Soạn bài Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng (Chi tiết)
Soạn bài Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng trang 162 SGK Ngữ văn 6 tập 1. Câu 3. Qua câu chuyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng có thể rút ra cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau bài học gì?
Câu 1
Trả lời câu 1 (trang 164 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Hãy kể ra những, chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh họ Phạm trong truyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng. Từ đó hãy trả lời các câu hỏi:
a) Vị Thái y lệnh là người thế nào? Trong những hành động của ông, điều gì làm em cảm phục nhất và suy nghĩ nhiều nhất?
b) Phân tích, bình luận lời đối thoại của vị Thái y với quan trung sứ: "Ngài đáp: Tôi có mắc tội... tôi xin chịu tội".
Lời giải chi tiết:
* Những chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh:
+ Đem hết của cải ra mua các loại thuổc tốt, tích trữ thóc gạo để vừa nuôi ăn, chữa bệnh cho người nghèo khổ.
+ Không quản ngại bệnh máu mủ.
+ Cứu sống hơn ngàn người trong nhiều năm đói kém, dịch bệnh nổi lên.
+ Đi chữa bệnh cho dân thường trước rồi mới chữa bệnh cho nhà vua, dù có lệnh vua gọi.
a) Thái y lệnh là người hết lòng vì người bệnh, lương y như từ mẫu. Trong những hành động của ông, điều làm người đọc cảm phục nhất là Thái y nhận lời đi chữa bệnh cho người dân thường rồi mới đi chữa bệnh cho vua.
b) Lời đốì đáp của vị Thái y với quan trung sứ: "Tôi có tội, tôi xin chịu tội" vừa khiêm nhường vừa thấm thía lí tình: cứu người dân thường lâm bệnh nguy cấp, nếu không cứu ngay thì chết, tính mệnh của người bệnh còn quan trọng hơn tính mệnh của chính bản thân người thầy thuốc.
Câu 2, 3
Trả lời câu 2 (trang 165 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Trước cách xử sự của vị Thái y lệnh, thái độ của Trần Anh Vương diễn biến như thế nào? Qua đó, nhân cách của Trần Anh Vương được thể hiện ra sao?
Trả lời:
- Nhà vua lúc đầu tức giận nhưng sau khi nghe Thái y lệnh tường trình đã không những hết tức giận mà còn ca ngợi Thái y lệnh. Điều đó chứng tỏ Trần Anh Vương cũng là một ông vua có lòng nhân đức.
Trả lời câu 3 (trang 165 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Qua câu chuyện Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng có thể rút ra cho những người làm nghề y hôm nay và mai sau bài học gì?
Trả lời:
Người làm nghề y hôm nay trước hết cần trau dồi, giữ gìn và vun trồng lương tâm nghề nghiệp trong sáng như từ mẫu; cùng với việc tu luyện chuyên môn cho tinh, giỏi. Vì nghề y là nghề trị bệnh cứu người.
Câu 4
Trả lời câu 4 (trang 165 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Hãy so sánh nội dung y đức được thể hiện ở văn bản Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng với văn bản kể về Tuệ Tĩnh (tr. 44).
Lời giải chi tiết:
Cả hai văn bản đều biểu dương y đức cao đẹp của người thầy thuốc trước quyền lực của xã hội thông qua hai tình huống gần giống nhau.
- Tuy nhiên, so văn bản thứ nhất với văn bản thứ hai thì ở văn bản thứ nhất nội dung y đức được kể lại phong phú, sâu sắc hơn, cụ thể:
+ Với vị Thái y lệnh người họ Phạm, ngoài câu chuyện nhà vua cho quan trung sứ gọi vào cung chữa bệnh cho vị quý nhân, còn có những chuyện trước và sau đó của ông, trong khi với Tuệ Tĩnh, chỉ kể chuyện xử sự của ông khi có con nhà quý tộc đến mời đi chữa bệnh.
+ Tình huống gay cấn xảy ra đối với Thái y lệnh cũng gắt hơn so với Tuệ Tĩnh vì đây là cuộc đụng độ giữa y đức với quyền lực tối cao có liên quan đến đạo làm tôi, đến tính mệnh của mình. Còn ở trường hợp Tuệ Tĩnh, mới chỉ là cuộc đụng độ giữa y đức với quyền thế của một vị quý tộc, thấp hơn vua nhiều.
+ Cuộc đụng độ trực tiếp giữa Thái y lệnh với vị quan trung sứ gay gắt hơn cuộc đụng độ giữa Tuệ Tĩnh với con nhà quý tộc.
Luyện tập
LUYỆN TẬP
Trả lời câu 1 (trang 165 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Một bậc lương y chân chính theo mong mỏi của Trần Anh Vương phải như thế nào? Hãy so sánh nội dung đó với nội dung trong lời thề Hi-pô-cờ-rát được trích ở phần đọc thêm.
Trả lời:
- Một bậc lương y chân chính theo mong mỏi của Trần Anh Vương là giỏi nghề nghiệp, có lòng nhân đức.
- Nội dung trên giống với nội dung lời thề Hi-pô-cờ-rát (không lấy tiền thù lao quá đáng và sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo) ở chỗ: đều đề cao y đức lên trên hết, trước hết đối với tất cả những ai trong nghề chữa bệnh cứu người.
Trả lời câu 2 (trang 165 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Nhan đề văn bản này nguyên văn chữ Hán là Y thiện dụng tâm ( y : chữa bệnh, thầy thuốc; thiện : giỏi, tốt, lành; dụng : dùng, đem dùng; tâm : lòng, tấm lòng). Có sách dịch nhạn đề trên là Thầy thuốc giỏi ở tấm lòng , ở đây dịch: Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng . Vậy có gì khác nhau? Em tán thành cách nào? Lí do?
Trả lời:
Chữ Hán vốn rất hàm súc và cô đọng. Cụm từ Y thiện dụng tâm nếu dịch thành Thầy thuốc giỏi ở tấm lòng thì chưa rõ nghĩa.
Việc thêm vào trong câu hai từ cốt nhất sẽ làm cho câu rõ nghĩa hơn. Bởi để trở thành một thầy thuốc giỏi, người ta phải cần rất nhiều phẩm chất tốt (ví dụ nếu như tay nghề không giỏi thì chắc chắn không thể trở thành thầy thuốc giỏi được). Song phẩm chất cần được nhấn mạnh nhất đó là cái tâm của người chữa bệnh. Như thế, cách dịch Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng rõ ràng là chính xác hơn.
Tác giả
VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
1. Tác giả
Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) tự Mạnh Nguyên, biệt hiệu Nam Ông, người Diễn Châu, Nghệ An, con trưởng của Hồ Quý Ly, làm quan dưới triều vua cha, từng hăng hái chống giặc Minh xâm lược, bị giặc Minh bắt (cùng cha, em và cháu) đem về Trung Quốc.
Nhờ có tài chế tạo vũ khí (súng thần) nên ông được làm quan trong triều nhà Minh tới chức Thượng thư. Ông mất tại Trung Quốc.
2. Tác phẩm Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng
Ông Phạm Bân có nghề y gia truyền, giữ chức Thái y lệnh, phụng sự vua Trần Anh Vương. Ông thường đem tiền bạc mua thuốc tốt và tích trữ thóc gạo giúp đỡ người nghèo. Một hôm có người dân đến xin ông chữa bệnh gấp cho người nhà đang nguy kịch. Đúng lúc đó thì sứ giả của vua đến triệu ông vào cung chữa bệnh cho một quý nhân bị sốt. Thấy không gấp, ông đã đi chữa bệnh cho người đàn bà kia, sau đó đến tỏ lòng thành với vua. Khi hiểu rõ ý ông, vua từ quở trách chuyển sang khen ngợi ông “đã giỏi nghề nghiệp lại có lòng nhân đức”.
Tóm tắt
Ông Phạm Bân có nghề y gia truyền, giữ chức Thái y lệnh, phụng sự vua Trần Anh Vương. Ông thường đem tiền bạc mua thuốc tốt và tích trữ thóc gạo giúp đỡ người nghèo. Một hôm có người dân đến xin ông chữa bệnh gấp cho người nhà đang nguy kịch. Đúng lúc đó sứ giả đến triệu ông vào cung vua chữa bệnh cho một quí nhân bị sốt. Thấy không gấp, ông đã đi chữa bệnh cho người dân trước, sau đó đến tỏ lòng thành với vua. Khi hiểu ý ông, vua từ quở trách chuyển sang khen ngợi ông.
Bố cục
Bố cục: 3 đoạn
- Đoạn 1 (Từ đầu … đến “ người đương thời trọng vọng ”): Giới thiệu Thái y lệnh Phạm Bân.
- Đoạn 2 (Tiếp theo … đến “ thật xứng với lòng ta mong mỏi .”): Y đức của Thái y lệnh.
- Đoạn 3 (Còn lại): Hạnh phúc chân chính của bậc lương y.
ND chính
Ca ngợi Thái y lệnh không những có tài chữa bệnh mà còn có tấm lòng nhân đức, đồng thời giáo dục lương tâm nghề nghiệp, lòng nhân ái, bản lĩnh, trí tuệ cho mỗi chúng ta. |