Đề số 18 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn — Không quảng cáo

Soạn văn 12 tất cả các bài, Ngữ văn 12 , tổng hợp văn mẫu hay nhất ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN


Đề số 18 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết - Đề số 18 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1)…Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây.

(2)Tôi nhớ có hôm nào đó, em đã nói với tôi rằng đấy là một triết lí hay, ta phải tranh thủ sống đến từng giây của cuộc đời. Nhưng em biết không, đừng vì bất cứ một triết lý nào mà gạt bỏ đi ý nghĩa của sự chờ đợi. Chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời. Em sẽ bằng lòng chờ đợi chứ, nếu em biết về điều sẽ xảy ra?Đợi khi xếp hàng ở siêu thị, vì biết rồi sẽ đến lượt mình và rằng đó là sự công bằng. Đợi tín hiệu đèn xanh trước khi nhấn bàn đạp, vì biết đó là luật pháp và sự an toàn cho chính bản thân. Đợi một người trễ hẹn thêm năm phút nữa, vì biết có bao nhiều điều có thể bất ngờ xảy ra trên đường. Đợi một cơn mưa vì biết rằng dù dai dẳng mấy, nó cũng phải tạnh. Đợi một tình yêu đích thực vì biết rằng những thứ tình yêu “theo trào lưu” chỉ có thể đem đến những tổn thương cho tâm hồn nhạy cảm của em…

(3)Vì vậy, hãy cứ bình tâm, em nhé. Cuộc đời ta cũng như rượu vang vậy.Có những loại vài tháng là uống được.Nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ chín cần thiết.Điều quan trọng không phải là sớm hay muộn, mà là đúng lúc.Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vì rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm…

(4)Tôi nhớ có một câu danh ngôn, đại ý rằng: “Bạn sẽ có con gà cao lông vàng mũm mĩm bằng cách ấp trứng, chứ không phải bằng cách đập vỡ cái trứng ra”. Vậy thì đó lý do tại sao con sâu phải nằm trong kén đủ ngày rồi mới được hóa thân. Cũng như con người phải chín tháng mười ngày mới nên rời lòng mẹ.  Đó cũng là lý do của ba mươi chín giây đèn đỏ, của mười hai năm miệt mài trên ghế nhà trường, của một mối tình thiết tha còn chưa chịu hé lộ. Và của rất nhiều khoảnh khắc chờ đợi trong cuộc đời.

(5)Mọi vật đều có thời điểm của nó. Em đừng cố rút ngắn thời gian.Nếu trái chưa chín thì đừng nên hái.Nếu nhộng chưa chín thì đừng phá vỡ kén tằm. Nếu chưa gặp được một tâm hồn đồng điệu thì đừng trao gửi trái tim. Đừng để thế giới này tác động…

(Theo Nếu biết trăm năm là hữu hạn – Phạm Lữ Ân, NXB Hội nhà văn, 2016, tr84-87)

Câu 1. Câu nào nêu lên ý khái quát của đoạn trích?

Câu 2. Nêu tác dụng của biện pháo tu từ cú pháp được sử dụng trong đoạn văn thứ (2) của đoạn trích.

Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về câu nói: Rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm ?

Câu 4. Quan điểm: “Mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó” giúp anh/chị rút ra bài học gì cho bản thân? (Trình bày ngắn gọn trong 5 – 7 dòng).

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về thông điệp “Sống là phải biết chờ đợi” .

Câu 2.

Cảm nhận về hai đoạn thơ sau:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn,

Ta muốn riêt mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào gươi.

( Vội vàng – Xuân Diệu – Ngữ văn 11, tập hai, NXB GD, tr.23)

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa.

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

( Sóng – Xuân Quỳnh – Ngữ văn 12, tập một, NXB GD, tr.156)

Từ đó anh/chị suy nghĩ về quan niệm sống của hai tác giả.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Câu nêu ý khái quát: Mọi vật đều có thời điểm của nó.

Câu 2:

_ Điệp cấu trúc: Đợi + ….

_ Tác dụng: nhấn mạnh vào ý nghĩa của sự chờ đợi. Khi đủ kiên nhẫn chờ đợi ta sẽ nhận được những điều ý nghĩa, bất ngờ của cuộc sống.

Câu 3:

“Rượu ngon là phần thưởng của tháng năm”: Mọi thành quả chúng ta nhận được trong cuộc sống đều là kết quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu, là kết quả của sự kiên trì, nhẫn nại. Chờ đợi được đến khoảnh khắc cây kết hoa, ra trái chính là phần thưởng thời gian ban tặng cho chúng ta.

Câu 4:

_ Mọi thứ trong cuộc sống này đều có thời điểm riêng, không thể nhanh chóng, rút bớt thời gian đó.

_ Khi rút bớt thời gian, kết quả bạn nhận được sẽ không hoàn hảo.

_ Khi ta có đủ kiên nhẫn chờ đợi, trái bạn nhận được sẽ thật ngọt ngào, hạnh phúc.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Giới thiệu vấn đề

Giải thích vấn đề

“Sống là phải biết chờ đợi”

→ Nhận định muốn khẳng định: trong cuộc sống cần phải biết chờ đơi, chờ đợi là phẩm chất của con người, chờ đợi là niềm tin, là hi vọng, là mong mỏi cho hạnh phúc tương lai.

Bàn luận vấn đề

_ Ý nghĩa của sự chờ đợi:

+ Chúng ta dành 12 năm đèn sách, để chờ đến ngày đi thi, biết bao đợi chờ trong 12 năm đó. Chờ đợi để thành công.

+ Chờ đợi là hi sinh. Có những tình yêu từ đầu này đến đầu kia đất nước nhưng người ta vẫn sẵn sàng chờ đợi để được ở bên nhau.

+ Chờ đợi, một mặt nào đó còn thể hiện niềm tin và hi vọng. Có mấy ai trong chúng ta sống mà không hi vọng, không mong mỏi ở tương lai tốt đẹp hơn.

+ Chờ đợi cho trái chín, cho bản thân đủ trải nghiệm để đạt đến thành công.

_ Nhưng chờ đợi không có nghĩa là ỉ lại, là lười biếng không vận động. Chờ đợi ở đây có nghĩa là chúng ta vẫn không ngừng nỗ lực phấn đấu, để tiến bước xa hơn, nhưng không nản chí, nhụt lòng khi gặp những chông gai, khi phải “chờ” thành công quá lâu.

Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân.

_ Bên cạnh đó, vẫn có những người sống vội, sống gấp mà bỏ qua những giá trị tinh thần tốt đẹp, tích cực của cuộc sống.

_ Sống chậm theo đúng nghĩa sẽ giúp bạn tận hưởng mọi vẻ đẹp, trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống.

_ Liên hệ bản thân.

Câu 2:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm

_Xuân Diệu là cây bút xuất sắc của phong trào thơ Mới. Ông được giới trẻ tấn phong là ông hoàng của thơ tình yêu bởi đã đem vào thơ tình một quan niệm đầy đủ, toàn diện, một cách thể hiện mới mẻ, phong phú đặc biệt là sự  diễn đạt chân thực và táo bạo về tình yêu. Xuân Diệu đem đến cho thơ hiện đại Việt Nam một giọng điệu thiết tha, sôi nổi.

_ Vội vàng được in trong tập Thơ thơ (1938). Thi phẩm đầu tay này ngay lập tức vinh danh Xuân Diệu như một đại biểu tiêu biểu nhất của phong trào thơ Mới.

_Xuân Quỳnh là gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.

_ Sóng (1967) là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

Phân tích

*Đoạn thơ trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu bộc lộ một cái tôi sôi nổi, vồ vập và giàu khát vọng và yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt.

_Câu thơ mở đầu đoạn thơ Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm như một lời giục giã nhanh chóng tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống. Có lẽ sự nhạy cảm về thời gian đã khiến Xuân Diệu lúc nào cũng cuống quýt, vội vàng.

_Chữ tôi tr ong đoạn thơ mở đầu đã chuyển thành chữ ta ở đoạn cuối. Dường như có sự đồng thuận mặc nhiên nào đó mà cảm xúc của cái tôi bỗng hòa nhập vào cái ta rộng mở.

_Nhịp thơ sau một hồi ngưng đọng lại như hối hả, gấp gáp hơn chuyển tải cả một dòng cảm xúc say sưa, ào ạt.

_Tác giả dùng một loạt các động từ mạnh ôm, riết, say, hôn ,... thể hiện ước muốn tận hưởng bằng tất cả các giác quan.

_Các bổ ngữ ⟶ bày ra bàn tiệc thịnh soạn của cuộc đời, có đầy đủ thanh sắc, đẹp vô cùng, tràn trề vô cùng.

_Liên từ và, cho ... được lặp lại ⟶ nhấn mạnh sự ăm ắp, thịnh soạn của bàn tiệc của mùa xuân, bàn tiệc của cuộc đời.

_Một loạt tính từ và cũng là từ láy: chếnh choáng, đã đầy, no nê ⟶ diễn tả sự thỏa mãn tận cùng.

_Tác giả khép lại mong muốn của mình bằng:

+ Lời gọi: hỡi xuân hồng ⟶ mùa xuân không còn vô hình, trừu tượng mà trở thành con người hữu hình, thân thiết.

+ Biện pháp chuyển đổi cảm giác: xuân ⟶ xuân hồng ⟶ muốn cắn ⟶ mong muốn được hưởng thụ một cách trọn vẹn nhất.

→ Xuân Diệu vô cùng nhạy cảm trước bước đi của thời gian cho nên thi sĩ khát khao tận hưởng những phút giây đẹp nhất của đời người. Đây cũng chính là một khát vọng rất nhân văn.

_Nghệ thuật:

+ Có sự đan xen giữa cảm xúc nồng nàn với cảm hứng triết luận sâu sắc.

+ Dùng rất nhiều biện pháp nghệ thuật: thể thơ tự do, thủ pháp trùng điệp, ngôn từ mới mẻ, hình ảnh sáng tạo…

*Đoạn thơ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh thể hiện cái tôi đầy khao khát.

Khổ 8,9: Khát vọng dâng hiến và bất tử hóa tình yêu

_Nhà thơ suy tư về không gian, thời gian và bộc lộ nỗi niềm khắc khoải, tự nhận thức về mình, về tình yêu và hạnh phúc đồng thời khẳng định sự hữu hạn, nhỏ bé của đời người với dòng chảy vô thủy vô chung của thời gian và cái vô hạn của vũ trụ.

_ Khát vọng được hóa thành trăm con sóng nhỏ, khát vọng được tan thành trăm con sóng nhỏ là khát vọng được cho đi và dâng hiến bởi có một nghịch lí trong tình yêu là "Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn dám mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt" (Christopher Hoare). "Tan ra" không phải là tan biến đi mà là để còn mãi.

_Khát vọng muốn hòa nhập tình yêu của mình để ngàn năm còn vỗ. Đây là khát vọng muốn được vĩnh cửu hóa, bất tử hóa tình yêu.

_Nghệ thuật :

+Thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu như âm hưởng của những con sóng biển.

+Sử dụng phép nhân hóa, so sánh.

So sánh

_Giống nhau: đều sử dụng thể thơ giàu nhịp điệu, thể hiện được khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng về tình yêu với cuộc đời.

_Khác nhau:Quan niệm sống, khát vọng sống trong Sóng là khát vọng của tình yêu lứa đôi, là khao khát dâng hiến đến tận cùng. Còn trong Vội Vàng thì thể hiện một quan niệm sống: sống vội vàng, sống giục giã, cuống quýt, phải tận hưởng vì thời gian đi qua tuổi trẻ sẽ không còn – đó là tình yêu tha thiết với cuộc sống.

Đánh giá chung

Cả hai bài thơ đều thể hiện những xúc cảm dạt dào với tình yêu và cuộc sống, thể hiện những quan niệm sống mới mẻ.


Cùng chủ đề:

Đề số 16 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12
Đề số 16 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 17 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12
Đề số 17 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 18 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12
Đề số 18 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 19 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 20 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 21 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 22 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 24 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn