Bài 2. Sự xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản SGK Lịch sử 11 Cánh diều — Không quảng cáo

Soạn Lịch sử 11, giải Sử 11 Cánh diều Chủ đề 1. Cách mạng tư sản và sự phát triển của chủ ngh


Bài 2. Sự xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản SGK Lịch sử 11 Cánh diều

Trình bày sự xác lập của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ.

? mục 1

Trả lời câu hỏi mục 1 trang 14 SGK Lịch sử 11 Cánh diều

Trình bày sự xác lập của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Phương pháp giải:

Đọc nội dung mục 1 trang 13, 14 SGK.

Lời giải chi tiết:

Sự xác lập của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu và Bắc Mỹ:

- Trong những năm 50 - 70 của thế kỉ XIX, các cuộc cách mạng tư sản tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau ở châu Âu và Bắc Mỹ, như: Đấu tranh thống nhất đất nước ở I-ta-li-a (1859 - 1870), Cải cách nông nô ở Nga (1861), Nội chiến ở Mỹ (1861 - 1865), Đấu tranh thống nhất đất nước ở Đức (1864 - 1871). Nhờ đó, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở các quốc gia này.

- Đến cuối thế kỉ XIX, giai cấp tư sản giành được thắng lợi, lên cầm quyền ở nhiều nước. Chủ nghĩa tư bản chính thức được xác lập ở châu Âu và Bắc Mỹ.

? mục 2 Câu 1

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 15 SGK Lịch sử 11 Cánh diều

Trình bày quá trình mở rộng xâm lược thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây. Thuộc địa có vai trò như thế nào đối với các nước đế quốc?

Phương pháp giải:

Bước 1: Đọc nội dung phần a, mục 2 trang 14, 15 SGK.

Bước 2: Quan sát Bảng 1 để biết được quá trình mở rộng xâm lược thuộc địa của các nước đế quốc ở các châu lục, khu vực.

Bước 3: Quan sát Hình 2 và Bảng 2 để biết được sự phân bố thuộc địa, diện tích và dân số thuộc địa của một số nước đế quốc lớn.

Lời giải chi tiết:

* Quá trình mở rộng xâm lược thuộc địa của các nước đế quốc phương Tây:

- Ở châu Á: Đến cuối thế kỉ XIX, các nước phương Tây đã cơ bản hoàn thành việc xâm lược và đặt ách thống trị (trừ Nhật Bản và Xiêm):

+ Ấn Độ bị thực dân Anh xâm lược, trở thành nước thuộc địa.

+ Trung Quốc bị các nước đế quốc xâm lược, xâu xé, trở thành nước nửa thuộc địa nửa phong kiến.

+ Ở khu vực Đông Nam Á, phần lớn các nước đều trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây.

- Ở châu Phi:

+ Vào nửa đầu thế kỉ XIX, các nước tư bản phương Tây mới đặt một số thương điểm ở ven biển.

+ Đến nửa sau thế kỉ XIX, thực dân phương Tây đẩy mạnh xâu xé châu Phi.

+ Đến đầu thế kỉ XX, việc các nước đế quốc phân chia thuộc địa ở châu Phi đã cơ bản hoàn thành.

- Ở khu vực Mỹ La-tinh:

+ Từ các thế kỉ XVI, XVII, thực dân Tây Ban Nha và thực dân Bồ Đào Nha xâm lược các nước ở khu vực Mỹ La-tinh và lần lượt biến thành thuộc địa.

+ Đầu thế kỉ XIX, sau khi các nước Mỹ La-tinh giành được độc lập. Mỹ lại bành trướng và can thiệp nội bộ đối với nhiều nước ở khu vực này.

* Vai trò của thuộc địa đối với các nước đế quốc:

- Là nơi cung cấp nguyên liệu và nhân công.

- Là thị trường đầu tư và tiêu thụ hàng hoá, đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.

- Là cơ sở vững chắc cho các nước đế quốc trong các cuộc tranh chấp, chiến tranh.

? mục 2 Câu 2

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 16 SGK Lịch sử 11 Cánh diều

Trình bày sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Phương pháp giải:

Đọc nội dung phần b, mục 2 trang 16 SGK.

Lời giải chi tiết:

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX:

- Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, các nước Mỹ La-tinh sau khi giành lại độc lập dân tộc đã đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

- Ở châu Á, Nhật Bản và Xiêm sau khi tiến hành duy tân, cải cách cũng đưa đất nước theo con đường tư bản chủ nghĩa.

=> Chủ nghĩa tư bản mở rộng, phát triển trên phạm vi toàn cầu, trở thành hệ thống thế giới.

- Nhờ ứng dụng thành tựu khoa học - kĩ thuật, nền sản xuất của các nước tư bản phát triển mạnh, dẫn đến sự hình thành các tổ chức lũng đoạn và tiến hành xuất khẩu tư bản, đồng thời nâng cao hiệu quả công cuộc khám phá và chinh phục thiên nhiên của con người.

? mục 2 Câu 3

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 17 SGK Lịch sử 11 Cánh diều

Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 4, trình bày sự phát triển của chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền. Nêu các đặc điểm của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Phương pháp giải:

Bước 1: Đọc nội dung phần c, mục 2 trang 16, 17 SGK.

Bước 2: Đọc nội dung tư liệu trang 17 để biết được các đặc điểm của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

Bước 3: Quan sát Hình 4 để hiểu được quyền lực to lớn của các tổ chức độc quyền ở nước Mỹ.

Lời giải chi tiết:

- Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang độc quyền:

+ Chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh phát triển đến giai đoạn nhất định sẽ xuất hiện các tổ chức độc quyền.

+ Ở giai đoạn đầu, tư bản độc quyền chỉ có trong một số ngành, lĩnh vực, sức mạnh kinh tế chưa lớn. Càng về sau, sức mạnh của các tổ chức độc quyền càng tăng lên và từng bước chi phối toàn bộ nền kinh tế.

+ Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn phát triển mới - chủ nghĩa tư bản độc quyền.

- Các đặc điểm của chủ nghĩa tư bản độc quyền: Chủ nghĩa tư bản độc quyền có năm đặc điểm lớn, được Lê-nin nêu lên ở những năm đầu thế kỉ XX, đó là:

+ Sự tập trung sản xuất và tư bản đạt tới một mức độ phát triển cao, tạo ra những tổ chức độc quyền có một vai trò quyết định trong sinh hoạt kinh tế.

+ Sự hợp nhất tư bản ngân hàng với tư bản công nghiệp thành tư bản tài chính.

+ Việc xuất khẩu tư bản có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt.

+ Sự hình thành những liên minh độc quyền quốc tế của tư bản để chia nhau thế giới.

+ Các cường quốc tư bản chủ nghĩa đã chia nhau xong đất đai trên thế giới.

? mục 3 Câu 1

Trả lời câu hỏi mục 3 trang 18 SGK Lịch sử 11 Cánh diều

Nêu khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Phương pháp giải:

Đọc nội dung phần a, mục 3 trang 17, 18 SGK.

Lời giải chi tiết:

Khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại:

Chủ nghĩa tư bản hiện đại là thuật ngữ được dùng để chỉ chủ nghĩa tư bản từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945). Đây là thời kì chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn mới với những đặc điểm mới so với năm đặc điểm của chủ nghĩa đế quốc mà Lê-nin đã nêu lên ở đầu thế kỉ XX, đó là:

- Độc quyền nhà nước.

- Có sức sản xuất phát triển cao.

- Lực lượng lao động có những chuyển biến quan trọng về cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Không ngừng tự điều chỉnh, thích ứng để tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới.

- Là một hệ thống thế giới và ngày càng mang tính toàn cầu.

? mục 3 Câu 2

Trả lời câu hỏi mục 3 trang 19 SGK Lịch sử 11 Cánh diều

- Nêu tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

- Trình bày suy nghĩ của em về tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Phương pháp giải:

Bước 1: Đọc nội dung phần b, mục 3 trang 18, 19 SGK để biết được những tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Bước 2: Vận dụng những hiểu biết cá nhân kết hợp với nội dung trong SGK để nêu suy nghĩ của bản thân về tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Lời giải chi tiết:

* Tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại:

- Tiềm năng:

+ Có trình độ sản xuất phát triển cao chưa từng có trong lịch sử phát triển gần năm thế kỉ, luôn đi đầu trong phát triển kinh tế thế giới.

+ Có bề dày kinh nghiệm và phương pháp quản lí kinh tế, có cơ sở pháp chế kiện toàn và cơ chế vận hành xã hội tương đối hoàn chỉnh.

+ Đã và sẽ tiếp tục có khả năng tự điều chỉnh và thích nghi để tiếp tục tồn tại và phát triển.

+ Xu hướng toàn cầu hoá kinh tế đã và sẽ tạo ra cho chủ nghĩa tư bản hiện đại những nguồn lực bên ngoài quan trọng để phát triển kinh tế.

- Thách thức:

+ Bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, mặc dù chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có những điều chỉnh quan trọng về quan hệ sở hữu và quản lí.

+ Đối mặt với những vấn đề chính trị, xã hội nan giải. Nền dân chủ tư sản đang bị xói mòn và trên thực tế chỉ dành cho một bộ phận thiểu số người trong xã hội.

+ Tiềm ẩn những cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu như khủng hoảng tài chính - tiền tệ, khủng hoảng môi trường,…

* Suy nghĩ của bản thân về tiềm năng và thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại:

- Những tiềm năng của chủ nghĩa tư bản hiện đại thể hiện sự tiến bộ, sự phát triển vượt bậc và đóng góp lớn của chủ nghĩa tư bản đối với sự phát triển của nhân loại.

- Những thách thức của chủ nghĩa tư bản hiện đại thể hiện bản chất của chế độ, đó là chế độ người bóc lột người. Chủ nghĩa tư bản không thể giải quyết triệt để được những thách thức này.

Luyện tập Câu 1

Trả lời câu hỏi Luyện tập trang 19 SGK Lịch sử 11 Cánh diều

Hoàn thành sơ đồ sau để thể hiện các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Phương pháp giải:

Đọc lại nội dung SGK, lưu ý tên các đầu mục chính là các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản.

Lời giải chi tiết:

Luyện tập Câu 2

Trả lời câu hỏi Luyện tập trang 19 SGK Lịch sử 11 Cánh diều

Nêu sự khác biệt giữa đặc điểm của chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Phương pháp giải:

Đọc lại nội dung phần c, mục 2 trang 17 và phần a, mục 3 trang 18 SGK.

Lời giải chi tiết:

Sự khác biệt giữa đặc điểm của chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa tư bản hiện đại:

Chủ nghĩa tư bản độc quyền

Chủ nghĩa tư bản hiện đại

- Sự tập trung sản xuất và tư bản đạt tới một mức độ phát triển cao, tạo ra những tổ chức độc quyền có một vai trò quyết định trong sinh hoạt kinh tế.

- Sự hợp nhất tư bản ngân hàng với tư bản công nghiệp thành tư bản tài chính.

- Việc xuất khẩu tư bản có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt.

- Sự hình thành những liên minh độc quyền quốc tế của tư bản để chia nhau thế giới.

- Các cường quốc tư bản chủ nghĩa đã chia nhau xong đất đai trên thế giới.

- Độc quyền nhà nước.

- Có sức sản xuất phát triển cao.

- Lực lượng lao động có những chuyển biến quan trọng về cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

- Không ngừng tự điều chỉnh, thích ứng để tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới.

- Là một hệ thống thế giới và ngày càng mang tính toàn cầu.

Vận dụng

Trả lời câu hỏi Vận dụng trang 19 SGK Lịch sử 11 Cánh diều

Chọn và phân tích một thành tựu của chủ nghĩa tư bản hiện đại có tác động đến cuộc sống ngày nay.

Phương pháp giải:

Sưu tầm tư liệu qua sách, báo, internet.

Lời giải chi tiết:

Internet là một trong những đóng góp quan trọng của chủ nghĩa tư bản hiện đại đối với nhân loại. Đây là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau.

Nguồn gốc của Internet bắt nguồn từ sự phát triển của chuyển mạch gói và nghiên cứu do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ủy quyền thực hiện vào những năm 1960 để cho phép chia sẻ thời gian của máy tính. Trải qua hàng loạt nghiên cứu và thử nghiệm, mạng Internet được phát triển như ngày nay.

Internet xuất hiện đã mang lại một sự thay đổi to lớn cho cả nền kinh tế, khoa học, kỹ thuật thế giới. Nó giúp cho mọi hoạt động của đời sống và sản xuất trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn nhiều lần. Ngày nay internet là một công cụ không thể thiếu trong các hoạt động kinh tế, giáo dục và chính trị.


Cùng chủ đề:

Bài 1. Một số vấn đề chung về cách mạng tư sản SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Bài 2. Sự xác lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Bài 3. Sự hình thành Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Bài 4. Sự phát triển của chủ nghĩa xã hội từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Bài 5. Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Bài 6. Hành trình đi đến độc lập dân tộc ở Đông Nam Á SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Bài 7. Khái quát về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam SGK Lịch sử 11 Cánh diều