Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 6 - Chân trời sáng tạo
Tải vềGồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng
A. NỘI DUNG ÔN TẬP
I. Phần đọc hiểu
1. Truyền thuyết
Truyền thuyết là thể loại truyện kể dân gian, thường kể về sự kiện, nhân vật lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử. Qua đó, thể hiện nhận thức, tình cảm của tác giả dân gian đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử. Đặc điểm của truyền thuyết được thể hiện qua cách xây dựng nhân vật, cốt truyện, sử dụng yếu tố kì ảo, lời kể,…
2. Truyện cổ tích
– Truyện cổ tích là thể loại truyện kể dân gian, kết quả của trí tưởng tượng dân gian, xoay quanh cuộc đời, số phận của các kiểu nhân vật. Truyện cổ tích thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người xưa đối với cuộc sống, đồng thời nói lên ước mơ về một xã hội công bằng, tốt đẹp.
– Cốt truyện cổ tích thường sử dụng yếu tố hoang đường, kì ảo, mở đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa…” và kết thúc có hậu. Truyện được kể theo trình tự thời gian.
– Truyện cổ tích thường kể về một số kiểu nhân vật như nhân vật bất hạnh, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh,… Phẩm chất của nhân vật truyện cổ tích chủ yếu được thể hiện qua hành động.
– Trong truyện cổ tích, chủ đề nổi bật là ước mơ về một xã hội công bằng, cái thiện chiến thắng cái ác.
3. Thơ lục bát
- Thơ là một hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống với những cảm xúc chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ, trong ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh, và nhất là có nhịp điệu.
- Lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mỗi bài thơ ít nhất gồm hai dòng với số tiếng cố định: dòng sáu tiếng (dòng lục) và dòng tám tiếng (dòng bát). Thơ lục bát gieo vần chân và vần lưng. Tiếng thứ sáu của dòng lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng bát, tiếng thứ tám của dòng bát gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng lục tiếp theo.
– Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn (mỗi nhịp hai tiếng). Lục bát là thể thơ có sức sống mãnh liệt, mang đậm vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.
4. Truyện đồng thoại
Truyện đồng thoại là truyện văn học dành cho thiếu nhi. Nhân vật trong truyện đồng thoại thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân hóa. Vì thế, chúng vừa phản ánh đặc điểm sinh hoạt của loài vật vừa thể hiện đặc điểm của con người.
5. Kí
– Kí là thể loại văn học coi trọng sự thật và những trải nghiệm, chứng kiến của chính người viết. Trong kí, có những tác phẩm thiên về kể sự việc (tự sự), có những tác phẩm thiên về biểu cảm (trữ tình). Trong kí tự sự có hồi kí và du kí:
+Hồi kí chủ yếu kể lại những sự việc mà người viết đã từng tham dự hoặc chứng kiến trong quá khứ. Các sự việc trong hồi kí thường được kể theo trình tự thời gian, gắn với một hoặc nhiều giai đoạn trong cuộc đời của tác giả.
+ Du kí chủ yếu kể về những sự việc mới diễn ra hoặc đang diễn ra gắn với các chặng đường trong hành trình tìm hiểu những vùng đất nước kì thú của Việt Nam và thế giới. Nhân vật xưng “tôi” trong hồi kí và du kí là hình ảnh của tác giả.
2. Phần tiếng Việt
a. Từ đơn và từ phức
– Từ đơn là từ chỉ có một tiếng.
– Từ phức là từ có hai tiếng trở lên. Những từ phức được tạo nên bằng cách ghép các tiếng, giữa các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa được gọi là từ ghép. Những từ phức mà các tiếng chỉ có quan hệ với nhau về âm (lặp lại âm đầu, vần hoặc lặp lại cả âm đầu và vần) được gọi là từ láy.
b. Trạng ngữ
– Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, giúp xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích,…của sự việc nêu trong câu.
– Có nhiều loại trạng ngữ: trạng ngữ chỉ thời gian, trạng ngữ chỉ nơi chốn, trạng ngữ chỉ nguyên nhân, trạng ngữ chỉ mục đích,…
– Chức năng: Bên cạnh chức năng bổ sung ý nghĩa cho sự việc trong câu, trạng ngữ còn có chức năng liên kết các câu trong một đoạn, làm cho đoạn văn được liền mạch.
c. Lựa chọn từ ngữ phù hợp với việc thể hiện nghĩa của văn bản
– Khi nói hoặc viết, người nói (viết) thường phải huy động vốn từ ngữ đã được tích lũy (trong đó có những từ đồng nghĩa, gần nghĩa) để lựa chọn những từ ngữ phù hợp nhất với việc thể hiện nội dung của văn bản.
– Cách lựa chọn từ ngữ khi nói hoặc viết:
+Xác định nội dung cần diễn đạt.
+Huy động các từ đồng nghĩa, gần nghĩa; từ đó lựa chọn những từ ngữ có khả năng diễn đạt chính xác nhất nội dung muốn thể hiện.
+Chú ý khả năng kết hợp hài hòa giữa từ ngữ được lựa chọn với những từ ngữ được sử dụng trước và sau nó trong cùng một câu (đoạn) văn.
– Tác dụng: Lựa chọn từ ngữ phù hợp với việc thể hiện nghĩa của văn bản giúp diễn đạt chính xác và hiệu quả điều mà người nói (viết) muốn thể hiện.
d. Biện pháp ẩn dụ
Là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó, nhằm tăng khả năng gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt
e. Biện pháp hoán dụ
Hoán dụ là gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
3. Phần làm văn
a. Tóm tắt văn bản
– Bước 1: Đọc kĩ văn bản cần tóm tắt:
+Xác định văn bản gồm mấy phần hoặc mấy đoạn và quan hệ giữa các phần, các đoạn.
+Tìm từ khóa (những từ được lặp lại nhiều lần, được in nghiêng, in đậm) và ý chính của từng phần hoặc đoạn.
+Xác định nội dung chính của văn bản và hình dung cách vẽ sơ đồ.
– Bước 2: Tóm tắt văn bản bằng sơ đồ:
+ Dựa trên số phần hoặc số đoạn, xác định số ô hoặc số bộ phận cần có trong sơ đồ.
+ Cách thể hiện trong sơ đồ về các phần, đoạn, ý chính và quan hệ giữa chúng trong văn bản gốc cần tóm tắt đã phù hợp chưa.
+Để kiểm tra và tự đánh giá sơ đồ bằng bản tóm tắt vừa hoàn chỉnh, em có thể dựa vào bảng kiểm dưới đây:
Bảng kiểm tóm tắt văn bản bằng sơ đồ:
Yêu cầu tóm tắt |
Đạt/ chưa đạt |
Tương ứng về số phận, đoạn, ý chính giữa sơ đồ và văn bản cần tóm tắt. |
|
Sử dụng từ khóa. |
|
Thể hiện mối quan hệ giữa các phần, đoạn, ý chính. |
|
Bao quát nội dung chính của văn bản cần tóm tắt. |
b. Kể lại một truyện cổ tích
* Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết:
– Xác định đề tài: Em cần đọc kĩ đề bài để xác định:
+Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì?
+Kiểu bài mà đề yêu cầu là gì?
– Thu thập tư liệu: Em hãy tìm đọc truyện cổ tích. Trong những truyện đó, truyện nào gây cho em ấn tượng sâu sắc nhất, có nhân vật đáng nhớ nhất, có cốt truyện thú vị nhất,…?
* Bước 2: Tìm ý, lập dàn
– Tìm ý: Em hãy đọc kĩ truyện đã chọn và trả lời những câu hỏi dưới đây:
+Truyện có tên là gì? Vì sao em chọn kể lại truyện này?
+Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện như thế nào?
+Truyện có những nhân vật nào?
+Truyện gồm những sự việc nào? Các sự việc xảy ra theo trình tự nào?
+Truyện kết thúc như thế nào?
+Cảm nghĩ của em về truyện?
– Lập dàn ý: Em hãy sắp xếp các ý đã tìm theo một dàn ý. Cụ thể như sau:
Mở bài |
Giới thiệu: – Tên truyện – Lí do muốn kể lại truyện |
Thân bài |
Trình bày – Nhân vật: – Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện: |
Kể chuyện theo trình tự thời gian: – Sự việc 1: – Sự việc 2: – Sự việc 3: – Sự việc 4: – … |
|
Kết bài |
Nêu cảm nghĩ về truyện vừa kể. |
* Bước 3: Viết bài: Dựa vào dàn ý trên, viết thành một bài văn kể chuyện hoàn chỉnh. Khi viết cần đảm bảo thể hiện được các đặc điểm của kiểu bài kể lại một truyện cổ tích.
* Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
– Xem lại và chỉnh sửa: Sau khi viết xong, em có thể tự kiểm tra lại bài viết của mình.
Tiếp theo, đọc lại câu chuyện của mình lần thứ hai và kiểm tra, điều chỉnh bài viết bằng cách:
+Đọc kĩ toàn bài và khoanh tròn những lỗi chính tả, lỗi sử dụng từ ngữ (nếu có). Sau đó, sửa lại các lỗi đó.
+ Gạch chân những câu sai ngữ pháp bằng cách phân tích cấu trúc ngữ pháp và sửa lại cho đúng (nếu có).
+Em hãy trình bày bài viết cho các bạn trong nhóm nghe và nhờ bạn góp ý để bài viết hoàn chỉnh hơn.
+Tiếp theo, hãy đọc bài viết của các bạn khác và giúp bạn hoàn chỉnh văn bản theo cách mà em đã làm với bài viết của mình.
– Rút kinh nghiệm: Nếu được viết bài này, em sẽ điều chỉnh như thế nào để bài viết tốt hơn?
c.Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát
*Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
– Xác định đề tài: Hãy đọc kĩ đề bài và xác định:
Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì?
Kiểu bài nào? Độ dài của đoạn văn là bao nhiêu?
– Thu thập tư liệu: Trong bước này, em hãy tự hỏi:
Cần tìm những thông tin nào?
Tìm những thông tin ấy ở đâu?
Em có thể tìm và chọn một bài thơ lục bát mà em yêu thích hoặc có cảm xúc đặc biệt để viết.
*Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý: Em hãy:
+Đọc diễn cảm bài thơ vài lần để cảm nhận âm thanh, vần, nhịp điệu của bài thơ và xác định những cảm xúc mà bài thơ đã gợi cho em.
+Tìm và xác định ý nghĩa của những từ ngữ, hình ảnh độc đáo, những biện pháp tu từ mà tác giả bài thơ sử dụng.
+Xác định chủ đề của bài thơ.
+Lí giải vì sao em có cảm xúc đặc biệt với bài thơ.
+Viết nhanh dưới dạng cụm từ thể hiện những ý tưởng trên.
– Lập dàn ý: Hãy sắp xếp những ý đã nêu thành dàn ý của đoạn văn theo mẫu sau:
+ Mở đoạn: Giới thiệu cảm xúc chung về bài thơ lục bát.
+Thân đoạn: Trình bày chi tiết cảm xúc của bản thân về bài thơ lục bát.
+Kết đoạn: Khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.
*Bước 3: Viết bài
Dựa vào dàn ý, viết một đoạn văn hoàn chỉnh. Khi viết, cần đảm bảo các yêu cầu đối với đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát.
*Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
Xem lại và chỉnh sửa: Sau khi viết xong, em có thể tự chỉnh sửa đoạn văn của mình. Em hãy dựa vào các gợi ý dưới đây để chỉnh sửa đoạn văn:
– Tìm câu chủ đề của đoạn văn và thêm vào những từ ngữ miêu tả khái quát cảm xúc của em khi đọc bài thơ lục bát.
– Thêm vào những từ ngữ và câu văn thể hiện cảm xúc của em về bài thơ.
– Bổ sung những từ ngữ, hình ảnh được trích dẫn từ bài thơ.
– Viết lại câu kết đoạn theo hướng khẳng định lại cảm xúc và ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.
– Chỉnh sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, lỗi dùng từ (nếu có).
– Rút kinh nghiệm: Trả lời hai câu hỏi dưới đây để tự đánh giá những gì đã học qua việc viết đoạn văn:
+Em rút ra kinh nghiệm gì khi viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát?
+Nếu viết lại, em sẽ điều chỉnh thế nào để đoạn văn hoàn chỉnh hơn?
d.Kể lại một trải nghiệm của bản thân
* Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
– Xác định đề tài: Để xác định đề tài, em có thể hồi tưởng lại những kỉ niệm đáng nhớ.
– Thu thập tư liệu: Em hãy tìm tư liệu cho bài viết bằng những cách sau:
+Nhớ lại những sự việc, trải nghiệm đã để lại cho em kỉ niệm sâu sắc.
+Đọc lại câu chuyện “Bài học đường đời đầu tiên”, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” và bài viết để học cách các tác giả kể trải nghiệm của họ.
+Tìm lại những hình ảnh đã lưu giữ có liên quan đến câu chuyện.
* Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
– Phác thảo một số ý cho bài viết:
+Không gian, thời gian sảy ra câu chuyện?
+ Trình tự các sự việc, kết quả
+Ý nghĩa của trải nghiệm
+Kết hợp kể và tả
– Lập dàn ý: Em hãy sắp xếp những ý trong sơ đồ trên thành dàn ý theo mẫu sau:
+ Mở bài: Giới thiệu chung về thời gian, không gian xảy ra câu chuyện.
+Thân bài:
Thời gian, không gian diễn ra của câu chuyện và những nhân vật có liên quan.
Kể các sự việc theo trình tự diễn ra của chúng, kết hợp với các yếu tố miêu tả.
+Kết bài: Trình bày ý nghĩa của trải nghiệm đối với bản thân.
* Bước 3: Viết bài
– Dựa vào dàn ý trên, em hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết, cần đảm bảo các yêu cầu đối với kiểu bài Kể lại một trải nghiệm của bản thân.
* Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
Xem lại và chỉnh sửa: Sau khi viết xong, em có thể tự chỉnh sửa bài văn của mình theo gợi ý dưới đây:
– Sắp xếp lại các sự việc nếu cần thiết.
– Bổ sung những từ ngữ chuyển tiếp giữa các sự việc để thể hiện rõ trình tự xảy ra sự việc.
– Thay đổi ngôi kể nếu ngôi kể không phải là ngôi thứ nhất.
– Bổ sung những chi tiết miêu tả về các sự việc, nhân vật và thời gian, không gian diễn ra các sự việc.
– Chi tiết hóa những thông tin đã có trong câu chuyện bằng những hình ảnh được cảm nhận từ nhiều giác quan hoặc những đoạn đối thoại.
– Bổ sung những câu văn thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp ý nghĩa của trải nghiệm.
– Điều chỉnh lỗi chính tả, ngữ pháp và lỗi sử dụng từ ngữ.
e. Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt
* Trước khi viết
a. Lựa chọn đề tài: Cảnh sinh hoạt.
b.Tìm ý
– Hình dung các chi tiết về cảnh sinh hoạt theo trí nhớ của em: thời gian, địa điểm; quang cảnh chung và những hoạt động cụ thể; những người tham gia và hành động lời nói của họ.
– Sưu tầm các tư liệu liên quan.
c. Lập dàn ý
– Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt.
– Thân bài: Miêu tả cảnh sinh hoạt.
+Tả bao quát khung cảnh và ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.
+Tả cụ thế cảnh sinh hoạt theo trình tự thời gian; hoạt động cụ thể của những người tham gia.
+Thể hiện cảm xúc khi quan sát, chứng kiến hoặc tham gia cảnh sinh hoạt.
– Kết bài: Nêu suy nghĩ, đánh giá của người viết.
* Viết bài
– Bám sát dàn ý khi viết bài.
– Cần lưu ý:
+Tả những gì em đã quan sát. Nên tả cụ thể hình dáng, màu sắc, âm thanh, mùi vị,… Chú ý dùng các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hoá đề bài viết thêm sinh động.
+Sử dụng những từ ngữ thể hiện chân thực tình cảm, suy nghĩ của em.
* Chỉnh sửa bài viết
Rà soát, tự chỉnh sửa bài viết của mình.
B. BÀI TẬP
1. Phần đọc hiểu
*Đề bài
Văn bản Thánh Gióng
Câu 1: Nhờ đâu mà Thánh Gióng biết nói?
A.Khi bọn giặc xâm lăng
B.Khi làng xóm đến chơi
C.Khi cha mẹ dạy cậu nói
D.Khi nghe tiếng rao của sứ giả
Câu 2: Chi tiết dân làng góp gạo nuôi Thánh Gióng thể hiện phẩm chất gì của nhân dân ta?
A.Tương thân tương ái
B.Yêu nước
C.Đoàn kết
D.Tất cả các đáp án trê
Văn bản Sự tích Hồ Gươm
Câu 3: Đức Long Quân cho Lê Lợi mượn gươm trong hoàn cảnh nào?
A.Nước ta đang trên đà lớn mạnh
B.Nghĩa quân Lam Sơn thế lực còn yếu
C.Nhiều kẻ thù xâm lược nước ta
D.Nước ta mở mang bờ cõi
Câu 4: Trong văn bản Sự tích Hồ Gươm, trên lưỡi gươm nhặt được đề chữ gì?
A.Thuận Thiên
B.Ý trời
C.Thiên Địa
D.Trời ban
Văn bản Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân
Câu 5: Nguồn gốc của hội hổi cơm thi ở Đồng Vân bắt nguồn từ đâu
A.Bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ
B.Bắt nguồn từ tục nấu cơm xa xưa của người Việt
C.Bắt nguồn từ tục thờ cúng Tổ Tiên
D.Tất cả các đáp án trên đều sai
Văn bản Bánh chưng bánh giầy
Câu 6: Chọn đáp án đúng nhất.
A.Bánh Giầy tượng trưng cho Trời, bánh Chưng tượng trưng cho Đất.
B.Bánh Giầy tượng trưng cho Đất, bánh Chưng tượng trưng cho Trời.
C.Bánh Giầy, bánh Chưng tượng trưng cho muông thú, cây cối.
D.Bánh Giầy, bánh Chưng tượng trưng cho sự sống của vạn vật.
Văn bản Sọ Dừa
Câu 7: Nhân vật Sọ Dừa đại diện cho kiểu người nào trong xã hội?
A.Kiểu người bị bóc lột
B.Kiểu người chịu nhiều bất hạnh
C.Kiểu người gặp nhiều may mắn
D.Kiểu người bị hắt hủi, coi thường
Câu 8: Chọn các đáp án đúng.
Truyện “Sọ Dừa” kể về nhân vật ở những giai đoạn nào?
A.Lúc cơ hàn
B.Khi vinh hiển
C.Lúc hoạn nạn
D.Tất cả các giai đoạn trên
Văn bản Em bé thông minh
Câu 9: Yếu tố kì ảo có vai trò gì trong truyện em bé thông minh?
A.Giúp truyện hấp dẫn hơn
B.Giải quyết khó khăn mà em bé không vượt qua được
C.Không tồn tại trong truyện
D.Giúp câu chuyện về em bé thông minh trở thành truyện cổ tích
Văn bản Chuyện cổ nước mình
Câu 10: Câu thơ “Thương người rồi mới thương ta” bắt nguồn từ câu tục ngữ nào?
A.Ở hiền gặp lành
B.Thương người như thể thương thân
C.Uống nước nhớ nguồn
D.Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng
Văn bản Non –bu và Heng – bu
Câu 11: Ai là nhân vật phản diện trong truyện Non-bu và Heng-bu?
A.Người anh trai
B.Người em trai
C.Con chim nhạn
D.Bố mẹ của hai anh em
Văn bản Những câu hát dân gian về vẻ đẹp quê hương
Câu 12: Khi nhắc đến 36 phố phường ở Long Thành, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?
A.So sánh và liệt kê
B.Liệt kê và điệp từ
C.Nhân hóa và so sánh
D.Ẩn dụ và hoán dụ
Văn bản Việt Nam quê hương ta
Câu 13: Đâu không phải hình ảnh thiên nhiên đặc trưng Việt Nam được nhắc đến trong bài Việt Nam quê hương ta?
A.Đồi núi
B.Cánh cò
C.Sông nước
D.Đồng lúa
Văn bản Về bài ca dao “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng…”
Câu 14: Đâu không phải nghệ thuật đặc sắc được sử dụng trong 2 câu thơ dưới đây?
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, bát ngát mênh môn
A.Phép đối xứng
B.Dòng thơ kéo dài tới 12 tiếng
C.Điệp từ.
D.Sử dụng từ ngữ toàn dân giản dị
Văn bản Hoa bìm
Câu 15: Biện pháp tu từ trong câu thơ “Trưa yên ả rụng một vài tiếng chim”?
A.Nhân hóa
B.So sánh
C.Ẩn dụ
D.Điệp từ
Văn bản Bài học đường đời đầu tiên
Câu 16: Đoạn trích sử dụng biện pháp nghệ thuật gì đặc sắc?
A.Nghệ thuật miêu tả
B.Nghệ thuật kể chuyện
C.Nghệ thuật sử dụng từ ngữ
D.Nghệ thuật tả người
Văn bản Giọt sương đêm
Câu 17: Trong văn bản Giọt sương đêm, tại sao sau đêm sương Bọ Dừa lại quyết định về quê?
A.Vì đêm sương đó nhắc nhớ Bọ Dừa về nghề nghiệp.
B.Vì đêm sương đó nhắc nhớ Bọ Dừa về quê hương.
C.Vì đêm sương đó nhắc nhớ Bọ Dừa về bạn bè.
D.Vì đêm sương đó nhắc nhớ Bọ Dừa về đồng trúc quê hương.
Văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Câu 18: Trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, trò chơi về xúc giác tại vườn hoa đã đem đến điều gì cho cậu bé?
A.Cậu trở nên thông minh và hiểu biết hơn
B.Cậu đã thuộc hết khu vườn, có thể vừa nhắm mắt vừa đi trong vườn.
C.Cậu bé thấu hiểu hơn về các thành viên trong gia đình mình
D.Cậu bé nhận diện được tất cả các loài hoa của đất nước
Văn bản Cô Gió mất tên
Câu 19: Trong văn bản Cô Gió mất tên, những đồ vật như đài truyền hình, dây rợ, nút bấm lằng nhằng tượng trưng cho điều gì?
A.Sự gần gũi của con người
B.Tình cảm gia đình
C.Cuộc sống hiện đại, công nghệ thông tin
D.Tầm quan trọng của các thiết bị công nghệ
Văn bản Lao xao ngày hè
Câu 20: Lý do nào khiến tác giả viết được Lao xao hấp dẫn và hay tới như thế?
A.Bằng sự quan sát kĩ càng, tỉ mỉ
B.Vốn hiểu biết phong phú về các loài chim ở đồng quê
C.Tình cảm yêu mến cảnh sắc quê hương
D.Tất cả các phương án trên
Văn bản Đánh thức trầu
Câu 21: Cách xưng hô “mày – tao” trong Đánh thức trầu sử dụng biện pháp tu từ gì?
A.Hoán dụ lấy cái cụ thể gọi cái trừu tượng
B.Hoán dụ lấy cái bộ phận chỉ cái toàn thể
C.Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
D.Nhân hóa trò chuyện xưng hô với vật như với người
Văn bản Một năm ở tiểu học
Câu 22: Em nhận được bài học gì từ văn bản Một năm ở Tiểu học?
A.Tuổi nhỏ nên tập trung tuyệt đối cho việc học để sau này trở thành người có ích
B.Nên cân đối giữa hoạt động vui chơi và việc học để phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ
C.Tuổi nhỏ cần ưu tiên hoạt động vui chơi để đầu óc thoải mái hơn
D.Tất cả các phương án trên
2. Phần tiếng Việt
a. Từ đơn và từ phức
Câu 1: Đáp án nào dưới đây chứa các từ đơn?
A.Bàn ghế, nhà cửa, bút
B.Bút, thước, học sinh
C.Bàn, ghế, bút, áo
D.Nô đùa, trường, lớp
Câu 2: Từ phức bao gồm những loại nào dưới đây?
A.Từ đơn và từ ghép
B.Từ đơn và từ láy
C.Từ đơn
D.Từ ghép và từ láy
b. Trạng ngữ
Câu 3: Dòng nào là trạng ngữ trong câu “Dần đi ở từ năm chửa mười hai. Khi ấy, đầu nó còn để hai trái đào”. (Nam Cao)?
A.Dần đi ở từ năm chửa mười hai
B.Khi ấy
C.Đầu nó còn để hai trái đào
D.Cả A, B, C đều sai.
Câu 4: Trạng ngữ “Trên bốn chòi canh” trong câu “Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kiểng và mõ đều đặn thưa thớt” (Nguyễn Tuân) biểu thị điều gì ?
A.Thời gian diễn ra hành động được nói đến trong câu
B.Mục đích của hành động được nói đến trong câu
C.Nơi chốn diễn ra hành động được nói đến trong câu
D.Nguyên nhân diễn ra hành động được nói đến trong câu
c. Lựa chọn từ ngữ phù hợp với việc thể hiện nghĩa của văn bản
Câu 5: Sách Ngữ văn Sơn Tinh, Thủy Tinh giải thích Sơn Tinh, thần núi; Thủy Tinh, thần nước đã giải thích theo cách nào?
A.Sử dụng khái niệm
B.Dùng từ trái nghĩa với từ được giải thích
C.Dùng từ đồng nghĩa với từ được giải thích
D.Miêu tả hành động, kết hợp với trình bày khái niệm mà từ biểu thị.
Câu 6: Từ “sách” nghĩa là gì?
A.Là tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in, đóng gộp lại thành quyển
B.Là nơi để học sinh ghi chép thông tin
C.Là dụng cụ tạo thành mực cho học sinh viết chữ
D.Là dụng cụ dùng dọc giấy
d. Biện pháp ẩn dụ
Câu 7: Có mấy kiểu ẩn dụ thường gặp?
A.Ẩn dụ hình thức, cách thức
B.Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
C.Ẩn dụ phẩm chất
D.Cả ba đáp án trên
Câu 8: Tìm câu thơ có chứa phép ẩn dụ?
A.Bóng bác cao lồng lộng
B.Người cha mái tóc bạc
C.Đốt lửa cho anh nằm
D.Chú cứ việc ngủ ngon
e. Biện pháp hoán dụ
Câu 9: Câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây / Vì lợi ích trăm năm trồng người” sử dụng phép hoán dụ nào?
A.Phép hoán dụ lấy bộ phận gọi tên toàn thể
B.Phép hoán dụ lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng
C.Phép hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để gọi tên sự vật
D.Phép hoán dụ lấy cái cụ thể để gọi tên cái trừu tượng
Câu 10: Câu “Vì lợi ích mười năm trồng cây / Vì lợi ích trăm năm trồng người” sử dụng phép hoán dụ nào?
A.Phép hoán dụ lấy bộ phận gọi tên toàn thể
B.Phép hoán dụ lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng
C.Phép hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để gọi tên sự vật
D.Phép hoán dụ lấy cái cụ thể để gọi tên cái trừu tượng
3. Phần làm văn
a. Tóm tắt văn bản
Đề 1: Tóm tắt văn bản Thánh Gióng
Đề 2: Tóm tắt văn bản Sự tích hồ Gươm
b. Kể lại một truyện cổ tích
Đề 1: Viết bài văn kể lại truyện Thánh Gióng
Đề 2: Viết bài văn kể lại truyện Sự tích hồ Gươm
Đề 3: Viết bài văn kể lại truyện Sọ Dừa
c.Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát
Đề 1: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về đoạn thơ sau đây: Đời cha ông với đời tôi/ Như con sông với chân trời đã xa/ Chỉ còn chuyện cổ thiết tha/ Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Đề 2: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về đoạn thơ sau: Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
Đề 3: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về hai câu thơ cuối bài “hoa bìm”: Hoa bìm tim tím đong đưa/ Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?
d.Kể lại một trải nghiệm của bản thân
Đề 1: Viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của em
e. Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt
Đề 1: Viết bài văn tả quang cảnh một phiên chợ ở quê em
Đề 2: Viết bài văn tả quang cảnh giờ ra chơi ở trường em
C. LỜI GIẢI CHI TIẾT
1. Phần đọc hiểu
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
21 |
22 |
D |
D |
B |
A |
A |
A |
B |
D |
C |
B |
A |
B |
C |
D |
C |
A |
B |
B |
C |
D |
D |
B |
2. Phần tiếng Việt
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
C |
D |
B |
C |
C |
A |
D |
B |
D |
D |
3. Phần làm văn
a. Tóm tắt văn bản
Đề 1: Tóm tắt văn bản Thánh Gióng
Thuở bấy giờ, vào đời Hùng Vương thứ sáu, có hai vợ chồng ông hiền lành, chăm chỉ nhưng chưa có con. Lần nọ, bà vợ ra đồng thì trông thấy một vết chân to, đặt bàn chân của mình lên ướm thử, về nhà liền mang thai. Mười hai tháng sau, bà sinh ra một cậu bé khôi ngôi, tuấn tú. Cậu bé lên ba tuổi nhưng chẳng biết nói biết cười, ai đặt đâu thì ngồi đấy. Khi ấy, giặc Ân sang xâm lược đất nước. Nhà vua sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài đánh giặc cứu nước. Đến làng Gióng, cậu bé nghe tiếng sứ giả, liền bảo với mẹ mời vào. Cậu nói với sứ giả về tâu với vua rèn cho một con ngựa sắt, một chiếc áo giáp sắt và một cái roi sắt, hứa phá tan lũ giặc. Từ hôm đó, cậu bé lớn nhanh như thổi. Vợ chồng ông lão phải nhờ dân làng góp gạo nuôi lớn. Khi giặc đánh đến nơi, cậu bé vươn vai, biến thành tráng sĩ. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt và cầm roi sắt xông ra diệt giặc. Roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí. Giặc tan, tráng sĩ một mình một ngựa lên đỉnh núi Sóc Sơn rồi bay thẳng về trời. Sau này, vua Hùng cho lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn. Tại quê nhà vẫn còn nhiều dấu tích lưu lại.
Đề 2: Tóm tắt văn bản Sự tích hồ Gươm
Thời nước Nam ta bị giặc Minh xâm lược, ở vùng Lam Sơn nghĩa quân nổi dậy chống xâm lược nhưng không thành. Đức Long quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần. Phần lưỡi gươm do người đánh cá Lê Thận nhặt được rồi chàng gia nhập đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn. Còn Lê Lợi nhặt được chuôi gươm nạm ngọc. Từ đó nhuệ khí của nghĩa quân lên cao. Gươm thần tung hoành khắp trận địa. Gươm thần giúp họ mở đường đánh tràn ra mãi cho đến khi không còn bóng quân thù. Khi Lê Lợi đã lên làm vua, Rùa Vàng ngoi lên đòi lại thanh gươm thần trên hồ Tả Vọng. Từ đó lấy tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm
b. Kể lại một truyện cổ tích
Đề 1: Viết bài văn kể lại truyện Thánh Gióng
I. Mở bài
Giới thiệu về truyền thuyết Thánh Gióng.
II. Thân bài
1. Sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng
- Đời Vua Hùng thứ sáu, ở làng Gióng, có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn nổi tiếng là sống phúc đức nhưng vẫn chưa có một mụn con.
- Một hôm, bà lão đi ra đồng trông thấy một bàn chân to, liền ướm thử vào để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà lão mang thai, sau mười hai tháng thì sinh ra một câu bé.
- Cậu bé lên ba tuổi mà vẫn không biết nói, biết cười, đặt đâu thì nằm đấy.
→ Sự ra đời không giống với bất kỳ đứa trẻ bình thường nào, trái với quy luật của tự nhiên. Điều đó như một lời báo hiệu cuộc đời phi thường của cậu bé làng Gióng.
2. Sự sinh trưởng phi thường của Gióng
- Bấy giờ có giặc Ân xâm lược nước ta, nhà vua bèn sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước.
- Cậu bé nghe tiếng của sứ giả thì liền cất tiếng nói đầu tiên: “Mẹ mời sứ giả vào đây”.
- Gióng yêu cầu sứ giả về nói với nhà vua chuẩn bị “một con ngựa sắt, một chiếc roi sắt và một tấm áo giáp sắt” với lời hứa sẽ phá tan lũ giặc này.
→ Câu nói đầu tiên là câu nói với lòng mong muốn xin đi đánh giặc cứu nước cứu dân. Câu nói mang tấm lòng yêu nước của một cậu bé mới ba tuổi nhưng đã có trách nhiệm với đất nước nhân dân.
- Từ khi gặp sứ giả, Gióng lớn nhanh như thổi: “Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ”.
- Hai vợ chồng làm bao nhiêu không đủ, phải chạy nhờ bà con, làng xóm. Cả làng vui lòng góp gạo nuôi cậu bé, ai cũng mong cậu giết giặc cứu nước.
→ Sức mạnh của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta. Gióng lớn lên trong vòng tay chăm sóc nuôi nấng của nhân dân.
3. Gióng đánh giặc và sự ra đi
a. Gióng đánh giặc:
- Giặc đến gần bờ cõi, chàng Gióng vươn vai trở thành tráng sĩ, mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt.
- Chàng Gióng chuẩn bị ra trận:
Mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên ngựa.
Thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ.
Roi sắt gãy, Gióng nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ và chạy trốn .
→ Hình ảnh một con người oai phong, lẫm liệt, tràn đầy sức mạnh.
→ Đúng với sự ra đời kì lạ đã dự báo trước về cuộc đời của một con người phi thường, chàng Gióng chính là biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
b. Sự ra đi của Gióng:
- Thánh Gióng một mình một ngựa, lên đỉnh núi, cởi áo giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa bay lên trời.
→ Con người phi thường nên sự ra đi cũng trở nên phi thường. Thánh Gióng đã trở về với cõi bất tử. Đó chính là lòng tôn kính mà nhân dân ta dành cho một con người có công với đất nước.
4. Sự tưởng nhớ công ơn Thánh Gióng, tương truyền về làng Gióng
- Vua nhớ công ơn phong là Phù Đổng Thiên Vương, và lập đền thờ ở quê nhà, nay là làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng.
- Dấu tích còn lại ngày nay: những bụi tre ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun mới vàng óng như thế, những vết chân ngựa thành những ao hồ liên tiếp, ngựa thét ra lửa thiêu cháy một làng gọi là làng Cháy…
→ Niềm tin bất diệt của nhân dân vào sức mạnh thần kì của dân tộc.
III. Kết bài
Khẳng định ý nghĩa của truyền thuyết Thánh Gióng.
Đề 2: Viết bài văn kể lại truyện Sự tích hồ Gươm
I. Mở bài:
Giới thiệu đôi nét từ cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn, do Lê Lợi lãnh đạo.
II. Thân bài
Kể lại diễn biến sự việc theo trình tự sau đây:
- Lê Thận kéo lưới bắt cá nhưng cả ba lần kéo lưới lên đều có một lưỡi gươm. Lê Thận tham gia nghĩa quân Lam Sơn.
- Lê Lợi đến nhà Lê Thận thấy lưỡi gươm.
- Lê Lợi chạy vào rừng, vô tình thấy chuôi gươm nạm ngọc.
-Lê Lợi tra lưỡi gươm ở nhà Lê Thận vào chuôi gươm vừa như in.
- Có gươm thần, nghĩa quân Lam Sơn dâng cao khí thế đánh giặc Minh xâm lược.
- Cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thắng lợi đất nước thanh bình, nhân dân chuyên lo việc ruộng đồng, xây dựng đất nước vững bền
- Vua đi thuyền trên hồ Tả Vọng, Rùa nổi lên mạn thuyền, xin lại gươm thần.
III. Kết bài
Hồ Tả Vọng xưa kia nay là Hồ Gươm hay còn gọi là hồ Hoàn Kiếm.
Đề 3: Viết bài văn kể lại truyện Sọ Dừa
1. Mở bài
Giới thiệu về truyện cổ tích Sọ Dừa.
2. Thân bài
- Ở làng nọ, có hai vợ chồng đi ở cho nhà phú ông. Họ tốt bụng, chăm chỉ nhưng ngoài năm mươi vẫn chưa có con.
- Một hôm, bà vợ vào rừng lấy củi, khát quá mà không tìm thấy suối. Bà nhìn thấy cái sọ dừa bên gốc cây đựng đầy nước mưa liền bưng lên uống.
- Về nhà bà có mang. Chẳng bao lâu người chồng qua đời. Bà sinh ra một đứa bé không chân không tay tròn như một quả dừa. Bà toan vứt đi thì đứa con bảo mình là người. Thương con, bà giữ lại nuôi và đặt tên nó là Sọ Dừa.
- Lớn lên, Sọ Dừa chẳng khác gì lúc nhỏ. Thấy mẹ than phiền chẳng giúp được việc gì, Sọ Dừa liền xin đi chăn bò thuê ở nhà phú ông.
- Đến mùa gặt, tôi tớ ra đồng làm cả. Ba cô con gái nhà phú ông thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị tỏ ra coi thường, chỉ có cô em út là đối đãi tử tế với Sọ Dừa.
- Cuối mùa ở, Sọ Dừa xin mẹ đem sính lễ sang hỏi cưới con gái phú ông.
- Phú ông thách cưới rất nặng, bà mẹ về nói với con, nghĩ con sẽ thôi hẳn việc đòi lấy vợ. Nhưng Sọ Dừa dặn mẹ cứ yên tâm.
- Đúng ngày hẹn, bà mẹ vô cùng ngạc nhiên khi trong nhà có đầy đủ lễ vật mà phú ông yêu cầu.
- Trong đám cưới, mọi người không thấy Sọ Dừa đâu. Một chàng trai khôi ngô tuấn tú xuất hiện. Ai nấy đều sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc nuối vừa ghen tức.
- Sọ Dừa và vợ sống rất hạnh phúc. Nhờ học hành chăm chỉ, chàng đỗ trạng nguyên và được vua cử đi sứ.
- Trước khi chia tay, Sọ Dừa đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn phải luôn mang trong người phòng khi cần dùng đến.
- Nhân cơ hội, họ bày mưu, rủ em gái chèo thuyền ra biển chơi, rồi đẩy em xuống nước. Nhờ có những vật mà Sọ Dừa đưa cho, cô út thoát chết, sống trên đảo hoang.
- Hai vợ chồng Sọ Dừa gặp lại nhau, trở về sống hạnh phúc. Còn hai cô chị thì trốn đi biệt sứ.
3. Kết bài
Khẳng định lại ý nghĩa của truyện cổ tích Sọ Dừa.
c.Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về một bài thơ lục bát
Đề 1: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về đoạn thơ sau đây: Đời cha ông với đời tôi/ Như con sông với chân trời đã xa/ Chỉ còn chuyện cổ thiết tha/ Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Đoạn thơ trong văn bản “Chuyện cổ nước mình” để lại trong em vô vàn suy nghĩ. Đời cha ông với đời tôi là hai thế hệ đã xa. Hình ảnh so sánh con sông với chân trời không chỉ khiến lời thơ hàm súc mà dường như còn gửi gắm trong đó một nỗi niềm tiếc nuối cho thứ ta gọi là thế hệ. Khoảng cách thế hệ ấy có thể làm con người khác đi, làm con người đổi thay nhưng ở đó, ta vẫn thấy đẹp mãi, đẹp mãi đó là chuyện cổ. Chuyện cổ nghĩa tình yêu thương nhẹ nhàng, êm ả như lời dạy chân tình. Và mỗi người chúng ta của hôm nay sẽ trau dồi mình, sẽ nỗ lực và cố gắng ra sao để quê hương, để bài học trong chuyện cổ ấy mãi sáng ngời!
Đề 2: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về đoạn thơ sau: Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
Từ bao đời này, vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam vẫn được thể hiện bằng những phẩm chất quý báu, đáng tự hào. Thật vậy, từ thời buổi sơ khai dựng nước và giữ nước, phẩm chất quý báu của dân tộc Việt Nam đó chính là tình yêu nước, tinh thần dũng cảm quyết bảo vệ từng tấc đất của dân tộc. Lịch sử đã chứng kiến biết bao nhiêu vị anh hùng dân tộc như: Ngô Quyền, Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung,..... rồi trải qua biết bao thăng trầm đau thương của hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những đau thương của chiến tranh để lại trên mảnh đất Việt Nam này mãi mãi đối với những anh hùng dân tộc đã về với đất mẹ và với cả những người ở lại. Thế nhưng, tinh thần dũng cảm, anh dũng của những chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc cùng với sự trung hậu, đảm đang của biết bao thế hệ người ở hậu phương chính là phẩm chất tuyệt đẹp của nhân dân Việt Nam. Ngày nay, khi được sống trong hòa bình, vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam được thể hiện bằng sự đoàn kết, gắn bó, nhân nghĩa cùng nhau đối mặt với những gian khó, thử thách chung. Mỗi người dân đều có tinh thần làm việc thi đua hết sức mình, vì đất nước và tổ quốc đang phát triển. Đứng trước dịch bệnh toàn cầu, nhân dân đoàn kết một lòng để không ai bị bỏ lại phía sau. Tóm lại, nhân dân Việt Nam luôn có được tinh thần dân tộc tuyệt đẹp dù ở thời đại nào.
Đề 3: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về hai câu thơ cuối bài “hoa bìm”: Hoa bìm tim tím đong đưa/ Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?
“Hoa bìm” là một bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu khi viết về làng quê, xứ sở. Bài thơ mang giọng điệu hồn hậu, chân chất, giản dị, đẫm mùi bùn và mộc mạc như chính con người nhà thơ vậy. Sau khi tái hiện lại bức tranh bình dị của thôn quê với những kỉ niệm chất chứa nơi cánh diều, tiếng chim của tuổi thơ, tác giả đã lắng đọng lại trong câu hỏi cuối bài:
Hoa bìm tim tím đong đưa
Mười năm chốn cũ, em chưa hẹn về…?
Hai câu thơ mang một nét bâng khuâng, gợi lên những nỗi niềm chất chứa từ sâu thẳm trong trái tim nhà thơ. Một câu hỏi không có lời đáp. Một câu hỏi đặt ra nhưng chỉ dội lại những bâng khuâng nơi lòng người. “Em” ở đây có thể hiểu là người bạn tâm tình từ thuở ấu thơ, đã cùng nhà thơ bắt chú chuồn chuồn ớt, chạy dưới cánh diều tuổi thơ và đi qua chuyến đò nhỏ để cùng đến bến bờ của tuổi trưởng thành. Thế nhưng, không hiểu vì lí do gì mà người bạn thuở ấy đã đi xa. Giờ đây nhìn lại, chỉ mỗi mình nhà thơ đang hồi tưởng lại những ngày đẹp đẽ đã qua. Câu thơ vừa phảng phất sự bâng khuâng, vừa thể hiện tình cảm thầm kín của tác giả dành cho quê hương và cho người bạn thuở ấu thơ của mình. Đó là tình cảm đáng mến, đáng trân trọng của thi nhân.
d.Kể lại một trải nghiệm của bản thân
Đề 1: Viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ của em
I. Mở bài
Giới thiệu về trải nghiệm đáng nhớ sẽ kể.
II. Thân bài
1. Hoàn cảnh diễn ra trải nghiệm
Thời gian xảy ra: trong quá khứ hay hiện tại, có thể nêu thời gian cụ thể (nếu nhớ)
Không gian diễn ra trải nghiệm
Nhân vật có liên quan đến câu chuyện: ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em,...
2. Diễn biến trải nghiệm
- Lí do xuất hiện trải nghiệm: kết thúc năm học, nhân dịp nghỉ hè, Tết sắp đến,...
- Diễn biến: kể lại trải nghiệm theo một trình tự cụ thể (thường là theo thời gian)
- Suy nghĩ, cảm xúc về trải nghiệm: hạnh phúc, buồn bã,...
- Ý nghĩa của trải nghiệm với bản thân: gắn bó hơn với người thân, có thêm kỉ niệm đẹp đẽ,...
III. Kết bài
Khẳng định lại ý nghĩa của trải nghiệm và tình cảm dành cho người thân.
e. Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt
Đề 1: Viết bài văn tả quang cảnh một phiên chợ ở quê em
1. Mở bài
-Giới thiệu về phiên chợ mà em đã tưởng tượng.
2. Thân bài
a. Địa điểm, thời gian họp chợ
-Phiên chợ quê thường họp từ ngày… đến ngày…
b. Khung cảnh phiên chợ
-Gian hàng rau củ đầy đủ các loại phục vụ thực khách.
-Gian hàng thịt cá tươi ngon.
-Gian hàng bánh trái mang hương vị đồng quê.
-Gian hàng áo quần với nhiều mẫu mã, kiểu dáng nổi bật.
-Gian hàng trưng bày hoa rực rỡ cả góc chợ.
c. Nhận xét về khung cảnh phiên chợ
-Đông đúc, nhộn nhịp.
-Rộn ràng tiếng cười nói của người mua, kẻ bán.
-Tiếng trò chuyện ồn ào, tấp nập.
3. Kết bài
Chợ quê mang sức sống vẻ đẹp riêng mà không nơi nào có được, những phiên chợ luôn mãi là ấn tượng đẹp đẽ trong lòng em mãi không bao giờ quên được.
Đề 2: Viết bài văn tả quang cảnh giờ ra chơi ở trường em
a. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu về giờ ra chơi trên sân trường em.
b. Thân bài
- Miêu tả sân trường trước giờ ra chơi:
+Khung cảnh yên tĩnh, vắng lặng vì các bạn học sinh đang học tập ở trong lớp
+Những chú chim nhỏ ríu rít nhảy nhót trên cành cây
+Những làn gió nhẹ lướt qua tán lá
+Sân trường thật yên bình
- Miêu tả sân trường giờ ra chơi:
+Sau tiếng trống, các bạn học sinh cùng nhau ùa ra sân trường, náo động khiến cho mấy chú chim nhỏ trốn đi đâu hết
+Các bạn xếp thành từng hàng, ngay ngắn để tập bài thể dục giữa giờ, giúp xua tan đi mệt mỏi
+Sau đó, các bạn chia thành từng nhóm nhỏ để bắt đầu các hoạt động giải trí yêu thích của mình
+Khắp sân trường, nơi nào cũng là những bạn học sinh với khuôn mặt tươi cười
+Có những bạn thích chơi đá bóng, đánh bóng rổ… thì tụ tập ở phần sân thể dục
+Các bạn chơi trò đá cầu, nhảy dây, đuổi bắt.. thì tập hợp ở khoảng sân rộng nhất
+Dưới các gốc cây, hàng ghế đá là nơi cho những bạn thích chơi các trò nhẹ nhàng như ô ăn quan, bắn bi… hay ngồi đọc sách, tâm sự
+Mỗi bạn một trò chơi, nhưng trông ai cũng vui vẻ vô cùng
+Trên sân, ánh nắng vẫn dịu dàng chiếu xuống mặt đất, chiếu lên từng giọt mồ hôi trên gò má của các bạn học sinh
+Những cơn gió cũng thổi đều đều, giúp các bạn xua đi nóng bức
+Những chú chim cũng bay về, đứng trên cành cây, tò mò quan sát tất cả
+Bỗng tiếng trống trường lại một lần nữa vang lên, các bạn học sinh dừng lại trong sự tiếc nuối, rửa tay chân sạch sẽ để trở lại lớp học
c. Kết bài
-Suy nghĩ của em về vai trò, ý nghĩa của giờ ra chơi với người học sinh
-Tình cảm của em dành cho giờ ra chơi trên sân trường