Bài 4: Em hãy thuật lại chiến công thần tốc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung từ tối 30 Tết đến ngày mồng 5 tháng giêng (Bài 5) — Không quảng cáo

Văn mẫu 9 - Phân tích, cảm nhận, dàn ý, thuyết minh, tự sự và nghị luận lớp 9 hay nhất Văn tự sự


Bài 4: Em hãy thuật lại chiến công thần tốc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung từ tối 30 Tết đến ngày mồng 5 tháng giêng (Bài 5)

Chiến công thần tốc Quang Trung đại phá quân Thanh đã để lại một dấu ấn lịch sử to lớn của nước ta và làm tăng thêm sự oai hùng một lần nữa người phương Bắc lại thua người phương Nam. Lễ hội Đống Đa hằng năm chính là lễ hội mừng cho chiến thắng lần ấy.

Lê Chiêu Thống - một con người phản nước hại dân, do lo sợ mất ngôi vị hoàng đế nên đã cầu cứu mở đường cho quân Thanh xâm lược nước ta. Ngày 22 tháng 11, Lê Chiêu Thống nhận sắc phong của nhà Thanh là Nam Quốc Vương. Ngày 24 tháng 11, Văn Tuyết vào Nam cấp báo Bắc Bình Vương về việc Tồn Sĩ Nghị mang quân Thanh xâm lược Thăng Long. Do quân Thanh quá mạnh, Ngô Văn Sở phải rút lui về Tam Điệp không giữ được đất từ cửa ải phía Bắc cho đến Thăng Long, đây là một biến cố lớn trong lịch sử nước ta. Bắc Bình Vương một con người mưu lược, dũng tướng, nhạy bén, trí tuệ sáng suốt, mạnh mẽ có tài điều binh khiển tướng. Trước biến cố đó, ông tức giận vô cùng nhưng ông hết sức bình tĩnh và quyết định mở cuộc tiến công ra Bắc đại phá quân Thanh.

Để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người, ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788) Bắc Bình Vương cho đắp đàn trên núi Bân, tế trời đất cùng thần sông, thần núi, chế ra áo cẩn mũ miện lên ngôi hoàng đế đổi niên hiệu là Quang Trung. Quang Trung là một người có dung mạo đặc biệt: tóc xoăn, da sần, tiếng nói sang sảng như chuông, cặp mắt sáng như chớp có thể nhìn rõ mọi vật trong đêm tối. Vẻ mặt ông toát lên sự cương nghị, oai phong lẫm liệt, càng tỏ rõ hơn trời đất sinh ra ông để làm một dũng tướng cứu nước cứu đời. Đúng như vậy, khi ông lên tế các trời đất cùng các thần sông, thần núi đã rất ưng thuận và đã làm ra kì tích đổi hướng gió làm cho quân Thanh thêm một bước thua trận sau này.

Với tài nghệ của mình, ông đã rất tài trí sai đại tướng Hám Hổ Hầu tuyển lính ở Nghệ An. Cứ ba suất đinh thì lấy một người khoẻ mạnh nhất nên chưa mấy lúc, Quang Trung đã có hơn một vạn quân tinh nhuệ với vũ khí và khí thế oai hùng, ý chí sẵn sàng hi sinh cho đất nước, dân tộc. Để trấn chỉnh, an ủi quân lính, vua Quang Trung đã cưỡi voi ra doanh trại truyền cho quân sĩ ngồi xuống mà phân tích lí lẽ rằng đất Nam vua Nam ở đã rõ ở sách trời sao lũ giặc kia sang xâm phạm và chúng sẽ bị đánh cho tan tác. Như các đời Đinh, Lê, Lí, Trần chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. Phân tích xong, Quang Trung dặn quân lính rằng:

- Chớ có quen theo thói ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra sẽ bị giết chết ngay tức khắc; không tha một ai chớ bảo ta không nói trước!

Với bài phủ dụ đầy hào khí tuyên bố với ba quân khẳng định niềm tin chiến thắng của đội quân chính nghĩa và cộng thêm lối nói sang sảng như chuông, uy nghi, dõng dạc như vừa ra lệnh vừa an ủi làm lòng quân bớt lo lắng, yên lòng mà nói rằng:

- Xin vâng lệnh, không dám hai lòng!

Ngay ngày hôm sau, vua Quang Trung hạ lệnh tiến quân. Khi đến núi Tam Điệp, Sở và Lân ra đón, đều mang gươm trên mình xin chịu tội. Quang Trung có vẻ giận lắm nhưng ông đã thông cảm mà rằng:

- Binh pháp dạy rằng quân thua chém tướng. Tội các ngươi đều đáng chết vạn lần. Các ngươi đều là hạng võ dũng chỉ biết gặp giặc là đánh, đến như tuỳ cơ ứng biến thì không có tài. Ta để Ngô Thì Nhậm ở đây chính là lo về điều đó. Thăng Long là nơi đánh cả bốn mặt không có sông núi để tựa. Năm trước ta ra đánh đất ấy Chúa Trịnh không chống đỡ nổi, đó là chứng cớ rõ ràng. Các ngươi biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng kế ấy là đúng. Mới nghe nói ta đã biết do Ngô Thì Nhậm chủ mưu sau hỏi lại quả như vậy.

Quang Trung đưa mắt nhìn Sở và Lân có vẻ đã hối hận lắm rồi, rồi ông nói tiếp:

- Lần này ta ra, thân chinh cầm quân phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mười ngày có thể đuổi được quân giặc. Nhưng nghĩ nước chúng lớn gấp mười lần nước ta nên sau khi thua trận, chúng ắt phải báo thù. Chờ mười năm nữa cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, bấy giờ nước giàu quân mạnh thì sợ gì chúng.

Sở, Lân nghe xong cúi đầu lạy tạ, tướng lĩnh ở đó đều cảm phục sự am hiểu, lòng vị tha độ lượng, quân lệnh nghiêm minh của Quang Trung.

Với sự lo xa, Tết gần đến nơi, ngày 30 tháng chạp Quang Trung đã sai mở tiệc khao quân và chia quân sĩ làm năm đạo, không khí của buổi tiệc thật nhộn nhịp tưng bừng. Rồi ông đã bảo với quân lính rằng hãy tạm sửa lễ cúng Tết, đến tối ngày 30 Tết lập tức lên đường, hẹn ngày mùng 5 mới vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Cả năm đạo quân đều vâng lệnh đúng ngày gióng trống lên đường, tiến quân ra Bắc. Quang Trung lo lắng cho quân đi đường mệt mỏi, để giữ sức ông đã cho dùng cáng làm võng, hai người khiêng một người ngủ cứ thế luân phiên nhau đi suốt ngày đêm. Khí thế quân ta hừng hực như lửa. Quang Trung đi đường suốt ngày đêm dù mệt mỏi chịu bụi bặm nhưng muốn cho quân sĩ không nao núng ông đã thực hiện nghiêm minh mình cũng giống quân, tướng có chịu được thì quân sĩ cũng mới chịu được. Đội quân lần này của Quang Trung đi trong bí mật thần tốc, bất ngờ. Khi đến sông Gián, quân giặc trấn thủ ở đó tan vỡ lo chạy trước như kiến vờ tổ nhưng Quang Trung đã thúc quân đuổi theo không bỏ sót tên nào. Không báo được tin, việc tiến công của Quang Trung vẫn bí mật tiến về đồn Hà Hồi và Ngọc Hồi.

Nửa đêm ngày mồng 3 tháng giêng, năm Kỉ Dậu (1789) vua Quang Trung tới làng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, ông đã sai binh sĩ vây kín làng rồi bắc loa truyền gọi, tiếng quân lính dạ ran để hưởng ứng. Quân giặc trong đồn lúc ấy mới biết, rụng rời chân tay, liền xin hàng, nộp toàn bộ khí giới, lương thực. Lần này, trận đánh đất Ngọc Hồi rất quan trọng nên Quang Trung đã dùng mưu kế sai quân sĩ lấy sáu chục tấm ván, cứ ghép ba tấm thành một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là hai mươi bức. Lưng giắt dao ngắn, hai mươi người cầm binh khí theo sau; dàn thành trận chữ nhất, mờ sáng ngày mùng 5 quân ta tiến sát đồn Ngọc Hồi... Do có bức màn che nên quân Thanh bắn súng ta chẳng trúng người nào. Nhân có gió bắc, quân Thanh bèn dùng ống phun khói lửa ra, khói toả mù trời, cách gang tấc không nhìn thấy gì hòng làm cho quân ta rối loạn. Nhưng nhờ trời trong chốc lát trời bỗng trở gió nam thành ra quân Thanh tự làm hại mình. Vua Quang Trung liền gấp rút sai đội khiên ván vừa che vừa xông thẳng lên trước. Khi gươm giáo của bên đã chạm nhau. Ai ai đều rút dao ra chém bừa những người cầm binh khí theo sau cũng nhất loạt xông lên mà đánh. Quân Thanh chống trả không được, bỏ chạy toán loạn giày xéo lên nhau mà chết. Tên giặc Thái thú sầm Nghi Đống tự thắt cổ chết. Quân ta thừa thế xông lên chém giết lung tung thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại. Vào trưa hôm ấy, Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành.

Chiến công thần tốc Quang Trung đại phá quân Thanh đã để lại một dấu ấn lịch sử to lớn của nước ta và làm tăng thêm sự oai hùng một lần nữa người phương Bắc lại thua người phương Nam. Lễ hội Đống Đa hằng năm chính là lễ hội mừng cho chiến thắng lần ấy.


Cùng chủ đề:

Bài 3: Em hãy tưởng tượng gặp lại một người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Em hãy kê về cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó
Bài 3: Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày
Bài 3: Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, em thích nhất điều gì? Nêu ý kiến của em về điều đó
Bài 3: Tưởng tượng hai mươi năm sau, vào một ngày em về thăm trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó
Bài 4: Cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương
Bài 4: Em hãy thuật lại chiến công thần tốc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung từ tối 30 Tết đến ngày mồng 5 tháng giêng (Bài 5)
Bài 4: Em hãy tưởng tượng gặp lại một người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Em hãy kể về cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó
Bài 4: Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, em thích nhất điều gì? Nêu ý kiến của em về điều đó (Bài 2)
Bài 5: Em hãy thuật lại chiến công thần tốc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung từ tối 30 Tết đến ngày mồng 5 tháng giêng
Bài 5: Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, em thích nhất điều gì? Nêu ý kiến của em về điều đó
Bài 7: Cảm nhận của em trước lòng kính yêu tha thiết của nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương (Bài 4)