Đề thi học kì 2 Văn 6 Cánh diều - Đề số 3
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Đề thi
Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“ Khi đã hiểu được động vật, con người sẽ không phá rừng làm trang trại chỉ vì muốn có được thịt bò, không chặt cây chỉ vì muốn vót đũa. Khi hiểu được nỗi đau của động vật, chúng ta sẽ không lạm dụng và cướp đi môi trường sống của chúng. Nếu thực sự là chủ nhân của muôn loài, chúng ta phải thay đổi, phải bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất, để động vật cũng có quyền được sống giống như con người”.
( Vì sao chúng ta phải đối xử thân thiện với động vật , SGK Ngữ văn 6 – Cánh diều)
Câu 1. Nội dung chính của đoạn trích trên bàn về vấn đề gì?
A. Cách đối xử của con người đối với động vật
B. Vai trò của động vật đối với con người
C. Giá trị kinh tế của động vật
D. Sự đa dạng của thế giới động vật
Câu 2. Hành vi nào đối với động vật được nêu ra trong đoạn văn đáng lên án, phê phán?
A. Phá rừng làm trang trại
B. Chặt cây
C. Cướp môi trường sống của động vật
D. Tất cả đáp án trên
Câu 3. Trong câu văn: “ Khi đã hiểu được động vật, con người sẽ không phá rừng làm trang trại chỉ vì muốn có được thịt bò, không chặt cây chỉ vì muốn vót đũa ”, bộ phận nào sau đây là trạng ngữ?
A. “Khi đã hiểu được động vật”
B. “con người sẽ không phá rừng làm trang trại chỉ vì muốn có được thịt bò”
C. “không chặt cây chỉ vì muốn vót đũa”
D. Câu không có trạng ngữ
Câu 4. Trong câu văn “Khi đã hiểu được động vật, con người sẽ không phá rừng làm trang trại chỉ vì muốn có được thịt bò, không chặt cây chỉ vì muốn vót đũa” có mấy cụm động từ?
A. 2 cụm động từ
B. 3 cụm động từ
C. 4 cụm động từ
D. 6 cụm động từ
Câu 5. Tác giả đoạn văn khuyên chúng ta điều gì?
A. Hiểu được động vật
B. Không phá rừng làm trang trại
C. Không chặt cây
D. Phải bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất
Câu 6. Ý nào sau đây thể hiện rõ nhất sự trân trọng của người viết đối với động vật?
A. Không phá rừng làm trang trại chỉ vì muốn có được thịt bò
B. Không chặt cây chỉ vì muốn vót đũa
C. Không lạm dụng và cướp đi môi trường sống của chúng
D. Động vật cũng có quyền được sống giống như con người
Câu 7. Nêu một số việc em có thể làm để “bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất”.
Câu 8. Viết một đoạn văn khoảng 10 dòng để miêu tả dòng sông quê hương. Trong đoạn văn có sử dụng trạng ngữ và dấu chấm phẩy.
Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Xác định trạng ngữ và cho biết ý nghĩa của trạng ngữ:
a. Khi mùa thu sang, khắp nơi, hoa cúc nở vàng.
b. Những ngày giáp Tết, trong các chợ hoa, mọi người mua sắm nhiều.
c. Vì chủ quan, nhiều bạn làm bài kiểm tra chưa tốt.
d. Để đạt thành tích tốt, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều.
Câu 2. Viết bài văn trình bày suy nghĩ về tình trạng nghiện internet của giới trẻ hiện nay.
