Đề ôn tập học kì 2 Văn 8 - Đề số 3
Tải vềĐề thi học kì 2 (Đề kiểm tra học kì 2) – Ngữ văn 8 – Đề số 3 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề bài
I. PHẦN TRẮC NGHIỆM : ( 3 điểm )
Đọc kĩ phần văn bản sau và trả lời các câu hỏi bằng cách ghi đáp án đúng nhất vào bài làm:
"... Nay ta chọn binh pháp các nhà hợp làm một quyển gọi là Binh thư yếu lược . Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời dạy bảo của ta, thì mới phải đạo thần chủ; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo của ta, tức là kẻ nghịch thù.
Vì sao vậy? Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung, các ngươi cứ điềm nhiên không biết rửa nhục, không lo trừ hung, không dạy quân sĩ; chẳng khác nào quay mũi giáo mà chịu đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây sau khi giặc giã dẹp yên, muôn đời để thẹn, há còn mặt mủi nào đứng trong trời đất nữa? Ta viết ra bài hịch này để các ngươi biết bụng ta”.
Câu 1: Phần văn bản trên trích từ tác phẩm nào? Của ai? Được viết bằng thể văn gì?
A. Hịch - Trích Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn.
B. Chiếu - Trích Chiếu dời đô của Lí Công Ưẩn.
C. Cáo - Trích Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
D. Tấu - Trích Luận học pháp của Nguyễn Thiếp.
Câu 2: Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nghị luận. Vì sao?
A. Đưa ra lí lẽ để thuyết phục tướng sĩ lựa chọn con đường chiến đấu.
B. Bày tỏ thái độ, tình cảm của tác giả trước quân sĩ để khích lệ tinh thần chiến đấu.
C. Tỏ rõ ý chí chiến đấu chống kẻ thù của toàn thể tướng sĩ.
D. Kể rõ tội ác của kẻ cướp nước.
Câu 3: Câu: “Ta viết ra bài hịch này để các ngươi biết bụng ta” thuộc kiểu hành động nói nào?
A. Hành động trình bày.
B. Hành động ước kết.
C. Hành động bộc lộ cảm xúc.
D. Hành động tuyên bố.
Câu 4: Câu văn: “Nếu vậy, rồi đây sau khi giặc giã dẹp yên, muôn đời để thẹn, há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa?” thuộc kiểu câu nào? Dùng để thực hiện kiểu hành động nói nào?
A. Câu trần thuật - để nhận định.
B. Cầu cầu khiến - để ra lệnh.
C. Câu nghi vấn - để thực hiện hành động phủ định.
D. Câu cảm thán - để bộc lộ cảm xúc.
Câu 5: Đặc sắc về nghệ thuật của văn bản trên là gi?
A. Lí lẽ chặt chẽ.
B. Lí lẽ chặt chẽ, câu văn giàu hình ảnh.
C. Lí lẽ chặt chẽ, dẫn chứng sắc sảo.
D. Lí lẽ chặt chẽ, sắc bén, câu văn giàu cảm xúc.
Câu 6: Văn bản nào sau đây không thuộc thời kì hiện đại?
A. Ngắm trăng
B. Đi đường
C. Hịch tướng sĩ
D. Thuế máu
II. PHẦN TỰ LUẬN: (7 điểm)
Câu 1: (2 điểm)
Chép thuộc lòng bài thơ Đi đường của Hồ Chủ tịch (bản dịch thơ của Nam Trân). Qua bài thơ Đi đường của Bác, em có thế rút ra được gì cho bản thân? (Hãy trình bày ngắn gọn bằng một đoạn văn từ 6 đến 8 dòng)
Câu 2: (5 điểm)
Bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu thể hiện sâu sắc lòng yêu cuộc sống và niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày.
Hãy viết lời giới thiệu thật ngắn gọn, đầy đủ về tác giả, tác phẩm và làm sáng tỏ nội dung trên.
Lời giải chi tiết
I. Phần trắc nghiệm:
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
A |
A |
D |
C |
D |
C |
II. Phần tự luận:
Câu 1:
Chép thuộc lòng bài thơ Đi đường của Hồ Chủ tịch (bản dịch thơ của Nam Trân). Qua bài thơ Đi đường của Bác, em có thế rút ra được gì cho bản thân? (Hãy trình bày ngắn gọn bằng một đoạn văn từ 6 đến 8 dòng) |
Phương pháp:
Nhớ lại nội dung bài thơ
Lời giải chi tiết:
1. Chép đúng, đầy đủ, trình bày sạch đẹp bài thơ (bản dịch thơ của Nam Trân)
Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao ngập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
2. Trình bày được những cảm nhận của bản thân từ việc đi đường qua một số gợi ý sau:
- Từ việc đi đường đã gợi ra chân lí đường đời: Vượt qua gian nan chồng chất sẽ tới thắng lợi vẻ vang (ý nghĩa tư tưởng sâu sắc).
- Bài học về sự thành công trên đường đời: Hành trang mà con người mang theo là lòng kiên nhẫn, bền gan, vững chí để vượt qua tất cả những thử thách gian nan của cuộc đời.
- Học tập được tư tưởng của Bác qua bài thơ giàu ý nghĩa.
- Tự rèn luyện bản thân trên chính con đường đi của cuộc đời mình.
Câu 2:
Bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu thể hiện sâu sắc lòng yêu cuộc sống và niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày. Hãy viết lời giới thiệu thật ngắn gọn, đầy đủ về tác giả, tác phẩm và làm sáng tỏ nội dung trên. |
Phương pháp:
Nhớ lại thông tin, nội dung tác phẩm để làm sáng tỏ ý kiến trên
Lời giải chi tiết:
a/ Thuyết minh về tác giả, tác phẩm
- Thuyết minh về tác giả:
+ Tố Hữu (1920 - 2002), quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
+ Là người giác ngộ lí tưởng Đảng từ rất sớm (khi đang học ở trường Quốc học). Tháng 4 - 1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam vào nhà lao Thừa phủ Huế.
+ Ở Tố Hữu có sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Ông được coi là lá cờ đầu của cuộc cách mạng và kháng chiến. Ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).
- Thuyết minh về tác phẩm:
+ Bài thơ Khi con tu hú được sáng tác trong nhà lao Thừa phủ, khi tác giả mới bị bắt giam, là bài thơ thể hiện đề tài về lòng yêu cuộc sống và khao khát tự do của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh tù đày.
+ Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát giản dị, thiết tha, nhịp nhàng, có khả năng khơi gợi cảm xúc cao.
b/ Chứng minh nội dung vấn đề
- Xác định rõ luận điểm, biết giải quyết vấn đề và biết đưa dẫn chứng, phân tích dẫn chứng; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục.
- Luận cứ cần trình bày rõ ràng, cụ thể, sinh động.
- Trong bài viết, cần kết hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm thích hợp để bài viết đạt kết quả cao.
* Tình yêu cuộc sống:
- Ở trong lao tù nhưng tác giả vẫn cảm nhận được những âm thanh của cuộc sống qua tiếng tu hú kêu.
- Âm thanh ấy đã mở ra cả một không gian mùa hè trong tâm tưởng: rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu, ngọt ngào hương vị, không gian khoáng đãng.
- Thể hiện một trái tim nồng nàn yêu cuộc sống, mặc dù bị giam cầm trong ngục tù.
* Niềm khao khát tự do:
Chứng minh, lập luận bằng những luận cứ thể hiện được tâm trạng của tác giả trong hoàn cảnh ngục tù:
- Bức tranh mùa hè đầy sức sống được gợi lên bằng âm thanh của tiếng tu hú kêu đã làm trỗi dậy niềm khao khát tự do của người chiến sĩ cách mạng.
- Càng khao khát tự do, người tù càng cảm thấy ngột ngạt, bức bối, uất hận khi tiếng chim tu hú ngoài kia cứ dồn dập, tha thiết. Tiếng gọi của tự do, của tình yêu quê hương đất nước, của đồng chí, đồng đội cứ liên tiếp dai dẳng.
Nguồn: Sưu tầm