Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 2 - Ngữ văn 10
Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 2 - Đề kiểm tra học kì 2 (Đề thi học kì 2) - Ngữ văn 10
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.
Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?
Sống một cuộc đời cũng như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.
Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở đâu thẳm trong tim bạn có, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…
(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn )
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (1.0đ)
Câu 2. Theo tác giả, nếu không theo đuổi ước mơ, con người sẽ rơi vào trạng thái tâm lý nào? (1.0đ)
Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Sống một cuộc đời cũng như vẽ một bức tranh vậy.” (1.0đ)
Câu 4. Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 10-15 dòng) nói về ý nghĩa của ước mơ đối với cuộc đời mỗi con người. (2.0đ)
II. LÀM VĂN
Anh/chị hãy trình bày cảm nhận về đoạn thơ sau:
…Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai…
(Trích Trao duyên – Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
* Phương pháp: Căn cứ các phương thức biểu đạt đã được học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính – công vụ
* Cách giải:
- Phương thức biểu đạt: nghị luận
Câu 2:
* Phương pháp: Đọc, tìm ý
* Cách giải:
- Theo tác giả, nếu không theo đuổi ước mơ, con người sẽ rơi vào trạng thái tâm lý: luôn cảm thấy dằn vặt, day dứt vì đã từ bỏ ước mơ của đời mình.
Lưu ý:
Chép trọn vẹn câu: Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.
Câu 3:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
* Cách giải:
- So sánh: “Sống một cuộc đời” với “vẽ một bức tranh”
- Tác dụng: Lối diễn đạt cụ thể, sinh động; chỉ ra sự tương đồng giữa một cuộc đời với vẽ một bức tranh giúp người đọc dễ hình dung ra cách sống chủ động để biến ước mơ của mình thành hiện thực.
Câu 4:
* Phương pháp: Phân tích, bình luận, tổng hợp
* Cách giải:
a. Yêu cầu về kĩ năng : Biết cách viết đoạn văn nghị luận. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; bảo đảm dung lượng.
b. Yêu cầu về kiến thức : Thí sinh có thể trình bày nhiều cách nhưng lý lẽ và dẫn chứng phải hợp lý. Gợi ý những nội dung sau:
- Dẫn đề: Vai trò của ước mơ
- Giải thích: Ước mơ: là điều tốt đẹp ở phía mà con người tha thiết, khao khát, ước mong hướng tới, đạt được
- Vai trò
+ Giúp bản thân xác định phương hướng, mục tiêu tương lai
+ Là động lực tinh thần để con người có ý chí phấn đấu vượt qua khó khăn
+ Sống lạc quan, vui vẻ; cuộc sống có ý nghĩa hơn khi có ước mơ...
- Chốt lại vấn đề
II. LÀM VĂN
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
a. Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học cảm nhận về một bài thơ, đoạn thơ; kết cấu ba phần đủ, rõ ràng, luận điểm hợp lý, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b.Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết về đoạn trích trong Truyện Kiều và tác giả Nguyễn Du, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích
- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài
* Hoàn cảnh trao duyên
* Cảm nhận đoạn trích
a. Nội dung: Kiều nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng.
- Kiều mở lời đặc biệt.
+ Lời lẽ: "cậy", "chịu lời"
+ Cử chỉ: "lạy", "thưa"
⟶ Thái độ: vừa nhờ vừa tin tưởng, nài nỉ; thiết tha, khẩn khoản, hạ mình để đền đáp sự hy sinh cao của em.
⟶ Tạo không khí trang nghiêm chứng tỏ vấn đề sắp nói rất quan trọng.
- Kiều tâm sự với em để tạo sự cảm thông.
+ Trong cậy tất cả vào em (mặc em) sẽ "chắp mối tơ thừa".
+ Kể ngắn gọn về mối tình với Kim Trọng: Tình yêu đẹp đẽ, trong sáng, nồng thắm (Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề) giờ đã dang dở (giữa đường đứt gánh)
+ Kể về gia cảnh: gia đinh gặp nạn (sóng gió bất kì). Kiều hy sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu. Đó cũng là lý do để nàng nhờ em thay lời hẹn ước cùng Kim Trọng.
⟶ Cách nói khéo léo vừa gợi sự cảm thông vừa đặt Vân vào tình huống khó xử.
b. Nghệ thuật
- Đặc sắc của Nguyễn Du trong nghệ thuật lựa chọn ngôn từ.
- Các biện pháp nghệ thuật: điệp từ, câu hỏi tu từ, những từ ngữ mang tính ước lệ…
- Nghệ thuật miêu tả tâm lý: Kiều nói bằng ngôn ngữ lý trí, vừa thuyết phục vừa khẩn cầu.
3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề