Cảm nhận bài Chiều tối của Hồ Chí Minh.
Bài thơ Chiều tối có sự hài hòa giữa phong cách cổ điển với hiện đại, giữa thiên nhiên với tâm hồn. Bài thơ đã cho người đọc thưởng thức bức tranh thiên nhiên đẹp và cảm nhận được vẻ đẹp của tâm hồn lớn.
Dàn ý
1. Mở Bài
- Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh, tập “Ngục trung nhật kí” (Nhật kí trong tù) và bài thơ “Mộ” (Chiều tối).
2. Thân Bài
- Hai câu thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên hữu tình
+ Khung cảnh chiều tà có sự chuyển động của cánh chim và chòm mây
+ Vào thời khắc mặt trời xuống núi, ngày dần tàn, cánh chim mỏi cũng cần một nơi chốn nghỉ ngơi.
+ Sự khác biệt giữa “quyện điểu” và người tù chính trị: Chim có động lực thúc đẩy cất đôi cánh bay đi tìm chốn ngủ còn mỗi bước chân di chuyển của người tù ở đây gần như là vô nghĩa.
+ Trên bầu trời cao và rộng, có lẻ loi đám mây cô đơn – “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”
+ Khung cảnh buồn nhưng không hề có lấy một lời than oán trách móc, tất cả chỉ có sự thả hồn tận hưởng khung cảnh thiên nhiên.
=> Tình yêu thiên nhiên đến rạo rực, phong thái ung dung, tinh lần lạc quan thả hồn chắp nên những vần thơ tuyệt vời.
=> Sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng đặc tả cảnh vật.
- Hai câu thơ cuối: Bức tranh lao động của con người
+ “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc”: Vẻ đẹp trẻ trung, khỏe khoắn và tràn đầy sức sống trong lao động thường ngày.
+ So sánh “sơn thôn thiếu nữ” trong nguyên tác và “cô em xóm núi” trong bản dịch.
+ Cấu trúc điệp liên hoàn được sử dụng trong câu 3 và 4: “ma bao túc” – “bao túc ma hoàn” tạo ra sự nhịp nhàng, uyển chuyển khéo léo.
+ Nhãn tự “hồng”: Bừng lên thứ ánh sáng để xua tan đi bóng tối và sự mệt mỏi, sưởi ấm không gian.
=> Hai câu thơ cuối của bài thơ “Chiều tối” đã tô điểm bức tranh trở nên hoàn hảo, có cảnh, có người.
=> Ý thơ còn bộc lộ được sức sống mãnh liệt cũng như tinh thần sắt đá của tác giả Hồ Chí Minh.
3. Kết Bài
- Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Chiều tối”.
Bài mẫu
Bài tham khảo số 1
Nhật kí trong tù (1942 - 1943) tỏa sáng tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh. Tâm hồn tha thiết yêu con người, đất nước bao nhiêu thì cũng thiết tha yêu thiên nhiên cuộc sống bấy nhiêu. Tâm hồn ấy trong những tháng ngày tù đày tăm tối luôn hướng về tự do, ánh sáng, sự sống và tương lai. Trên đường bị giải đi trong chiều buồn ở tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc lòng nhà thơ - người tù bỗng ấm lên và phấn chấn vui vẻ trước thiên nhiên đẹp và hình ảnh cuộc sống bình dị ấm cúng. Cảm xúc nhà thơ viết bài thơ Mộ. Bài thơ được sáng tác cuối thu 1942.
Bài thơ có hai bức tranh rõ nét: hai câu đầu là bức tranh thiên nhiên, hai câu sau là bức tranh sinh hoạt.
Trên con đường thanh vắng, thiên nhiên như một hồng thơ đang đón đợi:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.
Bức tranh hoàng hôn đã được xác định thời gian lúc chiều đang trôi chậm và không gian là bầu trời bao la lúc ánh nắng chỉ còn le lói rồi nhường chỗ cho bóng tối lan dần. Phía xa là cánh chim bay mải miết về tổ, trên cao là chòm mây trắng lẻ loi trôi lơ lửng. Thiên nhiên được miêu tả với vài nét chấm phá nhưng đã gợi ra khung cảnh bát ngát, trong sáng êm đềm của hoàng hôn vùng rừng núi. Thiên nhiên có vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng nhưng quạnh quẽ đượm buồn. Vẻ đẹp ấy rung cảm bởi tâm hồn xao xuyến yêu thương của Bác.
Hai câu thơ sử dụng bút pháp chấm phá miêu tả, nhất là cách sử dụng thi liệu mang đậm sắc cổ điển: lấy cánh chim biểu tượng cho hoàng hôn, còn hoàng hôn thì biểu tượng cho nỗi buồn, nhất là đối với người tha hương càng gợi thêm nỗi buồn xa xứ, lòng thương nhớ cố hương, Thôi Hiệu viết:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Hoàng Hạc lâu)
Và người đi trên đường xa trong cảnh hoàng hôn ấy dễ cảm thấy cô đơn và chạnh lòng.
Bài thơ có cách cảm thụ thế giới quen thuộc của thơ xưa, thiên nhiên như đồng cảm với tâm sự của con người. Hình ảnh con chim sau một ngày kiếm ăn vất vả như ẩn dụ hình ảnh người tù mỏi mệt sau một ngày đường bị áp giải. Chòm mây buồn như ẩn dụ tâm trạng cô đơn buồn bã của tù nhân. Tứ thơ cổ điển mà vẫn hiện đại, vì thiên nhiên với con người có sự đồng cảm chứ không đồng nhất. Thiên nhiên mệt mỏi còn có chốn nghỉ, cô đơn mà được tự do, còn người tù không biết đi về đâu và mất tự do không biết đến bao giờ. Nên nhà thơ đang khao khát tự do và một mái ấm gia đình. Tả cảnh mà chứa tình, hàm ý sâu xa, đó là vẻ đẹp hàm súc dư ba của thơ cổ điển.
Tóm lại, hai câu thơ gợi tả cảnh thiên nhiên đẹp mà buồn, vì ‘‘người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Buồn vì xa Tổ quốc, buồn vì bị bắt tù oan, buồn vì mất tự do không biết đến bao giờ. Nhưng trước vẻ đẹp của cảnh ấy lòng người ít nhiều cũng tìm được niềm vui thư thái.
Điểm đặc sắc nghệ thuật của bài thơ là chỉ miêu tả không gian với hai hình ảnh đang vận động: cánh chim bay và chòm mây trôi nhưng diễn tả được sự luân chuyển của thời gian: chiều đang trôi chầm chậm về đêm.
Không gian thay đổi, khung cảnh sinh hoạt của một bản làng miền núi được mở ra một cách tự nhiên:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
Hai câu thơ sử dụng bút pháp điểm nhãn của thơ cổ điển, nhưng hình ảnh thơ bình dị, chân thực lại được ghi bởi bút pháp hiện thực. Hình ảnh cô gái mải miết xay ngô và xay xong bên lò lửa rực hồng gợi bức tranh đời sống có vẻ đẹp bình dị, ấm cúng, yên vui. Riêng đối với người tù mệt mỏi, mất tự do thì cảnh ấy trở nên vô cùng hấp dẫn, quý giá, thiêng liêng, vì nó lệ thuộc về thế giới tự do. Chỉ có ai đã từng trải qua những cánh đời đau khổ đầy giông bão mới thấy hết giá trị của từng phút giây cảnh đời bình yên. Do đó bức tranh đời sống trở thành nguồn thơ dạt dào, thể hiện niềm xao xuyến, sự rung động mãnh liệt hồn thơ.
Lò lửa hồng là hình ảnh nổi bật trung tâm của bức tranh thơ, làm nổi rõ hình ảnh của cô gái. Nó sưởi ấm bức tranh thiên nhiên hiu hắt. lạnh lẽo và sưởi ấm tâm hồn nhà thơ. Vậy là, hình ảnh cuộc sống con người là điểm hội tụ vẻ đẹp bài thơ, tỏa sáng ánh và hơi ấm xung quanh. Hình ảnh lò lửa hừng hực đặt bên cạnh cô gái tạo ra vẻ đẹp trẻ trung, đầy sức sống của cảnh thơ. Hoàng Trung Thông cho rằng chữ hồng là nhãn tự của bài thơ là vì vậy. Ý thơ cuối khỏe, đẹp bộc lộ niềm vui, lòng yêu đời, yêu cuộc sống. tinh thần lạc quan của Bác.
Như vậy hai câu thơ là sự quan sát của người đi đường nhưng là cái nhìn của người đang khao khát tìm về cuộc sống bình yên giản dị. Thế nên khi bắt gặp hình ảnh cuộc sống con người giữa miền sơn cước, tình yêu và niềm vui đã tràn ngập cõi lòng. Không phải ngoại cảnh tác động đến con người mà chính cảm xúc của con người trùm lên ngoại cảnh. Thiên nhiên đẹp nhưng chưa đủ mang đến niềm vui. Cuộc sống đẹp đã mang đến niềm vui chan chứa. Điều ấy đã thể hiện phẩm chất nhân văn cao đẹp của nhà thơ.
Nguyên tác chữ Hán không có từ tối, bản dịch thơ thừa từ. Không miêu tả đêm tối mà vẫn cảm nhận được là nhờ ánh lửa lò than. Lấy ánh sáng để làm nổi bóng tối, nghệ thuật là ở đó.
Hình tượng thơ vận động rất tự nhiên, bất ngờ, khỏe khoắn: từ lạnh lẽo, hắt hiu đến ấm nóng, sum vầy, từ tối đến sáng, từ buồn sang vui... đó là điểm đặc sắc trong phong cách thơ của Bác, thể hiện niềm tin yêu cuộc đời dù đang ở trong những tháng ngày đau khổ nhất.
Bài thơ Chiều tối có sự hài hòa giữa phong cách cổ điển với hiện đại, giữa thiên nhiên với tâm hồn. Bài thơ đã cho người đọc thưởng thức bức tranh thiên nhiên đẹp và cảm nhận được vẻ đẹp của tâm hồn lớn. Một tâm hồn phong phú, giàu cảm xúc, một tình cảm hồn hậu, thiết tha với thiên nhiên, cuộc sống con người; luôn hướng về sự sống và ánh sáng, một tinh thần lạc quan trong gian khổ.
Xem các bài tham khảo khác tại đây: