Đề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 4 có lời giải chi tiết
Tải vềĐề kiểm tra giữa kì 1 Văn 8 - Đề số 4 được biên soạn theo hình thức tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp
Đề bài
Phần I: Cho đoạn trích:
Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến... Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà.
Tôi cũng cười đáp lại cô tôi:
- Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về.
1. Xác định tên văn bản, tác giả, phương thức biểu đạt chính của văn bản đó.
2. So sánh cách dùng từ mẹ và mợ trong đoạn trích.
3. Từ nội dung đoạn trích trên, em hãy viết một đoạn văn ngắn (5 - 6 câu) bày tỏ tình yêu của em đối với mẹ.
Phần II: Tập làm văn Đóng vai người được chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, em hãy kể lại nội dung câu chuyện đó. (Văn tự sự kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm)
Lời giải chi tiết
Phần I
1. Xác định tên văn bản, tác giả, phương thức biểu đạt chính của văn bản đó. |
Phương pháp: căn cứ bài Trong lòng mẹ
Cách giải:
- Tên văn bản, tác giả: Trong lòng mẹ (trích Những ngày thơ ấu), Nguyên Hồng
- Phương thức biểu đạt: Tự sự.
2. So sánh cách dùng từ mẹ và mợ trong đoạn trích. |
Phương pháp: căn cứ bài Trong lòng mẹ, phân tích
Cách giải:
So sánh cách dùng từ mẹ và mợ trong đoạn trích:
- Giống nhau: đều là từ đồng nghĩa chỉ người sinh ra nhân vật tôi.
- Khác nhau:
+ mẹ : Từ toàn dân, lời kể của tác giả, đối tượng là độc giả.
+ mợ : Biệt ngữ xã hội, lời thoại của chú bé Hồng, người nghe là bà cô.
3. Từ nội dung đoạn trích trên, em hãy viết một đoạn văn ngắn (5 - 6 câu) bày tỏ tình yêu của em đối với mẹ. |
Phương pháp: căn cứ đoạn được trích, phân tích
Cách giải:
- Nội dung: Tấm lòng yêu thương mẹ kiên định của chú bé Hồng trước những rắp tâm chia rẽ tình mẫu tử của người cô.
- Viết đoạn văn ngắn: Trên cơ sở nội dung của đoạn trích, bày tỏ tình yêu của mình đối mẹ. Về hình thức phải có mở đoạn, phát triển đoạn và kết đoạn. Các câu phải liên kết với nhau chặt chẽ về nội dung và hình thức.
Gợi ý:
+ Yêu thương, kính trọng mẹ.
+ Giúp đỡ mẹ trong công việc hằng ngày vừa sức với mình.
+ Học tập chăm chỉ để mẹ không phải buồn lòng.
+ ….
Phần II
Đóng vai người được chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, em hãy kể lại nội dung câu chuyện đó. (Văn tự sự kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm) |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Yêu cầu về kỹ năng:
- Biết cách làm bài văn tự sự kết hợp yếu tố miêu tả và biểu cảm. Trong khi kể, thí sinh phải kết hợp miêu tả sự việc, con người và thể hiện tình cảm, thái độ của mình trước sự việc và con người được miêu tả. Bài viết phải có kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, nội dung có sức thuyết phục, diễn đạt tốt, lời văn trong sáng; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, …
Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở những hiểu biết về đoạn trích Lão Hạc của Nam Cao, học sinh viết bài văn tự sự kể lại câu chuyện Lão Hạc sang nhà ông giáo tâm sự về việc bán chó mà mình là người chứng kiến (có thể nhập vai ông giáo hoặc vợ của ông giáo). Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, song cần nêu được các ý chính sau:
1. Mở bài
Giới thiệu sự việc sau khi bán chó Lão Hạc sang nhà ông giáo(tôi) kể lại chuyện đó(có thể nêu tình huống, thời gian chứng kiến sự việc ấy hoặc tình huống nhớ lại chuyện kể)
2. Thân bài
- Diễn biến tâm trạng Lão Hạc khi sang nhà ông giáo(tôi) kể chuyện bán chó.
+ Lão kể lại cho ông giáo (tôi) việc bán “cậu Vàng” với tâm trạng vô cùng đau đớn:
“Lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước”. Đến nỗi ông giáo thương lão quá “muốn ôm chầm lấy lão mà òa lên khóc”.
+ Khi nhắc đến việc cậu Vàng bị lừa rồi bị bắt, lão Hạc không còn kìm nén được, nỗi đau đớn cứ dội lên: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”.
+ Lão Hạc đau đớn đến thế không phải chỉ vì quá thương con chó, mà còn vì lão không thể tha thứ cho mình đã nỡ lừa con chó trung thành của lão. Ông lão “quá lương thiện ấy cảm thấy lương tâm đau nhói khi thấy trong đôi mắt con chó bất ngờ bị trói có cái nhìn trách móc…”. “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”.
+ Phải có trái tim vô cùng nhân hậu và trong sạch thì mới bị dày vò lương tâm đau đớn đến thế, mới cảm thấy có lỗi với một con chó như vậy.
- Khi ông giáo an ủi: Lão chua chát bảo, rồi cười và ho sòng sọc
- Khi ông giáo mời ăn khoai, uống nước chè và hút thuốc lào để quên hết nỗi buồn: lão Hạc cho là ông giáo nói phải và cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại.
3. Kết bài
- Kết cuộc câu chuyện lão Hạc kể về chuyện bán chó.
- Cảm nghĩ của người kể.