Đề số 31 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn — Không quảng cáo

Soạn văn 12 tất cả các bài, Ngữ văn 12 , tổng hợp văn mẫu hay nhất ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN


Đề số 31 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết - Đề số 31 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề bài

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:

Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.

Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon.

Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo nên những vết nhăn trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.

(Trích Điều kỳ diệu của thái độ sống – Mac Anderson, tr.68, NXB Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2017)

Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Nêu quan niệm của tác giả về tuổi trẻ.

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến: Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn ?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta ?

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1.

Từ nội dung phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc chăm sóc “sức khỏe tinh thần” trong đời sống mỗi cá nhân.

Câu 2.

Cảm nhận của anh/chị về chi tiết Mị cắt dây cởi trói cứu A Phủ trong đêm mùa đông ở Hồng Ngài (trích Vợ chồng A Phủ , Tô Hoài, Ngữ văn 12 , tập 2, tr.13, Nxb Giáo dục, 2016). Từ đó, liên hệ chi tiết thị Nở mang bát cháo hành cho Chí Phèo (trích Chí Phèo , Nam Cao, Ngữ văn 11 , tập 1, tr.150, Nxb Giáo dục, 2016) để thấy được nét độc đáo trong cái nhìn, tình cảm của hai tác giả đối với người phụ nữ.

Lời giải chi tiết

I. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Thao tác lập luận: bình luận

Câu 2:

- Quan niệm của tác giả về tuổi trẻ:

+ Là trạng thái tâm hồn.

+ Gắn liền với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.

+ Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm.

Câu 3:

- Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn

+ Thời gian hình thành tuổi tác: theo quy luật cuộc sống, cùng với sự chảy trôi của thời gian con người lớn lên về tuổi tác, già đi về mặt hình thức.

+ Thái độ tạo nên tâm hồn: Tuổi tác, thời gian không kiến tạo nên thế giới tinh thần chúng ta. Cái tạo nên nó chính là thái độ, tức là những ý nghĩ, tình cảm, là cách nhìn, cách ứng xử, cách lựa chọn lối sống của mỗi cá nhân trong cuộc đời.

→ Thái độ sống tiêu cực sẽ khiến tâm hồn trở nên già cỗi, tàn lụi.

→ Ngược lại, thái độ sống tích cực sẽ làm cho tâm hồn trở nên lành mạnh, khỏe khoắn, tràn đầy năng lượng.

Câu 4:

Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm.

- Đồng tình với quan điểm Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta .

- Vì:

+ Đây là những trạng thái tâm lí tiêu cực. Một khi xuất hiện thường xuyên, trở thành thói quen nó sẽ thao túng, nhấn chìm đời sống tâm hồn ta trong bóng tối, khiến đời sống bên trong ta luôn u ám, tẻ nhạt, rơi vào sự bế tắc, không lối thoát.

→ Lo lắng sợ hãi khiến ta luôn cảm thấy bất an trước cuộc đời, khiến ta mất đi sức sống, sức trẻ, mất đi niềm vui sống.

→ Việc mất lòng tin vào bản thân khiến ta không tìm được điểm tựa tinh thần vững chắc, từ đó đánh mất tiềm lực bản thân, luôn trong trạng thái mặc cảm, hoang mang, hoài nghi chính mình.

+ Tất cả những trạng thái tâm lý đó khiến ta không nhận thức được về giá trị bản thân, về ý nghĩa sự tồn tại của mình, thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa, không còn cảm giác hào hứng sống nữa. Đó là lúc ta chết về mặt tinh thần. Cuộc đời còn gì thú vị khi đời sống bên trong bị hủy hoại?

+ Để tránh cho đời sống tâm hồn không bị hủy hoại chúng ta cần có ý nghĩ, tình cảm, cách nhìn, cách lựa chọn lối sống đúng đắn, tích cực.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1:

* Giải thích: chăm sóc sức khỏe tinh thần”

- Là khái niệm dùng để chỉ sự quan tâm, chăm chút đến đời sống tâm hồn bên trong để nó luôn ở trạng thái lành mạnh, khỏe khoắn.

- Một tinh thần khỏe mạnh được biểu hiện qua nhiều khía cạnh, chẳng hạn như: lối suy nghĩ tích cực, tự tin, luôn lạc quan, yêu đời; luôn hướng thiện; có những ước mơ, khát vọng chính đáng, đẹp đẽ...

→ Việc ta chăm sóc “sức khỏe tinh thần” cho chính mình có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

* Bàn luận

- Vì sao việc chăm sóc “sức khỏe tinh thần” rất quan trọng?

+ Thể xác và tinh thần là hai mặt song song tồn tại đảm bảo cho sự sống của mỗi con người. Cuộc đời của chúng ta chỉ trở nên tốt đẹp, hạnh phúc khi có sự hài hòa, thống nhất giữa hai yếu tố đó.

+ Tâm hồn con người không tự nhiên mà có, không tự nhiên khỏe mạnh. Cũng như thể chất, nó cần có sự quan tâm, “chăm sóc” đúng đắn, hợp lí, khoa học.

+ Ở góc độ nào đó có thể khẳng định: “sức khỏe tinh thần” quyết định sức khỏe thể chất. Khoa học đã chứng minh một tâm hồn khỏe mạnh sẽ đem đến một thân thể tráng kiện, có thể giúp người bệnh chiến thắng, đẩy lùi bệnh tật.

+ Không chăm sóc tâm hồn để nó “tàn lụi ngay khi sống” là thái độ vô trách nhiệm, vô cảm cần phê phán. Sống như vậy ta tự đánh mất giá trị, tự đẩy mình vào kiếp "sống mòn", sống một "đời thừa", vô nghĩa.

- Ý nghĩa của việc nhận thức vấn đề:

+ Giúp ta ý thức được vị trí quan trọng của đời sống tinh thần, tránh bỏ bê nó.

+ Từ đó, có sự quan tâm, chăm sóc bằng các phương pháp khoa học đúng đắn để tâm hồn luôn “khỏe mạnh”.

+ Khi có một đời sống tâm hồn "mạnh khỏe" trong một cơ thể cường tráng, chúng ta sẽ làm được rất nhiều điều có ích cho bản thân, gia đình, xã hội; sẽ nhận được sự yêu mến, tôn trọng, sự giúp đỡ nhiệt tình khi cần thiết từ những người xung quanh; có nhiều cơ hội để biến ước mơ thành hiện thực... Cuộc sống vì vậy trở nên vui vẻ, ý nghĩa, đáng sống hơn.

- Muốn đời sống tinh thần luôn khỏe mạnh ta cần phải làm gì?

+ Tránh cung cấp cho nó những "độc tố" trong nghĩ suy, cảm xúc, trong cách nhìn đời sống, như: tránh lo lắng, sợ hãi, mất niềm tin, bi quan, chán nản,...Làm như vậy ta giúp tâm hồn thoát khỏi tình trạng nảy sinh "bệnh tật" bởi những "chủng vi rút" có hại kia hoành hành, xâm lấn.

+ Cần "bồi bổ" cho nó những "vitamin, khoáng chất" cần thiết, khoa học trong suy nghĩ, tình cảm, trong cách nhìn đời, như: thường trực thái độ tự tin, lạc quan, yêu đời; luôn nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng tích cực; sống thuận theo tự nhiên, biết buông xả phiền não,... Bằng cách đó, tâm hồn ta sẽ luôn tràn đầy sinh lực.

- Phản đề:

+ Quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần không có nghĩa ta bỏ bê thể chất để mặc nó ốm yếu, bệnh tật.

+ Việc chăm sóc "sức khỏe tinh thần" chỉ trở nên có ý nghĩa, hiệu quả khi kết hợp song song với việc chăm sóc thể chất.

→ Thí sinh cần liên hệ với thực tế, dẫn chứng để làm rõ hơn quan điểm, suy nghĩ của mình về vấn đề đang nghị luận.

* Rút ra bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp.

Câu 2:

1. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

- Tô Hoài là gương mặt nổi bật của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Đây là cây bút thường viết về đề tài Tây Bắc với phong cách giàu chất thơ, ngôn ngữ giàu chất tạo hình, tinh tế, thể hiện sự hiểu biết phong phú về phong tục tập quán.

- Vợ chồng A Phủ ( Truyện Tây Bắc - 1953) tiêu biểu cho phong cách văn xuôi của tác giả, được viết vào năm 1952 sau chuyến đi kéo dài tám tháng của nhà văn cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Truyện kể về cuộc sống tủi nhục của những người lao động miền núi trong xã hội thực dân phong kiến, đồng thời phản ánh sức sống tiềm tàng và ý thức phản kháng mãnh liệt của họ.

- Mị là nhân vật chính của truyện, điển hình cho số phận và tâm hồn của người dân Tây Bắc. Để làm bật nổi hình tượng này, Tô Hoài đã dụng công xây dựng nhiều chi tiết đặc sắc, nổi bật trong số đó là chi tiết Mị cởi trói cho A Phủ trong đêm mùa đông ở Hồng Ngài.

2. Phân tích

2.1 Chi tiết Mị cắt dây trói cứu A Phủ trong đêm mùa đông ở Hồng Ngài

* Giới thiệu chung:

- Chi tiết trong tác phẩm tự sự: Chi tiết là các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Chi tiết được lựa chọn đưa vào truyện ngắn phải độc đáo, giàu ý nghĩa nghệ thuật, đóng vai trò quan trọng góp phần làm nên nét độc đáo trong nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Vị trí và vai trò: Đây là chi tiết kết thúc đoạn trích, có vai trò quan trọng trong việc khắc họa nhân vật và bộc lộ tư tưởng chủ đề tác phẩm, tài năng tác giả.

* Diễn biến tâm lí và hành động của Mị.

- Chứng kiến cảnh A Phủ bị trói mấy đêm liền, Mị vẫn dửng dưng vô cảm. Mị thản nhiên thổi lửa hơ tay "nếu A Phủ là cái xác chết đứng đó cũng thế thôi".

- Tuy nhiên, dòng nước mắt của A Phủ đã khiến Mị nhớ về tình cảnh của mình trong đêm mùa xuân năm trước.

- Từ đồng cảnh Mị dấy lên sự đồng cảm, từ thương mình Mị chuyển sang thương người "Trời ơi nó bắt trói người ta đến chết".

- Mị nhận thức rõ tội ác của cha con thống lí Pá tra, trào lên lòng căm thù mãnh liệt "chúng nó thật độc ác"; đồng thời lo lắng cho kết cục bi thảm của A Phủ "Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau chết đói, chết rét...".

- Mị có những suy nghĩ rất phức tạp: Mị mang nỗi ám ảnh, sợ hãi về chế độ thần quyền "ta là thân đàn bà...chỉ còn đợi ngày rũ xương ở đây thôi"; song song với đó là ý thức về sự bất công, phi lí "người kia việc gì phải chết thế".

- Mị nhớ lại đời mình. Mị tưởng tượng A Phủ chạy trốn và Mị bị trói thay vào cái cọc. "Nghĩ thế trong tình cảnh này làm sao Mị cũng không thấy sợ".

→ Ý nghĩ đấy dẫn Mị đến hành động cởi trói cho A Phủ.

* Phân tích, đánh giá

- Đặc điểm: Đây là chi tiết bất ngờ: bởi trước đó Mị rất thản nhiên, vô cảm và Mị nghĩ đến cảnh A Phủ bỏ trốn, Mị phải chịu trói thay. Bất ngờ đến mức chính người trong cuộc cũng không thể hình dung được cho nên sau khi cởi trói cho A Phủ Mị đứng lặng trong bóng tối.

→ Tuy bất ngờ nhưng hợp lí, lôgic.

- Tác nhân: giọt nước mắt của A Phủ

- Vai trò, ý nghĩa:

+ Chi tiết làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn Mị:

+ Sức sống tiềm tàng và ý thức phản kháng mãnh liệt;

+ Giàu lòng nhân ái, biết yêu thương, sẻ chia với người khác.

+ Toát lên giá trị tư tưởng chủ đề của tác phẩm, tài năng nghệ thuật của tác giả.

2.2 Liên hệ với nhân vật thị Nở qua chi tiết thị mang bát cháo hành cho Chí Phèo trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.

* Giới thiệu chung:

- Vị trí và vai trò: Xuất hiện nửa sau tác phẩm, thể hiện rõ chân dung nhân vật và tư tưởng chủ đề tác phẩm, tài năng tác giả.

- Bối cảnh: Sau đêm tình yêu bên bờ sông với Chí Phèo, thị Nở về không chợp mắt được, thấy tội Chí. Thị nghĩ nếu được ăn cháo sẽ ra mồ hôi và nhanh khỏi bệnh. Vì vậy, sáng sớm thị chạy đi tìm hành, tìm gạo để nấu cháo, mang sang cho Chí.

* Phân tích, đánh giá:

- Trước hết, đây là liều thuốc giải cảm cho trận ốm của Chí sau cơn say.

- Đây còn là liều thuốc giải độc cho tâm hồn Chí, đánh thức "điểm Phật" (Heminway) trong Chí trỗi dậy sau nhiều năm tháng bị vùi lấp tàn nhẫn. Chí biết vui, biết buồn, biết xúc động, ăn năn; dấy lên khát vọng được yêu thương, những rung động rất nhân bản, nhân tính: "hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ"; đặc biệt Chí thấy thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người...Bát cháo hành của thị Nở đã kéo Chí Phèo thoát ra khỏi bóng tối cuộc đời để bước ra ánh sáng lương tri.

- Chi tiết giúp Nam Cao thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn khuất lấp của người phụ nữ nông thôn Việt Nam trong xã hội cũ: giàu tình yêu thương. Đó là tình yêu thương mộc mạc, đơn sơ nhưng hiếm hoi của thị Nở giữa làng Vũ Đại đầy định kiến tàn nhẫn. Qua đây, Nam Cao thể hiện được vẻ đẹp của tấm lòng nhân ái, tình thương đáng trân quý giữa đồng loại.

2.3 Nét độc đáo trong cái nhìn, tình cảm của hai tác giả đối với người phụ nữ.

* Nét tương đồng:

- Cả hai tác giả đều giành sự quan tâm tới nữ lao động nghèo, lấy họ làm phương tiện nghệ thuật để khái quát hiện thực đời sống; đều cho nhân vật bằng hành động, tấm lòng mình góp vai trò quan trọng trong việc tạo nên bước ngoặt lớn, có ý nghĩa trong cuộc đời của những người có cảnh ngộ đáng thương.

- Đều có "con mắt tình thương" nên phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ có thân phận hẩm hiu: giàu lòng nhân ái, biết yêu thương, quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ người có cảnh ngộ đáng thương.

- Hai nhà văn đều bộc lộ tư tưởng nhân đạo sâu sắc; thể hiện những triết lí nhân sinh đúng đắn.

- Đều tài hoa trong việc sáng tạo chi tiết, dùng nó để thể hiện sự thay đổi lớn lao trong cuộc đời nhân vật khác, khắc sâu số phận và tính cách các nhân vật; thúc đẩy cốt truyện phát triển.

* Điểm khác biệt:

- Chí Phèo của Nam Cao:

+ Khám phá người nông dân dưới ách thống trị của bọn cường hào ác bá trong xã hội nông thôn Việt Nam xưa; ngợi ca thiên tính nữ; thể hiện niềm tin vào vẻ đẹp, bản chất của con người tưởng như vô giá trị đằng sau vẻ xấu xí, đần độn, dở hơi...là một tâm hồn thánh thiện, một trái tim rất mực nhân ái; khẳng định sức mạnh kì diệu của tình yêu thương có thể cứu rỗi tâm hồn con người, giúp con người "tách khỏi phần thú" và tiến tới phần người.

+ Từ góc độ nghệ thuật: chi tiết này tuy giản đơn nhưng rất giàu ý nghĩa, góp phần thúc đẩy cốt truyện phát triển, tăng kịch tính cho câu chuyện thúc đẩy mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân và địa chủ lên đến đỉnh điểm.

- Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài:

+ Khám phá người phụ nữ miền núi dưới ách thống trị độc ác, tàn bạo của cường quyền, thần quyền, của những hủ tục lạc hậu: cuộc sống nghèo khổ, tủi nhục nhưng có vẻ đẹp tâm hồn đáng trân trọng; thể hiện niềm tin vào sức sống tiềm tàng, khả năng đấu tranh của họ; khẳng định quy luật tất yếu của đời sống nhân sinh: tức nước vỡ bờ.

+ Từ góc độ nghệ thuật chi tiết này có vai trò mở nút chấm dứt xung đột giữa bọn chúa đất phong kiến miền núi với người dân lao động nghèo. Đây là chi tiết mở, khép lại chặng đời khổ ải, tủi nhục của Mị ở Hồng Ngài và mở ra một chặng đường mới của Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Nó đánh dấu một mốc son ý nghĩa trong đời Mị: giã từ bóng tối ra ánh sáng, từ "thung lũng đau thương ra cánh đồng vui".

* Lí giải sự tương đồng và khác biệt: Do hoàn cảnh sáng tác, cách nhìn hiện thực, tư tưởng, phong cách nghệ thuật...

3. Kết luận

- Khái quát lại vấn đề.


Cùng chủ đề:

Đề số 26 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 27 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 28 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 29 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 30 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 31 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 32 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 33 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 34 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 35 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 36 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn