Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 3 — Không quảng cáo

Đề thi giữa kì 1 Ngữ Văn 9 - Kết nối tri thức


Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 3

Tải về

Tải về đề thi và đáp án Tải về đề thi Tải về đáp án

Đề thi giữa kì 1 Văn 9 đề số 3 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Đề thi

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc kĩ văn bản sau:

Một em bé đáng yêu đang cầm hai quả táo trong tay. Mẹ bước vào phòng và mỉm cười hỏi cô con gái nhỏ: “Con yêu, con có thể cho mẹ một quả táo được không?”

Em bé ngước nhìn mẹ trong một vài giây, rồi sau đó lại nhìn xuống từng quả táo trên hai tay mình. Bất chợt, em cắn một miếng trên quả táo ở tay trái, rồi lại cắn thêm một miếng trên quả táo ở tay phải.

Nụ cười trên gương mặt bà mẹ bỗng trở nên gượng gạo. Bà cố gắng không để lộ nỗi thất vọng của mình.

Sau đó, cô gái nhỏ giơ lên một trong hai quả táo vừa bị cắn lúc nãy và rạng rỡ nói: “quả này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ!”.

Thực hiện yêu cầu:

Câu 1 (0.5 điểm). Cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2 (1.0 điểm). Xác định lời dẫn trực tiếp trong văn bản và trình bày ngắn gọn dấu hiệu để xác định lời dẫn trực tiếp đó.

Câu 3 (0.5 điểm). Giải thích từ: thất vọng

Câu 4 (1.0 điểm). Tại sao người mẹ cảm thấy thất vọng khi em bé cắn hai quả táo? Em hãy hình dung gương mặt người mẹ sẽ ra sao khi nghe lời con gái nói: “Quả táo này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ”.

Câu 5 (1.0 điểm). Tại sao em bé không đưa ngay một quả táo cho mẹ mà phải cắn từng trái? Qua đó em nhận xét về hành động và tình cảm của em bé đối với mẹ?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (4.0 điểm). Dựa vào nội dung câu “Đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” , em hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Câu 2 (2.0 điểm). Viết đoạn văn (10 – 12 câu) phân tích đoạn thơ sau:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã

Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

(Trích bài thơ Quê hương, Tế Hanh)

Đáp án

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Câu 1.

Cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Phương pháp: Căn cứ các phương thức biểu đạt đã học.

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

Câu 2.

Xác định lời dẫn trực tiếp trong văn bản và trình bày ngắn gọn dấu hiệu để xác định lời dẫn trực tiếp đó.

Phương pháp: Căn cứ Lời dẫn trực tiếp, gián tiếp.

Cách giải:

- Lời dẫn trực tiếp:

+ Con yêu, con có thể cho mẹ một quả táo được không?

+ Quả táo này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ!

- Dấu hiệu: đặt sau dấu hai chấm và đặt trong ngoặc kép.

Câu 3.

Giải thích từ: thất vọng

Phương pháp: Giải thích.

Cách giải:

Thất vọng là: cảm giác không vui, không hài lòng khi điều mong đợi không được như ý.

Câu 4.

Tại sao người mẹ cảm thấy thất vọng khi em bé cắn hai quả táo? Em hãy hình dung gương mặt người mẹ sẽ ra sao khi nghe lời con gái nói: “Quả táo này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ”.

Phương pháp: Lý giải.

Cách giải:

- Mẹ thất vọng vì mẹ nghĩ bé là một người tham lam, không hiếu thảo.

- Hình dung hình ảnh người mẹ: ngạc nhiên, hạnh phúc, xấu hổ.

Câu 5.

Tại sao em bé không đưa ngay một quả táo cho mẹ mà phải cắn từng trái? Qua đó em nhận xét về hành động và tình cảm của em bé đối với mẹ?

Phương pháp: Lý giải.

Cách giải:

- Em bé không đưa cho mẹ ngay vì sợ một trong hai quả sẽ có quả không ngon, nếu lỡ đưa mẹ quả không ngon em sẽ thương mẹ và buồn vì không dành cho mẹ được điều tốt nhất.

- Nhận xét:

+ Hành động thể hiện em bé là người ân cần, chu đáo.

+ Tình cảm: yêu thương mẹ hết lòng.

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1.

Dựa vào nội dung câu “Đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” , em hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phương pháp:

Học sinh trình bày suy nghĩ của mình, cơ bản đạt được nội dung: trình bày suy nghĩ về hình ảnh người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

- Việt Nam là một quốc gia nằm ven biển. Lãnh thổ bao gồm đất liền và rất nhiều hải đảo. Bên cạnh những người chiến sĩ bảo vệ chủ quyền của đất nước trên đất liền, trên không, chúng ta không thể không nghĩ tới những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

- Các anh là những người sống trong một khung cảnh có nhiều khó khăn gian khổ: sống giữa biển khơi, đầy nắng gió, thường xuyên gặp phải bão tố,…

- Cuộc sống của các anh thiếu thốn phương tiện so với người dân ở đất liền: thiếu nước ngọt, thiếu sách báo,…

- Xa gia đình, xa người thân nên nhiều khi phải trải qua những nỗi buồn da diết vì nhớ nhà,…

- Tuy đầy gian khổ và khó khăn nhưng những điều này không làm mềm đi ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, nhất là những ngư dân trên biển cả.

- Đất nước được toàn vẹn, cuộc sống vẫn phát triển bình thường, hàng ngày các em được bình yên đến trường, bữa cơm mỗi ngày không thiếu những sản phẩm của biển cả,… nhờ có một phần không nhỏ công sức và sự hy sinh thầm lặng của các anh.

Câu 2.

Viết đoạn văn (10 – 12 câu) phân tích đoạn thơ sau:

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:

Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:

Chiếc thuyền nhẹ băng như con tuấn mã

Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…

(Trích bài thơ Quê hương, Tế Hanh)

Phương pháp:

Đọc kĩ nội dung bài thơ và nêu cảm nhận

Lời giải chi tiết:

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Tế Hanh và bài thơ "Quê hương".

- Giới thiệu đoạn thơ cần phân tích: tái hiện cuộc sống lao động của người dân làng chài và cảnh vật thiên nhiên nơi quê hương.

2. Thân bài:

- Khung cảnh làng quê và nghề nghiệp của người dân làng chài:

+ Câu thơ đầu: "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới" giới thiệu về nghề truyền thống của làng chài.

+ Hình ảnh "nước bao vây, cách biển nửa ngày sông" thể hiện vị trí địa lý đặc trưng, gần sông nước, vừa thể hiện sự cách biệt và liên kết với biển khơi.

- Thiên nhiên tươi đẹp và yên bình:

+ Hình ảnh "trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng" gợi lên khung cảnh buổi sáng thanh bình, trong trẻo và đầy sức sống của vùng biển.

- Hình ảnh người dân lao động:

+ "Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá": Hình ảnh người dân khỏe khoắn, hăng hái trong công việc đánh bắt cá.

+ So sánh thuyền như "con tuấn mã", mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang: Thuyền trở thành biểu tượng cho sự dũng mãnh, tinh thần kiên cường, không ngại khó khăn.

- Cánh buồm và tâm hồn làng quê:

+ "Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng" là hình ảnh đầy cảm xúc, cánh buồm không chỉ là vật dụng mà còn mang theo tâm hồn, khát vọng của làng chài.

+ "Rướn thân trắng bao la thâu góp gió" thể hiện sự mạnh mẽ, hiên ngang, sức sống mãnh liệt của người dân chài trên biển.

3. Kết bài:

- Khẳng định giá trị của đoạn thơ trong việc tái hiện vẻ đẹp thiên nhiên và con người nơi làng chài.

- Đoạn thơ là lời ca ngợi tấm lòng yêu quê hương, lòng tự hào về cuộc sống lao động của người dân chài trong thơ Tế Hanh.


Cùng chủ đề:

Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 1
Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 2
Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 2
Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 2
Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 3
Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 3
Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 3
Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 4
Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 4
Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 4
Đề thi giữa kì 1 Văn 9 - Đề số 5