Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 7 — Không quảng cáo

Đề thi văn 7, đề kiểm tra văn 7 kết nối tri thức có đáp án và lời giải chi tiết Đề thi học kì 2 Văn 7 - Kết nối tri thức


Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 7

Tải về

Tải về đề thi và đáp án Tải về đề thi Tải về đáp án

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: CHIẾC ĐÈN ÔNG SAO

Đề thi

Phần I: ĐỌC – HIỂU (6 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi

CHIẾC ĐÈN ÔNG SAO

Thằng Tùng ôm khư khư chồng báo trước ngực. Nó len lỏi đi dọc đường Hàng Mã rồi xuôi theo phố Lương Văn Can. Đèn điện sáng trưng. Một thế giới của tuổi thơ ở đây. Đủ các loại đồ chơi. Những chiếc đèn lồng, đèn ông sao treo kín lối đi, xếp đầy trong thùng giấy, tràn cả xuống lòng đường.

Dòng người, dòng xe đi mua sắm quà trung thu rất đông. Thằng Tùng thẫn thờ nhìn. Có cậu bé, cô bé cũng chỉ trạc tuổi nó ngồi trên những chiếc xe máy đắt tiền bắt bố mẹ đi hết cửa hàng này sang cửa hiệu nọ để chọn mua đồ chơi. Những thứ đồ chơi cao cấp giá hàng trăm, hàng triệu đồng mà chúng vẫn chê khiến bố mẹ chúng phải chạy xe lòng vòng mãi.

Nhìn những chiếc đèn ông sao bày la liệt bên đường, thằng Tùng chỉ ước ao có được một chiếc. Nó và em Bi sẽ chơi chung. Nhất định nó sẽ nhường cho cu Bi cầm lâu hơn...

Chợt nhớ tới chồng báo còn nặng trên tay, thằng Tùng vội cất tiếng rao. Giọng nó đã khản đặc: - Ai... báo... đây...! Báo công an, báo pháp luật, báo an ninh thủ đô... một vụ... giết... người... hai vụ... cướp... hiếp... đây...

Không ai gọi mua báo. Thằng Tùng thấy lo lắng. Báo không bán hết phải trả lại đại lý thì sẽ bị khấu trừ vào số tiền những tờ đã bán được, lời lãi chả còn là bao. "Nhưng thôi... - Nó nghĩ - ... cũng vẫn đủ tiền ăn một ngày của hai anh em nó". Mẹ nó đang ốm mệt không gánh hàng rong vào phố được, chỉ loanh quanh ở cái chợ ngoài bãi sông quét dọn, rửa bát thuê. Chắc giờ này trong gian nhà nhỏ ở chân đê mẹ và cu Bi đang mong nó về. Nó lại định cất tiếng rao thì có người gọi:

- Ê... báo! Còn "Mua và bán" không?

Một bà chủ cửa hiệu bên đường vẫy nó. Thằng Tùng mừng quýnh:

- Dạ! Còn... còn ạ!

Thằng Tùng rút tờ "Mua và bán" đưa cho bà chủ cửa hiệu. Nhận tiền xong nó vừa định bước đi thì bà ta lại bảo:

- Khênh giúp cái thùng đèn ông sao kia vào trong nhà! Hết khách rồi...

- Vâng ạ!

Thằng Tùng đáp và đặt tập báo xuống bậc cửa. Vừa bám vào cái thùng các-tông định cùng bà chủ hiệu đẩy lên nhà thì nó vội kêu lên:

- Khoan đã bà ơi! Có một chiếc đèn ông sao bị rơi ra ngoài, kéo thùng qua thì hỏng mất.

- Rơi đâu mà rơi! Cái thằng oắt con lúc nãy bố mẹ mua cho rồi lại chê đập bẹp vứt đi đấy...

- Bà cho cháu nhé!

- Mày lấy thì lấy đi! Nó bị bẹp mất một cánh rồi!

Thằng Tùng sung sướng chộp lấy chiếc đèn ông sao đang nằm lăn lóc dưới đất. Nó cẩn thận đặt chiếc đèn lên trên chồng báo rồi giúp bà chủ hiệu đưa thùng hàng vào nhà.

