Bài 20: Bầu trời mùa thu trang 89 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống — Không quảng cáo

Tiếng Việt lớp 4, giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 kết nối tri thức, tập đọc lớp 4 Tuần 11: Niềm vui sáng tạo


Bài 20: Bầu trời mùa thu trang 89 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống

Trao đổi với bạn: Bầu trời đẹp nhất vào lúc nào? Vì sao? Các bạn học sinh được thầy giáo giao cho nhiệm vụ gì. Em có nhận xét gì về cách tả bầu trời của các bạn nhỏ trong những câu văn dưới đây. Trong bài có rất nhiều câu văn tả bầu trời, em thích câu văn nào. Theo em, vì sao hình ảnh bầu trời trong các câu văn của mỗi bạn nhỏ rất khác nhau.

Khởi động

Trao đổi với bạn: Bầu trời đẹp nhất vào lúc nào? Vì sao?

Phương pháp giải:

Em dựa vào suy nghĩ của bản thân để trao đổi với bạn.

Lời giải chi tiết:

Theo em, bầu trời đẹp nhất vào buổi đêm. Vì vào buổi đêm, bầu trời tối đen như mực, ánh trăng và những vì sao chiếu rọi nổi bật trên bầu trời tạo nên một khung cảnh rất đẹp mắt. Thỉnh thoảng, những đám mây trắng che đi mặt trăng khiến bầu trời như được phủ một lớp sương mỏng.

Nội dung bài đọc

Câu chuyện kể về một buổi thực hành quan sát thiên nhiên ngoài trời của các bạn học sinh. Thông qua câu gợi ý miêu tả về bầu trời của thầy giáo mà các bạn lại có nhiều cái nhìn khác nhau hơn về màu sắc trạng thái của bầu trời

Bài đọc

BẦU TRỜI MÙA THU

Giờ học hôm nay, thầy giáo cùng cả lớp đi ra cánh đồng. Buổi sáng mùa thu mát mẻ. Thầy nói:

- Các em hãy nhìn lên bầu trời. Mùa hè, nó rất nóng với những tia nắng mặt trời chói chang. Còn bây giờ, bầu trời thế nào? Các em hãy suy nghĩ và chọn những từ ngữ thích hợp để nói về bầu trời.

Các cô cậu học trò nhìn lên trời và suy nghĩ. Sau vài phút, một em nói:

- Bầu trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao.

– Vì sao mặt nước lại mệt mỏi? – Thầy hỏi.

– Thưa thầy, mùa hè, nước dạo chơi cùng những làn sóng. Mùa thu, nó mệt nên đứng yên với màu xanh nhạt.

Các bạn khác tiếp tục nói:

– Bầu trời được rửa mặt sau cơn mưa.

– Bầu trời xanh biếc.

Thấy cô bé Va-li-a vẻ mặt đăm chiêu, thầy giáo hỏi:

– Còn Va-li-a, vì sao em im lặng thế?

– Em muốn nói bằng những từ ngữ của mình.

– Em đã tìm được chưa?

– Bầu trời dịu dàng. – Va-li-a khẽ nói và mỉm cười.

Sau đó, mỗi em đều muốn nói về bầu trời bằng những từ ngữ của riêng mình:

– Bầu trời buồn bã. Những đám mây xám đang từ phương bắc trôi tới.

– Bầu trời trầm ngâm. Nó nhớ đến tiếng hót của bầy chim sơn ca.

– Bầu trời ghé sát mặt đất. Mùa hè, nó cao hơn và có những con chim én bay liệng. Còn bây giờ, chẳng có chim én nữa, vì thế bầu trời - cúi xuống lắng nghe để tìm xem chim én đang ở trong bụi cây hay ở nơi nào. Cứ thế, các cô cậu hào hứng suy nghĩ và tưởng tượng để nói về bầu trời theo cách của riêng mình.

(Theo Xu-khôm-lin-xki, Mạnh Hưởng dịch)

Từ ngữ

Trầm ngâm: có dáng vẻ đang suy nghĩ, nghiền ngẫm điều gì.

Câu 1

1. Các bạn học sinh được thầy giáo giao cho nhiệm vụ gì?

Phương pháp giải:

Em đọc lời thoại đầu tiên của thầy giáo trong đoạn 1 của bài đọc để tìm câu trả lời.

Lời giải chi tiết:

Thầy giáo giao cho các bạn học sinh nhiệm vụ suy nghĩ và chọn những từ ngữ thích hợp để nói về bầu trời.

Câu 2

2. Em có nhận xét gì về cách tả bầu trời của các bạn nhỏ trong những câu văn dưới đây?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các cách miêu tả và đưa ra nhận xét của bản thân.

Lời giải chi tiết:

- Bầu trời được rửa mặt sau cơn mưa: ở đây bạn nhỏ đã miêu tả bầu trời với sắc màu xanh trong và nhiều ánh sáng. Đây là cách nhân hóa hình ảnh bầu trời với hoạt động "rửa mặt" của con người để chỉ được hình ảnh bầu trời sáng và trong.

