Đề ôn tập học kì 2 Văn 8 - Đề số 9
Tải vềĐề thi học kì 2 (Đề kiểm tra học kì 2 - Đề thi cuối năm) – Ngữ văn 8 – Đề số 9 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề bài
I. PHẦN I (5 điểm)
Hình dáng dòng sông đã trở thành dòng chủ lưu trong những vần thơ viết về quê hương của nhà thơ Tế Hanh:
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
(SGK Ngữ văn 8, tập 2)
Câu 1: (1.0 điểm) Nhận biết
Ghi lại nhan đề bài thơ và hoàn cảnh sáng tác bài thơ đó.
Câu 2: (3.0 điểm) Vận dụng
Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào trong các câu thơ in đậm? Hãy diễn đạt lại những cảm nhận của em về cảnh người dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá bằng một đoạn văn khoảng 8 câu. Trong đoạn văn có sử dụng một câu phủ định.
Câu 3: (2.0 điểm) Thông hiểu
Xét theo mục đích nói, câu cuối cùng của khổ thơ thuộc kiểu câu gì?
II. TẬP LÀM VĂN (5.0 điểm)
Dựa vào các văn bản “Chiếu dời đô” “Hịch tướng sĩ”, hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lý Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn với vận mệnh đất nước.
Lời giải chi tiết
Phần I
Câu 1
Ghi lại nhan đề bài thơ và hoàn cảnh sáng tác bài thơ đó. |
Phương pháp: căn cứ bài Quê hương
Cách giải:
- Tác phẩm: Quê hương
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ viết năm 1939, khi Tế Hanh đang học tại Huế trong nỗi nhớ quê hương-một làng chài ven biển. Bài thơ được rút trong tập Nghẹn ngào (1939) và sau đó được in trong tập Hoa niên (1945)
Câu 2
Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào trong các câu thơ in đậm? Hãy diễn đạt lại những cảm nhận của em về cảnh người dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá bằng một đoạn văn khoảng 8 câu. Trong đoạn văn có sử dụng một câu phủ định. |
Phương pháp: căn cứ các biện pháp nghệ thuật; phân tích
Cách giải:
- Biện pháp: so sánh; đảo ngữ; nhân hóa
- Phân tích
+ Giới thiệu chung về tác phẩm và đoạn thơ
+ Cảm nhận
So sánh: “Chiếc thuyền nhẹ…. Như con tuấn mã” chiếc thuyền được ví như con ngựa chiến, cảnh ra khơi trở thành một cuộc ra trận với niềm khát khao chinh phục biển khơi của người dân chài.
“Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng” lấy cái hữu hình so sánh với cái vô hình, cánh buồm biểu tượng yêu thương của dân chài, nơi căng rộng những ước vọng xa xôi cao đẹp; Mảnh hồn làng là cái vô hình đó là mảnh hồn quê hương, mảnh hồn của những con người suốt đời gắn bó với biển, muốn chinh phục biển để phục vụ cho đời sống con người…
Đảo ngữ: Phăng mái chèo; mạnh mẽ vượt trường giang, nhằm thể hiện quyết tâm và sức mạnh của trai làng chài trong lao động sản xuất…
Nhân hóa: Rướn thân trắng bao la thâu góp gió, chiếc thuyền như người bạn , như một thành viên thân thuộc của dân chài cùng hòa chung khí thế chinh phục thiên nhiên.
+ Nhận xét: bức tranh lao động khỏe khoắn, tràn đầy nhựa sống. Qua đó cho thấy tình yêu quê hương tha thiết của tác giả
Câu 3
Xét theo mục đích nói, câu cuối cùng của khổ thơ thuộc kiểu câu gì? |
Phương pháp: căn cứ các kiểu câu phân theo mục đích nói
Cách giải:
- Kiểu câu: câu trần thuật
Phần II
Dựa vào các văn bản “Chiếu dời đô” “Hịch tướng sĩ”, hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lý Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn với vận mệnh đất nước. |
Phương pháp: phân tích, tổng hợp
Cách giải:
* Yêu cầu chung:
- Xác định đúng kiểu bài văn nghị luận, bố cục rõ rang, cân đối.
- Xác định đúng đề tài nghị luận
- Trình bày sạch sẽ, mạch lạc, không mắc lỗi dung từ, đặt câu, ngữ pháp
* Yêu cầu cụ thể:
A. Mở bài:
- Dẫn dắt vấn đề: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.
- Nêu vấn đề: Lãnh đạo có vai trò vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của một quốc gia, dân tộc.
B. Thân bài:
Luận điểm 1: Những phẩm chất của một người lãnh đạo anh minh
- Có tầm nhìn xa, trông rộng.
- Có lòng yêu nước, thương dân.
- Có kiến thức sâu rộng, uyên thâm.
- Luôn sáng suốt, anh minh, công bằng….
Luận điểm 2: Vai trò của một vị vua đối với vận mệnh đất nước.
- Vua Lý Thái Tổ là vị vua khai sinh ra ra vương triều nhà Lý - một triều đại thịnh trị trong lịch sử dân tộc.
- Giành được hòa bình, đất nước đang trong giai đoạn dựng xây và phát triển, vua Lý Thái Tổ đã nhìn ra được những yếu điểm của kinh đô Hoa Lư và những lợi thế, tương lai của vùng đất Thăng Long. Chính nhờ tầm nhìn xa, trông rộng của vua mà đất nước mới có được điều kiện để phát triển thịnh vượng nhất có thể.
- Vua Lý Thái Tổ cũng rất cẩn thận, khéo léo trong cách thuyết phục nhân dân, quần thần dời đô: + Nhắc lại các triều đại dời đô thành công trong lịch sử Trung Quốc: nhà Thương, nhà Chu.
+ Phân tích những hạn chế của vùng đất Hoa Lư và sự bảo thủ của các triều Đinh, Lê
+ Phân tích những lợi thế của vùng Thăng Long
⇒ Trong thời đại đất nước đang trên đà phát triển hưng thịnh, vua Lý Thái Tổ với kiến thức uyên thâm về địa lý, phong thủy, tầm nhìn xa trông rộng, tấm lòng yêu nước, thương dân, một lòng muốn cống hiến cho đất nước để đưa ra quyết định dời đô – từ đó tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ trong lịch sử dân tộc ta.
Luận điểm 3: Vai trò của một vị tướng lĩnh đối với vận mệnh đất nước trong chiến tranh, nguy nan.
- Trần Quốc Tuấn là một vị tướng lĩnh tài ba dưới thời vua Trần Nhân Tông, có công lao to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên năm 1285 và 1287.
- Nhận thấy sức mạnh, khí thế của quân đội ta đang đi xuống, Trần Quốc Tuấn đã ngay lập tức làm bài “Hịch tướng sĩ” để khích lệ tinh thần quân đội, lập nên chiến thắng anh dũng trước quân Mông – Nguyên. Đó là một hành động vô cùng cần thiết và hợp lí, đánh trúng vào lòng yêu nước, căm thù giặc của tất cả binh sĩ, phát động đấu tranh trong toàn nước.
- Trần Quốc Tuấn không chỉ nắm được điểm yếu của giặc mà còn nắm được điểm yếu, điểm mạnh của chính quân đội ta khiến cho bài hịch có sức thuyết phục và ảnh hưởng mạnh mẽ đến quân đội.
- Sự am hiểu về binh pháp, tài điều binh khiển tướng, năm bắt thời cơ tốt cùng tấm lòng trung quân ái quốc của Trần Quốc Tuấn chính là mấu chốt giúp ta giành được thắng lợi trước quân giặc mạnh và hung hãn như quân Mông – Nguyên.
Luận điểm 4: Bàn luận
- Cả Lý Thái Tổ và Trần Quốc Tuấn đều là những người lãnh đạo anh minh, sáng suốt, hội tụ đủ các phẩm chất tinh anh của dân tộc, có công lao lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong lịch sử dân tộc.
- Nếu như vua không sáng, tướng không giỏi thì chắc chắn đất nước đó sẽ sớm bại lụi, không thể phát triển được.
C. Kết bài:
- Khẳng định lại vai trò to lớn của người lãnh đạo đối với vận mệnh đất nước.
- Liên hệ đến thời hiện đại: Trong xã hội đang trên đà phát triển, hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta càng cần đến những người lãnh đạo sáng suốt, anh minh, nhạy bén thì mới có thể chèo lái nhân dân, đưa đất nước đến sự thịnh vượng, văn minh, tiên tiến.