Cầm chiếc đèn ông sao bị bẹp một cánh trên tay thằng Tùng cứ ngắm nghía mãi. Nó tính sẽ lấy một chiếc que lùa vào bên trong chiếc đèn nắn cho cái cánh bị bẹp phồng lên như cũ. Thế là tết trung thu này hai anh em nó sẽ có một cái đèn ông sao rồi. Thằng Tùng thấy lòng mình lâng lâng. Cu Bi giờ này chắc cũng đã ngủ. Thằng Tùng chợt nảy ra một ý nghĩ. Nó sẽ giấu thật kỹ chiếc đèn ông sao, chờ đến đúng đêm trung thu mới lấy ra, chắc chắn cu Bi sẽ bị bất ngờ và thích thú lắm.

Thằng Tùng về đến nhà thì trăng đã lên cao. Ánh trăng mùa thu lấp loá trên sóng nước sông Hồng...

(Theo truyện ngắn Trọng Bảo)

Câu 1. Ai là người kể chuyện?

A. Thằng Tùng B. Cu Bi C. Một người khác không xuất hiện trong truyện D. Bà chủ cửa hiệu

Câu 2. Đâu là thành phần vị ngữ trong câu “Dòng người, dòng xe đi mua sắm quà trung thu rất đông”?

A. Dòng xe đi mua sắm quà trung thu rất đông B. Đi mua sắm quà trung thu rất đông C. Mua sắm quà trung thu rất đông D. Quà trung thu rất đông

Câu 3. Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong câu “Những chiếc đèn lồng, đèn ông sao treo kín lối đi, xếp đầy trong thùng giấy, tràn cả xuống lòng đường.”?

A. So sánh B. Nhân hóa C. Điệp ngữ D. Nói quá

Câu 4. Chủ đề của truyện là gì?

A. Lòng dũng cảm B. Tinh thần lạc quan C. Tinh thần đoàn kết D. Lòng yêu thương con người

Câu 5. Vì sao Thằng Tùng lại có cảm giác "sung sướng chộp lấy chiếc đèn ông sao đang nằm lăn lóc dưới đất"?

A. Vì Tùng sẽ có đồ chơi trong tết trung thu. B. Vì Tùng nghĩ mình sẽ sửa lại chiếc đèn đó để bán. C. Vì tết trung thu này Tùng sẽ có đèn ông sao để cùng chơi với cu Bi. D. Vì Tùng đã bán được thêm một tờ báo.

Câu 6. Từ “thẫn thờ” trong câu “Thằng Tùng thẫn thờ nhìn.” miêu tả tâm trạng như thế nào?

A. Ngẩn ngơ, mất hết vẻ linh hoạt B. Buồn không chú ý việc chi cả C. Buồn, nghĩ về hoàn cảnh nghèo khó của mình D. Bâng khuâng, ngơ ngác

Câu 7. Trong câu:" Hết khách rồi..." dấu chấm lửng có tác dụng gì?

A . Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt B. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở, hay ngập ngừng, ngắt quãng C. Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm. D. Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết

Câu 8. Câu chuyện xảy ra vào thời điểm nào trong năm?

A. Tết Nguyên Đán B. Tết Đoan Ngọ C. Tết Nguyên tiêu D. Tết Trung thu

Câu 9. Nếu em là nhân vật thằng Tùng trong câu chuyện, em hành động như thế nào khi được bà chủ cho chiếc đèn ông sao hỏng? Vì sao em lại làm như vậy?

Câu 10. Ghi lại một cách ngắn gọn tâm trạng của em sau khi sau khi làm được một việc tốt.

Phần II: TẬP LÀM VĂN (4 điểm)

Phát biểu cảm nghĩ về một người thân của em.

Đáp án

Phần I:

Câu 1 (0.5 điểm):

Ai là người kể chuyện?

A. Thằng Tùng B. Cu Bi C. Một người khác không xuất hiện trong truyện D. Bà chủ cửa hiệu

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, chú ý lời của người kể

Lời giải chi tiết:

Trong văn bản, người kể chuyện là người khác giấu mặt, không xuất hiện trong truyện

=> Đáp án: C

Câu 2 (0.5 điểm):

Đâu là thành phần vị ngữ trong câu “Dòng người, dòng xe đi mua sắm quà trung thu rất đông”?

A. Dòng xe đi mua sắm quà trung thu rất đông B. Đi mua sắm quà trung thu rất đông C. Mua sắm quà trung thu rất đông D. Quà trung thu rất đông

Phương pháp giải:

Đọc và xác định vị ngữ của câu

Lời giải chi tiết:

Vị ngữ: Đi mua sắm quà trung thu rất đông

=> Đáp án: B

Câu 3 (0.5 điểm):

Biện pháp tu từ nào đã được sử dụng trong câu “Những chiếc đèn lồng, đèn ông sao treo kín lối đi, xếp đầy trong thùng giấy, tràn cả xuống lòng đường.”?

A. So sánh B. Nhân hóa C. Điệp ngữ D. Nói quá

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức đã học về biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

Biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong câu

=> Đáp án: C

Câu 4 (0.5 điểm):

Chủ đề của truyện là gì?

A. Lòng dũng cảm B. Tinh thần lạc quan C. Tinh thần đoàn kết D. Lòng yêu thương con người

Phương pháp giải:

Từ nội dung rút ra chủ đề của truyện

Lời giải chi tiết:

Chủ đề: lòng yêu thương con người

=> Đáp án: D

Câu 5 (0.5 điểm):

Vì sao Thằng Tùng lại có cảm giác "sung sướng chộp lấy chiếc đèn ông sao đang nằm lăn lóc dưới đất"?

A. Vì Tùng sẽ có đồ chơi trong tết trung thu. B. Vì Tùng nghĩ mình sẽ sửa lại chiếc đèn đó để bán. C. Vì tết trung thu này Tùng sẽ có đèn ông sao để cùng chơi với cu Bi. D. Vì Tùng đã bán được thêm một tờ báo.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Vì tết trung thu này Tùng sẽ có đèn ông sao để cùng chơi với cu Bi.

=> Đáp án: C

Câu 6 (0.5 điểm):

Từ “thẫn thờ” trong câu “Thằng Tùng thẫn thờ nhìn.” miêu tả tâm trạng như thế nào?

A. Ngẩn ngơ, mất hết vẻ linh hoạt B. Buồn không chú ý việc chi cả C. Buồn, nghĩ về hoàn cảnh nghèo khó của mình D. Bâng khuâng, ngơ ngác

Phương pháp giải:

Dựa và ngữ cảnh để xác định tâm trạng

Lời giải chi tiết:

Buồn, nghĩ về hoàn cảnh nghèo khó của mình

=> Đáp án: C

Câu 7 (0.5 điểm):

Trong câu:" Hết khách rồi..." dấu chấm lửng có tác dụng gì?

A . Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt B. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở, hay ngập ngừng, ngắt quãng C. Làm giãn nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm. D. Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết

Phương pháp giải:

Vận dụng kiến thức về dấu chấm lửng

Lời giải chi tiết:

Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt

=> Đáp án: A

Câu 8 (0.5 điểm):

Câu chuyện xảy ra vào thời điểm nào trong năm?

A. Tết Nguyên Đán B. Tết Đoan Ngọ C. Tết Nguyên tiêu D. Tết Trung thu

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện xảy ra vào thời điểm tết Trung thu

=> Đáp án: D

Câu 9 (1.0 điểm):

Nếu em là nhân vật thằng Tùng trong câu chuyện, em hành động như thế nào khi được bà chủ cho chiếc đèn ông sao hỏng? Vì sao em lại làm như vậy?

Phương pháp giải:

Vào vai nhân vật Tùng và nêu suy nghĩ

Lời giải chi tiết:

Gợi ý: Nếu em là nhân vật thằng Tùng trong câu chuyện, em cũng sẽ rất vui và sửa nó thật đẹp cho em Bi chơi. Em làm như vậy vì em cũng muốn được đón tết trung thu cùng với em trai của mình như bao đứa trẻ khác.

Câu 10 (1.0 điểm):

Ghi lại một cách ngắn gọn tâm trạng của em sau khi sau khi làm được một việc tốt.

Phương pháp giải:

Từ nội dung rút ra tâm trạng sau khi đọc

Lời giải chi tiết:

- Việc tốt em từng làm: giúp một bà lão qua đường

- Tâm trạng: vui vẻ, tự hào vì mình biết giúp đỡ người khác.

Phần II (4 điểm)

Phát biểu cảm nghĩ về một người thân của em.

Phương pháp giải:

* Giới thiệu được người thân và tình cảm với người đó.

* Biểu cảm về người thân:

- Nét nổi bật về ngoại hình.

- Vai trò của người thân và mối quan hệ đối với người xung quanh.

* Kỉ niệm đáng nhớ nhất giữa em và người thân, biểu cảm về người đó.

* Tình cảm của em với người thân.

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

Năm đó, bà tôi đã gần bảy mươi tuổi. Bà tôi lưng hơi còng nên trông bà rất già. Tôi ở cùng với anh trai và bà nội. Buổi sáng, bà đưa anh trai tôi đến trường rồi lại đưa tôi đến trường mẫu giáo. Buổi trưa, bà đi đón cả hai anh em. Còn buổi chiều bà cho chúng tôi tha hồ chơi đùa với những đứa trẻ cùng xóm.

Bà tôi có khuôn mặt rất hiền từ và một cặp mắt rất nhanh nhẹn. Bà thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, câu đố, hò vè, nhất là truyện Nôm. Bà thuộc từ câu đầu đến câu cuối của cuốn Truyện Kiều. Bà đọc Kiều không sai một câu nào, tôi mượn được của cô giáo dạy Văn tôi hồi lớp 9 cuốn Truyện Kiều để xác minh điều này. Bà còn kể chuyện Hoàng Trừu, chuyện Phạm Công – Cúc Hoa, Phạm Tải – Ngọc Hoa…Bà tôi còn biết cả chữ Hán, bố tôi bảo đó là do cụ tôi dạy bà học chữ. Kho tàng truyện cổ tích của thì vô cùng phong phú. Đêm nào tôi cũng được nghe bà kể chuyện. Và mỗi đêm là một câu chuyện mới. Khi kể chuyện bà thường hỏi ý kiến của tôi về các nhân vật rồi bà giảng giải, theo cách của bà, nhiều khi khác với sự giảng giải của cô giáo, về các câu chuyện. Tôi rất thích thú phần bình luận của bà. Hằng đêm, một bàn tay bà phe phẩy chiếc quạt làm bằng lá cọ (bà không thích quạt điện vì nó làm bà thấy mệt), một tay bà lùa xuống dưới mớ tóc cháy nắng của tôi gãi nhẹ. Đó là cảm giác mà tôi thích nhất. Giọng kể chuyện rủ rỉ của bà bên tai đưa tôi vào những giấc ngủ êm đềm với bao nhiêu điều tốt đẹp.

Bình thường, bà tôi rất khoẻ mạnh, bà chăm sóc cả hai anh em tôi rất chu đáo, khiến chúng tôi luôn cảm thấy đầy đủ, không bị thiệt thòi khi bố mẹ vắng nhà thường xuyên. Nhưng những lúc trái nắng trở trời, bà rất hay bị đau lưng. Bà thường bảo tôi lấy rượu ngâm gừng rồi bóp cho bà. Những lúc đó tôi thấy thương bà vô cùng. Bố tôi bảo, bà đau lưng vì lúc trẻ phải gánh nhiều lúa và làm nhiều việc nặng.

Tôi rất yêu bà và luôn tự hào về bà nội của mình. Sống bên bà tôi luôn cảm thấy rất bình yên. Bà đã cho tôi một tuổi thơ thật diệu kì. Những câu chuyện của bà làm tôi rất yêu môn Văn và thích học Văn. Bố tôi bảo, đó là vì tôi được thừa hưởng một chút ít dòng máu của cụ truyền lại cho bà và bà truyền lại cho tôi.


Cùng chủ đề:

Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 2
Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 3
Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 4
Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 5
Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 6
Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 7
Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 8
Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 9
Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 10
Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 11
Đề thi học kì 2 Văn 7 Kết nối tri thức - Đề số 12