Đáp án
Phần I:
Câu 1 (0.25 điểm):
Nội dung chính của đoạn trích trên bàn về vấn đề gì? A. Cách đối xử của con người đối với động vật B. Vai trò của động vật đối với con người C. Giá trị kinh tế của động vật D. Sự đa dạng của thế giới động vật |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Nội dung chính của đoạn trích bàn về cách đối xử của con người đối với động vật
=> Đáp án: A
Câu 2 (0.25 điểm):
Hành vi nào đối với động vật được nêu ra trong đoạn văn đáng lên án, phê phán? A. Phá rừng làm trang trại B. Chặt cây C. Cướp môi trường sống của động vật D. Tất cả đáp án trên |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Tất cả đáp án trên
=> Đáp án: D
Câu 3 (0.25 điểm):
Trong câu văn: “ Khi đã hiểu được động vật, con người sẽ không phá rừng làm trang trại chỉ vì muốn có được thịt bò, không chặt cây chỉ vì muốn vót đũa ”, bộ phận nào sau đây là trạng ngữ? A. “Khi đã hiểu được động vật” B. “con người sẽ không phá rừng làm trang trại chỉ vì muốn có được thịt bò” C. “không chặt cây chỉ vì muốn vót đũa” D. Câu không có trạng ngữ |
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức về trạng ngữ để xác định
Lời giải chi tiết:
“Khi đã hiểu được động vật” là trạng ngữ
=> Đáp án: A
Câu 4 (0.25 điểm):
Trong câu văn “Khi đã hiểu được động vật, con người sẽ không phá rừng làm trang trại chỉ vì muốn có được thịt bò, không chặt cây chỉ vì muốn vót đũa” có mấy cụm động từ? A. 2 cụm động từ B. 3 cụm động từ C. 4 cụm động từ D. 6 cụm động từ |
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức về cụm động từ
Lời giải chi tiết:
Có 3 cụm động từ
=> Đáp án: B
Câu 5 (0.25 điểm):
Tác giả đoạn văn khuyên chúng ta điều gì? A. Hiểu được động vật B. Không phá rừng làm trang trại C. Không chặt cây D. Phải bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn văn
Lời giải chi tiết:
Tác giả khuyên chúng ta phải bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất
=> Đáp án: D
Câu 6 (0.25 điểm):
Ý nào sau đây thể hiện rõ nhất sự trân trọng của người viết đối với động vật? A. Không phá rừng làm trang trại chỉ vì muốn có được thịt bò B. Không chặt cây chỉ vì muốn vót đũa C. Không lạm dụng và cướp đi môi trường sống của chúng D. Động vật cũng có quyền được sống giống như con người |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Động vật cũng có quyền được sống giống như con người
=> Đáp án: D
Câu 7 (0.5 điểm):
Nêu một số việc em có thể làm để “bảo vệ ngôi nhà chung Trái Đất”. |
Phương pháp giải:
Suy nghĩ và nêu được ít nhất 2 việc em có thể làm
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
- Tích cực trồng cây, gây rừng, bảo vệ hệ động – thực vật
- Chôn lấp và đốt rác thải một cách khoa học
- Sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường như gió, mặt trời
Câu 8 (1.0 điểm):
Viết một đoạn văn khoảng 10 dòng để miêu tả dòng sông quê hương. Trong đoạn văn có sử dụng trạng ngữ và dấu chấm phẩy. |
Phương pháp giải:
Hình dung về dòng sông quê hương và miêu tả. Chú ý hình thức đoạn văn khoảng 10 dòng và có sử dụng trạng ngữ và dấu chấm phẩy
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
Con sông quê hương đối với em là một hình ảnh đầy thơ mộng, thân thương. Vào mỗi buổi sáng sớm, mặt nước yên bình, phẳng lặng như tờ; đến trưa, mặt trời lên cao, những tia nắng vàng chiếu xuống dòng sông, mặt nước như dát vàng dát bạc, khoác lên mình chiếc áo rực rỡ; đêm tối, dòng sông như hòa vào không gian, nhuộm đầy ánh sáng của vầng trăng tròn trên bầu trời, ông trăng tròn vành vạnh in bóng xuống mặt nước yên bình. Nhìn từ xa, con sông tuôn dài như một áng tóc trữ tình. Dòng chảy chậm rãi hiền từ, thỉnh thoảng cuốn theo đôi ba nhánh lục bình dập dềnh trên mặt sông. Những cành lục bình tim tím, lá xanh nhỏ trôi lững lờ thản nhiên như tô điểm thêm vẻ đẹp tươi tắn, ấm áp cho dòng sông quê em. Hai bên bờ sông là triền đê xanh ngút ngàn cỏ cây. Cảnh sắc thật thanh bình, yên ả!
- Trạng ngữ: Vào mỗi buổi sáng sớm; đến trưa; đêm tối; Nhìn từ xa
- Dấu chấm phẩy: Vào mỗi buổi sáng sớm, mặt nước yên bình, phẳng lặng như tờ; đến trưa, mặt trời lên cao, những tia nắng vàng chiếu xuống dòng sông, mặt nước như dát vàng dát bạc, khoác lên mình chiếc áo rực rỡ; đêm tối, dòng sông như hòa vào không gian, nhuộm đầy ánh sáng của vầng trăng tròn trên bầu trời, ông trăng tròn vàng vạnh in bóng xuống mặt nước yên bình .
Phần II (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Xác định trạng ngữ và cho biết ý nghĩa của trạng ngữ: a. Khi mùa thu sang, khắp nơi, hoa cúc nở vàng. b. Những ngày giáp Tết, trong các chợ hoa, mọi người mua sắm nhiều. c. Vì chủ quan, nhiều bạn làm bài kiểm tra chưa tốt. d. Để đạt thành tích tốt, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều. |
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức về trạng ngữ
Lời giải chi tiết:
a. Trạng ngữ chỉ thời gian: Khi mùa thu sang
b. Trạng ngữ chỉ thời gian: Những ngày giáp Tết
Trạng ngữ chỉ nơi chốn: Trong các chợ hoa
c. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân: Vì chủ quan
d. Trạng ngữ chỉ mục đích: Để đạt thành tích tốt
Câu 2 (5 điểm):
Viết bài văn trình bày suy nghĩ về tình trạng nghiện internet của giới trẻ hiện nay. |
Phương pháp giải:
Nêu suy nghĩ của em
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo:
Sinh động, mới mẻ và hấp dẫn… đó là những gì mà công nghệ thông tin, công nghệ kĩ thuật số… đã mang đến cho đời sống con người. Nhưng bên cạnh đó, không ít những thành quả của khoa học kĩ thuật đang bị lạm dụng gây ra những hiện tượng “nghiện” đầy nguy hiểm. Hiện tượng nhiều học sinh, sinh viên hiện nay “nghiện” internet cũng là một trong số những trường hợp đó.
Về bản chất, chúng ta không thể phủ nhận những tác dụng to lớn của internet. Internet là một phương tiện thông tin vô cùng hữu ích. Sử dụng internet, chúng ta có thể nắm bắt nhanh chóng, cập nhật, sinh động nhiều thông tin mới nhất về các lĩnh vực mình yêu thích… Mặt khác, internet cũng là phương tiện thông tin liên lạc tiện lợi: chỉ bằng một số tiền nhỏ chúng ta có thể trao đổi thông tin trực tiếp với bạn bè, người thân (qua Yahoo), nhìn rõ nhau (qua Webcam), … bất kể là xa nhau nửa vòng Trái Đất…
Tuy nhiên, cũng giống như các thành tựu khoa học kĩ thuật khác, ở nhiều bạn trẻ, internet đang bị lạm dụng và gây ra nhiều tác hại.
Số bạn trẻ biết sử dụng những tính năng của chúng sao cho hiệu quả nhất cũng chỉ chiếm thiểu số. Đến với “quán nét”, một cảnh tượng không thể nào khác được là những gương mặt trẻ tuổi đang căng thẳng, hồi hộp với bao trò game online, có thể kể đến vô số trò chơi đang hot như: Gunny, Zing farm, MU, đế chế… và các trò chơi trên mạng xã hội khác. Có những bạn ngồi lì trước máy quên cả ăn uống, ngủ nghỉ, nói chi đến việc học hành! Lại có cả những bậc phụ huynh không thấy con về nhà, đã tốn bao công sức “truy lùng” rồi bất ngờ phát hiện cậu ấm “mai danh ẩn tích” ở một quán “nét” và đang hào hứng với trò chơi điện tử!
Không chỉ vậy, “ôm ấp” chiếc máy tính và mạng internet còn có những “đệ tử” trung thành của Yahoo. Họ lạm dụng chức năng của hệ điều hành này để ngày đêm chát chít với bạn bè, dĩ nhiên, câu chuyện của họ đơn giản chỉ là: “ăn cơm chưa? ăn rồi à? đang làm gì đấy?” rất vui vẻ! Nhưng điều nguy hiểm nhất qua đây, nhiều bạn trẻ có thể “kết bạn” dễ dàng, yêu nhau dễ dàng và mắc bẫy cũng dễ dàng. Hàng trăm chuyện bị “lừa tình”, “lừa tiền” qua Yahoo không còn là chuyện lạ. Đó là những lời cảnh tình nghiêm khắc đối với những ai còn mù quáng với những lời tán gẫu qua một kênh ảo như vậy.
Có những bạn đến với intenet chỉ đơn thuần là để… tải nhạc và “down” ảnh. Những đối tượng như vậy tưởng chừng như vô hại nhưng kì thực trong hành động của họ lại tiềm ẩn những hiểm họa rất lớn. Chưa kể đến việc mất thời gian, tiền bạc và sức lực. Hãy xem đến những loại nhạc và loại ảnh họ tải về: “Em yêu! Nhớ anh không? Nhớ à? Đang làm gì đấy?” … những tấm ảnh ngoài luồng, những đoạn “clip” đen, … Chẳng phải chúng đang tiềm ẩn những hiểm họa làm suy thoái cả một thế hệ người hay sao? Giới trẻ sẽ yêu như thế nào, sống như thế nào khi lớn lên trong một môi trường những ngôn từ nhạt nhẽo, thậm chí ngớ ngẩn, những tấm ảnh nhơ nhớp, nhầy nhụa như vậy?
Việc nghiện internet đang lấy đi sức lực, thời gian và trước hết là sự vô tư, trong sáng của tuổi trẻ. Sa vào những hoạt động như vậy, một điều dễ hiểu là những bạn trẻ ấy không có thời gian cho việc học hành, cho những hoạt động ngoại khóa bổ ích, hiển nhiên là không có cả thời gian cho gia đình, người thân. Vậy rồi tương lai những người bạn ấy sẽ ra sao?
Internet là những phát minh hữu ích cho con người nhưng nếu không biết sử dụng đúng cách thì chúng sẽ gây tác hại vô cùng to lớn. “Nghiện” internet là biểu hiện tiêu cực khi sử dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật này. Tuổi trẻ ta – thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ – không thể là những con nghiện, là những nô lệ cho internet hay bất kì phương tiện máy móc nào khác. Các bạn trẻ, chúng ta hãy là những chủ nhân thông minh của những thành quả khoa học kĩ thuật.