Đề kiểm tra 1 tiết Văn 9 - Đề số 14
Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết Đề kiểm tra 45 phút - Đề số 14 - Học kì 2 - Ngữ văn 9
Đề bài
Đề 1:
Truyện ngắn Làng của Kim Lân gợi cho em suy nghĩ gì về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đề 2:
Cảm nhận của em về vẻ đẹp nên thơ ở chốn Sa Pa lặng lẽ sau khi đọc tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
Lời giải chi tiết
Đề số 1
Truyện ngắn Làng của Kim Lân gợi cho em suy nghĩ gì về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp. |
Phương pháp:
Nêu suy nghĩ của em
Lời giải chi tiết:
Dàn bài chi tiết:
a. Giới thiệu nhà văn Kim Lân: “Một cõi lòng đi về với đất với người với thủy chung và thuần hậu”. Ông chủ yếu viết về cảnh sinh hoạt ở làng quê và số phận của người nông dân. Tác phẩm tiêu biểu: Vợ nhặt, Làng.
b. Làng là tác phẩm có cốt truyện tâm lí không xây dựng các biến cố, các sự kiện bên ngoài mà chú trọng tình huống bên trong nội tâm nhân vật, miêu tả các diễn biến. Từ đó làm nổi bật tình cảm của nhân vật và chủ đề của tác phẩm.
c. Tình cảm gắn bó với làng của ông Hai: chuyển biến tâm trạng khi nghe tin làng theo giặc:
- Khi nghe tin làng theo giặc, ông Hai như điếng người đi, tưởng như không thở được nữa: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân” ...
⟶ Cảm giác bàng hoàng, hẫng hụt, sững sờ.
- Vốn yêu làng và tự hào về làng nên khi nghe cái tin khủng khiếp ấy, ông Hai như rơi vào tâm trạng tuyệt vọng, khủng khoảng: “cúi gầm mặt xuống mà đi” vì thấy nhục nhã, xấu hổ...
⟶ Cảm giác chới với, lạc lõng ế
- Ông tủi thân “nước mắt cứ giàn ra”, căm giận làng tại sao phản bội, đầu hàng giặc. Ông cố kiềm nén sự đau đớn, trở nên cáu gắt, trút sự bực dọc lên bà Hai.
- Suốt mấy ngày liền, ông không ngủ được, trằn trọc thở dài, lo lắng đến nhủn ra, nín thở khi nghe loáng thoáng tiếng cười nói xa xa.
⟶ Ông rơi vào tuyệt vọng.
d. Tình yêu làng được đặt trong tình yêu nước, trong tình cảm đối với cuộc kháng chiến của dân tộc.
- Trong giây phút tuyệt vọng, trong ông Hai diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm quyết liệt: “Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ...”
- Ông quyết định: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Nỗi uất hận tăng lên mãi, sự vật vã, khắc khoải, day dứt.
- Khi nghe tin cải chính: làng chợ Dầu không theo Tây, ông rất vui mừng. Thậm chí còn rất vui mừng khi nghe tin nhà mình bị đốt, vì điều đó chứng tỏ làng ông không theo Việt gian.
+ Tâm trạng: rạng rỡ, nhẹ nhõm, vui sướng, thể hiện qua ngoại hình (áo quần, vẻ mặt).
+ Niềm vui trào dâng mãnh liệt (qua lời thoại) như người chết sống lại.
+ “Lật đật, bô bô” loan tin cho mọi người biết tin làng chợ Dầu không theo Việt gian.
e. Nghệ thuật xây dựng nhân vật ông Hai:
- Hành động:
+ Khi nghe tin làng theo giặc thì “ông Hai cúi gằm mặt xuống mà đi”, rồi nắm chặt hai tay lại mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”.
+ Khi nghe tin cải chính: “Ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”.
- Tâm trạng: Miêu tả đúng tâm trạng của một nông dân yêu nước một cách hồn nhiên, trong sáng.
+ Khi nghe tin làng theo giặc thì bị dằn vặt, đau khổ.
+ Khi nghe tin cải chính thì: “Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”.
- Ngôn ngữ nhà quê mộc mạc.
- Độc thoại, độc thoại nội tâm, đối thoại chân chất, mộc mạc.
- Diễn biến tâm lí tinh tế, đặc sắc. Nhân vật hiện lên sinh động, chân thật mà xúc động, thấm thía, để lại cảm xúc, dấu ấn cho người đọc.
⟶ Cách xây dựng nhân vật trong hoàn cảnh điển hình.
g. Nêu nhận xét, suy nghĩ của bản thân về chuyển biến mới không phải chung chung mà phải gắn với sự phân tích, cảm thụ các tình huống, các chi tiết hay trong tác phẩm.
h. Nhân vật ông Hai, gương mặt tâm hồn với những buồn vui, chân thật, mãnh liệt, sâu sắc... khiến cho người đọc hiểu thấm thía tấm lòng của một người nông dân yêu làng, yêu nước sắt son và thiêng liêng.
Lòng yêu nước thương nhà của ông Hai thật cảm động. Đó chính là sức mạnh Việt Nam mà không có vũ khí nào có thể khuất phục được.
Đề số 2
Cảm nhận của em về vẻ đẹp nên thơ ở chốn Sa Pa lặng lẽ sau khi đọc tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long. |
Phương pháp:
Chú ý các chi tiết miêu tả vẻ đẹp nên thơ ở chốn Sa Pa trong tác phẩm
Lời giải chi tiết:
Dàn bài chi tiết
a. Thiên nhiên nên thơ ở chốn Sa Pa lặng lẽ:
Chất thơ thể hiện rõ nét ở cách sử dụng ngôn ngữ qua sự rung động của nhà văn.
- Chất thơ của truyện tỏa ra từ vẻ đẹp của thiên nhiên. Thiên nhiên Sa Pa hiện lên thật thơ mộng. Cái đẹp ấy được tái hiện trong truyện bằng một ngôn ngữ tạo hình, giàu giá trị gợi tả, giàu chất thơ:
+ Sa Pa bắt đầu với những rừng đào.
+ Đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng cỏ trong lũng hai bên đường.
+ Nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây.
+ Rừng cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh...
+ Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại thành từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương...
- Thiên nhiên được vẽ nên bởi sự rung cảm của một tâm hồn tinh tế, đa cảm:
+ Mọi người im bặt
+ Nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ.
+ Im lặng lạnh cóng mà lại hừng hực như cháy...
b. Cuộc sống của những con người ở Sa Pa cũng rất nên thơ
Chất thơ tỏa ra từ vẻ đẹp tâm hồn của con người, từ tinh thần trách nhiệm và tình yêu cuộc sống của con người. Điều này thể hiện rõ nét qua nhân vật chính: anh thanh niên.
- Yêu công việc đến say đắm:
+ “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”.
+ Luôn khao khát vươn tới thành tựu cao hơn trong nghiên cứu: ông kĩ sư làm vườn, đồng chí nghiên cứu bản đồ sét.
- Biết say mê trong cái công việc nhìn bề ngoài thấy có vẻ tẻ nhạt, cuộc sống có vẻ âm thầm, lẻ loi tạo nên chất thơ trong tâm hồn người.
+ Họ phát hiện vẻ đẹp cuộc sống trong cái bình dị.
+ Nhạy cảm trước những thay đổi của cuộc sống. Đó là tư chất quý báu của thi sĩ.
+ Những suy nghĩ rất năng động của một thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, công hiến thầm lặng cho đời.
- Những con người ở đây tự làm cho cuộc sống thêm nên thơ:
+ Hoa tết nở giữa mùa hè
+ Căn nhà xinh xắn như một vần thơ
- Chất thơ còn thể hiện trong cách cư xử tế nhị, nhẹ nhàng mà sâu lắng.
⟶ “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”.
⟶ Chất thơ trong cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa thơ mộng, huyền ảo được hiện lên lóng lánh sắc màu quyện chặt với vẻ đẹp của tâm hồn con người bình thường mà cao cả, gợi lên trong lòng ta những âm vang thiết tha, sâu lắng. Đặc biệt là những suy nghĩ đúng đắn khơi gợi bao điều suy nghĩ “trong óc người khác”.
- Suy nghĩ của bản thân về chất thơ gợi lên từ văn bản.
Nguồn: Sưu tầm