Soạn bài Thánh Gióng (Chi tiết)
Soạn bài Thánh Gióng trang 22 SGK Ngữ văn 6 tập 1. Câu 3. Hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Gióng.
Thể loại
1. Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ. Truyền thuyết là tác phẩm nghệ thuật truyền miệng nên nó thường có yếu tố tưởng tượng, kì ảo.
Truyền thuyết thể hiện quan điểm, thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.
2. Truyền thuyết có mối quan hệ chặt chẽ với thần thoại. Các chi tiết hoang đường, kì ảo vốn là đặc trưng của thần thoại cũng thường xuyên được sử dụng trong truyền thuyết làm chức năng “huyền ảo hoá” các nhân vật, sự kiện; thể hiện sự tôn sùng, ngưỡng mộ của nhân dân đối với các nhân vật đã đi vào truyền thuyết. Có nhiều câu chuyện thần thoại được “lịch sử hoá” để trở thành truyền thuyết (ví dụ như truyền thuyết thời các vua Hùng), điều đó chứng tỏ sự phát triển tiếp nối của truyền thuyết sau thần thoại trong lịch sử văn học dân gian(1).
3. Các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương – thời đại mở đầu lịch sử Việt Nam (cách ngày nay khoảng bốn nghìn năm và kéo dài chừng hai nghìn năm) như: Con Rồng cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Sơn Tinh, Thủy Tinh; Thánh Gióng … đều gắn với việc nhận thức về nguồn gốc dân tộc và công cuộc dựng nước, giữ nước dưới thời các vua Hùng.
Câu 1
Trả lời câu 1 (trang 22 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Trong truyện Thánh Gióng có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Nhân vật chính này được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo và giàu ý nghĩa. Em hãy tìm và liệt kê ra những chi tiết đó.
Lời giải chi tiết:
Trong truyện Thánh Gióng có các nhân vật: Thánh Gióng, mẹ Thánh Gióng, sứ giả, nhà vua, dân làng, giặc Ân. Nhân vật chính trong truyện là Thánh Gióng. Nhân vật này được xây dựng bằng rất nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo, đó là:
- Bà mẹ giẫm lên vết chân to, lạ ngoài đồng và thụ thai.
- Lên ba tuổi, Gióng không biết nói, cười, đặt đâu nằm đấy.
- Tiếng nói đầu tiên là đòi đi đánh giặc.
- Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ.
- Một mình cưỡi ngựa ra trận đánh giặc, roi sắt gãy, Gióng nhổ tre đánh tan giặc Ân, sau đó bay về trời.
Câu 2
Trả lời câu 2 (trang 22 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Các chi tiết nêu ra trong SGK, tr.22, 23 có ý nghĩa như thế nào?
Lời giải chi tiết:
Ý nghĩa của các chi tiết:
a) Tiếng nói đầu tiên của chú bé lên ba là tiếng nói đòi đi đánh giặc:
- Ca ngợi ý thức đánh giặc, cứu nước trong hình tượng Gióng; ý thức đối với đất nước được đặt lên đầu tiên.
- Ý thức đánh giặc cứu nước tạo cho người anh hùng những khả năng, hành động khác thường, thần kì.
- Gióng là hình ảnh của nhân dân. Nhân dân lúc bình thường thì âm thầm, lặng lẽ cũng như Gióng ba năm không nói, chẳng cười. Nhưng khi nước nhà gặp cơn nguy biến, thì họ đứng ra cứu nước đầu tiên, cũng như Gióng, vua vừa kêu gọi đã đáp lời cứu nước.
b) Gióng đòi ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đi đánh giặc: Để thắng giặc, dân tộc ta phải chuẩn bị từ lương thực, từ những cái bình thường như cơm, cà lại phải đưa cả thành tựu văn hóa, kĩ thuật là vũ khí (ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt) vào cuộc chiến đấu.
c) Bà con làng xóm vui lòng góp gạo nuôi cậu bé.
- Gióng lớn lên bằng những thức ăn, đồ mặc của nhân dân. Sức mạnh dũng sĩ của Gióng được nuôi dưỡng từ cái bình thường, giản dị.
- Nhân dân ta yêu nước, ai cũng mong Gióng lớn nhanh đánh giặc cứu nước.
- Cả dân làng đùm bọc, nuôi dưỡng Gióng. Gióng đâu chỉ là con của một bà mẹ, mà của mọi người, của nhân dân. Gióng tiêu biểu cho sức mạnh của toàn dân.
d) Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ.
Gióng lớn nhanh như thổi để đáp ứng được nhiệm vụ cứu nước. Cuộc chiến đấu đòi hỏi dân tộc ta phải vươn mình phi thường như vậy. Gióng vươn vai là tượng đài bất hủ về sự trưởng thành vượt bậc, về hùng khí, tinh thần của một dân tộc trước nạn ngoại xâm.
đ) Gậy sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh giặc: Gióng đánh giặc không chỉ bằng vũ khí, mà bằng cả cỏ cây của đất nước, bằng những gì có thể giết giặc được.
e) Gióng đánh giặc xong, cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng về trời:
- Gióng ra đời phi thường thì ra đi cũng phi thường. Nhân dân yêu mến, trân trọng, muôn giữ mãi hình ảnh người anh hùng, nên đã để Gióng trở về với cõi vô biên bất tử. Bay lên trời. Gióng là non nước, đất trời, là biểu tượng của người dân Văn Lang. Gióng sống mãi.
- Đánh giặc xong Gióng không trở về nhận phần thưởng, không hề đòi hỏi công danh. Dấu tích của chiến công, Gióng để lại cho quê hương, xứ sở.
Câu 3
Trả lời câu 3 (trang 23 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Gióng.
Lời giải chi tiết:
- Gióng là hình tượng tiêu biểu, rực rỡ của người anh hùng đánh giặc giữ nước.
- Gióng là người anh hùng mang trong mình sức mạnh của cả cộng đồng ở buổi đầu dựng nước: sức mạnh của tổ tiên thần thánh (sự ra đời thần kì); sức mạnh của tập thể cộng đồng (bà con làng xóm góp gạo nuôi Gióng); sức mạnh của thiên nhiên, văn hóa, kĩ thuật (ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt, tre).
- Hình tượng khổng lồ, đẹp và khái quát như Thánh Gióng đã nói lên được lòng yêu nước, khả năng và sức mạnh quật khởi của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Câu 4
Trả lời câu 4 (trang 23 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Truyền thuyết thường liên quan đến sự thật lịch sử. Theo em, truyện Thánh Gióng liên qua đến sự thật lịch sử nào?
Lời giải chi tiết:
Truyền thuyết Thánh Gióng liên quan đến những sự thật lịch sử sau đây:
- Vào thời đại Hùng Vương, chiến tranh tự vệ ngày càng trở nên ác liệt, đòi hỏi phải huy động sức mạnh của cả cộng đồng.
- Số lượng và kiểu loại vũ khí của người Việt cổ tăng lên từ giai đoạn Phùng Nguyên đến giai đoạn Đông Sơn.
- Vào thời đại Hùng Vương, cư dân Việt cổ tuy nhỏ nhưng đã kiên quyết chông lại mọi đạo quân xâm lược lớn mạnh để bảo vệ cộng đồng.
Luyện tập
LUYỆN TẬP
Trả lời câu 1 (trang 24 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Hình ảnh nào của Gióng là hình ảnh đẹp nhất trong tâm trí em?
Trả lời:
Các em tùy chọn theo cảm nhận của mình, gợi ý:
- Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ.
=> Đoạn văn miêu tả Gióng đánh giặc thật hào hứng. Hình ảnh người anh hùng làng Gióng oai phong lẫm liệt khi xung trận như khắc sâu vào tâm trí người Việt Nam.
Trả lời câu 2 (trang 24 sgk Ngữ Văn 6 Tập 1):
Theo em, tại sao hội thi thể thao trong nhà trường phổ thông lại mang tên Hội khỏe Phù Đổng?
Trả lời:
Hội thi thể thao trong nhà trường phổ thông mang tên Hội khỏe Phù Đổng vì:
- Đây là hội thi thể thao dành cho lứa tuổi thiếu niên, học sinh - lứa tuổi của Gióng, trong thời đại mới.
- Mục đích của hội thi là khỏe để học tập, lao động tốt, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Bố cục
Bố cục: 4 đoạn
- Đoạn 1 (Từ đầu … đến “ đặt đâu thì nằm đấy ”): Sự ra đời kì lạ của Gióng.
- Đoạn 2 (Tiếp theo … đến “ giết giặc, cứu nước ”): Gióng gặp sứ giả và sự lớn nhanh kì lạ của Gióng.
- Đoạn 3 (Tiếp theo … đến “ từ từ bay lên trời ”): Gióng cùng nhân dân chiến đấu và chiến thắng giặc Ân.
- Đoạn 4 (Còn lại): Gióng bay về trời.
ND chính
Truyện Thánh Gióng ca ngợi tình yêu nước, tinh thần bất khuất chiến đấu chống giặc ngoại xâm vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thời cổ đại. |