Bình luận Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ — Không quảng cáo

Văn mẫu 11 - Phân tích, cảm nhận, dàn ý và nghị luận lớp 11 hay nhất Tổng hợp các bài văn nghị luận về tác phẩm Bài ca ngất


Bình luận Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ.

Lâu nay người ta vẫn cho rằng thơ văn Nguyễn Công Trứ là một khối mâu thuẫn lớn; thực ra nó rất thống nhất, rất nhất quán. Cái ngất ngưởng trong thơ ông là sự định hình một tính cách, một bản lãnh trong cuộc sống, trong sáng tạo nghệ thuật. Cái ngất ngưởng ấy là của riêng Nguyễn Công Trứ và cũng là sản phẩm của một thời triều Nguyễn, của một vùng quê, của ông đồ xứ Nghệ.

Xưa nay, thông thường với loại thơ tự trào, tự vịnh thế này, các tác giả hay mượn bút pháp ngoa ngôn, lộng ngữ pha chút khẩu khí để thể hiện mình. Nguyễn Công Trứ ở “Bài ca ngất ngưởng ” này khác hẳn. Ông đã khách thể hoá từ những sự, những việc rất thực của cuộc đời chỉ riêng ông mới có để khẳng định con người ông. Trong bài thơ, bốn lần ông nhắc lại hai chữ “ngất ngưởng”. “Ngất ngưởng" không chỉ còn là một từ gợi hình nữa, mà đã thành biểu tượng tính cách của một con người không phải ngẫu nhiên mà trên một trăm bài thơ, trong đó có sáu mươi mốt bài ca trù, chỉ có bài này tác giả đặt tên là "Bài ca ngất ngưởng”. Đương thời và hậu thế đều thừa nhận Nguyễn Công Trứ: một chàng trai, một ông quan, một vị tướng, một lão già ngất ngưởng. Cái ngất ngưởng in bóng vào một thời đại, chính là ông.

Nguyễn Công Trứ cũng như hầu hết các nhà nho xưa, đều thành đạt từ cửa Khổng, sân Trình. Trước sau ông vẫn là một tín đồ tuyệt đối trung thành của Khổng giáo:

“Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ

không quân thần phụ tử đếch nên người".

Và hẳn ông cũng biết rằng: một trong những điều cốt lõi của nhà nho là cách xử thế hợp lẽ trung dung, kị những gì thái quá. Nhưng rồi Nguyễn Công Trứ nhiều mặt đã quá ngưỡng, vượt qua biên giới người thường... Có lẽ không một nhà nho nào mà lại như Nguyễn Công Trứ; nâng tất cả mọi mặt sinh hoạt đời thường của người “quân tử”, của kẻ sĩ lên một thứ đạo, một triết lí. Trong văn thơ, ông nói đến rất nhiều thứ nợ: nợ cầm thư, nợ tang bồng, nợ phong lưu, nợ trần hoàn, nợ anh hùng, nợ công danh. Đã là cái nợ thì phải đa mang, phải vay trả, trả vay... “Ông Hi Văn tài bộ" đã tự ví mình như cây cau:

“Kinh thiên một cột giơ tay chống

Dẫu gió lung lay cũng chẳng nao”

Hoặc với chiếc trống đại:

“Hiên bệ giỏ đưa dùi cắc cắc,

Giang sơn sấm động tiếng tùng tùng”.

Không có sự khẳng định tài năng ấy thì làm gì nghĩ được đến nhiều cái nợ như vậy, và làm sao đủ sức mà trang trải công nợ với đời? Sự thực là với món nợ nào, Hi Văn tiên sinh cũng "hăm hở ra tài kinh tế”, cũng “vẫy vùng cho phỉ ức", cũng “làm nên tiếng lẫy lừng đâu đấy tỏ”. Cái “Ngất ngưởng", cái “nết ương” của Nguyễn Công Trứ còn ở chỗ: ông ống rất thực với mình, thực với người, thực với đời. Các thi nhân xưa thường viết về những gì phổ quát, tập trung vào thiên chức của kẻ sĩ; còn về cái bản ngã thì không nói đến, hoặc là hàm ẩn trong dòng chảy “Văn dĩ tải đạo”. Riêng thơ văn Nguyễn Công Trứ thì khác: ông không hề giấu giếm, không hề né tránh, ông sống đời thường thế nào thì thơ văn ông cũng ánh lên như thế vậy. Ví như khi đã ngoài vòng cương toả, tuổi ngoài bảy mươi, ông vẫn nặng nợ phong lưu, quen thói đa tình:

“Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề,

Có yến yến hường hường mới thú ”

Từ đó, có lẽ Nguyễn Công Trứ là nhà thơ lớp cổ cận đại trong văn học lịch sử nước nhà viết về tình yêu nhiều nhất, có cả “Yêu hoa”, “Duyên gặp gỡ", có cả “Vịnh chữ tình", “Vịnh sầu tình”, lại có cả “Tương tư”, “Bỡn cô đào già” ... Say thơ và thú ả đào, là hai mặt tài và tình nổi bật ở Nguyễn Công Trứ. Ông vẫn tự cho mình là khách sành chơi. Ông từng nói “Trong tuần mấy mặt làng chơi... Biết mùi chưa dễ mấy người”. Già lão rồi, ông vẫn cổ súy: "Chơi xuân kẻo hết xuân đi", “Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù"... Nguyễn Công Trứ trước sau “vãn giữ nết ương". Chất Nguyễn Công Trứ là chất nhất quán. Cái ngất ngưởng tự tin thời loạn hải ba đào đã trở thành cái ngất ngưởng ngang tàng khi đã ngoài vòng cương tỏa.

Lúc về hưu trí ở quê nhà, ông đi đâu cũng “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng". Nhưng ngất ngưởng hơn nữa là ở đuôi con bò cái vàng úp một tấm mo cau, người ta hỏi thì ông nói là “để che miệng thế gian". Nhiều giai thoại nói chi tiết “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì". Ông thường đi chơi các chùa, gần thì như chùa Cấm Sơn trên núi Đại Nại, xa như chùa Hương Tích, chùa Thiên Hương trên núi Hồng Lĩnh, lúc nào cũng dẫn theo mấy cô hầu gái  “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng"...

Cái nết ương, cái ngất ngưởng, cái ngạo nghễ kiêu bạc ở Nguyễn Công Trứ là thái độ sống của một người tự tin, tự khẳng định tài năng của mình, ý thức rõ ràng về bản ngã của mình giữa một thuở giao thời:

“Được, mất dương dương... không vướng tục".

Lâu nay người ta vẫn cho rằng thơ văn Nguyễn Công Trứ là một khối mâu thuẫn lớn; thực ra nó rất thống nhất, rất nhất quán. Cái ngất ngưởng trong thơ ông là sự định hình một tính cách, một bản lãnh trong cuộc sống, trong sáng tạo nghệ thuật. Cái ngất ngưởng ấy là của riêng Nguyễn Công Trứ và cũng là sản phẩm của một thời triều Nguyễn, của một vùng quê, của ông đồ xứ Nghệ. Ba mươi năm làm quan, bảy lần bị thất sủng, giáng chức, không hề làm suy giảm bản chất của ông, trái lại, nhân cách ấy càng được khẳng định. Ngày nay, nhớ đến Nguyễn Công Trứ là nhớ đến một “ công trình sư" có công khai phá, tạo lập hai huyện trù phú Tiền Hải, Kim Sơn, nhớ đến một nghệ sĩ tài hoa, và nhớ đến một nhân cách sớm khẳng định bản ngã trong lịch sử tư tưởng Việt Nam - mà bài thơ ca trù “Bài ca ngất ngưởng” là một biểu hiện.

Nguyễn Hữu Định Trường THPT Phan Bội Châu TP. Vinh - Nghệ An


Cùng chủ đề:

Bình giảng đoạn thơ thứ hai trong bài Tâm tư trong tù của Tố Hữu
Bình giảng đoạn thơ trong bài Vội vàng của Xuân Diệu: Tôi muốn tắt nắng đi. . . Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân
Bình giảng đoạn thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của thi sĩ Hàn Mặc Tử: Gió theo lối gió, mây đường mây, Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay: Thuyền ai đậu bên sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay? Mơ k
Bình giảng đoạn thơ đầu trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử
Bình giảng đoạn thơ: Cô đơn thay là cảnh thân tù! Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!. . . Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều Ng
Bình luận Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ
Bình luận bài thơ Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ
Bình luận về Việc thi cử được Phạm Đình Hổ nói đến trong Vũ trung tuỳ bút
Bình luận về bức thông điệp mùa xuân của nhà thơ Xuân Diệu gửi đến cho người đọc qua bài thơ Vội vàng
Bị cự tuyệt quyền làm người - Bi kịch lớn nhất của Chí Phèo - Ngữ Văn 12
Bức chân dung tự họa qua hai bài thơ Chiều tối và Cảnh chiều hôm trong Ngục trung nhật kí của Hồ Chí Minh