Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 5 có lời giải chi tiết
Đề kiểm tra giữa học kì II Ngữ văn 10 - Đề số 5 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm )
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu
(…) Với những người có văn hóa, “cảm ơn” là lời nói được sử dụng hàng ngày, những lời luôn được cất lên bằng tất cả thái độ lịch sự và tình cảm chân thực nhất. Nhưng tiếc rằng, vẫn còn không ít thanh niên chưa nghĩ như vậy. Họ coi cảm ơn chỉ là những lời khách sáo, vì thế, chẳng cần phải nói ra. Hình như các bạn ấy vẫn nghĩ đơn giản rằng nói lời cảm ơn hay làm những cử chỉ biểu lộ lòng biết ơn là “vẽ chuyện”, chỉ làm mất đi sự thân tình và tăng thêm xa cách mà thôi.
Thế nhưng, cuộc sống hiện đại và yêu cầu về quy tắc giao tiếp giữa người với người đòi hỏi chúng ta phải tập làm quen với lời “làm ơn” và sau đó là “cảm ơn”. Thật hạnh phúc khi ta làm được một việc có ý nghĩa, một điều tốt đem lại hạnh phúc cho người khác và kéo mọi người lại gần nhau hơn. Và cũng sẽ hạnh phúc không kém khi chúng ta thấy mình đã không dửng dưng, bạc bẽo vì đã biết tri ân người giúp đõ mình bằng những lời nói xuất phát tự đáy lòng, chân thành, lịch thiệp: “Cảm ơn”.
(Theo bài viết tham gia diễn đàn Đem mọi người đến gần nhau hơn, Báo Thanhnienonline, ngày 11.11.2006)
Câu 1 : Xác định phong cách ngôn ngữ chính của văn bản. (0,5 điểm)
Câu 2 : Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản (0,5 điểm)
Câu 3 : Hình như các bạn ấy vẫn nghĩ đơn giản rằng nói lời cảm ơn hay làm những cử chỉ biểu lộ lòng biết ơn là “vẽ chuyện”, chỉ làm mất đi sự thân tình và tăng thêm xa cách mà thôi.
Anh (chị) có đồng tình với quan niệm của các bạn trẻ ấy không? Vì sao? (1,5 điểm)
Câu 4: Nếu được phát biểu trên diễn đàn này, anh(chị) sẽ gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất của mình đến ai? Vì sao? (1,0 điểm)
II. TẬP LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Anh(chị) hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của mình về giá trị của lời cảm ơn trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau, qua đó nhận xét về thân phận bất hạnh và nhân cách cạp đẹp của Thúy Kiều được Nguyễn Du thể hiện trong đoạn thơ:
Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim ,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sòng gió bất kỳ,
Hiều tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
(Trích “Trao duyên”, truyện Kiều của Nguyễn Du)
Lời giải chi tiết
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phong cách ngôn ngữ chính luận
Câu 2:
- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
Câu 3:
- Học sinh nêu quan điểm của mình
- Trình bày hợp lí, thuyết phục, rõ ràng.
Câu 4:
- Học sinh nêu quan điểm của mình
- Trình bày hợp lí, thuyết phục, rõ ràng.
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
* Học sinh có thể trình bày theo định hướng sau:
– Ta cần nói lời cảm ơn khi nào? (Khi ta nhận được một món quà, một sự giúp đỡ, một lời góp ý chân thành, một lời động viên,một sự chia sẻ và cảm thông…
– Phân tích, chứng minh, bình luận – mở rộng, nâng cao :
+ Vì sao con người cần phải biết nói lời cảm ơn? Khi cảm ơn bạn sẽ nhận được nhiều hơn cái đã nhận: đó là sự quý mến trân trọng. Lúc ấy, bạn sẽ đẹp hơn trong mắt mọi người, vì đó là cách cư xử không chỉ hợp đạo lý làm người mà còn là văn hóa giao tiếp. Lời nói cảm ơn của chúng ta giúp tô điểm cho các mối quan hệ xã hội, đem mọi người đến gần nhau hơn.
+ Phê phán không ít người chỉ biết nhận và cho đó là điều đương nhiên mình được hưởng, không biết bày tỏ lòng biết ơn hoặc ngại nói lời cảm ơn với người đã giúp đỡ mình.
– Bài học nhận thức và hành động:
+ Cảm ơn đúng lúc, đúng chỗ. Phải thực sự chân thành khi nói. Phải là phản xạ tự nhiên của mỗi người, tập thành thói quen trong giao tiếp ứng xử.
Câu 2:
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều
- Giới thiệu đoạn trích Trao duyên
- Dẫn dắt vấn đề
II. Thân bài
a. Hai câu đầu: Lời nhờ cậy của Thúy Kiều
* Lời lẽ trao duyên
- Cậy:
+ Là một thanh trắc với âm điệu nặng nề, gợi sự quằn quại, đau đớn, khó nói >< nhờ, mong (thanh bằng)
+ Cũng mang hàm nghĩa là trông mong, giúp đỡ nhưng cậy còn mang thêm sắc thái hàm ý về sự hi vọng tha thiết, sự gửi gắm đầy tin tưởng
- Chịu: Nài ép, bắt buộc, không thể không nhận >< nhận: mang tính tự nguyện
* Cử chỉ trao duyên
- Lạy, thưa:
+ Là thái độ kính cẩn, trang trọng với người bề trên hoặc với người mình hàm ơn.
+ Hành động của Kiều tạo ra sự trang nghiêm, thiêng liêng cho điều sắp nói ra
=> Qua cách nói thể hiện sự thông minh, khéo léo của Thúy Kiều
=> Sự tài tình trong cách sử dụng từ ngữ của Nguyễn Du
b. Mười câu tiếp: Lí lẽ trao duyên của Kiều.
* 4 câu thơ tiếp: Kể về mối tình với chàng Kim
- Thành ngữ: “ Giữa đường đắt gánh tương tư”
- Hình ảnh: “Mối tơ thừa”
- Hành động: “ Quạt ước, chén thề”
=> Bằng những thành ngữ, những điển tích, những ngôn ngữ giàu hình ảnh đã vẽ nên một mối tình nồng thắm nhưng mong manh, dang dở và đầy bất hạnh của Kim - Kiều
* 6 câu thơ sau: Những lí do khiến Kiều trao duyên cho em.
- Gia đình Kiều gặp biến cố lớn “sóng gió bất kì”
- Kiều buộc phải chọn 1 trong 2 con đường là “hiếu” và “tình”, Kiều đành chọn hi sinh tình.
=> Kiều đã gợi ra tình cảnh ngang trái, khó xử của mình để Vân thấu hiểu.
- “Ngày xuân em hãy còn dài”
=> Vân vẫn còn trẻ, còn cả tương lai phía trước
- “Xót tình máu mủ thay lời nước non”
=> Kiều thuyết phục em bằng tình cảm ruột thịt.
- Thành ngữ “Thịt nát xương mòn” và “ Ngậm cười chín suối”: nói về cái chết đầy mãn nguyện của Kiều
=> Kiều viện đến cả cái chết để thể hiện sự cảm kích thật sự của mình khi Vân nhận lời
⇒ Cách lập luận hết sức chặt chẽ, thấu tình cho thấy Thúy Kiều là người sắc sảo tinh tế, có đức hi sinh, một người con hiếu thảo, trọng tình nghĩa.
* Kết luận
- Nội dung: 12 câu thơ đầu là diễn biến tâm trạng phức tạp của Kiều trong lúc nói lời trao duyên
- Nghệ thuật: Sử dụng các điển tích, điển cố, các thành ngữ dân gian, ngôn ngữ tinh tế, chính xác giàu sức thuyết phục, lập luận chặt chẽ.