Đề thi vào 10 môn Văn Cao Bằng năm 2022 — Không quảng cáo

Đề thi vào 10 môn văn có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào 10 môn Văn Cao Bằng


Đề thi vào 10 môn Văn Cao Bằng năm 2022

Tải về

Đọc đoạn văn: […]. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc đoạn văn:

[…]. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi hối hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghĩa rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện

không may xảy ra. Một ngày cuối năm năm mươi tám năm đó ta chưa võ trang trong một trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy, anh Sáu bị hi sinh. Anh bị viên đạn của máy bay Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu. Tôi không đủ lời lẽ để tả lại cái nhìn ấy, chỉ biết rằng, cho đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi cử nhớ lại đôi mắt của anh.

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2005, tr.200)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. (1,0 điểm) Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

Câu 2. (1,0 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của các thành phần biệt lập trong đoạn văn.

Câu 3. (1,0 điểm) Nêu nội dung của đoạn văn.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của em về tình cảm gia đình.

Câu 2. Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU:

Câu 1:

Đoạn văn trên trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?

Phương pháp: Căn cứ bài Chiếc lược ngà.

Cách giải:

- Tác phẩm: Chiếc lược ngà.

- Tác giả: Nguyễn Quang Sáng.

Câu 2:

Chỉ ra và nêu tác dụng của các thành phần biệt lập trong đoạn văn.

Phương pháp: Căn cứ bài Thành phần biệt lập.

Cách giải:

- Thành phần biệt lập: năm đó ta chưa võ trang – trông một trận càn lớn của quân Mĩ – ngụy.

=> Thành phần phụ chú.

- Thành phần biệt lập: Hình như.

=> Thành phần tình thái.

Câu 3:

Nêu nội dung của đoạn văn.

Phương pháp: Căn cứ đoạn trích, phân tích.

Cách giải:

Nội dung đoạn văn là: Anh Sáu hi sinh trong một trận càn của Mĩ – ngụy, trước khi mất anh vẫn không quên việc mình chưa tặng con cho gái chiếc lược ngà và gửi gắm nhiệm vụ đó cho đồng đội của mình.

II. LÀM VĂN:

Câu 1:

Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của em về tình cảm gia đình.

Phương pháp: Phân tích, giải thích, tổng hợp.

Cách giải:

a. Yêu cầu về mặt hình thức: Viết đúng một đoạn văn khoảng 150 chữ.

b. Yêu cầu về mặt nội dung:

* Xác định vấn đề nghị luận: Tình cảm gia đình.

* Giải thích:

Tình cảm gia đình: Là tình cảm xuất phát từ những người thân trong gia đình với nhau. Đây là thứ tình cảm thiêng liêng, gần gũi nhất của mỗi con người. Tình cảm gia đình thường được biết đến qua tình cảm của cha mẹ, ông bà với con cháu và ngược lại.

* Phân tích:

- Tình cảm gia đình là thứ tình cảm đầu đời của mỗi con người, là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn, cảm xúc và góp phần tạo nên một con người.

- Tình cảm gia đình luôn tồn tại, không bị tác động bởi vật chất, tiền tài, địa vị. Tình cảm gia đình tạo nên chỗ dựa vững chắc về mặt tâm lý cũng như tinh thần của con người.

- Tình cảm gia đình là bước đệm, là động lực để con người vượt qua những khó khăn thử thách, dám đối đầu và cố gắng trên bước đường chinh phục ước mơ.

- Tình cảm gia đình đôi khi giúp con người đanh thức những tiềm năng của bản thân, tạo nên những bước ngoặt cuộc đời, giúp con người khám phá được những khả năng phi thường của bản thân.

* Bàn luận:

- Con người cần nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của tình cảm gia đình. Biết trân trọng, bồi đắp tình cảm thiêng liêng ấy.

- Học cách quan tâm, yêu thương nhiều hơn đến những người thân xung quanh mình.

- Phê phán những người sống vô cảm, không biết yêu thương những người thân trong gia đình.

Câu 2:

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

- Nguyễn Thành Long quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 -1954) hoạt động văn nghệ ở liên khu V, sau 1954 ông tập kết ra Bắc, chuyên sáng tác.

- Ông là một trong những cây bút văn xuôi đáng chú ý trong những năm 1960 -1970, chuyên viết truyện ngắn và ký. Đề tài hướng vào cuộc sống sinh hoạt, lao động đời thường.

- Phong cách văn xuôi nhẹ nhàng, tình cảm, giàu chất thơ và ánh lên vẻ đẹp con người, mang ý nghĩa sâu sắc. Truyện của ông thường mang chất ký, chứa đựng vẻ đẹp thơ mộng trong trẻo.

- Ông viết nhiều, đã cho in hàng chục tập truyện ngắn và ký. Tác phẩm chính: Bát cơm cụ Hồ (1955), Gió bấc gió nồm (1956), Chuyện nhà chuyện xưởng (1962), Trong gió bão (1963), Những tiếng vỗ cánh (1967), Giữa trong xanh (1972) , Lý Sơn mùa tỏi (1980), Sáng mai nào, xế chiều nào (1984)..

Tác phẩm:

- Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi thực tế tại Sa Pa mùa hè 1970 của tác giả.

- Được rút ra từ tập “Giữa trong xanh” in năm 1972.

- Nổi bật trong tác phẩm là chân dung anh thanh niên.

2. Phân tích, cảm nhận

a. Hoàn cảnh sống và làm việc

- Quê quán, nghề nghiệp: Đó là một chàng trai 27 tuổi, quê ở Lào Cai, làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Nhiệm vụ của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất và dựa vào công việc báo trước thời tiết hàng ngày để phục vụ sản xuất và chiến đấu.

- Hoàn cảnh sống: Anh sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600m, quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây và mây núi Sa Pa.

=> Hoàn cảnh sống khắc nghiệt; công việc đòi hỏi sự nghị lực, tinh thần kỷ luật và tính chính xác cao.

b. Suy nghĩ đẹp

* Nghĩ về công việc:

- Vì công việc mà anh phải sống một mình trên núi cao nhưng anh vẫn gắn bó với công việc của mình bởi “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được”. Anh yêu công việc tới mức trong khi mọi người còn ái ngại cho cuộc sống ở độ cao 2.600m của anh thì anh lại ước ao được làm việc ở độ cao trên 3.000m “như vậy mới gọi là lý tưởng”.

- Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao: hằng ngày lặp lại tới 4 lần các thao tác “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết” và khó khăn nhất là lúc 1 giờ sáng “nửa đêm thức dậy xách đèn ra vườn, mưa tuyết, giá lạnh…” nhưng anh vẫn coi công việc là niềm vui “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”.

- Ý thức được giá trị công việc mà mình đang làm: dự vào việc báo trước thời tiết nên “việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”.

=> Những suy nghĩ ấy chỉ có ở những con người yêu lao động, yêu công việc của mình dù nó thật khó khăn, đơn điệu và buồn tẻ. Công việc là niềm vui, là cuộc sống của anh.

* Nghĩ về cuộc sống:

- Tự mình tìm lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ra ở đâu, mình vì ai mà làm việc?” những câu hỏi cho anh biết giá trị của bản thân và ý nghĩa của cuộc sống.

- Suy nghĩ đúng đắn về giá trị của hạnh phúc: Hạnh phúc không phải là khi cuộc sống đầy đủ về vật chất mà là khi ta làm được những điều có ích. Một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta, bắn rơi được máy bay Mỹ trên cầu Hàm Rồng, anh thấy mình “thật hạnh phúc”.

=> Qua lời kể hồn nhiên, chân thành của người thanh niên, tác giả Nguyễn Thành Long đã giúp người đọc cảm nhận được những suy nghĩ đẹp và đúng đắn của anh thanh niên cũng như của những người lao động ở Sa Pa.

c. Phong cách sống đẹp:

- Sống một mình nhưng căn nhà vẫn luôn ngăn nắp, gọn gàng “một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách” .

- Anh tự tạo niềm vui trong cuộc sống:

+ Anh trồng hoa để cuộc sống có thêm màu sắc “Hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn tổ ong”.

+ Anh nuôi gà để cải thiện bữa ăn và để có thêm niềm vui.

+ Anh thường xuyên đọc sách. Vì sách chính là người bạn để anh “trò chuyện”. Nhờ có sách mà anh chống chọi được với sự vắng lặng quanh năm. Nhờ có sách mà anh tiếp tục học hành, mở mang kiến thức.

d. Đức tính đẹp:

- Anh cởi mở, chân thành với khách, rất quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát gặp gỡ, được trò chuyện.

+ Chặn khúc cây giữa đường để được nói chuyện với mọi người.

+ Trân trọng mọi người khách ghé thăm.

+ Dù mới gặp mà anh đã rất cởi mở với ông họa sĩ và cô kĩ sư.

+ Quý trọng từng phút giây được gặp gỡ, nói chuyện với mọi người.

- Dẫu phải sống một mình nhưng anh vẫn luôn quan tâm tới người khác:

+ Tự tay đào tam thất cho vợ bác lái xe vừa bị ốm.

+ Pha nước chè mời khách, thứ chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn.

+ Tặng cô gái tất cả hoa trong vườn, tặng bác họa sĩ một giỏ trứng đầy.

- Anh còn là người khiêm tốn, thành thực cảm thấy công việc và những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé. Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh đã từ chối vì nghĩ mình không xứng đáng, rồi anh nhiệt tình giới thiệu với ông những người khác mà anh cho rằng đáng cảm phục hơn.

=> Đọc truyện, người đọc thấy vẻ đẹp thiên nhiên của Sa Pa hiện lên thật độc đáo, đầy chất thơ, nhưng truyện còn giới thiệu với chúng ta về vẻ đẹp của con người Sa Pa. Đó là những con người miệt mài làm việc, nghiên cứu khoa học, trong lặng lẽ mà rất khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của con người.

=> Liên hệ lí tưởng sống của thanh niên hiện nay: Mỗi chúng ta cần tiếp bước thế hệ cha anh, tiếp bước lí tưởng sống cao đẹp, cống hiến và phục vụ cho dân tộc, cho đất nước. Để có thể cống hiến cho đất nước, mỗi người cần chuẩn bị:

- Trau dồi tri thức, không ngừng học hỏi.

- Tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, nhân cách.

- Có phương hướng và mục tiêu rõ ràng, không ngừng phấn đấu để đạt được mục tiêu đã đề ra.

-...

3. Tổng kết

- Giá trị nội dung

+ Truyện khắc họa thành công nhân vật anh thanh niên, có quan điểm sống tích cực, đẹp đẽ. Đây là đại diện tiêu biểu cho thanh niên Việt Nam lặng lẽ cống hiến, xây dựng đất nước.

+ Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” khắc họa thành công hình ảnh những conngười lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

- Giá trị nghệ thuật

+ Cốt truyện đơn giản, xoay quanh cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm công tác khí tượng.

+ Xây dựng nhân vật - chân dung nhân vật được đánh giá qua những cảm nhận trực tiếp, được khắc họa qua nhiều điểm nhìn và miêu tả tinh tế.


Cùng chủ đề:

Đề thi vào 10 môn Văn Bình Định 2020 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Bình Định 2021 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Bình Định năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Bình Định năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Cao Bằng 2020 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Cao Bằng năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Cao Bằng năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Cà Mau 2020 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Cà Mau 2021 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Cần Thơ 2021 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Cần Thơ năm 2022