Bài 7. Khái quát về chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 1, trình bày vị trí địa chiến lược của Việt Nam.
? mục 1 a
Trả lời câu hỏi mục 1a trang 42 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 1, trình bày vị trí địa chiến lược của Việt Nam.
Phương pháp giải:
Bước 1: Đọc thông tin phần a, mục 1 trang 42 SGK.
Bước 2: Đọc nội dung tư liệu trang 42 để biết được vị trí quan trọng của Việt Nam trên con đường giao thương giữa các nước với Trung Quốc.
Bước 3: Quan sát Hình 1 để biết được vị trí địa chiến lược của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và ở châu Á.
Lời giải chi tiết:
- Nằm ở Đông Nam Á - khu vực được coi là ngã tư giữa lục địa Á - Âu và châu Đại Dương, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trên tuyến đường giao thông, giao thương lâu đời và quan trọng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
- Nằm ở vị trí cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, là địa bàn “tiền tiêu” của Đông Nam Á từ phía bắc, là “cửa ngõ” để tiến vào bán đảo Trung - Ấn từ phía đông và Trung Quốc từ phía nam.
? mục 1 b
Trả lời câu hỏi mục 1b trang 43 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Phân tích vai trò và ý nghĩa của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam.
Phương pháp giải:
Đọc nội dung phần b, mục 1 trang 43 SGK.
Lời giải chi tiết:
- Vai trò:
+ Có vai trò đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
+ Quyết định tới sự tồn vong của quốc gia, dân tộc trước các cuộc chiến tranh xâm lược và can thiệp từ bên ngoài.
+ Có tác động lớn đến quá trình hình thành quốc gia, dân tộc; đến tiến trình lịch sử dân tộc và chính sách quản lí đất nước.
+ Ảnh hưởng đến tính chất xã hội và công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, văn hoá.
- Ý nghĩa:
+ Góp phần hình thành và phát triển truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
+ Góp phần khơi dậy và củng cố tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc.
? mục 2 a
Trả lời câu hỏi mục 2a trang 44 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Dựa vào thông tin và tư liệu, trình bày nội dung chính của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán năm 938.
Phương pháp giải:
Bước 1: Đọc nội dung phần a, mục 2 trang 44 SGK.
Bước 2: Đọc nội dung tư liệu phần a, mục 2 trang 44 để biết được diễn biến chính của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán năm 938.
Lời giải chi tiết:
- Cuối năm 938, đoàn thuyền chiến của quân Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy kéo vào vùng biển Đông Bắc nước ta.
- Ngô Quyền đã cho người đóng cọc gỗ đã được vát nhọn ở vùng cửa sông Bạch Đằng, tạo thành bãi cọc ngầm để chống giặc.
- Trận địa phục kích của quân Ngô Quyền đã khiến quân Nam Hán bị bất ngờ và thất bại nhanh chóng.
? mục 2 b
Trả lời câu hỏi mục 2b trang 44 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Đọc thông tin và tư liệu, trình bày nội dung chính của cuộc kháng chiến chống Tống năm 981.
Phương pháp giải:
Bước 1: Đọc nội dung phần b, mục 2 trang 44 SGK.
Bước 2: Đọc nội dung tư liệu phần b, mục 2 trang 44 để biết được diễn biến chính của cuộc kháng chiến chống Tống năm 981.
Lời giải chi tiết:
- Đầu năm 981, quân Tống dưới sự chỉ huy của tướng Hầu Nhân Bảo tiến hành xâm lược Đại Cồ Việt.
- Lê Hoàn trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến. Nhiều phòng tuyến được xây dựng ở những dòng sông lớn.
- Khi tiến vào lãnh thổ Đại Cồ Việt, quân Tống liên tục bị chặn đánh ở nhiều nơi. Tướng địch Hầu Nhân Bảo bị bắt và đem chém, quân Tống thua to, phải rút lui.
? mục 2 c
Trả lời câu hỏi mục 2c trang 45 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Đọc thông tin và quan sát Hình 3, trình bày nội dung chính của cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1075 - 1077.
Phương pháp giải:
Bước 1: Đọc nội dung phần c, mục 2 trang 44, 45 SGK.
Bước 2: Quan sát Hình 3 để biết được diễn biến của trận chiến tại phòng tuyến sông Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống Tống 1075 - 1077.
