Đề số 32 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn — Không quảng cáo

Soạn văn 12 tất cả các bài, Ngữ văn 12 , tổng hợp văn mẫu hay nhất ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN


Đề số 32 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Đáp án và lời giải chi tiết - Đề số 32 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề bài

I.Đọc – hiểu văn bản

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi nêu được:

(1) Khi nhà thơ Lưu Quang Vũ viết mấy câu thơ “Tôi chán tất cả bạn bè tôi, mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới” thì hẳn là Vũ buồn. Nhưng nỗi buồn đó chắc chắn sẽ là lớn hơn rất nhiều nếu không xảy ra với lĩnh vực thi ca mà với lĩnh vực kiến thức đời sống, với khoa học kĩ thuật và công nghệ, bởi ở đó người ta luôn chờ đợi những tiến bộ tính theo từng phút giờ (…)

(2) Thật bất hạnh nếu chiếc máy hơi nước của thế kỉ 15 đến hôm nay vẫn tiếp tục bò lê bò càng trên phố xá đông đúc. Thật bất hạnh nếu vi trùng lao cho đến hôm nay vẫn chưa có tên là vi trùng Cốc. Thực bất hạnh nếu trong vốn từ vựng của loài người hôm nay vẫn chưa biết đến từ vacxin và thật bất hạnh khi con quỷ đậu mùa vẫn tiếp tục thò bàn tay gớm ghiếc ấn lên những gương mặt thiên thần của các em bé ngày nay.

(3) Muốn có được sự tiến bộ để vượt lên, để cho hôm nay khác hôm qua như vậy phải bắt đầu từ khát vọng. Trước hết là khát vọng của con người vượt qua tăm tối của nhận thức để tìm sự thật – sự thật của kiến thức, của chân lý khoa học. Đó cũng là khát vọng tự do của con người, bởi người ta chỉ thực sự tự do khi có đủ hiểu biết – “Tự do là tất yếu được nhận thức” (Các Mác). Đó còn là khát vọng của lòng yêu nước, yêu thương con người, muốn thay đổi cách nghĩ cách làm, làm sao cho xã hội tốt hơn, đưa cuộc sống của con người tiến lên một bước phát triển mới (…)

(Đoàn Công Lê Huy, Yêu xứ sở thương đồng bào , tr35, NXB Kim Đồng)

Câu 1. Xác định phép liên kết hình thức được sử dụng ở đoạn văn (2).

Câu 2. Theo tác giả, nhờ đâu xã hội có sự tiến bộ để hôm nay khác hôm qua? Tại sao?

Câu 3. Hãy lí giải vì sao tác giả cho rằng: thật bất hạnh nếu đến giờ vẫn còn máy hơi nước, còn chưa tìm ra tên của vi trùng lao, chưa có vacxin?

Câu 4. Theo anh/chị, mỗi chúng ta cần phải làm gì để khát vọng “ thay đổi cách nghĩ cách làm, làm sao cho xã hội tốt hơn ” thành hiện thực?

II. Làm văn

Câu 1:

Viết một đoạn văn nghị luận ngắn (khoảng 200 từ) với chủ đề: Muốn có được sự tiến bộ để vượt lên, để cho hôm nay khác hôm qua phải bắt đầu từ khát vọng.

Câu 2:

Cùng nhận ra sự hữu hạn của đời người, Xuân Diệu (trong bài thơ Vội vàng) và Xuân Quỳnh (trong bài thơ Sóng) đều thể hiện khát khao sống trọn vẹn. Anh/chị hãy làm sáng tỏ nét tương đồng và khác biệt của hai khát vọng đó qua hai đoạn thơ sau:

Ta muốn ôm!

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn,

Ta muốn riết may đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi.

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

( Vội vàng , Xuân Diệu)

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ,

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

( Sóng, Xuân Quỳnh)

Lời giải chi tiết

I. Đọc – hiểu

Văn bản

Câu 1:

- Phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn 2 là: phép lặp (Thật bất hạnh nếu…)

Câu 2:

- Xã hội có sự tiến bộ để hôm nay khác hôm qua vì: Khát vọng.

- Giải thích:

+ Trước hết là khát vọng của con người vượt qua tăm tối của nhận thức để tìm sự thật – sự thật của kiến thức, của chân lí khoa học.

+ Khát vọng còn là tự do của con người, bởi con người ta chỉ tự do khi hiểu biết.

+ Khát vọng của lòng yêu nước, yêu thương con người, thay đổi cách nghĩ, cách làm để xã hội tốt hơn, đưa cuộc sống con người tiến lên.

Câu 3:

- Vì: nếu con người vẫn còn dùng máy hơi nước, chưa tìm ra tên vi trùng lao, chưa có vacxin tức là con người không có khát vọng, hoài bão. Cuộc sống con người sẽ dần đi vào bế tắc, ngõ cụt. Không có khát vọng nhân loại sẽ đi đến chỗ diệt vong.

Câu 4:

- Tự bản thân mỗi người cần có mục tiêu phấn đấu và tích cực cố gắng mục tiêu mình đã đề ra.

- Không quản ngại khó khăn, không gục ngã trước những thử thách trên con đường chinh phục khát vọng của bản thân.

- Đổi mới tư duy, suy nghĩ, cách nhìn nhận các vấn đề xung quanh. Luôn luôn tìm tòi, sáng tạo.

II. Làm văn

Câu 1:

1. Giải thích

- “Muốn có được sự tiến bộ vượt lên, để cho hôm nay khác hôm qua phải bắt đầu từ khát vọng”

→ Ý nghĩa của khát vọng trong cuộc sống

- Khát vọng là gì? Khát vọng là những mong muốn của con người về những điều lớn lao, tốt đẹp với một sự thôi thúc mạnh mẽ. Khát vọng là hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và cho cộng đồng.

2. Bàn luận vấn đề

- Ý nghĩa của khát vọng sống:

+ Khát vọng là biểu hiện mang tính tích cực của tâm lý con người. Khát vọng xuất phát từ những mong ước làm nên cuộc đời hạnh phúc, không chỉ cho bản thân người đó mà cho những người xung quanh. Khát vọng thể hiện được giá trị cao đẹp của mỗi người.

+ Những con người có khát vọng luôn nhận thức mình là ai và có thể làm gì để giúp đỡ mọi người. Những người có khát vọng sống có trái tim say mê, luôn sống hết .

+ Khát vọng có thể thực hiện được có thể không nhưng chung quy lại nó luôn mang đến cho người ta sự lạc quan và hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho nhân loại.

- Mở rộng vấn đề, liên hệ bản thân

+ Trong thực tế cuộc sống, nhiều người sống không có khát vọng, song lại có không ít kẻ bị tham vọng làm cho mờ mắt. Sống thiếu khát vọng sẽ dẫn đến sống, vô nghĩa, cuộc sống thụ động, không có được thành quả tốt. Ngược lại, bị tham vọng làm cho mù quáng, con người cũng dễ rơi vào con đường tội lỗi, có những hành động trái luật pháp và đạo đức. Thiếu khát vọng hay quá nhiều tham vọng đều khiến con người không thể vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

+ Khát vọng là điều cần có ở mỗi người. Cần nhận thức bản thân để xây đắp những khát vọng chính đáng. Có khát vọng cao đẹp, con người cũng cần phải có ý thức nỗ lực để vươn tới thực hiện khát vọng đó

+ Liên hệ bản thân: Từ khát vọng muôn thuở của con người là khát vọng yêu thương, khát vọng hòa bình, khát vọng hạnh phúc..., người viết tự nhìn nhận lại bản thân để xác định cần có khát vọng như thế nào sao cho cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa.

Câu 2:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Xuân Diệu là cây bút xuất sắc của phong trào Thơ mới. Ông được giới trẻ tấn phong là ông hoàng của thơ tình yêu bởi đã đem vào thơ tình một quan niệm đầy đủ, toàn diện, một cách thể hiện mới mẻ, phong phú đặc biệt là sự  diễn đạt chân thực và táo bạo về tình yêu. Xuân Diệu đem đến cho thơ hiện đại Việt Nam một giọng điệu thiết tha, sôi nổi.

- Vội vàng được in trong tập Thơ thơ (1938). Thi phẩm đầu tay này ngay lập tức vinh danh Xuân Diệu như một đại biểu tiêu biểu nhất của phong trào thơ Mới.

- Xuân Quỳnh là gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.

- Sóng (1967) là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

2. Phân tích

* Đoạn thơ trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu bộc lộ một cái tôi sôi nổi, vồ vập và giàu khát vọng.

- Chữ tôi tr ong đoạn thơ mở đầu đã chuyển thành chữ ta ở đoạn cuối. Dường như có sự đồng thuận mặc nhiên nào đó mà cảm xúc của cái tôi bỗng hòa nhập vào cái ta rộng mở.

- Nhịp thơ sau một hồi ngưng đọng lại như hối hả, gấp gáp hơn chuyển tải cả một dòng cảm xúc say sưa, ào ạt.

- Tác giả dùng một loạt các động từ mạnh ôm, riết, say hôn ,... thể hiện ước muốn tận hưởng bằng tất cả các giác quan.

- Các bổ ngữ ⟶ bày ra bàn tiệc thịnh soạn của cuộc đời, có đầy đủ thanh sắc, đẹp vô cùng, trần trề vô cùng.

- Liên từ và, cho ... được lặp lại ⟶ nhấn mạnh sự ăm ắp, thịnh soạn của bàn tiệc của mùa xuân, bàn tiệc của cuộc đời.

- Một loạt tính từ và cũng là từ láy: chếnh choáng, đã đầy, no nê ⟶ diễn tả sự thỏa mãn tận cùng.

- Tác giả khép lại mong muốn của mình bằng:

+ Lời gọi: hỡi xuân hồng ⟶ mùa xuân không còn vô hình, trừu tượng mà trở thành con người hữu hình, thân thiết.

+ Biện pháp chuyển đổi cảm giác: xuân ⟶ xuân hồng ⟶ muốn cắn ⟶ mong muốn được hưởng thụ một cách trọn vẹn nhất.

=> Xuân Diệu vô cùng nhạy cảm trước bước đi của thời gian cho nên thi sĩ khát khao tận hưởng những phút giây đẹp nhất của đời người. Đây cũng chính là một khát vọng rất nhân văn.

- Nghệ thuật:

+ Có sự đan xen giữa cảm xúc nồng nàn với cảm hứng triết luận sâu sắc.

+ Dùng rất nhiều biện pháp nghệ thuật: thể thơ tự do, thủ pháp trùng điệp, ngôn từ mới mẻ, hình ảnh sáng tạo…

* Đoạn thơ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh thể hiện cái tôi đầy khao khát.

- Khát vọng được hóa thành trăm con sóng nhỏ, khát vọng được tan thành trăm con sóng nhỏ là khát vọng được cho đi và dâng hiến bởi có một nghịch lí trong tình yêu là "Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn dám mạnh dạn cho đi chứ không phải nắm giữ thật chặt " (Christopher Hoare). "Tan ra" không phải là tan biến đi mà là để còn mãi.

- Khát vọng muốn hòa nhập tình yêu của mình để ngàn năm còn vỗ. Đây là khát vọng muốn được vĩnh cửu hóa, bất tử hóa tình yêu.

- Nghệ thuật :

+ Thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu , âm hưởng của những con sóng biển

+ Sử dụng phép nhân hóa, so sánh.

* Đánh giá:

- Giống nhau : đều sử dụng thể thơ giàu nhịp điệu, đều thể hiện được khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng về tình yêu với cuộc đời. Cả hai bài thơ đều thể hiện những xúc cảm dạt với tình yêu và cuộc sống.

- Khác nhau : khát vọng trong Sóng là khát vọng của tình yêu lứa đôi, là khao khát dâng hiến đến tận cùng. Còn trong Vội vàng thì thể hiện một quan niệm sống : sống vội vàng, sống giục giã, cuống quýt, phải tận hưởng vì thời gian đi qua tuổi trẻ sẽ không còn.

3. Kết luận

- Khái quát lại vấn đề.


Cùng chủ đề:

Đề số 27 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 28 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 29 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 30 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 31 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 32 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 33 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 34 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 35 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 36 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề số 37 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn