Bài 8. Thực hành: Viết báo cáo về dân số, lao động và việc làm, đô thị hóa - SGK Địa lí 12 Cánh diều
Thu thập thông tin và viết báo cáo về Dân cư: Mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nhiệm vụ 1
Nhiệm vụ 1 trang 40 SGK Địa lí 12, Cánh diều
Thu thập thông tin và viết báo cáo về Dân cư: Mất cân bằng giới tính khi sinh.
Phương pháp giải:
Phân tích thông tin từ các nguồn trong SGK Địa lí 12, trang 40 và liên hệ thực tiễn.
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
1. Khái niệm và hiện trạng
Mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái, tương đương 2 năm trước đó. Cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi cao hơn mức trung bình cả nước.
Một số địa phương có tỷ số này cao như Sơn La (117), Nghệ An (116,6), Hà Nội (112)… Trong khi đó, nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ có tỷ số dưới 108.
2. Một số nguyên nhân
Nhóm nguyên nhân cơ bản |
Nhóm nguyên nhân phụ trợ |
Những nguyên nhân trực tiếp |
Tâm lý ưa thích con trai ăn sâu trong tâm thức nhiều người: - Coi con trai là người nối dõi tông đường, gia phả dòng họ ở nhiều nơi chỉ có tên con trai, tập quán con trai thờ cúng tổ tiên, cha mẹ. - Coi con trai làm chỗ dựa cho bố mẹ khi về già, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, coi con gái sau khi kết hôn về nhà chồng là "con người ta"… |
- Do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 - 2 con nhưng các cặp vợ chồng lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh. - Do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai; con trai là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. - Do chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo. |
Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh như: - Áp dụng ngay từ trước lúc có thai, trong lúc thụ thai. - Khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính, nếu là thai trai thì họ để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi .... |
3. Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số và kéo theo đó là những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và “dư thừa” đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn.
Ngoài ra, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới: Nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, gia tăng sự bất bình đẳng giới về mọi mặt chính trị, kinh tế xã hội và gia đình, tình trạng bạo hành giới, bất bình đẳng giới, các tệ nạn xã hội gia tăng như: Mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia. Vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa.
Như vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động, hệ lụy lâu dài, có khi từ đời này sang đời khác nếu không có giải pháp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ thì thế hệ tương lai sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.
4. Giải pháp
Để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chúng ta cần phải:
- Chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số - Sức khỏe sinh sản, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
- Giải quyết tất cả các hình thức phân biệt đối xử về giới, bao gồm các vấn đề liên quan đến đăng ký đất đai, bạo lực giới, hôn nhân và lựa chọn sinh sản, và thừa kế.
- Ban hành các chính sách liên quan đến mức sinh một cách linh hoạt, phù hợp với các nguyên tắc của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), theo đó các cá nhân và các cặp vợ chồng có thể lựa chọn một cách tự do và có trách nhiệm về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.
- Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá nhằm đánh giá các can thiệp về tỉ số giới tính khi sinh và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
- Phổ biến rộng rãi các phát hiện trong báo cáo chuyên khảo Tổng điều tra về tỉ số giới tính khi sinh nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Nguồn tham khảo:
- Tổng cục Thống kê: https://www.gso.gov.vn
- Niên giám thống kê Việt Nam năm 2021: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/08/nien-giam-thong-ke-2021
- Quỹ Dân số Liên hợp quốc: https://vietnam.unfpa.org/vi
Nhiệm vụ 2
Nhiệm vụ 2 trang 40 SGK Địa lí 12, Cánh diều
Thu thập thông tin và viết báo cáo về Lao động và việc làm: Định hướng nghề nghiệp của học sinh trong tương lai.
Phương pháp giải:
Phân tích thông tin từ các nguồn trong SGK Địa lí 12, trang 40 và liên hệ thực tiễn.
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
Nhiệm vụ 3
Nhiệm vụ 3 trang 40 SGK Địa lí 12, Cánh diều
Thu thập thông tin và viết báo cáo về Đô thị hoá: Ảnh hưởng của đô thị hoá đến cơ cấu lao động hoặc môi trường ở địa phương.
Phương pháp giải:
Phân tích thông tin từ các nguồn trong SGK Địa lí 12, trang 40 và liên hệ thực tiễn.
Lời giải chi tiết:
VD: Hà Nội
Gợi ý:
Ảnh hưởng của đô thị hóa tới ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội
1. Nguyên nhân
Hoạt động sản xuất công nghiệp được coi là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội. Kết quả điều tra 400 cơ sở công nghiệp thì có tới gần 200 cơ sở có tiềm năng thải các chất thải gây ô nhiễm không khí, trong đó chủ yếu là các cơ sở công nghiệp cũ với công nghệ lạc hậu và hầu như chưa có thiết bị xử lý khí thải độc hại. Trước đây, các cơ sở này nằm ở ngoại thành hay ven nội, thì nay đã nằm ngay trong nội thành, giữa các khu dân cư đông đúc (do quá trình mở rộng ranh giới đô thị).
Các hoạt động giao thông vận tải cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là sự tăng lên nhanh chóng số lượng phương tiện cùng với quá trình đô thị hóa (phát triển kinh tế và mở rộng quy mô dân số, làm tăng nhu cầu đi lại). Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, đến tháng 11-2023, thành phố Hà Nội có hơn 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó có 1,2 triệu xe ô tô, 0,2 triệu xe điện và 6,7 triệu xe máy. Trong giai đoạn từ năm 2019 - 2022 tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông bình quân trên 10%/năm đối với xe ô tô và 3% đối với xe máy, ngoài ra giao thông Thủ đô còn có sự tham gia của hàng triệu phương tiện đến từ các tỉnh, thành khác. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 70%.
Đô thị hóa diễn ra mạnh với các hoạt động xây dựng mới, sửa chữa và cải tạo nhà ở; mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Hà Nội luôn có trên 1.000 công trình xây dựng lớn nhỏ được thi công; mỗi tháng có khoảng 10.000 m 2 đường bị đào bới để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các hoạt động xây dựng này thường xuyên phát tán bụi vào môi trường, khiến cho tình trạng ô nhiễm không khí thêm trầm trọng.
Bên cạnh đó, hoạt động sinh hoạt của nhân dân cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí đun nấu bằng than, dầu, đặc biệt là than tổ ong, ước tính góp vào khoảng 10% chất thải gây ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội.
2. Hiện trạng môi trường không khí
Ô nhiễm bụi: Hà Nội bị ô nhiễm bụi tới mức báo động. Tại khu vực nội thành, chất lượng môi trường không khí có biểu hiện suy thoái. Nồng độ bụi tăng rõ rệt và đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, tại các nút giao thông, nồng độ bụi cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2-2,5 lần. Kết quả quan trắc môi trường không khí tại các khu, cụm công nghiệp cũng cho thấy: Nồng độ bụi lơ lửng tại hầu hết các khu vực đều có xu hướng gia tăng liên tục, vượt quá chỉ tiêu cho phép 2,5-4,5 lần.
Ô nhiễm khí độc hại SO2, CO, NO2: Theo số liệu của Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội, nồng độ khí SO2, NO2, CO trong các khu dân cư đô thị ở nội và ngoại thành đều nhỏ hơn tiêu chuẩn, tức là chưa có hiện tượng ô nhiễm khí độc hại. Tuy nhiên, ở một số nút giao thông lớn trong thành phố như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Ngã tư Kim Liên… nồng độ CO đang có xu hướng tăng và ở mức xấp xỉ giới hạn cho phép.
Ô nhiễm tiếng ồn: Trong thời gian gần đây, tiếng ồn giao thông ở Hà Nội có xu hướng tăng do sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện vận tải. Mặc dù thành phố đã có một số biện pháp bố trí phân luồng giao thông, cải tạo và nâng cấp một số tuyến đường, cấm hoạt động các loại xe lam, xe công nông là những phương tiện gây tiếng ồn lớn nhưng tiếng ồn giao thông vẫn chưa có xu hướng giảm.
3. Giải pháp nhằm hạn chế ô nhiễm
Cần quy hoạch các khu, cụm công nghiệp gắn liền với quy hoạch phát triển của thành phố.
Đẩy mạnh xây dựng và ban hành áp dụng phí bảo vệ môi trường đối với khí thải - một công cụ kinh tế buộc các đối tượng gây ô nhiễm phải giảm thiểu các nguồn thải ra môi trường.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở sản xuất áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về môi trường ISO 14000.
Tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của chất lượng môi trường không khí đối với sức khoẻ và chất lượng sống; công khai các thông tin, số liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm không khí và các nguồn gây ô nhiễm không khí trên các phương tiện truyền thông để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường không khí.
Ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng hiện đại, không gây ô nhiễm.
Hoàn thiện và phát triển mạng lưới đường bộ, đảm bảo giao thông an toàn, thuận tiện, không ách tắc và ít gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến phát thải của các phương tiện giao thông. Tăng diện tích cây xanh ở nội và ngoại thành để giảm thiểu ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong thành phố.
Tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng sử dụng các nhiên liệu sạch trong sinh hoạt thay cho sử dụng dầu, than, củi… Đồng thời, nâng cấp chất lượng đường giao thông đô thị tại các khu dân cư, thành lập các đội vệ sinh đường phố…