở rộng trang 92 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống