Bài 3: Tưởng tượng hai mươi năm sau, vào một ngày em về thăm trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.
Cảm xúc bâng khuâng, bồi hồi, xúc động của người học trò cũ đã xa trường lâu năm nay có dịp trở lại thăm ngôi trường thân yêu - nơi gắn bó với cô biết bao kỉ niệm vui, buồn của tuổi học trò.
Phương Hà, ngày 10 tháng 4 năm 2004
Phi thân!
Chẳng biết đây là bức thư thứ bao nhiêu tôi viết cho ông nhỉ? Không gặp được nhau khổ thế đấy mà viết thư thì kể mãi không hết chuyện, đúng là già rồi mà tật buôn chuyện cũng không bớt được ông nhỉ? Vẫn như mọi khi, đầu thư cho tôi gửi lời hỏi thăm tới bà xã bên đó và cả cậu quý tử nhà ông nữa, mong cháu hay ăn chóng lớn. Còn về phần tôi, ông xã tôi vẫn công tác đều, thằng cu con cũng sắp đến tháng đòi ra rồi nên cũng mệt ông ạ.
À mà nhân đây tôi cũng kể luôn cho ông. Ông còn nhớ trường cấp hai của bọn mình không? Hôm trước, chẳng biết sắp đặt thế nào mà khéo ra trò, tôi lại tình cờ có dịp thăm lại trường mình sau ngần ấy năm. Chả là có đợt đi thanh tra về các trường để kiểm nghiệm phương pháp dạy học mới, đoàn tôi lại về đúng trường mình ông ạ. Ngồi trên ô tô cứ thấy nao nao trong người, thế mà như có điềm báo, từ cửa kính tôi chợt nhận ra cái cây phượng già khổng lồ bên vệ đường. Sung sướng, bồi hồi, xúc động, tôi cảm thấy như mình được gặp lại người bạn đời của mình trong suốt những năm tháng học trò dở dở ương ương. Tôi đi thanh tra cả một buổi sáng hôm ấy, dành hết thời gian buổi chiều để thăm lại trường. Hai mươi năm rồi còn gì, ông biết không trường mình thay đổi nhiều lắm, khác hẳn so với ngôi trường mình học hai mươi năm trước đây. Trường Trung học cơ sở Lê Lợi hồi nào giờ đã thành một ngôi trường năm tầng khang trang hiện đại, lại còn phần rõ cả khu nhà cho giáo viên và khu dành cho học sinh nữa. Bọn trẻ bây giờ sướng hơn mình nhiều ông ạ, phòng học của chúng được trang bị đầy đủ thiết bị dạy và học, đợt này tôi đi cũng là để xem xét về cách học mới này, chắc sau này sẽ phát triển ở nhiều nơi.
Bước vào một phòng học tự nhiên, tôi đặc biệt ấn tượng bởi cách bài trí phòng và các dụng cụ thiết bị. Máy chiếu màn hình lớn đã được thay thế cho bảng đen phấn trắng, cả một phòng được thiết kế dành riêng cho việc làm thí nghiệm. Hiện đại, đẹp và rất có hiệu quả cho việc học của bọn trẻ. Đứng từ trên tầng năm nhìn xuống mới thấy khuôn viên trường mình mở rộng rất nhiều. Khu vườn thực hành xanh mướt một màu của các loài cây mà bọn trẻ trồng. Khu sân bóng, sân thể thao rộng và rất đẹp mướt một màu cỏ non. Sân trường vắng lặng nhuốm ánh chiều tà. Bỗng giật mình khi nhìn về phía khu gia đình. Biết ai không, đố ông biết tôi nhìn thấy ai? Vượng, tôi thấy Vượng đứng ở ban công cũng nhìn lên và bắt gặp ánh mắt nhìn xuống, giá mà như ngày xưa, sẽ chạy thật nhanh đến, tíu tít chuyện trò nắm tay nhau đi dạo sân trường như hai anh em. Nhưng bây giờ lớn rồi sẽ chỉ là bạn mà phải không ông? Hai đứa vẫn nhận ra nhau, tôi vui và xao xuyến... Vượng đã thực hiện được mơ ước, đã làm thầy giáo dạy Toán lại công tác ngay tại trường mình. Nhưng bất ngờ khi biết Vượng chưa lấy vợ, hơi lạ ông nhỉ. Chắc chỉ tôi nghĩ thế. Cứ thế đứng trên ban công, nói và nói, chẳng biết chuyện gì mà cứ thế tuôn ra, vẫn như xưa, vẫn con người mảnh khảnh, cao lêu nghêu với khuôn mặt buồn, nụ cười vẫn thế, chỉ có điều đã thay đổi, tuổi không còn trẻ con, cũng đã già dặn và chín chắn hơn nhiều. Ngoài ba mươi rồi còn gì thế mà nói chuyện vẫn hài hước, hỏi thăm mới biết nhiều bạn dã lập gia đình, đã có sự nghiệp, các thầy cô trường mình cũng đã khác trước, lớp người trước đã về hưu thay vào là một lớp giáo viên mới, năng nổ và tràn đầy nhiệt huyết, yêu nghề và yêu bọn trẻ. Nhóc Lan lẻo mép đã kết duyên với anh chàng Cường tí hon, rồi nhiều lắm, lớp mình hơi bị nhiều đôi đã thành, vui thật, thế mà chúng nó chẳng thèm mời mình, chắc không thể liên lạc.
Lũ trẻ dưới sân đang nối nhau ra về, hết tiết, kết thúc một ngày học, sân trường lại tấp nập học sinh, những đứa trẻ ngây thơ, nhí nhảnh như bọn mình hồi xưa ùa chạy khắp sân như đàn ong vỡ tổ. Tôi tần ngần nhìn lại ngôi trường mình. Cả sân trường rợp bóng cây xanh, thoắt cái đã không còn ai, lại trở nên lặng lẽ, xa xa, nơi góc hồ nước, tôi chợt nhận ra cây me tụi mình trồng, nó đã lớn rất nhiều, trông tràn đầy sức sống, tự nhiên lại thấy bồi hồi. Hôm ấy không gặp được các bạn, cũng không gặp thầy cô giáo cũ, chỉ còn thấy lại những kỉ niệm thuở học trò, những buổi ngồi truy bài dưới gốc cây phượng, những giờ kiểm tra gay cấn, hồi hội đến toát mồ hôi. Tất cả rất gần mà lại rất xa. Chiều đã gần tàn, hoàng hôn nhuộm cảnh vật, đã đến lúc phải về, phải lên xe theo đoàn, tôi đã đề nghị Vượng tiễn mình. Buồn thật, rồi bao giờ mới có dịp lại về thăm. Tôi chợt buồn, Vượng đề nghị chúng tôi nắm tay nhau đi dọc trường một vòng như hồi xưa, tôi tự dưng thấy buồn ùa về một cái gì đó mơ hồ.
Ông thấy sao, tôi là người học trò ngoan đấy chứ, đã về thăm trường rồi đó, thật ra thì tôi và ông cũng thật đáng trách đấy, liệu hôm nào hai đứa mình về trường ông nha.
Tự nhiên lại thấy nhớ một cái gì đấy ông ạ! Nhớ trường... một chút, nhớ mọi người... một chút... nhưng tự nhiên thấy nhớ Vượng... mối tình đầu mà... hay thật ông nhỉ? Nụ cười của Vượng, cái nắm tay dạo... tất cả làm tôi thấy thương thương.
Tội lỗi quá, chồng con rồi mà sao còn linh tinh, khéo ông xã đọc được lại kêu trời, ông đừng mách lẻo nha. Xin đấy! Thôi thư tôi viết dài rồi mỏi tay rồi này, chắc thằng cu cũng mệt, quậy bụng quá trời. Tôi dừng bút đây, nhớ biên thư lại ngay.
Bạn
Nguyễn Minh Ngọc