Cảm nhận về truyện Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng — Không quảng cáo

Văn mẫu 6 - Phân tích, kể chuyện, cảm nghĩ, văn miêu tả lớp 6 hay nhất Tổng hợp các bài văn nghị luận về tác phẩm Thầy thuốc g


Cảm nhận về truyện Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng

Tác giả của Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng là một tác phẩm nói về việc cũ của quê hương đất nước, ký thác nỗi sầu xa xứ qua những hồi ức của người đang sống nơi đất khách quê người...

Dàn ý

1. Mở bài

- "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" của tác giả Hồ Nguyên Trừng được viết vào khoảng nửa đầu thế kỉ XV.

- Truyện ca ngợi phẩm chất cao quý của Thái y lệnh Phạm Bân, một lòng một dạ phục vụ dân nghèo, quên mình để cứu người.

2. Thân bài: Cảm nghĩ về tác phẩm

a. Giới thiệu về vị Thái y lệnh Phạm Bân

- Lai lịch: cụ tổ bên ngoại của Trừng, người họ Phạm, húy là Bân

- Chức vụ: giữ chức Thái y lệnh để phụng sự Trần Anh Vương

- Hành động y đức:

+ Mua thuốc tốt, tích trữ thóc gạo, giúp kẻ tật bệnh cơ khổ

+ Bệnh dầm dề máu mủ cũng không hề né tránh

+ Giúp đỡ kẻ khốn cùng, cứu sống hơn ngàn người.

→ Một lương y hết lòng vì người bệnh, được người đời trọng vọng.

b. Công đức to lớn của Thái y lệnh Phạm Bân

- Ông dốc toàn bộ tâm lực, tiền của để cứu giúp dân nghèo, không tính toán thiệt hơn:

+ Mang tiền của nhà ra mua thóc gạo, tích trữ thuốc tốt để vừa nuôi ăn, vừa chữa bệnh cho họ.

+ Dựng nhà cho bệnh nhân ở.

+ Ai bị bệnh nặng, ông tận tình cứu chữa không lấy tiền.

- Ông cứu sống hàng ngàn người qua cơn đói kém, dịch bệnh.

- Tiêu biểu nhất là hành động cứu sống người đàn bà nghèo trước rồi mới chữa bệnh cho quý nhân trong cung vua sau, bất chấp chuyện có thể mất đầu.

c. Ý nghĩa của truyện

Phạm Bân là tấm gương sáng "Lương y như từ mẫu".

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản

+ Nội dung: ca ngợi phẩm chất cao quý của vị Thái y lệnh họ Phạm: không chỉ có tài chữa bệnh mà quan trọng hơn là có lòng thương yêu và quyết tâm cứu sống người bệnh tới mức không sợ quyền uy, không sợ mang vạ vào thân

+ Nghệ thuật: cốt truyện đơn giản, tình huống truyện kịch tính, ngôn ngữ đối thoại tự nhiên…

Bài mẫu

Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng là một tác phẩm nói về việc cũ của quê hương đất nước, ký thác nỗi sầu xa xứ qua những hồi ức của người đang sống nơi đất khách quê người. Tác phẩm hiện còn 28 thiên, có một số thiên mang yếu tố ly kì như những truyền kỳ, giai thoại, một số thiên gần như những "thi thoại" khá lý thú. Tất cả sự việc, cảnh vật và con người được tác giả nhớ đến thấp thoáng một số nét về xã hội, lịch sử, văn hoá thời Lý - Trần.

Thiên thứ 8, nhan đề chữ Hán là Y thiên dụng tâm (Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng) kể chuyện Phạm Bân, một thầy thuốc giỏi, qua đó ca ngợi y đức, kín đáo biểu lộ niềm tự hào về ông cha, tổ tiên mình.

Phạm Bân là cụ tổ bên ngoại của Hồ Nguyên Trừng, một thầy thuốc giỏi "có nghề y gia truyền" giữ chức Thái y lệnh dưới thời Trần Anh Tông (1293 - 1314). Ông là một thầy thuốc có địa vị cao sang, lại còn giàu lòng nhân ái. Ông không tích của mà tích đức, đã đem hết của cải trong nhà ra mua các loại thuốc tốt và tích trữ thóc gạo để chữa bệnh giúp người, ông không "né tránh" máu mủ dầm dề của bệnh nhân. Bệnh nhân chữa trị "tới khi khoẻ mạnh rồi đi”, ông không lấy tiền. Trong Ngư tiều y thuật vấn đáp, ta cũng bắt gặp một cụ lương y cao đẹp như thế:

Đứa ăn mày cũng trời sinh,

Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không.

(Nguyễn Đình Chiểu)

Những năm đói kém dịch bệnh nổi lên, Phạm Bân còn dựng thêm nhà đón những kẻ khốn cùng đói khát và bệnh tật đến ở. Ông đã cứu chữa được hơn ngàn người. Nhà ông đã trở thành một bệnh viện làm phúc. Quan Thái y lệnh không làm giàu mà chỉ làm phúc. Y đức của ông toả sáng, cho nên được người đương thời trọng vọng. Tác giả nêu lên một số sự việc rất điển hình để làm nổi bật y thiện dụng tâm của Phạm Bân với bao tự hào ngợi ca của mọi người.

Truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng có một tình huống gây cấn, đầy xung đột giữa tâm đức và danh lợi, giữa cái sống và cái chết, giữa an và nguy. Qua đó, tính cách, nhân cách, bản lĩnh xử thế của người thầy thuốc được tỏ rõ. Cùng một lúc có hai bệnh nhân, người đàn bà thì nguy kịch máu chảy như xối, mặt mày xanh lét bậc quý nhân trong cung đang bị sốt. Một bên là người đến gõ cửa mời gấp, một bên là vương triệu đến khám. Đã mấy ai dám trái lệnh vua? Phạm Bân đã có một cách ứng xử rất đẹp. Ông đã đi ngay đến cứu bệnh nhân khi mệnh sống... chỉ ở trong khoảnh khắc, còn bệnh của quý nhân thì không gấp, sẽ đến vương phủ sau: Tôi cứu họ trước, lát nữa sẽ đến vương phủ. Cứu mệnh sống cho con bệnh nguy kịch là trên hết, trước hết. Phạm Bân đã ứng xử theo lương tâm người thầy thuốc, cho dù phận làm tôi không trọn vẹn, có thể nguy hiểm đến tính mệnh mình. Câu đối đáp của quan Thái y lệnh với quan Trung sứ đã thể hiện tầm vóc cao đẹp của một vị danh y. Trái mệnh vua là tội lớn: Tôi có mắc tội, cũng không biết làm thế nào. Ông thật là người dũng cảm, giàu đức hy sinh, có tâm đức, giàu y đức mới có sự lựa chọn vô cùng dũng cảm và đầy tình người như thế, như ông nói: Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khác, chẳng biết trông vào đâu-. -Ông nói lên niềm tin và sự anh minh của đức vua: Tính mệnh của tiểu thần còn trông cậy vào chúa thượng may ra thoát. Vì trái lệnh vua triệu, ông dũng cảm nhận: Tội tôi xin chịu. Qua đó, ta thấy Phạm Bân đã có "một tấm lòng" cao cả khi đứng trước sự lựa chọn giữa y đức và danh lợi, giữa mệnh sống bệnh nhân và sự nguy hiểm của bản thân mình. Câu nói của Phạm Bân vừa có lý vừa có tình, rất nhân bản, toả sáng một nhân cách cao quý. Có phần thưởng nào to lớn hơn khi Phạm Bân được Trần Anh Tông ngợi khen: Ngươi thật là bậc lương y chân chính, đã giỏi về nghề nghiệp lại có lòng nhân đức....

Phạm Bân là hình ảnh tuyệt đẹp về người thầy thuốc giàu tình thương người, toả sáng tâm đức, y đức, để lại bao lánh yêu và ngưỡng mộ trong lòng ta. Lương y như từ mẫu. Cùng với các bậc danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, Lê Hữu Trác... nhân vật Phạm Bân sống mãi trong thời gian và lòng người. Đây là một truyện giản dị mà hấp dẫn, chứa chan tình người, nêu cao đạo đức của người thầy thuốc chân chính.


Cùng chủ đề:

Cảm nhận về bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa
Cảm nhận về bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ
Cảm nhận về nhân vật cô em gái (Kiều Phương) trong truyện ngắn Bừc tranh của em gái tôi của Tạ Duy Anh
Cảm nhận về thiên nhiên và con người lao động qua văn bản vượt thác của nhà văn Võ Quảng
Cảm nhận về truyện Con hổ có nghĩa
Cảm nhận về truyện Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng
Cảm nhận về truyện cổ tích Thạch Sanh
Cảm nhận về văn bản Cây tre Việt Nam của Thép Mới. (Ngữ văn 6 - Tập II)
Cảm xúc của em sau khi học xong truyện Sọ Dừa
Cảm xúc trữ tình trong bài Cây tre Việt Nam của Thép Mới
Cho các nhân vật sau: Chim Chích, Hoa Sen, Mặt Trời. Hãy tưởng tượng ra và viết một câu chuyện về các nhân vật đó