Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 9 — Không quảng cáo

Soạn văn 8 tất cả các bài, Ngữ văn 8 , tổng hợp văn mẫu hay nhất Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8


Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 9

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 9 - Đề kiểm tra 45 phút (1 tiết) - Học kì 1 - Ngữ văn 8

Đề bài

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM: (3 điểm)

Chọn và khoanh tròn phần trả lời đúng nhất từ câu 1 đến câu 4. Mỗi câu đúng được 0,25 điểm.

Câu 1: Ý nào nói đúng nhất chủ đề văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh?

A. Tôi đi học tô đậm sự tận tình và âu yếm của những người lớn đối với những em bé lần đầu tiên đến trường.

B. Tôi đi học tô đậm cảm giác lạ lẫm, sợ sệt của nhân vật “tôi” trong lần đầu tiên đến trường.

C. Tôi đi học tô đậm cảm giác trong sáng nảy nở trong lòng nhân vật “tôi” ở buổi đến trường lần đầu tiên.

D. Tôi đi học tô đậm cảm giác vui sướng, rạng rỡ của nhân vật “tôi” và các bạn cùng lứa vào ngày khai trường đầu tiên.

Câu 2: Nhận định sau: “Số phận bi thảm của người nông dân cùng khổ và những phẩm chất tốt đẹp của họ đã được thể hiện qua cái nhìn thương cảm và sự trân trọng của nhà văn” ứng với nội dung chủ yếu của văn bản nào?

A. Tôi đi học.

B. Trong lòng mẹ.

C. Tức nước vỡ bờ.

D. Lão Hạc.

Câu 3: Nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao trong văn bản Lão Hạc là:

A. Kể chuyện kết hợp với miêu tả và biểu cảm.

B. Sử dụng các chi tiết cụ thể, sinh động để khắc hoạ nhân vật.

C. Cách kể tự nhiên, chân thực từ ngôi thứ nhất.

D. Cả ba phương án đều đúng.

Câu 4: Câu văn “Chị Xiu thân yêu ơi, một ngày nào đó em hi vọng sẽ được vẽ vịnh Na-plơ” giúp em hiểu gì về Giôn-xi?

A. Trong con người Giôn-xi đang có sự hồi sinh.

B. Giôn-xi rất thích vẽ vịnh Na-plơ.

C. Giôn-xi rất yêu thương Xiu.

D. Giôn-xi đang cố bắt chuyện và làm vui lòng Xiu.

Câu 5: (1 điểm)

Con chó vàng có ý nghĩa nhiều mặt đối với lão Hạc. Theo em, ý nghĩa nào là quan trọng nhất đối với lão Hạc?

Câu 6: (1 điểm)

Đọc truyện Lão Hạc , ta hiểu gì về nhân vật ông giáo trong tác phẩm?

II . PHẦN TỰ LUẬN: (7 điểm)

Câu 1. ( 4 điểm)

“Chương IV "Trong lòng mẹ" (Trích “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng) rất chân thực và cảm động”. Bằng văn bản đã học, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Câu 2: (3 điểm)

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của câu văn: “ Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh...” do phép tu từ so sánh mang lại.

Lời giải chi tiết

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM (3 điểm)

1 - C

2 - D

3 - D

4 - A

Câu 5:

Con chó vàng có ý nghĩa nhiều mặt đối với lão Hạc. Theo em, ý nghĩa nào là quan trọng nhất đối với lão Hạc?

Phương pháp:

Nhớ lại nội dung văn bản Lão Hạc, chú ý chi tiết về con chó Vàng

Lời giải chi tiết:

Con chó vàng có ý nghĩa nhiều mặt với lão Hạc. Ý nghĩa quan trọng nhất đối với lão Hạc là: Con chó vàng chính là kỉ vật duy nhất về đứa con trai, một mối dây liên lạc giữa lão Hạc và đứa con trai. Lão xem con chó vàng là một tài sản - “lão lẩm nhẩm quy ra tiền”, và nuôi con chó vàng “định bụng lúc cưới thằng con sẽ giết thịt”. Nhưng với lão Hạc, khi đứa con trai bỏ lão mà đi thì bao nhiêu tình thương yêu lão đều dành cho con chó. Lão coi nó như con, như cháu. Cuộc sống tàn ác buộc lão phải xoá đi quan hệ tình cảm này. Lão đành phải bán "cậu vàng", để rồi rơi vào bi kịch không lối thoát.

Câu 6:

Đọc truyện Lão Hạc , ta hiểu gì về nhân vật ông giáo trong tác phẩm?

Phương pháp:

Nêu suy nghĩ của em về nhân vật ông giáo

Lời giải chi tiết:

Đọc truyện Lão Hạc , nhân vật ông giáo trong tác phẩm để lại cho ta nhiều suy nghĩ:

- Ông giáo là người biết đồng cảm, giàu lòng cảm thông, chia sẻ với nỗi đau khổ của lão Hạc.

- Ông giáo là người đáng tin cậy để lão Hạc trao gửi niềm tin: quyết trao lại nguyên vẹn ba sào vườn cho con trai lão Hạc.

- Ông giáo là người có cái nhìn mới mẻ về lão Hạc nói riêng và người nông dân nói chung.

II. PHẦN TỰ LUẬN (7 điểm)

Câu 1:

“Chương IV "Trong lòng mẹ" (Trích “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng) rất chân thực và cảm động”. Bằng văn bản đã học, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Phương pháp:

Nhớ lại nội dung văn bản và nêu suy nghĩ về ý kiến trên

Lời giải chi tiết:

*Yêu cầu cần đạt:

1. Hình thức:

-  Trình bày bằng đoạn văn chứng minh.

-  Vận dụng dẫn chứng trong văn bản để làm rõ ý kiến.

2. Nội dung:

a. Cảnh ngộ đầy bi kịch, đáng thương của bé Hồng:

- Những cay đắng, tủi nhục của bé Hồng trước sự cay nghiệt, ghẻ lạnh của những người họ hàng bên nội. Tiêu biểu là người cô xấu xa tìm mọi cách để li gián tình mẹ con, “cố ý gieo rắc” vào đầu óc non nớt của đứa cháu “những hoài nghi”, khiến cho Hồng “khinh miệt và ruồng rẫy” mẹ mình.

- Nỗi đau đớn của bé Hồng: lòng “thắt lại”, khoé mắt “cay cay "nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cằm và ở cổ” ... trước những lời nói xúc xiểm của người cô về mẹ.

- Em thương mẹ, ghê sợ người cô độc ác, căm tức và căm thù những cổ tục tàn ác đã đày đoạ mẹ. Em muốn “vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”.

b. Hạnh phúc khi được ở trong lòng mẹ:

- Tiếng gọi mừng vui của tâm hồn trẻ thơ gặp lại mẹ sau một thời gian xa cách: “Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!”.

- Những giây phút thiêng liêng khi được ôm ấp trong bàn tay ấm áp của người mẹ: Con " oà lên khóc nức nở”, mẹ “cũng sụt sùi theo”. Bé Hồng sung sướng “đùi áp đùi mẹ..., đầu ngả vào cánh tay mẹ…". Mẹ thân yêu của Hồng đâu có “rách rưới...xanh bủng... gầy rạc...” như người cô nói, trái lại “mẹ vẫn tươi đẹp như thuở còn sung túc”.

- Hạnh phúc tột độ của bé Hồng khi ở trong lòng mẹ: sung sướng "đầu ngả vào cánh tay mẹ”, những “cảm giác ấm áp” mất đi nay lại “mơn man khắp da thịt”. Và em cảm nhận được: “Phải bé lại và lăn vào lòng người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”.

Câu 2:

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của câu văn: “ Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh...” do phép tu từ so sánh mang lại.

Phương pháp:

Nêu cảm nhận của em sau khi đọc câu văn

Lời giải chi tiết:

Nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của câu văn: “Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh...” do phép tu từ so sánh mang lại.

* Yêu cầu cần đạt:

1. Hình thức

- Học sinh viết đoạn văn nêu cảm xúc của mình về đoạn trích do phép tu từ mang lại.

- Vế được so sánh: “Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy”, vế so sánh: “mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh”, từ so sánh: như.

2. Nội dung

- Lòng nhớ thương, sự trân trọng, niềm nuối tiếc những kí ức của tuổi thơ đã một đi không trở lại: “Mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh” Nhưng đó vẫn là một vầng sáng lấp lánh, lung linh trong tâm khảm con người.

- Đánh thức lòng yêu quý tuổi thơ, để con người biết trân trọng và cảm ơn những kỉ niệm, để từ đó con người có ý thức sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn.

- Tình yêu đối với hai cây phong với tất cả tấm lòng và tình nghĩa thuỷ chung. “Mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh” chính là tâm hồn tuổi thứ vô cùng trong sáng của tác giả gửi gắm ở hai cây phong quê nhà.


Cùng chủ đề:

Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 4
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 5
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 6
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 7
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 8
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 9
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 10
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 11
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 12
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 13
Đề kiểm tra 1 tiết HK1 Văn 8 - Đề số 14