Bài 21. Các nguồn lực phát triển kinh tế SGK Địa lí 10 Kết nối tri thức
1. Trình bày khái niệm về nguồn lực. 2. Trình bày sự phân loại các nguồn lực. 3. Phân tích vai trò của mỗi nguồn lực đối với sự phát triển kinh tế. 4. Lấy ví dụ về tác động của một trong các nhân tố: vị trí địa lí, tài nguyên khoáng sản, nguồn lao động, vốn đầu tư nước ngoài đến phát triển kinh tế. 5. Tìm hiểu và trình bày một số nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở địa phương em.
? mục 1
Trả lời câu hỏi mục 1 trang 63 SGK Địa lí 10
Đọc thông tin trong mục 1, hãy trình bày khái niệm nguồn lực.
Phương pháp giải:
Đọc thông tin mục 1.
Lời giải chi tiết:
Nguồn lực phát triển kinh tế của một lãnh thổ là sức mạnh tổng hợp được tích lũy từ vị trí địa lí, lịch sử - văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động, các tài nguyên hiện có và tiềm năng của những tài sản hình thành trong tương lai, bao gồm cả nguồn lực từ bên ngoài có thể huy động nhằm phục vụ cho việc phát triển kinh tế của lãnh thổ đó.
? mục 2
Trả lời câu hỏi mục 2 trang 63 SGK Địa lí 10
Dựa vào sơ đồ trong mục 2, hãy trình bày sự phân loại các nguồn lực.
Phương pháp giải:
Quan sát sơ đồ “Nguồn lực phát triển kinh tế”, trình bày sự phân loại của nguồn lực bên trong và bên ngoài lãnh thổ.
Lời giải chi tiết:
Sự phân loại các nguồn lực:
- Nguồn lực bên trong lãnh thổ:
+ Vị trí địa lí (vị trí tự nhiên, kinh tế, chính trị).
+ Nguồn lực tự nhiên (đất, nước, không khí, khí hậu, sinh vật, khoáng sản,…).
+ Nguồn lực KT-XH (vốn, chính sách phát triển, lịch sử - văn hóa, nguồn lao động, thị trường,…).
- Nguồn lực bên ngoài lãnh thổ:
+ Vốn đầu tư nước ngoài.
+ Nguồn nhân lực nước ngoài.
+ Thị trường nước ngoài.
+ Khoa học – công nghệ nước ngoài,…
? mục 3
Trả lời câu hỏi mục 3 trang 64 SGK Địa lí 10
Dựa vào thông tin trong mục 3, hãy phân tích vai trò của mỗi nguồn lực đối với sự phát triển kinh tế.
Phương pháp giải:
- Đọc thông tin mục 3 (Vai trò của nguồn lực).
- Phân tích vai trò của từng nguồn lực bên trong (vị trí địa lí, tự nhiên, kinh tế - xã hội) và nguồn lực bên ngoài.
=> Có thể lấy ví dụ để làm rõ.
Lời giải chi tiết:
Vai trò của mỗi nguồn lực đối với sự phát triển kinh tế:
* Các nguồn lực bên trong: vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế của 1 lãnh thổ.
- Vị trí địa lí: tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn trong việc trao đổi, hợp tác cùng phát triển giữa các lãnh thổ.
Ví dụ: Việt Nam có vị trí nằm ở rìa phía đông của bán đảo Đông Dương, gần trung tâm khu vực ĐNA, giáp biển => Thuận lợi giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới.
- Nguồn lực tự nhiên: yếu tố đầu vào để sản xuất hàng hóa, dịch vụ giúp phát triển kinh tế. Sự giàu có và đa dạng về tài nguyên tạo lợi thế quan trọng cho sự phát triển.
Ví dụ: Hoa Kì là quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú (giàu tài nguyên khoáng sản, diện tích đồng bằng rộng lớn, đất màu mỡ, nguồn nước dồi dào,…) => Lợi thế để phát triển kinh tế.
- Nguồn lực kinh tế - xã hội: đóng vai trò trực tiếp và vô cùng quan trọng đối với sự phát triển KT-XH.
Ví dụ: Nhật Bản là quốc gia rất nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới nhờ yếu tố con người.
* Các nguồn lực bên ngoài: Việc tận dụng, thu hút vốn đầu tư, nguồn nhân lực, tri thức và sản phẩm khoa học – công nghệ, thị trường bên ngoài lãnh thổ,… sẽ tạo sức mạnh cho sự phát triển kinh tế.
Ví dụ: Để phát triển nền kinh tế nhanh chóng, Nhật Bản rất biết tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài (có chính sách tốt thu hút lao động chất lượng cao từ các nước khác, nhập khẩu lao động, mua bằng sáng chế,…).
Luyện tập
Giải bài luyện tập trang 64 SGK Địa lí 10
Lấy ví dụ về tác động của một trong các nhân tố: vị trí địa lí, tài nguyên khoáng sản, nguồn lao động, vốn đầu tư nước ngoài đến phát triển kinh tế.
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức đã học về các nguồn lưc phát triển kinh tế để lấy ví dụ.
Lời giải chi tiết:
Ví dụ về tác động của một trong các nhân tố đến phát triển kinh tế (Em chọn 1 trong 4 ví dụ bên dưới để ghi vào vở, không cần ghi tất cả):
- Vị trí địa lí: Trung Quốc có vị trí giáp 14 quốc gia, phía đông giáp biển, gần các quốc gia phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc) và khu vực có nền kinh tế sôi động (Đông Nam Á) => Thuận lợi giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế với các nước trên thế giới.
- Tài nguyên khoáng sản: Trung Đông là khu vực có nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn nhất thế giới (chiếm khoảng ½ trữ lượng dầu mỏ của thế giới) => Phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ, đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn.
(Nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn cũng là nguyên nhân dẫn đến những xung đột, chanh chấp xảy ra thường xuyên ở khu vực Trung Đông)
- Nguồn lao động: Việt Nam có dân số đông 98,6 triệu người (2021) => Nguồn lao động dồi dào và là thị trường tiêu thụ rộng lớn.
- Vốn đầu tư nước ngoài: Ở Việt Nam, vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng ¼ vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp 20,35% GDP (2019). Việc tăng vốn đầu tư nước ngoài giúp mở rộng quy mô sản xuất của các ngành kinh tế => thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vận dụng
Giải bài vận dụng trang 64 SGK Địa lí 10
Tìm hiểu và trình bày một số nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở địa phương em.
Phương pháp giải:
- Tìm kiếm thông tin trên Internet về một số nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở địa phương mình.
- Các nguồn lực đó có thể là: nguồn lực bên trong (vị trí địa lí, tự nhiên, kinh tế - xã hội) hay nguồn lực bên ngoài (vốn đầu tư nước ngoài, khoa học – công nghệ,…).
Lời giải chi tiết:
Ví dụ: Em sống ở Hà Nội.
Một số nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở Hà Nội:
* Nguồn lực bên trong
- Vị trí địa lí: trung tâm ĐBSH, vị trí địa lí – chính trị quan trọng, đầu mối giao thương với các vùng khác trong nước và quốc tế.
=> Vị trí đặc biệt quan trọng, thuận lợi giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế trong và ngoài nước.
- Nguồn lực tự nhiên:
+ Địa hình chủ yếu là đồng bằng => thuận lợi cho quy hoạch, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế.
+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa với 1 mùa đông lạnh => đa dạng cơ cấu cây trồng.
+ Nước mặt: nhiều hồ, đầm tạo nên nhiều cảnh quan sinh thái => phát triển du lịch, nghỉ dưỡng và nuôi trồng thủy sản.
+ Tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng, nhiều loài có giá trị kinh tế.
- Nguồn lực kinh tế - xã hội:
+ Dân số đông (8,2 triệu người – 2020) => nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
+ Lịch sử - văn hóa lâu đời => phát triển du lịch.
* Nguồn lực bên ngoài
- Đầu tư nước ngoài: địa phương đứng thứ 3 cả nước về tổng vốn đầu tư nước ngoài (2021).
=> Đóng góp quan trọng và kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.
- Khoa học – công nghệ: đang được phát triển và chuyển giao.
=> Nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.