Lời giải chi tiết:
- Tháng 10 - 1075, trước những hành động chuẩn bị xâm lược Đại Việt của nhà Tống, nhà Lý thực hiện kế sách “Tiên phát chế nhân” (tấn công trước để chế ngự đối phương), bất ngờ tấn công vào châu Ung (Quảng Tây) và châu Khâm, châu Liêm (Quảng Đông) sau đó rút quân về nước.
- Sau khi rút quân về nước, nhà Lý khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, xây dựng phòng tuyến quy mô lớn ở bờ nam sông Cầu, phía bắc kinh thành Thăng Long.
- Đầu năm 1076, hàng chục vạn quân Tống chia làm hai đạo tiến vào Đại Việt và bị chặn lại ở phòng tuyến bên bờ sông Như Nguyệt. Quân Tống nhiều lần tổ chức vượt sông đánh sang phòng tuyến của quân nhà Lý nhưng thất bại.
- Cuối mùa xuân năm 1077, Lý Thường Kiệt bất ngờ cho quân vượt sông, tấn công vào doanh trại địch. Quân Tống thiệt hại nặng, “mười phần chết đến năm, sáu”.
- Giữa lúc quân Tống rơi vào tình thế khó khăn, bế tắc, nhà Lý chủ động kết thúc chiến tranh bằng cách đề nghị giảng hoà. Được mở lối thoát, quân Tống nhanh chóng chấp nhận và rút quân về nước.
? mục 2 d
Trả lời câu hỏi mục 2d trang 46 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Trình bày nội dung chính của ba lần kháng chiến chống quân Mông - Nguyên (1258 - 1288).
Phương pháp giải:
Đọc nội dung phần d, mục 2 trang 45, 46 SGK.
Lời giải chi tiết:
- Cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ (1258):
+ Đầu năm 1258, thực hiện ý đồ đánh chiếm Nam Tống từ phía nam, 3 vạn quân Mông Cổ tràn vào Đại Việt. Nhà Trần chặn đánh địch tại Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc) nhưng không thành công.
+ Để bảo toàn lực lượng, triều đình nhà Trần rời Thăng Long, nhân dân thực hiện kế “thanh dã” (vườn không nhà trống). Quân Mông Cổ rơi vào tình thế khó khăn, bế tắc.
+ Cuối tháng 1 - 1258, nhà Trần tổ chức phản công và giành thắng lợi lớn ở Đông Bộ Đầu (Hà Nội), buộc quân Mông Cổ phải tháo chạy về nước.
- Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên (1285):
+ Đầu năm 1285, 50 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy từ phía bắc tràn vào lãnh thổ Đại Việt; ở phía nam, Toa Đô dẫn 10 vạn quân từ Chăm-pa, Thanh Hoá đánh ra.
+ Trước thế giặc mạnh, quân nhà Trần buộc phải rời Thăng Long, nhân dân tiếp tục thực hiện kế “thanh dã”, tiến hành chiến tranh du kích. Quân Nguyên từng bước rơi vào khó khăn.
+ Giữa năm 1285, dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, quân nhà Trần tổ chức phản công, giành thắng lợi lớn ở Tây Kết, Hàm Tử (Hưng Yên); Chương Dương, Thăng Long (Hà Nội); Vạn Kiếp (Hải Dương),... Quân Nguyên thiệt hại nặng nề, Thoát Hoan trốn chạy về nước.
- Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên (1287 - 1288):
+ Cuối năm 1287, hơn 30 vạn quân Nguyên chia làm 3 cánh, tràn vào Đại Việt theo hai đường thuỷ, bộ.
+ Tháng 1 - 1288, quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy chiếm đóng Vạn Kiếp, tiến đánh Thăng Long.
+ Tháng 2 - 1288, trận Vân Đồn, đoàn thuyền lương của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy bị tiêu diệt. + Tháng 3 - 1288, Thoát Hoan dẫn quân lui về Vạn Kiếp rồi tháo chạy về nước.
+ Tháng 4 - 1288, trận Bạch Đằng, cánh quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy bị tiêu diệt.
? mục 2 e
Trả lời câu hỏi mục 2e trang 47 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Dựa vào thông tin và tư liệu, trình bày nội dung chính của cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (1785).
Phương pháp giải:
Bước 1: Đọc nội dung phần e, mục 2 trang 47 SGK.
Bước 2: Đọc nội dung tư liệu phần e, mục 2 trang 47 để biết được diễn biến chính của trận Rạch Gầm - Xoài Mút trong cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (1785).
Lời giải chi tiết:
- Giữa năm 1784, 5 vạn quân Xiêm kéo vào Gia Định với danh nghĩa giúp Nguyễn Ánh.
- Đầu năm 1785, lực lượng Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến vào đặt đại bản doanh tại Mỹ Tho.
- Ngày 19 - 1 - 1785, trên sông Tiền (đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút) đã diễn ra trận đánh quyết định giữa quân Tây Sơn và quân Xiêm. Quân địch thua to, phải bỏ chạy, chỉ còn vài nghìn lính theo đường núi Chân Lạp mà chạy về.
? mục 2 g
Trả lời câu hỏi mục 2g trang 48 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 6, trình bày nội dung chính của cuộc kháng chiến chống quân Thanh năm 1789.
Phương pháp giải:
Bước 1: Đọc nội dung phần g, mục 2 trang 47 SGK.
Bước 2: Đọc nội dung tư liệu phần g, mục 2 trang 47 để biết được diễn biến chính của cuộc kháng chiến chống quân Thanh năm 1789.
Bước 3: Quan sát Hình 6 để hiểu được diễn biến của trận Ngọc Hồi - Đống Đa trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh năm 1789.
Lời giải chi tiết:
- Cuối năm 1788, theo cầu viện của vua Lê Chiêu Thống, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị dẫn 29 vạn quân tiến vào Đại Việt.
- Được tin, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân (12 - 1788), lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi nhanh chóng tiến quân ra Bắc.
- Từ đêm 30 Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn lần lượt tiêu diệt các đồn lũy của quân Thanh đóng ở phía nam Thăng Long.
- Mờ sáng ngày mồng 5 Tết, cánh quân do Quang Trung chỉ huy tiến đánh và hạ đồn Ngọc Hồi. Cùng thời gian này, đạo quân của Đô đốc Long tấn công và hạ đồn Đống Đa. Quân Thanh nhanh chóng tan vỡ. Tôn Sĩ Nghị hốt hoảng tháo chạy về nước.
? mục 2 h
Trả lời câu hỏi mục 2h trang 49 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Giải thích nguyên nhân chính dẫn đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam.
Phương pháp giải:
Đọc nội dung phần h, mục 2 trang 48, 49 SGK.
Lời giải chi tiết:
- Tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của người Việt. Lòng yêu nước và tư tưởng không chấp nhận mất nước, không cam chịu làm nô lệ là cội nguồn sức mạnh to lớn của quốc gia, dân tộc khi đối diện với các cuộc chiến tranh xâm lược, can thiệp từ bên ngoài.
- Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đều mang tính chính nghĩa. Đây cơ sở để tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân, đưa đến thắng lợi trước những kẻ thù hùng mạnh hơn từ bên ngoài.
- Tinh thần đoàn kết dân tộc, từ đoàn kết trong nội bộ vương triều, giữa tướng lĩnh và binh sĩ, giữa triều đình với nhân dân, giữa các tầng lớp nhân dân và các dân tộc.
- Đường lối chiến lược, chiến thuật đúng đắn, hiệu quả, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo và sự chỉ huy tài tình của các tướng lĩnh cũng góp phần đưa đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến.
- Trong quá trình xâm lược Việt Nam, các thế lực ngoại xâm phải đối diện với nhiều khó khăn, khiến quân xâm lược không phát huy được sở trường, rơi vào thế bị động và từng bước suy yếu. Đây là nguyên nhân khách quan góp phần đưa đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến.
? mục 3 a
Trả lời câu hỏi mục 3a trang 50 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Trình bày nội dung chính của cuộc kháng chiến chống quân Triệu thế kỉ II TCN.
Phương pháp giải:
Đọc nội dung phần a, mục 3 trang 49, 50 SGK.
Lời giải chi tiết:
- Năm 207 TCN, Triệu Đà lập nước Nam Việt ở phía nam Trung Quốc, sau đó tiến hành chiến tranh mở rộng lãnh thổ ra bên ngoài.
- Đối với Âu Lạc, khi không khuất phục được về quân sự, Triệu Đà dùng kế li gián, gây mâu thuẫn nội bộ.
- Năm 179 TCN, Triệu Đà sai quân đánh Âu Lạc, An Dương Vương thất bại nhanh chóng. Nước Âu Lạc rơi vào tay nhà Triệu.
? mục 3 b
Trả lời câu hỏi mục 3b trang 50 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Trình bày nội dung chính của cuộc kháng chiến chống quân Minh đầu thế kỉ XV.
Phương pháp giải:
Đọc nội dung phần b, mục 3 trang 50 SGK.
Lời giải chi tiết:
- Cuối năm 1406, với chiêu bài “Phù Trần diệt Hồ”, nhà Minh huy động hàng chục vạn quân tiến đánh Đại Ngu.
- Khi quân Minh xâm lược, nhà Hồ tổ chức chặn đánh từ biên giới nhưng thất bại, phải rút về bờ nam sông Hồng rồi tập trung cố thủ ở thành Đa Bang (Ba Vì, Hà Nội). Quân Minh đánh chiếm thành Đa Bang rồi tiến về Đông Đô (Thăng Long). Quân nhà Hồ buộc phải rút về thành Tây Đô (Thanh Hoá).
- Tháng 5 - 1407, quân Minh tấn công vào Tây Đô. Kháng cự thất bại, Hồ Quý Ly chạy vào trấn Lâm An (Nghệ An, Hà Tĩnh) và bị bắt tại cửa biển Kỳ La (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Cuộc kháng chiến chống quân Minh thất bại.
? mục 3 c
Trả lời câu hỏi mục 3c trang 51 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Trình bày nội dung chính của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỉ XIX.
Phương pháp giải:
Đọc nội dung phần c, mục 3 trang 50, 51 SGK.
Lời giải chi tiết:
- Sau nhiều lần gây sức ép, đưa thư yêu cầu nhưng không được triều Nguyễn đáp ứng, ngày 1 - 9 - 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam. Quân dân Đà Nẵng đã chống trả quyết liệt.
- Từ năm 1859 đến năm 1862, Pháp tấn công thành Gia Định, đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Kì. Quân dân triều đình Huế kháng cự không hiệu quả.
- Năm 1867, Pháp đánh chiếm các tỉnh miền Tây Nam Kì. Triều đình Huế bất lực. Phong trào kháng chiến của nhân dân tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.
- Năm 1873, Pháp tấn công Bắc Kì lần thứ nhất. Quân dân Việt Nam làm nên chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất.
- Những năm 1882 - 1883, Pháp tấn công Bắc Kì lần thứ hai. Quân dân Việt Nam tạo nên chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai.
- Những năm 1883 - 1884, Pháp tấn công Thuận An, triều đình Huế và Pháp kí Hiệp ước Hác-măng và Hiệp ước Pa-tơ-nốt. Thực dân Pháp hoàn thành về cơ bản quá trình xâm lược Việt Nam.
? mục 3 d
Trả lời câu hỏi mục 3d trang 52 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Giải thích nguyên nhân không thành công của một số cuộc kháng chiến trong lịch sử Việt Nam.
Phương pháp giải:
Đọc nội dung phần d, mục 3 trang 52 SGK.
Lời giải chi tiết:
- Cuộc kháng chiến chống quân Triệu (thế kỉ II TCN): Triều đình Âu Lạc đã mất cảnh giác, không có sự phòng bị, dẫn đến thất bại nhanh chóng.
- Cuộc kháng chiến chống quân Minh (đầu thế kỉ XV):
+ Nhà Hồ không có đường lối kháng chiến đúng đắn, chủ yếu dựa vào thành luỹ, nặng về phòng ngự bị động và rút lui cố thủ.
+ Một số chính sách cải cách của Hồ Quý Ly và việc ông phế truất vua Trần để lên ngôi trước đó đã khiến cho quân dân nhà Hồ mất đoàn kết, suy giảm ý chí chiến đấu.
- Cuộc kháng chiến thực dân Pháp (nửa sau thế kỉ XIX):
+ Nhà Nguyễn không có đường lối kháng chiến đúng đắn, thiếu quyết đoán, thiên về chủ hoà, lại không đoàn kết, hợp lực với nhân dân.
+ Trang bị vũ khí và kĩ thuật tác chiến của quân đội nhà Nguyễn yếu kém và lạc hậu hơn so với quân đội Pháp.
Luyện tập
Trả lời câu hỏi Luyện tập trang 52 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
Lập bảng tóm tắt nội dung chính của các cuộc kháng chiến thắng lợi tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam theo gợi ý: thời gian, địa điểm, đối tượng xâm lược, những trận đánh lớn, kết quả.
Phương pháp giải:
Đọc lại nội dung mục 2, từ trang 44 đến trang 48 SGK.
Lời giải chi tiết:
Cuộc kháng chiến |
Thời gian |
Địa điểm |
Đối tượng xâm lược |
Những trận đánh lớn |
Kết quả |
Kháng chiến chống quân Nam Hán |
938 |
Vùng cửa sông Bạch Đằng |
Quân Nam Hán |
Trận Bạch Đằng |
Quân Nam Hán thất bại nhanh chóng, kháng chiến thắng lợi |
Kháng chiến chống quân Tống |
981 |
Lãnh thổ Đại Cồ Việt |
Quân Tống |
Trận Chi Lăng, trận Bạch Đằng |
Kháng chiến thắng lợi |
Kháng chiến chống quân Tống |
1075 - 1077 |
Lãnh thổ nước Tống, lãnh thổ Đại Việt |
Quân Tống |
Trận phục kích quân Tống ở châu Ung, châu Khâm, châu Liêm; trận Như Nguyệt |
Quân Tống đại bại, kháng chiến thắng lợi |
Kháng chiến chống quân Mông Cổ |
1258 |
Lãnh thổ Đại Việt |
Quân Mông Cổ |
Trận Bình Lệ Nguyên, trận Đông Bộ Đầu |
Quân Mông Cổ phải tháo chạy về nước, kháng chiến thắng lợi |
Kháng chiến chống quân Nguyên |
1285 |
Lãnh thổ Đại Việt |
Quân Nguyên |
Trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, Vạn Kiếp,... |
Quân Nguyên thiệt hại nặng nề, kháng chiến thắng lợi |
Kháng chiến chống quân Nguyên |
1287 - 1288 |
Lãnh thổ Đại Việt |
Quân Nguyên |
Trận Vạn Kiếp, Vân Đồn, Bạch Đằng |
Quân Nguyên đại bại, kháng chiến thắng lợi |
Kháng chiến chống quân Xiêm |
1785 |
Nam Bộ Việt Nam ngày nay |
Quân Xiêm |
Trận Rạch Gầm - Xoài Mút |
Quân Xiêm thua to bỏ chạy, kháng chiến thắng lợi |
Kháng chiến chống quân Thanh |
1789 |
Miền Bắc Việt Nam ngày nay |
Quân Thanh |
Trận Ngọc Hồi - Đống Đa |
Quân Thanh nhanh chóng tan vỡ, kháng chiến thắng lợi |
Vận dụng
Trả lời câu hỏi Vận dụng trang 52 SGK Lịch sử 11 Cánh diều
2. Trên cơ sở kiến thức đã học, rút ra những bài học lịch sử cơ bản từ lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Những bài học lịch sử đó có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?
Phương pháp giải:
2. Dựa vào nội dung bài học để phân tích, liên hệ.
Lời giải chi tiết:
2. Những bài học lịch sử cơ bản từ lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam:
+ Luôn đề cao tính chính nghĩa của công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tạo cơ sở để tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
+ Luôn củng cố và nâng cao tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
+ Phải có đường lối chiến lược và chính sách đúng đắn, hiệu quả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Những bài học lịch sử trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, là nền tảng để xây dựng đất nước tự cường và bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ dân tộc trước những hành động phá hoại của kẻ thù.
Cuối năm 1788, theo cầu viện của vua Lê Chiêu Thống, nhà Thanh cử Tôn Sĩ Nghị dẫn 29 vạn quân tiến vào Đại Việt. Được tin, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại Phú Xuân (12 - 1788), lấy niên hiệu là Quang Trung, rồi nhanh chóng tiến quân ra Bắc.
Từ đêm 30 Tết Nguyên đán Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn lần lượt tiêu diệt các đồn lũy của quân Thanh đóng ở phía nam Thăng Long. Mờ sáng ngày mồng 5 Tết, cánh quân do Quang Trung chỉ huy tiến đánh và hạ đồn Ngọc Hồi. Cùng thời gian này, đạo quân của Đô đốc Long tấn công và hạ đồn Đống Đa. Quân Thanh bày rượu tấu nhạc, đang đêm bỗng có tin báo quân Nguyễn Huệ đã đến nơi, mới hốt hoảng chống cự. Quân địch dùng voi chở đại pháo xung phá quân ta, quân ít không địch nổi số đông, trong đêm đen tự dẫm đạp lên nhau mà chạy,... Tôn Sĩ Nghị đoạt đường vượt sông Phú Lương, rồi lập tức chặt cầu phao để đoạn hậu, vì vậy những quân còn lại trên bờ, Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Trương Triều Long, cùng quan quân phu dịch hơn vạn người, đều chen nhau chết đuối cả. Quân Thanh đại bại. Cuộc kháng chiến giành thắng lợi.