Đề số 17 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12
Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết Đề số 17 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 12
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Có lần cậu con bé nhỏ hỏi rằng: “Tại sao mọi người phải dừng trước đèn đỏ?”. Tôi vội vàng trả lời nó: “Để đảm bảo an toàn giao thông và công bằng…”. Câu trước thì trẻ con bây giờ hiểu vì ở trường chúng được học an toàn giao thông chứ câu sau thì nó vặn vẹo: Công bằng là gì hả mẹ? Là tất cả bằng nhau. Tôi nghĩ với trẻ con chỉ nên giải thích như thế là đủ. Nhưng nó hỏi lại: “Thế sao mẹ không công bằng với con và anh?”. “Gì cơ? Mẹ không công bằng lúc nào?”. Hôm qua mẹ bảo rằng: Anh lớn thì được phần nhiều, con bé thì được phần ít hơn. Trời ơi, đúng quá đi chứ, bé như con thì ăn nhiều làm sao tiêu hóa được hết […]
Từ hôm đó, mỗi lần dừng trước đèn đỏ, nó thường lẩm bẩm đếm 18, 17, 16 … 2, 1, 0, rồi bất ngờ nó bảo: Chỉ có đèn xanh – đèn đỏ là công bằng thôi. Ừ trẻ con nghĩ thế cũng được, nó còn nhỏ nên chẳng ai chấp, vả lại thế giới của trẻ thơ luôn nhìn mọi thứ trực diện và tưởng tượng những điều lý thú. Nó chưa biết rằng, cái đèn xanh đèn đỏ ấy không chỉ thực hiện nghĩa vụ là minh chứng cho một điều công bằng mà nó còn là nơi để người ta thử sức kiên nhẫn của con người. Chỉ vài giây thôi, có người chả chịu nổi phải cố nhoi lên, vượt đèn đỏ để sớm đi đến đích của mình nhanh hơn vài giây (đó là theo đúng nguyên lý một chiều là đi nhanh về nhanh còn thực tế thì chưa chắc). Nhưng trong cái giây “vượt biên”, con người ấy phải nhìn trước nhìn sau xem có cảnh sát giao thông, xem có ai lao vào mình không? Mọi thần kinh đều căng ra trong giây phút ấy. Khi họ vượt được rồi thì tự coi là đã thắng. Nhưng phía sau họ là những con người phải đứng chờ đợi đèn xanh thì lại nghĩ: “Đúng là hiếu thắng”. Trong cuộc sống, có biết bao người cố tình vượt đèn đỏ để đến cái đích của mình bằng mọi sự liều? Cái đích ấy là danh vọng, tiền tài, thắng thua với người bên cạnh mình… Cứ nghĩ mà xem, ai chả sốt ruột dừng trước đèn đỏ nhìn dòng người hả hê được đi ngang trước mặt… Đâu có sao, các cụ chả bảo “Sông có khúc, người có lúc”. Hiếu thắng làm con người không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi vài giây “đèn đỏ” cho bản thân mình nữa. Có lẽ trong mỗi người luôn tiềm ẩn những chiếc đèn xanh – vàng – đỏ mà người ta phải tự biết bật nó đúng lúc…
(Trích Đèn xanh – đèn đỏ, Thu Hà, Góc xanh khoảng trời , tr.113 – 114, NXB Văn học, 2013)
Câu 1. Câu chuyện trong đoạn trích trên được kể bằng lời của ai? (người mẹ, đứa trẻ hay một người khác?)
Câu 2. Đứa trẻ trong câu chuyện đánh giá như thế nào về đèn xanh – đèn đỏ?
Câu 3. Từ hình tượng đèn xanh – đèn đỏ, người mẹ trong đoạn trích liên tưởng đến những vấn đề gì?
Câu 4. Anh chị có đồng tình với suy nghĩ sau của người mẹ trong đoạn trích? Vì sao?
Hiếu thắng làm con người không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi vài giây “đèn đỏ” cho bản thân mình nữa.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của văn hóa giao thông trong cuộc sống.
Câu 2 (5.0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:
Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn?
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
(Trích Việt Bắc , Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, tr.108, NXB Giáo dục, 2008)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
* Phương pháp: Đọc, căn cứ vào lời người kể chuyện.
* Cách giải:
Câu chuyện trong đoạn trích trên được kể bằng lời của người mẹ.
Câu 2:
* Phương pháp: Đọc, tìm ý
* Cách giải:
Đứa trẻ trong câu chuyện trên đánh giá về đèn xanh – đèn đỏ như sau: Chỉ có đèn xanh – đèn đỏ là công bằng thôi.
Câu 3:
* Phương pháp: Đọc, tìm ý, phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
Từ hình tượng đèn xanh – đèn đỏ, người mẹ trong đoạn trích liên tưởng đến những vấn đề:
+ Vấn đề tham gia giao thông, con người thường không chấp hành đúng hiệu lệnh của tín hiệu đèn.
+ Vấn đề cuộc sống con người: sự hiếu thắng làm giảm lòng kiên nhẫn của con người.
Câu 4:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận
* Cách giải:
- Đồng tình với suy nghĩ của người mẹ vì: Hiếu thắng làm con người ít suy nghĩ được mọi thứ một cách thấu đáo
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
* Cách giải:
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận.
Yêu cầu về nội dung:
* Nêu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Văn hóa giao thông nghĩa là việc ứng xử một cách đúng đắn, tuân thủ luật pháp khi tham gia giao thông.
* Phân tích, bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của văn hóa giao thông trong cuộc sống:
+ Văn hóa giao thông sẽ giúp con người tránh được những rủi ro khi tham gia giao thông.
+ Văn hóa giao thông giúp xây dựng một cộng đồng xã hội văn minh.
- Làm thế nào để xây dựng văn hóa giao thông:
+ Mỗi cá nhân cần nhận thức rõ về văn hóa gia thông và chấp hành luật giao thông nghiêm túc.
+ Giữ gìn những công trình giao thông công cộng.
+ Là truyền nhân tích cực về văn hóa giao thông.
- Phê phán những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông.
* Bài học liên hệ bản thân
Câu 2:
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
1. Giới thiệu tác giả Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc
- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Đường cách mạng, đường thơ Tố Hữu gắn liền với các chặng đường của cách mạng Việt Nam.
- Tập thơ Việt Bắc là một trong những thành tựu xuất sắc của văn học những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Tập thơ là tiếng ca hùng tráng, thiết tha về cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, phản ánh những chặng đường gian lao, anh dũng và thắng lợi của dân tộc.
2. Phân tích đoạn thơ trên
* 4 câu thơ đầu:
- Giống như những khúc hát giã bạn "người ơi người ở đừng về" trong đêm hội, ở đây người cất lên tiếng nói đầu tiên trong cuộc chia tay là người ở lại.
- Điệp từ "nhớ" luyến láy trong cấu trúc câu hỏi đồng dạng “Mình về mình có nhớ ta?… Mình về mình có nhớ không?”
- Kỉ niệm đầu tiên được nhắc nhớ là:
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
+ "Mười lăm năm ấy" vừa là chi tiết thực vừa là chi tiết gợi cảm: thực vì đó là khoảng thời gian Việt Bắc đã làm tròn sứ mệnh của một căn cứ địa cách mạng vững chắc. Gợi cảm vì nó gợi ra chiều dài gắn bó thương nhớ vô vàn, mang dáng dấp của câu thơ Kiều:
Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
+ "Thiết tha mặn nồng" vì tình nghĩa người - đi kẻ ở được trải nghiệm qua thời gian.
- Kỉ niệm thứ hai được gợi lại là:
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn
+ Tác giả đã tái hiện một không gian Việt Bắc - nơi ta với mình từng gắn bó, với đầy đủ "cây", "núi", "sông", "nguồn"
+ Thiên nhiên hiện ra nhuốm màu tâm trạng của con người
* 4 câu thơ còn lại:
Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân ly
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
- Từ láy “tha thiết” là sự luyến láy lại lời ướm hỏi của người Việt Bắc diễn tả sự đồng điệu nhớ nhung, lưu luyến
- Các từ láy liên tiếp "bâng khuâng, bồn chồn" giàu giá trị gợi cảm, diễn tả trạng thái tâm lý tình cảm hụt hẫng, bịn rịn, luyến tiếc, vương vấn, nhớ thương... đan xen cùng một lúc.
- Hình ảnh "áo chàm đưa buổi phân ly" là một ẩn dụ nghệ thuật đặc sắc.
- Hai chữ “phân ly” đã cổ điển hóa cuộc chia tay này, làm cho thời khắc tháng 10/1954 (các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô) vốn đầy màu sắc chính trị trở thành chuyện muôn đời của thi ca.
- Câu thơ "Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay..." đầy tính chất biểu cảm. Nhịp ngắt phá cách 3/3/2 (thông thường thơ lục bát sử dụng nhịp chẵn để tạo nên sự nhịp nhàng, hài hòa) không chỉ tăng tính nhạc mà còn góp phần thể hiện sự ngập ngừng, nghẹn ngào trong giây phút chia tay.
- Ba dấu chấm lửng đặt cuối câu là một dấu lặng trên khuôn nhạc để tình cảm ngân dài, sâu lắng...
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.