- Bầu trời dịu dàng: ở đây hình ảnh bầu trời tiếp tục được nhân hóa để miêu tả màu sắc của bầu trời vào thu thật nhẹ nhàng, những gam màu không chói rực và cũng không gay gắt như trời hè.

- Bầu trời buồn bã: ở đây là hình ảnh bầu trời tĩnh lặng trước các sự vật giống như con người trong cuộc sống. Những đám mây xám là hình ảnh cho những dự cảm không lành hoặc là những lo âu, lo lắng buồn bã của bầu trời. Ngoài ra, hình ảnh buồn bã ở đây còn mang nghĩa thông báo trời chuẩn bị có cơn mưa.

- Bầu trời trầm ngâm. Nó nhớ đến tiếng hót của bầy chim sơn ca.: ở đây là hình ảnh của bầu trời tĩnh lặng. "Trầm ngâm" vốn là động từ chỉ trạng thái, cảm xúc của con người còn khi các bạn miêu tả như vậy thể hiện được cái nhìn sâu sắc và  miêu tả được nỗi nhớ của trời khi vào thu không còn được nghe tiếng hót của bầy chim sơn ca.

- Bầu trời ghé sát mặt đất... Bầu trời cúi xuống lắng nghe để tìm xem chim én đang ở trong bụi cây hay ở nơi nào: vào thu, bầu trời thường lặng và dịu dàng mang sắc màu hồng mơ màng đan xen với chút ửng đỏ khác hẳn với trời xuân rạo rực sức sống, mọi vật ở mọi nơi đều kéo về trên bầu trời tự chung tiếng ca.

Câu 3

3. Trong bài có rất nhiều câu văn tả bầu trời, em thích câu văn nào? Vì sao?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Em thích nhất là câu: "Bầu trời ghé sát mặt đất. Mùa hè, nó cao hơn và có những con chim én bay liệng. Còn bây giờ, chẳng có chim én nữa, vì thế bầu trời cúi xuống lắng nghe để tìm xem chim én đang ở trong bụi cây hay ở nơi nào.". Vì vào thu, bầu trời thường lặng và dịu dàng mang sắc màu hồng mơ màng đan xen với chút ửng đỏ khác hẳn với trời xuân rạo rực sức sống, mọi vật ở mọi nơi đều kéo về trên bầu trời tự chung tiếng ca. Cho nên đây là một hình ảnh so sánh độc đáo, sinh động.

Câu 4

4. Theo em, vì sao hình ảnh bầu trời trong các câu văn của mỗi bạn nhỏ rất khác nhau?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh bầu trời trong các câu văn của mỗi bạn nhỏ rất khác nhau vì mỗi bạn đều có một cảm quan khác nhau để cảm nhận những sự vật xung quanh mình. Chính vì thế mà có bạn miêu tả bầu trời buồn bã, có bạn lại miêu tả bầu trời dịu dàng, bạn lại cảm nhận được sự sống, hơi thở của bầu trời khi xuân đã qua.

Câu 5

5. Viết 1 – 2 câu văn tả bầu trời theo quan sát và cảm nhận của em.

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

- Bầu trời cao, trong xanh như một tấm thảm khổng lồ. Ông mặt trời từ từ vươn khỏi dãy núi để tưới tắm cho muôn loài những tia nắng vàng tươi, ấm áp.

Luyện tập

Câu 1:

1. Câu văn nào dưới đây sử dụng cả hai biện pháp so sánh và nhân hoá?

A. Bầu trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao.

B. Mùa hè, nước dạo chơi cùng những làn sóng.

C. Bầu trời được rửa mặt sau cơn mưa.

D. Bầu trời dịu dàng.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ các câu văn và chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Câu văn sử dụng cả hai biện pháp so sánh và nhân hoá là Bầu trời xanh như mặt nước mệt mỏi trong ao.

Chọn A.

Câu 2

2. Đặt câu kể, tả về một hiện tượng tự nhiên, trong đó có sử dụng biện pháp nhân hoá.

Phương pháp giải:

Em đặt câu kể, tả về một hiện tượng tự nhiên, trong đó có sử dụng biện pháp nhân hoá.

Lời giải chi tiết:

- Mây:

+ Những chị mây diện những chiếc váy trắng muốt đang bay trên bầu trời xanh cao.

+ Từng chị mây cam, hồng dần dần vẫy tay chào biệt buổi chiều để đến với màn đêm tĩnh lặng.

- Nắng: Ánh nắng mặt trời nhảy nhót như những chú bé tinh nghịch.


Cùng chủ đề:

Bài 19: Luyện tập về biện pháp nhân hóa trang 87 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 19: Quan sát cây cối trang 91 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 19: Thanh âm của núi trang 85 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 19: Viết đoạn văn tưởng tượng trang 88 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 19: Đi hội chùa Hương trang 89 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Bầu trời mùa thu trang 89 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Chiều ngoại ô trang 93 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Luyện viết đoạn văn miêu tả cây cối trang 95 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Trả bài viết đoạn văn tưởng tượng trang 91 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Đọc mở rộng trang 92 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 20: Đọc mở rộng trang 97 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống